Phát triển bền vững du lịch cộng đồng ở Việt Nam hiện nay

ThS. ĐÀO THỊ BÍCH NGUYỆT (Khoa Du lịch - Trường Đại học Hải Phòng)

TÓM TẮT:

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định: “Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc” [4]. Để thực hiện tốt mục tiêu này, phát triển bền vững du lịch cộng đồng (DLCĐ) là hướng đi phù hợp. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung phân tích một số vấn đề cơ bản của DLCĐ ở Việt Nam, từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát triển bền vững loại hình du lịch này.

Từ khóa: du lịch cộng đồng, phát triển bền vững, du lịch, phát triển du lịch.

1. Đặt vấn đề

DLCĐ hiện đang là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích bền vững cho các địa phương và quốc gia. Hình thức du lịch này không chỉ giúp người có sinh kế ổn định mà còn bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Để phát triển bền vững DLCĐ cần có nhận thức rõ những tác động tích cực và trái chiều của hình thức du lịch này, từ đó có giải pháp tác động phù hợp.

2. Quan niệm về du lịch cộng đồng

DLCĐ được xuất hiện từ những năm 1970 và cho đến nay đã phát triển phổ biến ở hầu hết các châu lục, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số ở châu Phi, khu vực Mỹ Latinh và châu Á. Hiện nay, có nhiều quan niệm về hình thức du lịch này. Theo Rozemeijer (2001), DLCĐ là hoạt động du lịch được sở hữu, khởi xướng bằng một hay vài cộng đồng địa phương, có sự liên kết với khối tư nhân nhằm tận dụng nguồn tài nguyên tự nhiên cũng như văn hóa một cách bền vững để thu hút khách du lịch, tăng thu nhập và cải thiện sinh kế [5].  Ashley.C (2006) cho rằng, DLCĐ chủ yếu là loại hình du lịch ở quy mô nhỏ và song hành hướng đến cả mục đích phát triển kinh tế và phát triển xã hội [2]. Trong bộ “Tiêu chuẩn về du lịch cộng đồng” được các quốc  gia  Đông  Nam  Á  đồng  thuận  năm 2016, DLCĐ là hình thức du lịch được sở hữu,  vận  hành,  điều  phối  và quản  lý bởi cộng đồng nhằm hướng tới việc cải thiện điều kiện kinh tế cộng đồng thông qua các hoạt động hỗ trợ sinh kế bền vững, duy trì và bảo vệ các truyền thống văn hóa xã hội có giá trị, cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên [1]. Như vậy, có thể hiểu một cách chung nhất, DLCĐ là một mô hình phát triển du lịch, trong đó cộng đồng dân cư địa phương là chủ thể cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch, được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do phát triển du lịch tạo ra.

DLCĐ mang những đặc điểm cơ bản sau: 1) Cộng đồng dân cư bản địa là chủ thể phát triển DLCĐ. 2) Quyền lực cho cộng đồng là nhân tố quyết định đến phát triển DLCĐ, trong đó các cộng đồng dân cư tổ chức quản lý, tham gia nhiệt tình vào phát triển du lịch; được trao quyền làm chủ, thực hiện các dịch vụ và quản lý phát triển du lịch. 3) DLCĐ là phương cách tốt nhất để vừa phát triển du lịch, tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ tài nguyên môi trường. 4) Lợi nhuận thu được từ DLCĐ được chia sẻ công bằng cho cộng đồng dân cư bản địa để tái đầu tư cho địa phương, bảo vệ môi trường và hỗ trợ cho Chính phủ trong thực hiện các chương trình phát triển bền vững. 5) DLCĐ cần có sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ và cơ quan nhà nước.

3. Tác động của du lịch cộng đồng

DLCĐ là mô hình kinh tế góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân thông qua việc bán các sản phẩm du lịch cho du khách bên cạnh những thu nhập từ công việc truyền thống của mình. Phát triển DLCĐ làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương, cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật được đầu tư nhiều hơn dựa trên sự chung tay của cộng đồng địa phương cũng như nguồn quỹ cộng đồng thu được từ hoạt động du lịch hoặc nhận được viện trợ, đóng góp của các du khách cho địa phương.

DLCĐ góp phần tạo liên kết bền vững nhiều ngành kinh tế lại với nhau, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; Tạo nguồn vốn đầu tư trở lại để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; Nâng cao năng lực về du lịch và quản lý cho cộng đồng các địa phương. DLCĐ còn là giải pháp đánh thức những giá trị của cộng đồng địa phương, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của các địa phương không bị mai một theo thời gian; góp phần bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương. Đồng thời, là cách thức quảng bá hình ảnh của các địa phương, của quốc gia đến với bạn bè trên toàn thế giới.

