Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường ở tỉnh Thanh Hóa

ThS. NGỌ TUYẾT TRINH (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)

TÓM TẮT:

Ở nước ta hiện nay, du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có những đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hoạt động du lịch cũng đã gây ra những hệ lụy đối với môi trường. Do đó, gắn phát triển du lịch (PTDL) với bảo vệ môi trường (BVMT) là yêu cầu bức thiết của sự phát triển bền vững đất nước nói chung và phát triển bền vững du lịch của tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Bài viết này tập trung trình bày PTDL bền vững, quan điểm BVMT, thực trạng và một số giải pháp cơ bản gắn kết giữa phát triển kinh tế du lịch với BVMT ở tỉnh Thanh Hóa.

Từ khóa: phát triển du lịch, du lịch, bảo vệ môi trường, giải pháp, tỉnh Thanh Hóa.

1. Một số khái niệm

1.1. Phát triển du lịch bền vững

Machado, 2003 [1] đã định nghĩa du lịch bền vững là: “Các hình thức du lịch đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách du lịch, ngành Du lịch và cộng đồng địa phương nhưng không ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau. Du lịch khả thi về kinh tế nhưng không phá hủy tài nguyên mà tương lai của du lịch phụ thuộc vào đó, đặc biệt là môi trường tự nhiên và kết cấu xã hội của cộng đồng địa phương”. Định nghĩa này tập trung vào tính bền vững của các hình thức du lịch (sản phẩm du lịch), chưa đề cập một cách tổng quát tính bền vững cho toàn ngành Du lịch.

Theo Hens L.,1998 [2], “Du lịch bền vững đòi hỏi phải quản lý tất cả các dạng tài nguyên theo cách nào đó để chúng ta có thể đáp ứng các nhu cầu kinh tế, xã hội và thẩm mỹ trong khi vẫn duy trì được bản sắc văn hóa, các quá trình sinh thái cơ bản, đa dạng sinh học và các hệ đảm bảo sự sống”. Định nghĩa này mới chỉ chú trọng đến công tác quản lý tài nguyên du lịch để du lịch được phát triển bền vững.

Tại Hội nghị về môi trường và phát triển của Liên hợp quốc tại Rio de Janeiro năm 1992, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã đưa ra định nghĩa: “Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững nhằm thoả mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người, trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống con người” [3]. Định nghĩa này hàm chứa đầy đủ các nội dung, các hoạt động, các yếu tố liên quan đến du lịch bền vững. Định nghĩa này cũng đã chú trọng đến cộng đồng dân cư địa phương, BVMT sinh thái, gìn giữ bản sắc văn hóa.

Tại Khoản 14 Điều 3 Luật Du lịch năm 2017 “PTDL bền vững là sự PTDL đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai” [4].

Như vậy, PTDL bền vững là hoạt động PTDL ở một khu vực cụ thể sao cho nội dung, hình thức và quy mô là thích hợp và bền vững theo thời gian, không làm suy thoái môi trường, không làm ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ các hoạt động phát triển khác. Ngược lại, tính bền vững của hoạt động PTDL được xây dựng trên nền tảng sự thành công trong phát triển của các ngành khác, sự phát triển bền vững chung của toàn xã hội.

1.2. Quan điểm bảo vệ môi trường trong Luật Du lịch

Luật Du lịch đã xác định môi trường bao gồm “môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nhân văn, nơi diễn ra các hoạt động du lịch” (Khoản 21 Điều 4). Đây có thể coi là căn cứ quan trọng để thúc đẩy các nỗ lực về BVMT một cách hiệu quả.

 Điều 9 Luật Du lịch đặt ra yêu cầu đối với công tác BVMT trong lĩnh vực du lịch, đó là “môi trường tự nhiên, môi trường xã hội nhân văn cần được bảo vệ tôn tạo và phát triển nhằm bảo đảm môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, lành mạnh và văn minh”.

 Về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình “ban hành các quy định nhằm bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch”. Theo quy định này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành những quy định để BVMT du lịch ở khía cạnh tự nhiên, ngăn ngừa và khắc phục các hiện tượng ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường trong lĩnh vực du lịch, bảo vệ cảnh quan nơi diễn ra hoạt động du lịch; Bộ Công an có những quy định nhằm đảm bảo an ninh, trật tự trong hoạt động du lịch; Bộ Văn hóa - Thông tin quy định về việc giữ gìn nếp sống văn minh trong ứng xử đối với khách du lịch, bảo vệ các thuần phong mỹ tục… Tuy nhiên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan để BVMT trong lĩnh vực du lịch mới đạt được hiệu quả như mong muốn.

