Phát triền bền vững ngành Hoá chất gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Trong bối cảnh ngành công nghiệp Hoá chất Việt Nam đang trải qua thời kỳ đổi mới và phát triển, nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển bền vững đang đòi hỏi các cơ sở giao dục đại học cần có những đổi mới, hướng đi phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Theo đánh giá của Cục Hóa chất – Bộ Công Thương, thời gian qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Hóa chất đã tiến hành theo nhiều hình thức như đào tạo chính quy tại các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp nghề; Hệ thực tập được tiến hành ở nước ngoài với những nhà máy mới, nhập công nghệ và thiết bị toàn bộ và thực tập ở trong nội bộ ngành hóa chất; nhà máy ra đời trước sẽ là cơ sở thực tập cho công nhân kỹ thuật của nhà máy sau.

Ngoài ra, còn loại hình đào tạo tại chỗ thông qua đào tạo tay nghề, nâng bậc... Công tác đào tạo bậc đại học và trên đại học thông qua hệ thống các trường đại học trên cả nước, trong đó các trường đại học công lập vẫn giữ vai trò chủ đạo, chủ yếu tại các trung tâm là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Bên cạnh đó, các trường đại học dân lập cũng tham gia vào quá trình đào tạo ở bậc đại học.

Đối với bậc đào tạo cao đẳng, trung cấp, công nhân kỹ thuật, hầu như cũng không có trường lớp đào tạo chuyên sâu. Các doanh nghiệp tuyển công nhân từ các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp về để đào tạo lại. Sau khi tuyển dụng, các doanh nghiệp cũng ít có được những chương trình đào tạo một cách bài bản, thông thường chỉ thực hiện việc truyền đạt những kỹ năng cơ bản trong quá trình thử việc.

Một số ít doanh nghiệp thật sự có sự quan tâm đến hoạt động đào tạo cũng chỉ có thể tự xây dựng cho mình những chương trình đào tạo tại chỗ với một số nội dụng chính, thông thường là cách vận hành những máy móc cụ thể đang có tại doanh nghiệp nên lực lượng lao động chủ yếu là thợ học nghề theo kiểu “nghề dạy nghề”. Đào tạo công nhân theo cách: công nhân bậc cao hướng dẫn lại cho công nhân mới, mặt khác doanh nghiệp tự tổ chức các lớp học nâng cao tay 60 nghề cho công nhân. Công nhân lành nghề thông thường vẫn là các công nhân lâu năm trong nghề, ít qua trường lớp. Đội ngũ kỹ thuật còn rất thiếu nhất là đội ngũ công nhân có tay nghề cao, hệ thống đào tạo công nhân chưa có, vì vậy rất thiếu đội ngũ bổ sung dự bị cho tương lai.

Hệ thống giáo dục bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu chưa tham gia vào đầu tư chung dành cho giáo dục và nghiên cứu, nhằm tạo ra đủ số nhà khoa học, kỹ sư và nhà quản lý được đào tạo tốt để đáp ứng nhu cầu về thiết kế sản phẩm mới và tiếp thu công nghệ hiện đại có khả năng nhân bản làm đầu mối chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, chất lượng đào tạo về chuyên ngành chưa có tiêu chuẩn để đánh giá, các trường có thâm niên lâu năm vẫn giữ được chất lượng cơ bản. Nhìn chung, trình độ đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn chuyên môn của các nhóm ngành CNHC, cán bộ hầu hết có trình độ ở mức cơ bản.

Hiện nay, nhu cầu đào tạo nghề và đào tạo đại học cho chuyên ngành hóa chất đang còn rất lớn

Mặt khác, điều kiện cơ sở vật chất và cán bộ giảng dạy chuyên môn còn thiếu, do vậy trong thời gian qua, chúng ta rất thiếu những kỹ sư có năng lực chuyên môn cao để có thể nắm bắt được kịp thời những công nghệ và kỹ thuật mới trong các nhóm ngành công nghiệp hóa chất (CNHC) của thế giới.

Các doanh nghiệp nước ngoài, liên doanh tuyển kỹ sư từ các trường trong nước đào tạo và tự đào tạo lại theo hình thức mời chuyên gia nước ngoài hoặc đưa đi đào tạo lại. Dó đó, hình thức đào tạo này chỉ nhằm vận hành khai thác các dây chuyên sản xuất công nghệ hiện đại, đã đầu tư vào các nhà máy tại Việt Nam. Việc này cũng mang tính phục vụ gia công, lắp ráp sản phẩm mang thương hiệu của các công ty đa quốc gia. Các nhà đầu tư không đào tạo kỹ sư, chuyên gia theo hướng có thể độc lập nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, tạo giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu tại Việt Nam.

Trên thực tế, đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ hiện nay năng lực chuyên môn còn yếu, chưa đáp ứng được với yêu cầu của sản xuất kinh doanh trong tình hình, do vậy rất cần được đào tạo nâng cao chuyên sâu. Mặt khác, mối quan hệ giữa các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp không được chặt chẽ dẫn đến tình trạng sinh viên chỉ biết về thiết bị, công nghệ trên giáo trình.

Các doanh nghiệp thường không hài lòng với chất lượng đào tạo khi tuyển dụng, kỹ sư khi ra trường đều phải qua một hai năm tìm hiểu và làm quen với thực tiễn nơi làm việc. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp sản xuất lốp, sản xuất phân bón, chất tẩy rửa, hóa chất cơ bản, hóa dầu… thời gian đào tạo khoảng từ 3 đến 5 năm cho các kỹ sư mới được tuyển dụng.

Hiện nay, nhu cầu đào tạo nghề và đào tạo đại học cho chuyên ngành hóa chất đang còn rất lớn, vì vậy trong thời gian tới, công tác đào tạo cần phải được quan tâm đầu tư nhiều với những hình thức phong phú đa dạng, khuyến khích phát triển theo hướng xã hội hóa đào tạo nghề cho các nhóm ngành CNHC, thông qua các doanh nghiệp lớn của Nhà nước và tư nhân.

[Quảng cáo]

Thăng Long