Thực tiễn cho thấy, từ năm 2010 đến nay, DLCĐ ở Việt Nam đã phát triển ở nhiều địa phương, như: Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Nam,… Tại Quảng Nam, sau 3 năm triển khai thực hiện dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2013” tại 2 làng văn hóa người Cơtu là Bhơhôông (xã Sông Kôn) và Đhơ Rôồng (xã Tà Lu) đã đào tạo được 100 cán bộ nguồn nhằm phát triển du lịch, tạo 44 lao động việc làm ổn định, 4 gia đình có du lịch homestay, các thành viên trong tổ hợp tác có thêm 700.000 đồng/tháng. Tại cù lao Chàm của tỉnh Quảng Nam, DLCĐ đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương vùng biển một cách hiệu quả. Tại cù lao Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, trước năm 1998, người dân cù lao thu nhập chủ yếu từ trồng cây ăn trái, thời gian nhàn rỗi nhiều nhưng từ 1998 nơi đây bắt đầu các hoạt động du lịch nhà vườn, du lịch homestay. Từ 7 điểm du lịch thì nay số lượng cộng đồng tham gia du lịch đã lên đến hơn 27 điểm du lịch nhà vườn, bên cạnh đó người dân còn tham gia các hoạt động du lịch khác như: hoạt động lưu trú, hướng dẫn viên, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thuê xe đạp, hoạt động văn nghệ, bán hàng… Qua đó, phát triển DLCĐ góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định, nâng cao kiến thức văn hóa… cho cư dân địa phương. Từ đó, trách nhiệm của người dân đối với hoạt động du lịch, hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên, cảnh quan, bảo vệ giá trị văn hóa bản địa, khôi phục và phát huy những nghề truyền thống được cải thiện rõ rệt [3].

Tuy nhiên, DLCĐ cũng có thể mang lại không ít tiêu cực nếu không quản lý hiệu quả. Đầu tiên là tác động của nó đến môi trường, cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, tức là gây ra ô nhiễm  môi trường, thể hiện rõ nhất là ở những nơi tập trung nhiều du khách đến. Phát triển du lịch không được quản lý tốt sẽ làm ô nhiễm môi trường tự nhiên do khai thác quá tải tài nguyên du lịch tự nhiên, dẫm đạp lên cây cỏ, bẻ hái thực vật quý hiếm, ăn và mua động vật quý hiếm, xả rác và nước thải, gây tiếng ồn, sử dụng quá mức nước sạch, không khí sạch, làm biến động hệ sinh thái, nhất là giảm thiểu tính đa dạng sinh thái khi du lịch phát triển, số lượng du khách tăng lên quá tải… Thứ hai, là nguy cơ dần đánh mất giá trị văn hóa truyền thống địa phương. Vì lợi nhuận trước mắt, người dân ở một số địa phương đã bỏ nghề truyền thống, vốn là nét đặc sắc riêng của cộng đồng bản địa, để chạy theo du lịch, khiến cho sự đa dạng về cơ cấu ngành nghề bị thu hẹp, đơn điệu, mai một, làm giảm tính hấp dẫn của chính địa phương. Thứ ba, DLCĐ có thể làm gia tăng các tệ nạn xã hội. Tại những địa điểm du lịch luôn là nơi mà nhiều tội phạm nhắm tới do số lượng người tập trung đông, đối tượng tội phạm nhắm tới nhiều cùng với việc thực hiện tội phạm dễ dàng hơn như các tội phạm móc túi, cướp giật,…

4. Một số khuyến nghị

Muốn phát triển bền vững DLCĐ trước tiên phải có sự quan tâm của các ngành, các cấp từ trung ương tới địa phương, phải được thể chế hóa theo tình hình thực tế. Cần phải có các chính sách phát triển kinh tế xã hội phù hợp để phát triển DLCĐ thành một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế – xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó cần thực hiện tốt một số nội dung cụ thể sau:

Một là, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư các địa phương về DLCĐ. Cần tập trung tuyên truyền về vị trí, vai trò và lợi ích của DLCĐ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, cũng như đối với sinh kế của từng hộ gia đình. Chú trọng tuyên truyền quảng bá về tiềm năng, thế mạnh DLCĐ của từng địa phương như: về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, lịch sử, danh lam thắng cảnh... Nhận thức đầy đủ những nguồn lợi to lớn đó, cộng đồng dân cư địa phương sẽ có hành động phù hợp, chung tay phát triển DLCĐ. Việc tuyên truyền cần được tiến hành thường xuyên, thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương, thông qua các trang mạng xã hội, qua họp báo, tập gấp, tờ rơi… Chú trọng gắn kết quảng bá về DLCĐ trong các chương trình xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư của địa phương.