 Đối với Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp, khoản 3 Điều 9 Luật Du lịch quy định “UBND cần có biện pháp để bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch phù hợp với thực tế của địa phương”. Theo đó, UBND từ cấp tỉnh, huyện, xã đều có trách nhiệm đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp cụ thể BVMT du lịch trên địa bàn của mình.

 Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, khoản 4 Điều 9 quy định các tổ chức, cá nhân “có trách nhiệm thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh; khắc phục tác động tiêu cực do hoạt động của mình gây ra đối với môi trường; có biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh của mình”. Với quy định này, Luật Du lịch đã đề cao vai trò của các chủ thể kinh doanh trong BVMT du lịch. Các chủ thể này phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp BVMT trong phạm vi cơ sở kinh doanh của mình (thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh), đồng thời chịu trách nhiệm về những hậu quả đối với môi trường mà hoạt động kinh doanh du lịch gây ra.

 Khoản 5 Điều 9 Luật Du lịch quy định về trách nhiệm BVMT của khách du lịch, cộng đồng dân cư địa phương và các tổ chức, cá nhân khác: “bảo vệ và gìn giữ cảnh quan, môi trường, bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự nhằm nâng cao hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam”. Điều này cũng có nghĩa là môi trường du lịch chịu tác động bởi hành vi của rất nhiều chủ thể, kể cả các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các chủ thể không trực tiếp tham gia hoạt động du lịch. Vì vậy, môi trường du lịch chỉ có thể được bảo vệ một cách hữu hiệu khi tất cả các chủ thể liên quan đều thực hiện tốt trách nhiệm của mình.

2. Tiềm năng phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường tại tỉnh Thanh Hóa

2.1. Tiềm năng về địa hình, cảnh quan thiên nhiên

Thanh Hóa là địa phương có vùng biển, đồng bằng và miền núi, do đó có thể nói đây là địa phương có tiềm năng rất lớn về địa hình, cảnh quan thiên nhiên phục vụ PTDL. Có thể khái quát tiềm năng, thế mạnh về địa hình cảnh quan thiên nhiên của Thanh Hóa trên các khía cạnh sau:

Thứ nhất, về địa hình: Thanh Hóa có địa hình khá phong phú. Tổng diện tích tự nhiên của Thanh Hóa là 11.134 km2, chiếm 3,37% tổng diện tích tự nhiên cả nước, trong đó đất rừng 711.902ha, chiếm 63,7% diện tích của tỉnh; vùng bãi bồi ven sông, sinh thái biển khoảng 12.790 ha.

Thứ hai, về bãi biển, đảo: Thanh Hóa có bờ biển chạy dài 102 km, tương đối bằng phẳng, với những bãi tắm, nghỉ mát nổi tiếng, như; Sầm Sơn, Quảng Vinh (huyện Quảng Xương), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia), với cảnh quan các vũng như vũng Gầm, vũng Thủy, vũng Biện, các cửa lạch như Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Bạng và Lạch Ghép, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng của tỉnh.

Thứ ba, tiềm năng về hệ thống hang động, hồ, rừng. Thanh Hóa có vùng núi đá vôi rộng lớn, có nhiều danh thắng hang động karster gắn với các truyền thuyết, di tích lịch sử văn hóa, như: động Từ Thức (huyện Nga Sơn), động Long Quang trên núi Hàm Rồng (TP. Thanh Hóa), động Hồ Công ở Vĩnh Lộc, quần thể hang động Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia), động Tiên Sơn (huyện Vĩnh Lộc) và 1 hang động đẹp, có quy mô lớn  đó là động Bàn Bù, hay còn gọi là Hang Ngán (huyện Ngọc Lặc).

Thứ tư, về tiềm năng của các khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN): Thanh Hóa có 3 KBTTN với giá trị cao về tính đa dạng sinh học với nhiều sinh vật đặc hữu, quý hiếm, đó là KBTTN Pù Luông (huyện Quan Hóa và Bá Thước), KBTTN Pù Hu (huyện Quan Hóa và huyện Mường Lát), KBTTN Xuân Liên (huyện Thường Xuân). Trong đó, KBTTN Pù Luông đang được đầu tư và thu hút được rất nhiều khách du lịch khắp trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.

