TÓM TẮT:

Bài viết tập trung phân tích thực tiễn về pháp luật ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (thu nhập doanh nghiệp) đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Từ đó đánh giá những mặt tích cực và những hạn chế còn tồn tại hiện nay. Đồng thời, đưa ra những nguyên nhân và giải pháp để các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (97-98%) doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế. Với vai trò đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được xem như một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của Quốc hội, Chính phủ.

Để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phù hợp với nguyên tắc tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo phù hợp với khả năng hỗ trợ của Nhà nước trong từng thời kỳ thì việc nghiên cứu đề xuất mức thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất cần thiết.

2. Những chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

2.1. Quy định tại các nước

Trên thế giới, chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có công cụ là chính sách hỗ trợ về thuế.

Tại một số quốc gia không có quy định về mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông cũng như mức thuế ưu đãi đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, các quốc gia đó đánh thuế thu nhập doanh nghiệp lũy tiến với các mức thuế suất cao hơn áp dụng đối với phần thu nhập chịu thuế ở mức cao. Cụ thể, tại Hàn Quốc áp dụng mức thuế suất 10% đối với 200 triệu Won chịu thuế đầu tiên, 20% đối với phần thu nhập chịu thuế từ 200 triệu - 20 tỷ Won, 22% đối với phần thu nhập chịu thuế trên 20 tỷ Won.

Tại Hà Lan áp dụng thuế suất 20% đối với 200.000 EUR thu nhập chịu thuế đầu tiên, 25% đối với phần thu nhập chịu thuế vượt 200.000 EUR. Còn tại Brazil, áp dụng thuế suất 15% đối với 240.000 Real thu nhập chịu thuế đầu tiên, 25% đối với phần thu nhập chịu thuế vượt 240.000 Real. Riêng ở Malaysia, có quy định mức thuế suất phổ thông là 24%, tuy nhiên doanh nghiệp thường trú có vốn góp từ 2,5 triệu Ringgit trở xuống được áp dụng mức thuế suất 19% đối với 500.000 Ringgit thu nhập chịu thuế đầu tiên, 24% đối với phần thu nhập chịu thuế vượt 500.000 Ringgit.

Ở Trung Quốc, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 25%, doanh nghiệp nhỏ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 20%. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015- 2017, để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế thấp còn được ưu đãi nhiều hơn như áp dụng thuế suất 10% từ ngày 01/01/2015 - 31/12/2017 cho doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế nhỏ hơn 200.000 CNY và mức 20% trong giai đoạn từ ngày 1/1/2015 - 30/9/2015, 10% trong giai đoạn từ ngày 1/10/2015 - 31/12/2017 cho doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ 200.000 - 300.000 CNY. Kể từ ngày 1/01/2019 - 31/12/2021, áp dụng mức 5% đối với doanh nghiệp có thu nhập tính thuế dưới 1 triệu CNY, mức 10% đối với doanh nghiệp có thu nhập tính thuế từ 1-3 triệu CNY.

Ở Thái Lan, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 20% nhưng các doanh nghiệp có quy mô nhỏ cũng được áp dụng thuế suất ưu đãi ở mức thấp hơn. Theo đó, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ có thu nhập chịu thuế từ 300.000 Baht trở xuống được miễn thuế, từ 300.000 - 3.000.000 Baht được áp dụng mức thuế suất 15% và trên 3.000.000 Bat áp dụng mức thuế suất 20%.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2017, để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp có quy mô nhỏ, Thái Lan thực hiện ưu đãi nhiều hơn đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ như từngày 01/1/2016 - 31/12/2016 thực hiện miễn thuế hoàn toàn cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ và từ ngày 01/1/2017 - 31/12/2017 thực hiện miễn thuế

cho doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ 300.000 Baht trở xuống, áp dụng thuế suất 10% cho doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế lớn hơn 300.000 Baht.

2.2. Chính sách tại Việt Nam

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, trước sự cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế. Trong giai đoạn 2008 - 2013, khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới đã có ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế Việt Nam và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành hàng loạt quy định về ưu đãi thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cụ thể, từ năm 2008, doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định một số doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty không được giảm thuế.

Đến năm 2012, Nhà nước ban hành thêm chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thu nhập từ hoạt động cung ứng suất ăn ca cho công nhân được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2012. Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động cung ứng suất ăn ca cho công nhân nhưng doanh nghiệp, tổ chức vừa thuộc diện doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 theo quy định và vừa thuộc diện được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp phát sinh năm 2012 đối với thu nhập của hoạt động cung ứng suất ăn ca cho công nhân thì đối với cùng một khoản thu nhập doanh nghiệp, tổ chức được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi thuế có lợi nhất.