Hai là, các địa phương cần có quy hoạch tổng thể phát triển DLCĐ. Quy hoạch phát triển DLCĐ phải nằm trong quy hoạch phát triển du lịch nói chung của địa phương, gắn kết với các quy hoạch phát triển kinh tế vùng, ngành, phát triển kết cấu hạ tầng và xây dựng nông thôn mới. Đây là biện pháp quản lý hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng làm DLCĐ theo kiểu phong trào, “mạnh ai nấy làm”, kinh doanh theo kiểu “chộp giật” với tầm nhìn ngắn hạn, không được hoạch định có bài bản, khiến việc phát triển DLCĐ xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế.

Ba là, các địa phương cần có bước đi phù hợp trong “làm giàu” các tài nguyên DLCĐ. DLCĐ luôn gắn liền với điều kiện tự nhiên và bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử của các địa phương. Do đó, cần chú trọng việc giữ gìn tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, các phong tục tập quán tốt đẹp theo đúng định hướng bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch. Có sự nghiên cứu đầy đủ, bài bản để phục dựng, bảo tồn các nét văn hóa đặc sắc, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của du khách. Coi trọng làm giàu những nét văn hóa độc đáo của từng hoạt động DLCĐ ở mỗi một nơi, để ra sự hấp dẫn đối với giới truyền thông và khách du lịch.

Bốn là, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về DLCĐ. DLCĐ muốn phát triển bền vững không thể thiếu sự quản lý của nhà nước. Cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho DLCĐ phát triển. Các địa phương căn cứ tình hình cụ thể để ban hành chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng để huy động nguồn lực đầu tư tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia và khu vực có tiềm năng du lịch. Có chính sách thúc đẩy quan hệ hợp tác công – tư và các mô hình quản trị tích hợp các khu vực công và tư nhân, doanh nhân và cộng đồng địa phương trong phát triển DLCĐ. Hoàn thiện các quy định để quản lý và phát triển các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực DLCĐ phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế.

Năm là, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ DLCĐ. Nhà nước và các địa phương cần đẩy mạnh đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông tại các cụm du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới khu du lịch, điểm du lịch; đầu tư điểm dừng, nghỉ trên các tuyến đường bộ. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy nhanh thực hiện quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến, xây dựng các kho nội dung số, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển DLCĐ theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo. Có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động toàn diện, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch. Đa dạng các hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch tại điểm; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch của địa phương.

5. Kết luận

DLCĐ thường được hiểu là hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch. Hoạt động này bắt đầu là tự phát ở những nơi có các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử hấp dẫn du lịch mà dân cư tại chỗ tham gia vào phục vụ nhu cầu của du khách. Một thực tế thường diễn ra đó là các doanh nghiệp đưa/dẫn khách đến phần lớn là khai thác tiềm năng địa phương chứ chưa chú trọng đến lôi kéo cộng đồng cư dân địa phương cùng làm du lịch. Khi phân chia lợi ích, đôi khi quyền lợi giữa doanh nghiệp và cộng đồng không thống nhất, phần thiệt thòi thường thuộc về phía cộng đồng, dẫn đến bất trắc và làm cho du khách không hài lòng. Do đó, sự đồng thuận giữa nhà nước - doanh nghiệp - dân cư bản địa là cơ sở quan trọng để DLCĐ phát triển bền vững; có đóng góp tích cực để đưa du lịch Việt Nam “thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại” [4].

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. ASEAN (2016).  ASEANcommunity  -  based tourism, Secretariat, Jakarta.
  2. C (2006). How can governments boost thelocal economic impacts of tourism?, Options and Tools, ODI, London, The UK and SNV, The Hague the Netherlands.
  3. Phạm Thị Hồng Cúc, Ngô Thanh Loan (2016). Du lịch cộng đồng góp phần xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, tập 19, số X5.
  4. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020, Phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
  5. N (2001). Community- based tourism in Botswana: the SNV experience in three community based tourism projects, SNV/IUCN CBNRM support programme, Botswana.

Developing community-based tourism sustainably in Vietnam

Master. Dao Thi Bich Nguyet

Faculty of Tourism, Hai Phong University

Abstract:

According to Vietnam’s tourism development strategy to 2030, the country aims to develop a sustainable and inclusive tourism industry based on the basic green growth and maximize the contribution of tourism to the country’s Sustainable Development Goals. In order to achieve these goals, it is necessary for Vietnam to develop community-based tourism sustainably. This paper analyzes some basic issues about community-based tourism in Vietnam, and makes some recommendations for the sustainable development of community-based tourism.

Keywords: community tourism, sustainable development, tourism, tourism development.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5  tháng 3 năm 2023]