Phát huy hơn nữa vai trò của các thương vụ trong khuyến nghị chính sách và kết nối thị trường

Các thương vụ cần chủ động nắm bắt, đánh giá chính sách và thị trường nước sở tại, kịp thời tham mưu những phản ứng chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi của đất nước, doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.

hoi nghi thuong vu

Chiều ngày 16/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị công tác thương vụ khu vực Châu Á - Châu Phi năm 2022. Cùng tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ Công Thương. Đại diện các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại 32 thương vụ trong khu vực tham dự trực tuyến.

Hội nghị nhằm trao đổi về dự thảo Quy chế công tác cán bộ thương vụ, đồng thời trao đổi các biện pháp phát triển thị trường trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp.

Đẩy mạnh khai thác những thị trường có khả năng hấp thụ lớn hàng Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Bảy tháng đầu năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế rơi vào lạm phát cao, khủng hoảng thiếu, đứt gãy chuỗi cung ứng cả về nguyên vật liệu, cho đến các hàng hóa, sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của người dân...

Song, tại Việt Nam, với sự lãnh đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, cùng với những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta tiếp tục phát triển.

Đặc biệt là hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá tiếp tục đà tăng trưởng cao với kim ngạch hai chiều đạt 7 tháng đạt trên 435 tỷ USD. Với đà tăng trưởng này, dự báo cả năm có thể đạt ngưỡng khoảng 800 tỷ USD, đứng trong số 10-15 nền kinh tế có thương mại quốc tế lớn nhất thế giới.

bo truong Dien
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, kim ngạch thương mại lớn, khả năng thâm nhập thị trường thế giới càng nhiều, song trong bối cảnh biến động của thế giới hiện nay thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của chúng ta.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước kết hợp với khai thác các thị trường mà Việt Nam là đối tác thương mại trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương khu vực cũng như tiếp tục phát triển các thị trường thay thế những thị trường truyền thống bị thu hẹp khi tổng cầu đang bị hạn chế và ảnh hưởng nhất định bởi các chính sách phòng chống Covid-19 và tình hình lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia, thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động.

Gần đây nhất là thực hiện chủ trương định kỳ 6 tháng giao ban với các thương vụ tại tất cả các nước trên thế giới nhằm nắm bắt kịp thời những chính sách của nước sở tại, để Bộ có cơ sở tham mưu cho các cấp thẩm quyền ban hành những đối sách để khai thác, tận dụng được những thị trường đối tác, bảo đảm cao nhất quyền lợi của đất nước. Đồng thời để giải quyết được những vấn đề rất lớn hiện nay khi Việt Nam đã và đang trở thành một trong những công xưởng của thế giới.

"Với độ mở trên 200% thì mọi biến động ở bên ngoài, thay đổi của chính sách của nước sở tại sẽ đều có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương nói chung, trong đó có sự đóng góp của hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nói riêng trong thời gian qua đã tranh thủ, tận dụng các cơ hội khai thác thị trường đối tác, các thị trường mới. Các thương vụ đã chủ động nắm bắt những chính sách nước sở tại, từ đó có khuyến nghị chính sách với các cơ quan trong nước để bảo vệ cao nhất lợi ích của đất nước trong các quan hệ kinh tế song phương và đa phương", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.  

Tuy nhiên, trong bối cảnh những thị trường truyền thống bị thu hẹp, tổng cầu giảm do ảnh hưởng bởi việc đứt gãy chuỗi cung ứng, các biện pháp phòng chống dịch, lạm phát tăng cao... đòi hỏi phải đẩy mạnh khai thác những thị trường mới hoặc những thị trường lớn mà hàng hóa Việt Nam, bao gồm hàng nông sản, dệt may, điện tử... có tiềm năng thâm nhập, phát triển như: Ấn Độ, Indonesia hay Australia, New Zealand…

"Đây chính là cơ hội để hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tăng cường hiệu quả hoạt động, đóng góp cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế đất nước", Bộ trưởng nhận định và lưu ý các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ trao đổi, thảo luận đưa ra những giải pháp để phát triển thị trường là các đối tác của Việt Nam tại các FTA song phương và đa phương; giải pháp để đưa hàng Việt Nam đến các thị trường lớn, nhất là những thị trường có khả năng hấp thụ lớn hàng Việt Nam.

Làm tốt cầu nối thông tin hai chiều trong nước - ngoài nước

Tham luận tại Hội nghị, đại diện Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ tại các thị trường thuộc khu vực Châu Á - Châu Phi như: Campuchia, Lào, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Israel, Ả rập Xê út, Australia, Nam Phi; Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc; Chi nhánh Quảng Châu của Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc... đã thông tin về tình hình hợp tác đầu tư, thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước sở tại. Đồng thời cập nhật những chính sách mới, quy định mới của các nước sở tại đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung, hàng hóa từ Việt Nam nói riêng.

thuong vu
Đại diện các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ tại nước ngoài tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến

Ý kiến của đại diện các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ tại nước ngoài cho thấy, nhiều thị trường trong khu vực có nhu cầu hàng hóa Việt Nam, trong đó có những thị trường dung lượng lớn, dân số nhiều, nhu cầu cao và đa dạng mặt hàng như: Ấn Độ, Australia, Nam Phi... Có thị trường như tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua nhưng kim ngạch thương mại song phương với Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan. Thị trường Singapore có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư hợp tác tại Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng tái tạo...

