Phó Chủ tịch Phạm Đức Toàn cho rằng, phát triển thương mại miền núi cần sự vào cuộc của doanh nghiệp
Phó Chủ tịch tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn cho rằng, phát triển thương mại miền núi cần sự vào cuộc của doanh nghiệp

 

Thế khó của thương mại miền núi

Trong phát triển thương mại miền núi, Phó Chủ tịch Phạm Đức Toàn chia sẻ, đoàn Điện Biên đến với Diễn đàn trên tinh thần thực sự cầu thị và thấy rằng, việc tổ chức Diễn đàn để kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản cho khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa là một vấn đề rất cần thiết đối với khu vực khó khăn nói chung và đối với tỉnh Điện Biên nói riêng.

Phó Chủ tịch Phạm Đức Toàn nhận định, Điện Biên là tỉnh đặc biệt khó khăn, diện tích rộng, dân cư thưa, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo hiện tại còn chiếm hơn 40%. Vậy nên Điện Biên xác định là, nếu như không để cho nhân dân, nhất là nông dân, tham gia vào các chuỗi sản xuất và cung ứng cho thị trường hàng hóa, trước mắt là trong nước, thì mục tiêu xóa đói giảm nghèo của tỉnh chắc chắn sẽ không thực hiện được. Cho nên đây cũng là một vấn đề mà cấp ủy, chính quyền địa phương Điện Biên hết sức quan tâm.

Về tiềm năng, đối với nông sản, khu vực miền núi, Điện Biên có nhiều nông sản hàng hóa mà ở các thị trường lớn có nhu cầu. Sản phẩm gạo của Điện Biên hiện nay khá nổi tiếng ở thị trường trong nước; những sản phẩm như “dưa mèo” - khi đưa về thị trường thì cũng được tiếp nhận rất tích cực; hay các sản phẩm bí xanh, lạc, cà phê, chè,… cũng tương tự.

Thế nhưng, khi các doanh nghiệp cung ứng đặt vấn đề tiêu thụ, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với khối lượng ổn định hàng tháng lên tới vài chục tấn thì thường không đáp được. Bởi đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa thì vẫn sản xuất theo phương thức tự cung tự cấp, nhà dùng không hết thì mang ra bán, nên tính ổn định không cao.

Hơn nữa, nông sản lại có tính chất mùa vụ, vào vụ thu hoạch có rất nhiều, nhưng kết thúc vụ thu hoạch lại không còn sản phẩm để bán. Trong khi đó chuỗi cung ứng ở các thị trường lớn đòi hỏi phải có nguồn hàng đảm bảo về số lượng, phẩm cấp và chất lượng. Vậy nên, đến hiện tại, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa như Điện Biên hầu chưa tham gia vào các chuỗi cung ứng của các sản phẩm nông sản ở các thị trường lớn, đặc biệt như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Doanh nghiệp cần vào cuộc mạnh mẽ

Theo Phó Chủ tịch Phạm Đức Toàn, Điện Biên đang tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm nông lâm sản. Đồng thời xác định, nếu có sự tham gia của các doanh nghiệp trong phát triển thương mại miền núi, ngay từ khâu hỗ trợ cho nông dân trong tổ chức sản xuất để có một khối lượng sản phẩm hàng hóa đủ lớn, có phẩm cấp, đáp ứng được yêu cầu, mới thực hiện được mục tiêu mà các tỉnh khó khăn, trong đó có Điện Biên, đã đề ra.

Thương mại miền núi

Tại Diễn đàn này, có các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, rất nhiều những nhà phân phối, nhà sản xuất đã từng tham gia vào các hoạt động kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, Phó Chủ tịch Phạm Đức Toàn trân trọng cảm ơn Bộ Công Thương đã quyết liệt thực hiện chủ trương này của Chính phủ; cảm ơn các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã quan tâm đến phát triển thương mại miền núi.

Phó Chủ tịch Phạm Đức Toàn thông tin thêm, Điện Biên cũng có rất nhiều tiềm năng đối với các sản phẩm như mắc ca, hiện nay cũng đã trồng được trên 6.000ha, cà phê có trên 4.000ha arabica, nhưng hầu hết chưa được chế biến sâu, chỉ là các hộ gia đình, cá nhân trồng và gom nhau vào sản xuất, trong khi công nghệ chế biến hầu như vẫn chưa có gì, vậy nên giá trị gia tăng tạo ra cho người dân trong quá trình tham gia cung ứng sản phẩm ra thị trường còn rất thấp. Hay với miến dong, Điện Biên hiện có vùng trồng khoảng hơn 2.000ha. Sản phẩm này cũng là một trong những sản phẩm chế biến nguyên sơ.

Từ đó, Phó Chủ tịch Phạm Đức Toàn kiến nghị, để phát triển thương mại miền núi, Bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho đồng bào, cho các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản cho các tỉnh đặc biệt khó khăn, đặc biệt là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Thứ hai, Điện Biên trân trọng đề nghị các doanh nghiệp, các nhà sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, trực tiếp tham gia liên kết đối với người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa trong khâu từ sản xuất, xây dựng chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý,… để tiếp đó đưa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông sản theo mùa vụ, nhưng có thể sản xuất được nhiều vụ trong năm, mới có thể đáp ứng được yêu cầu ổn định, bền vững của thị trường.

Như vậy thì nông dân miền núi, vùng sâu, vùng xa mới có cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng ở thị trường trong nước. Và như vậy thì chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển thương mại miền núi, hải đảo, khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa mới có sẽ trở thành hiện thực, và cũng sẽ góp phần rất tích cực cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương của các tỉnh miền núi khó khăn nói chung và Điện Biên nói riêng hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, ổn định cho đồng bào nhân dân các dân tộc.