Phát huy vai trò quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Là một trong 3 đơn vị được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thời gian qua Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ với nhiều hoạt động thiết thực, phát huy được vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, bước đầu đạt được những thành tích quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Thể chế quản lý được rà soát, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập.

Là một trong 3 đơn vị được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thời gian qua Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ quản lý nhà nước, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu cũng như góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn.

Mặt khác, Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ dành cho những đối tượng thuộc phạm vi quản lý nhằm bảo đảm công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng như: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Thực hiện nghiêm các công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước; Phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; Tăng cường công tác thông tin truyền thông, tập huấn phổ biến kiến thức và nâng cao ý thức cộng đồng về an toàn thực phẩm; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm…

Trong công tác chỉ đạo điều hành và hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, việc duy trì được mạng lưới triển khai hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ngành Công Thương từ cấp Bộ đến địa phương, thực hiện đầy đủ công tác báo cáo định kỳ tới Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP và phối hợp liên ngành chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan đã giúp Bộ Công Thương kịp thời phát hiện, xử lý các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc của các cơ quan quản lý ATTP tại địa phương và các tổ chức/cá nhân có liên quan trong bối cảnh ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và duy trì phát triển sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Trong bối cảnh dịch bệnh năm 2020-2021, việc bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bình ổn thị trường giá cả và bảo đảm lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ sản xuất, xuất nhập khẩu là một trong các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương thực hiện và thường xuyên chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, các đơn vị liên quan triển khai.

Trong đó, Vụ Thị trường trong nước đã đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh lưu thông hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ nông sản; hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch; đề nghị các địa phương, bộ ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông, xuất khẩu và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thực tế cho thấy, vấn đề an toàn thực phẩm đã luôn được ngành Công Thương quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt với nhiều giải pháp. Các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo sự thống nhất từ tỉnh/thành phố đến cơ sở đều được kịp thời ban hành.

Công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, kiến thức và pháp luật về an toàn thực phẩm cho nhân dân đã được triển khai tổ chức dưới nhiều hình thức, dễ tiếp cận, phù hợp với các đối tượng, diễn biến tình hình dịch Covid-19 và được đẩy mạnh vào các dịp cao điểm.

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh/thành phố tiếp tục được duy trì, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần chấn chỉnh và đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện theo đúng quy định của nhà nước.

Tuy nhiên, một số khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, đó là, đầu tư nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm còn hạn chế cả về nhân lực và cơ sở vật chất. Biên chế cho công tác an toàn thực phẩm rất hạn chế, đặc biệt tại tuyến huyện, xã; chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo chuyên môn về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm quy mô nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao nên việc áp dụng các mô hình chuẩn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng như công tác quản lý và áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn. Tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về ATTP ngành Công Thương tại một số địa phương biến động, không đồng nhất.

Hiện Bộ Công Thương đang khẩn trương rà soát để tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý ATTP.  Bên cạnh việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm thực phẩm, trong năm 2022, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý nhà nước về ATTP với công tác quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường, bình ổn thị trường, cân đối cung cầu.