- Tiềm năng về tài nguyên sinh vật

Thanh Hóa là tỉnh có tài nguyên sinh vật phong phú có thể khai thác phục vụ PTDL. Đặc biệt, ở Thanh Hóa có vườn quốc gia Bến En (huyện Như Thanh), cách thành phố Thanh Hóa 36 km về phía Tây Nam. Tổng diện tích rừng tự nhiên là 16.634 ha được xếp vào 1 trong 10 vườn quốc gia bảo tồn thiên nhiên quý hiếm của Việt Nam. Với bãi biển trải dài, lãnh hải rộng 1,7 vạn km2, Thanh Hóa có nhiều bãi cá lớn, nhiều đàn tôm thuộc hệ tôm He ở Việt Nam và trữ lượng lớn về mực, sứa, cua, ghẹ; đặc biệt là ốc hương hiện đang được ưa chuộng trên thị trường trong nước và quốc tế, hấp dẫn khách du lịch mỗi lần đến với Thanh Hóa.

Như vậy, về mặt vị trí, địa hình, cảnh quan Thanh Hóa có những lợi thế để phát triển đầy đủ các loại hình du lịch: tắm biển, thể thao nước, leo núi mạo hiểm, đặc biệt là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng biển, văn hóa sinh thái miền núi...

- Tài nguyên văn hóa vật thể

Theo số liệu thống kê năm 2020 của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thanh Hóa hiện có hơn 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ, trong đó có 789 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, gồm: 1 di sản văn hóa thế giới, 4 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh.

- Tài nguyên văn hóa phi vật thể - Lễ hội truyền thống

Thanh Hóa có nhiều di tích lịch sử gắn với nhiều lễ hội truyền thống. Với 160 lễ hội truyền thống liên quan đến di tích lịch sử, danh thắng được Nhà nước công nhận, 50 lễ hội liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa đặc trưng riêng biệt. Lễ hội ở tỉnh Thanh Hóa rất phong phú và đa dạng, mang nhiều màu sắc đặc trưng của từng tập tục, lề thói riêng biệt, hình thành và phát triển theo 3 loại hình nổi trội: Lễ hội tín ngưỡng; Các lễ hội văn hóa lịch sử; Lễ hội dân gian gắn với truyền thuyết.

- Nghề thủ công truyền thống

Thanh Hóa có nhiều nghề thủ công truyền thống độc đáo, như: Nghề đúc đồng ở làng Chè xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa; nghề gốm gia dụng ở làng Vồm, xã Thiệu Khánh; nghề dệt cói ở Nga Sơn; nghề chế tác đá ở Đông Sơn; nghề tiện gỗ ở Quảng Minh, hay nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc Mường, dân tộc Thái ở Bá Thước, Lang Chánh… Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai nhiều phương án khả thi để phục hồi phát triển một số làng nghề đặc sắc, có giá trị văn hoá, kinh tế cao.

- Văn hóa ẩm thực

Thanh Hóa nhiều sản vật nổi tiếng gắn với từng địa danh cụ thể như nem chua Thanh Hóa, chè lam Phủ Quảng, dê núi đá, gà đồi (của huyện Vĩnh Lộc), bánh gai Tứ Trụ (của huyện Thọ Xuân), các món chế biến từ hến làng Giàng (huyện Thiệu Hóa), bánh đa cầu Bố (thành phố Thanh Hóa), mía đen Kim Tân, thịt trâu nấu lá lồm, chim mía (huyện Thạch Thành), hay các món hải sản: cua biển, ghẹ, sò huyết, tôm, mực, cá thu, cá tràu từ các huyện ven biển Sầm Sơn, Tĩnh Gia, Nga Sơn. Các sản phẩm này góp phần vào sự đa dạng và hấp dẫn của du lịch Thanh Hóa, khách du lịch đến đây sẽ được trải nghiệm quá trình sản xuất, chế biến, thưởng thức và mua về làm quà biếu sau chuyến đi du lịch.