Đặc biệt, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ đều tích cực triển khai nhiều chương trình để xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và các nước. Phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối các tập đoàn lớn tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, các thương vụ cũng tích cực cập nhật những thông tin thay đổi quy định, chính sách của nước sở tại để kịp thời hướng dẫn cho các doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường…

Tuy nhiên, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ cũng cho biết, công tác khai thác, phát triển thị trường tại khu vực đang gặp những khó khăn khác nhau ở từng thị trường. Nổi bật là những vấn đề như: Việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu còn chậm; yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng hàng hóa, quy định nhập khẩu, an toàn thực phẩm; mức độ cạnh tranh với các nguồn cung khác cao; môi trường kinh tế chính trị nước sở tại không ổn định...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh một số nhiệm vụ nhằm tiếp tục phát triển thị trường để thực hiện được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao và hoàn thành những yêu cầu, nhiệm vụ mà lãnh đạo Bộ đã đề ra cho các Thương vụ ở nước ngoài.

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi chủ trì phối hợp với các Vụ, đơn vị có liên quan của Bộ để khẩn trương xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển thị trường ở khu vực Châu Á, Châu Phi. Theo đó, một mặt tiếp tục củng cố, duy trì tốc độ tăng trưởng ở các thị trường truyền thống. Mặt khác, đẩy mạnh khai thác các thị trường mà Việt Nam là thành viên thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương khu vực. Chiến lược đó phải nói rõ, nhu cầu của thị trường là cần những gì, những điểm lưu ý đối với các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp. Từ đó phải phân công, phân nhiệm cụ thể đối với từng cán bộ theo dõi đến từng địa bàn, từng thị trường để kết hợp với các Thương vụ Việt Nam ngoài nước xây dựng thành kế hoạch cụ thể trong từng tháng, từng quý và cả năm.

Mục tiêu của chúng ta là khai thác tối đa lợi ích thông qua các hiệp định đã ký đối với các thị trường của các nước sở tại. Đặc biệt chú trọng những thị trường mới, thị trường chúng ta đã là thành viên nhưng thời gian vừa qua chưa thật sự phát triển. Ngoài những thị trường chúng ta là thành viên, còn những thị trường rộng hơn thông qua các tổ chức thương mại thế giới, các thị trường đông dân, nhiều người tiêu dùng, có nhu cầu về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Tập trung nắm bắt các chủ trương, chính sách của các nước sở tại, phân tích các chính sách đó để có khuyến nghị chính sách đối với trong nước thông qua các Vụ Thị trường ngoài nước. Đồng thời cũng đề xuất, kiến nghị phản ánh chính sách của Việt Nam để đảm bảo quyền lợi của đất nước thông qua việc khai thác các FTA mà chúng ta đã ký.

Thông qua việc khai thác các thị trường đó để chúng ta bán những mặt hàng có lợi thế tại nước ngoài, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà nền sản xuất của nhiều nước khó khăn nhưng nhu cầu hàng hóa của các nước đó rất cao mà Việt Nam lại có khả năng cung ứng.

Tiếp tục nắm bắt diễn biến thị trường để kết nối cung cầu. Không chỉ nắm bắt nhu cầu thị trường của các nước sở tại thông báo về nhu cầu, quy cách, phẩm chất và những điều đáng lưu ý đối với doanh nghiệp, với hiệp hội ngành hàng, mà đồng thời trong nước cũng phải cung cấp cho các Thương vụ những thông tin về khả năng cung ứng sản phẩm hàng hóa ra các thị trường. 

Bộ trưởng cho rằng: Thông tin phải được cung cấp ở cả hai chiều, hàng tuần các thương vụ gửi diễn biến thị trường về trong nước và trong nước cũng gửi thông tin về tình hình môi trường chính sách kinh doanh, thị trường trong nước ra các thương vụ nước ngoài; tối đa 2 tuần/1 lần. 

Thông tin từ nước ngoài được sử dụng không chỉ ở các Vụ, đơn vị có liên quan ở trong Bộ mà còn sử dụng ở các bộ ngành có liên quan đến các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Trái lại thông tin từ trong nước, thông qua Vụ Thị trường ngoài nước tập hợp sẽ được gửi cho các Thương vụ để làm cơ sở cho trao đổi, đối thoại, tương tác với đối tác ở nước ngoài. 

Riêng Hội nghị giao ban giữa các thương vụ duy trì mỗi tháng 1 lần với sự tham gia của các Vụ, đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương, các bộ ngành khác và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng sản phẩm xuất khẩu lớn... để tăng mức độ kết nối cung cầu thị trường và trao đổi, tương tác mang lại hiệu quả lớn. 