Về hoạt động du lịch: Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến hoạt động lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa trong năm 2020 giảm mạnh, chỉ đạt 65% kế hoạch của năm. Cụ thể, năm 2020, toàn tỉnh Thanh Hóa chỉ đón trên 7,3 triệu lượt khách, giảm 24% so với năm 2019. Trong đó, khách quốc tế đạt trên 35,5 nghìn lượt khách, giảm 88,2% so với năm 2019, đạt 8,9% kế hoạch 2020. Lượng khách sụt giảm mạnh dẫn đến nguồn thu du lịch chỉ đạt hơn 10.300 tỷ đồng, giảm 28,4% so với năm 2019, đạt 50,7% kế hoạch năm 2020 (Báo cáo của Cục thống kê Thanh Hóa, 2020).

2.2. Chất lượng môi trường tại các khu, điểm du lịch

Hiện nay, vấn đề môi trường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang được quan tâm, triển khai thực hiện. Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vấn đề được khách du lịch quan tâm hàng đầu là yếu tố an toàn. Chính vì vậy, việc cải thiện và nâng cao chất lượng các chỉ số môi trường tự nhiên, là một trong những nội dung trọng tâm của du lịch Thanh Hóa. Theo đó, UBND Tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp BVMT trong hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao, du lịch, đồng thời, tỉnh cũng phê duyệt Đề án “Xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và mẫu nhà vệ sinh phù hợp với từng loại hình du lịch”.

Qua kết quả khảo sát, cả người dân địa phương và khách du lịch tại Thanh Hóa đánh giá chất lượng môi trường tại các khu, điểm du lịch tương đối cao. Kết quả khảo sát người dân địa phương và khách du lịch về chất lượng môi trường (nước sạch, không khí, rác thải, tiếng ồn...) tại các khu, điểm du lịch: Có 79,07% người dân địa phương đánh giá chất lượng môi trường tại các khu, điểm du lịch ở mức trung bình trở lên (<80%) và vẫn còn 20,93% đánh giá ở mức kém; 79,26% khách du lịch đánh giá chất lượng môi trường tại các khu, điểm du lịch ở mức trung bình trở lên (< 80%) và vẫn còn 20,74% đánh giá ở mức kém, nên tiêu chí này vẫn chưa bền vững.

3. Một số giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường ở tỉnh Thanh Hóa

Một là, về quản lý nhà nước trong PTDL gắn với BVMT: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần triển khai việc xây dựng, quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch của tỉnh đến bạn bè trong nước và quốc tế; đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan liên quan và địa phương tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nội dung các văn bản về quản lý tài nguyên du lịch, BVMT; tổ chức rà soát, tham mưu, góp ý xây dựng một số văn bản về khai thác, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên và môi trường trong hoạt động du lịch.

Hai là, về công tác quy hoạch, ứng dụng công nghệ để phát triển các khu du lịch: Quy hoạch ngành Du lịch phải đảm bảo tính khoa học, gắn với quy hoạch tổng thể để phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tài nguyên môi trường; thực hiện tốt quy hoạch về nguồn cung cấp nước sạch cho đô thị và các vùng nông thôn, nhất là các vùng du lịch, vùng kinh tế trọng điểm, tránh tình trạng quy hoạch thiếu đồng bộ, chồng chéo gây khó khăn cho công tác quản lý nói chung, quản lý môi trường nói riêng.

Để đảm bảo PTDL bền vững, Thanh Hóa cần khuyến khích ứng dụng công nghệ giảm tiêu thụ năng lượng, nước sạch và tái sử dụng chất thải trong các cơ sở dịch vụ du lịch; khuyến khích và hỗ trợ phát triển loại hình du lịch thân thiện với môi trường, đặc biệt là du lịch sinh thái.

Ba là, về giáo dục, nâng cao ý thức BVMT trong du lịch: Cần tập trung tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về BVMT. Đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn tại chỗ cho cán bộ, nhân dân địa phương, nhất là nơi có khu, điểm du lịch. Phối hợp với hội, đoàn thể, quần chúng tại cơ sở để duy trì và phát động các phong trào vệ sinh môi trường. Phối hợp với các cấp chính quyền cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ban quản lý các khu du lịch để xây dựng, ban hành các quy định về BVMT du lịch. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về BVMT, xử lý và khắc phục các hậu quả ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học do tác động của hoạt động du lịch. Hiện nay, tại các khu, điểm du lịch đều lắp đặt các cụm pano tuyên truyền về công tác BVMT, khẩu hiệu tuyên truyền về công tác BVMT trên các tàu phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, trên các tàu, thuyền đều được trang bị các thùng thu gom rác và xử lý đúng nơi quy định, không xả rác thải ra hồ, gây ô nhiễm môi trường.

Bốn là giải pháp kinh doanh của doanh nghiệp du lịch theo hướng BVMT: Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần thực hiện nghiêm những quy định của Nhà nước về BVMT. Đội ngũ nhân viên cần được tập huấn những kiến thức và kinh nghiệm về việc kinh doanh du lịch gắn với BVMT.

Các công ty lữ hành cần hướng tới các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường, các chương trình du lịch cộng đồng khai thác thế mạnh của Thanh Hóa: du lịch  homestay, du lịch sinh thái…; cảnh báo những hoạt động gây tổn hại tới môi trường cho khách du lịch thông qua các ấn phẩm, tờ rơi, tập gấp. Bên cạnh đó, hướng dẫn viên cần tuyên truyền, hướng dẫn du khách thực hiện những hành vi đẹp, bảo tồn tài nguyên và môi trường du lịch như: bỏ rác đúng nơi quy định, sử dụng những vật liệu thân thiện môi trường, không mua sắm những đồ dùng, sản phẩm làm từ những vật liệu cấm.

Đối với các nhà hàng, khách sạn cũng cần sử dụng công nghệ xanh, vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế xả thải trực tiếp ra môi trường. Việc xây dựng những cơ sở lưu trú cần tuân thủ đúng quy định, không phá vỡ cảnh quan môi trường xung quanh.

Những doanh nghiệp kinh doanh du lịch vừa là chủ thể hoạt động kinh doanh nhưng cũng có thể đầu tư, hỗ trợ cho các dự án BVMT du lịch. Việc xã hội hóa các dự án khai thác, bảo vệ tài nguyên du lịch là rất cần thiết tại tỉnh Thanh Hóa.

Năm là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường: Để du lịch phát triển bền vững, việc tạo dựng được môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện với du khách là một trong những yếu tố có tính quyết định. Thời gian tới,  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường du lịch. Trong đó, việc rà soát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư ở các khu, điểm du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn toàn tỉnh cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và hiệu quả, nhằm xử lý nghiêm, triệt để các hành vi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch địa phương. Tập trung các nguồn lực đầu tư, các dự án kinh doanh du lịch nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các khu, điểm đến du lịch, nhất là các công trình thiết yếu như khu xử lý nước thải, rác thải tập trung; trung tâm đón tiếp và hướng dẫn du lịch; bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách.

4. Kết luận

Phát triển kinh tế du lịch gắn với BVMT là sự phát triển kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững, với giải quyết có hiệu quả các vấn đề nảy sinh trong hoạt động kinh doanh du lịch và ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển. Vì vậy, phát triển kinh tế du lịch gắn với BVMT là một nhu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay đối với ngành Du lịch cả nước nói chung và ngành Du lịch tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1.  Machado A. (2003). Tourism and Sustainable Development, Capacity. Building for Tourism Development in Vietnam. Vietnam: VNAT and FUDESO,
  2. Hens L. (1998). Tourism and Environment. (M.Sc’s thesis, Free University of Brussel, Belgium).
  3. Phạm Trung Lương và các tác giả (2002). Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam. Đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước.
  4. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017). Luật Du lịch. Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

 

ASSOCIATING THE SUSTAINABLE TOURISM DEVELOPMENT WITH THE ENVIRONMENTAL PROTECTION IN THANH HOA PROVINCE

Master. NGO TUYET TRINH

                       Hanoi University of Natural Resources and Environment

ABSTRACT:

The tourism industry has become a spearhead economic sector in Vietnam and it has greatly contributed to the country’s socio-economic development. However, tourism activities have also caused consequences for the environment. Therefore, associating the tourism development with the environmental protection is an urgent and vital requirement for the sustainable economic development of the country in general and the sustainable tourism development of Thanh Hoa province in particular . This paper presents the sustainable tourism development, points of view about the environmental protection and proposes some basic solutions to associate the tourism development with the environmental protection in Thanh Hoa province.

Keywords: tourism development, tourism, environmental protection, solution, Thanh Hoa province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 5, tháng 3 năm 2022]