Việc cung cấp các thông tin từ trong nước thông qua các hiệp hội, ngành hàng, các địa phương hay các bộ ngành được tập hợp thông qua Vụ Thị trường ngoài nước, cụ thể ở đây là Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi hoặc Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại... Ở nước ngoài rất cần thông tin vì không có thông tin thì không thể làm được. Việc cung cấp thông tin đòi hỏi cả Thương vụ ngoài nước và các đơn vị trong nước phải quan tâm”, Bộ trưởng lưu ý.

Bên cạnh đó theo Bộ trưởng, hiện cả thế giới dự báo sẽ thiếu nguồn cung về nguyên liệu. Chúng ta là nền kinh tế có khả năng sản xuất để xuất khẩu rất lớn nhưng nguyên liệu đầu vào của những ngành có lợi thế vẫn đang phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Trong tương lai, nếu Việt Nam không vươn lên làm chủ công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ thì sẽ bị động. Cho nên đây là lúc các Thương vụ ngoài nước kết hợp chặt chẽ với đơn vị trong nước để kết nối cung cầu trong việc khai thác tài nguyên khoáng sản, sản xuất chế biến thành nguyên liệu đầu vào trong các ngành sản xuất ở trong nước. Không chỉ là tương tác môi giới để bán hàng mà còn tương tác kết nối nguồn cung để có được nguồn cung đa dạng, ổn định nguyên vật liệu phục vụ cho các nền sản xuất trong nước. Chính nguyên vật liệu ấy lại quay trở lại đáp ứng các nhu cầu sản phẩm, hàng hóa dịch vụ cho các nước sở tại.

Một vấn đề khác cũng được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, lưu ý triển khai ngay đó là tất cả các Thương vụ khẩn trương phối hợp với các Vụ, Cục trong Bộ để giải quyết khó khăn, vướng mắc, mục tiêu đến hết tháng 9 này, tất cả các Thương vụ đều phải có ít nhất một phòng trưng bày sản phẩm để giới thiệu sản phẩm từ trong nước gửi sang giúp nhà đầu tư nước sở tại có thể tiếp cận, tìm hiểu hàng hóa Việt Nam trên thực tế.

Điều này đã được chỉ đạo từ đầu năm là khẩn trương lập các phòng trưng bày sản phẩm của Việt Nam tại các Thương vụ. Thông qua phòng trưng bày ấy thì các doanh nghiệp, các hiệp hội, ngành hàng trong nước sẽ gửi sản phẩm sang để giới thiệu. Mặt khác trong nước, thông qua Vụ thị trường ngoài nước, chúng ta sẽ cung cấp các thông tin về quá trình sản xuất, cung ứng các sản phẩm, hàng hóa ra thị trường ngoài nước để có thể duy trì việc bán hàng”, Bộ trưởng yêu cầu.

Tạo điều kiện cho các thương vụ hoạt động hiệu quả 

Một nội dung quan trọng khác của Hội nghị là góp ý dự thảo Quy chế về công tác cán bộ, công chức, viên chức đi nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ tại Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, đang được các đơn vị chức năng của Bộ triển khai xây dựng, hoàn thiện.

Đại diện Lãnh đạo các Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính cùng đại diện các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã đóng góp ý kiến về những nội dung dự thảo Quy chế như: thời gian nhiệm kỳ công tác, tiêu chí lựa chọn cán bộ thương vụ, chế độ, chính sách đối với cán bộ thương vụ... 

le hoang oanh
Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi Lê Hoàng Oanh phát biểu tại Hội nghị

 

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, các cán bộ Thương vụ như những "sứ giả" kinh tế tại nước ngoài, do đó cần xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu công việc và ngược lại cũng phải được hưởng các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp.

Theo Bộ trưởng, do yêu cầu ngày càng cao, phạm vi công việc ngày càng rộng, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chuẩn chung của Quy định cán bộ công tác ngoài nước..., cán bộ thương vụ phải đáp ứng trình độ đào tạo cơ bản các chuyên ngành Luật, Kinh tế...; có khả năng nắm bắt, phân tích chính sách, thị trường để tham mưu phản ứng chính sách trong nước phù hợp với các thị trường; Thành thạo tiếng Anh, khuyến khích thành thạo thêm tiếng bản địa của nước sở tại; Ưu tiên người có kinh nghiệm công tác... Đồng thời cần có tiêu chí cụ thể đánh giá kết quả công tác của các thương vụ như: kim ngạch xuất nhập khẩu của thị trường phụ trách, các hoạt động kết nối giao thương được triển khai,...

Bộ trưởng lưu ý, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nghiên cứu, rà soát chức năng nhiệm vụ của Thương vụ, các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ Thương vụ; Tiếp tục có kiến nghị, để xuất với Bộ để hoàn thiện Quy chế mới về công tác cán bộ thương vụ tại nước ngoài.

Việt Hằng