Ngoài các ưu đãi về giảm thuế, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013 quy định về ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất là 20% trong giai đoạn từ ngày 01/7/2013 đến hết năm 2015 (thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông áp dụng đối với các đối tượng khác là 22%).

Kể từ ngày 01/1/2016, trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% chuyển sang áp dụng thuế suất 20% theo quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013. Như vậy, kể từ năm 2016, tất cả các doanh nghiệp áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, không phân biệt doanh thu trên hay dưới 20 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp nhỏ và vừa không có chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp riêng.

Năm 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 được thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018 đánh dấu mốc quan trọng lần đầu tiên chính sách đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện một cách đồng bộ và toàn diện dưới hình thức Luật.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 đã quy định: “doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp”. Ngoài ra, có quy định về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh như sau: “Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Liên quan đến việc xây dựng giải pháp để hỗ trợ nhóm đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong năm 2019 và năm 2020, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự án Nghị quyết về một số chính sách thuế

thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong đó đề xuất áp dụng mức thuế suất 15% đối với doanh nghiệp siêu nhỏ và 17% đối với doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, theo ý kiến của UBTVQH, cần đề nghị đưa nội dung này khi sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối với dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đang thực hiện nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể các luật thuế, trong đó có Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ, UBTVQH xem xét sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế, trong đó có các chính sách thuế liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội, UBTVQH giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 (Nghị quyết số 116/2020/QH14) và năm 2021 (Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15) để hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19, đối tượng được áp dụng đã bao gồm tất cả nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời mức giảm 30% số thuế phải nộp là tương đương với mức thuế suất khoảng 14% (bằng 70% của mức thuế suất hiện hành là 20%), ưu đãi hơn so với đề xuất áp dụng mức thuế suất 15%, 17% cho nhóm doanh nghiệp này.

3. Những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, giải pháp

3.1. Tồn tại, hạn chế

Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những doanh nghiệp này phải chịu những bất lợi hơn so với những doanh nghiệp lớn về mặt thị trường, còn về mặt pháp lý thì các doanh nghiệp bình đẳng với nhau về mọi mặt, trong đó có lĩnh vực thuế. Cùng với sự phát triển về nhận thức nhận thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang yếu thế hơn so với các doanh nghiệp lớn, do đó, Nhà nước đã có những quy định nhằm khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp này.

Mặc dù, các quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, thách thức, song hiệu quả đạt được còn thấp. Các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua còn nhỏ lẻ, mang tính chất giải quyết khó khăn theo từng thời điểm và chưa mang tính liên tục, quá trình triển khai vẫn còn hạn chế và chưa đạt được hiệu quả cao trong ứng dụng vào thực tiễn.

Sự hỗ trợ từ thuế nhằm giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn suy thoái kinh tế là chưa nhiều so với nhu cầu về nguồn lực tài chính để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn. Bởi lẽ, doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn lớn nhất là hàng hóa tồn kho nhiều, lợi nhuận thấp hoặc bị lỗ, nên chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp không phát huy tác dụng nhiều.

Năm 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời đã đánh dấu sự cải cách chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp mang tính dài hạn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng cho đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bao nhiêu?

Căn cứ để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là doanh thu chưa thật sự hợp lý, vì căn cứ để tính thuế là thu nhập. Quy định này làm phát sinh chi phí quản lý, cơ quan thuế phải tìm thông tin về doanh thu của doanh nghiệp. Đồng thời, với cùng quy mô doanh nghiệp, một số ngành nghề có tỷ suất lợi nhuận cao sẽ có thu nhập cao hơn. Chính sách miễn, giảm, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chưa phù hợp, chưa bao quát hết các đối tượng, lĩnh vực, như: doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp; nhà đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn (công nghệ cao, khoa học - công nghệ);…

Mặc dù, Chính phủ đã thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế thu nhập doanh nghiệp, song thực tế hiện nay còn có một số thủ tục rườm rà, phức tạp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa với bộ máy kế toán còn chưa chuyên nghiệp, mang tính kiêm nhiệm.

3.2. Nguyên nhân của những hạn chế

Thứ nhất, vẫn còn tồn tại trong nhận thức chưa coi trọng thành phần kinh tế tư nhân, chưa tập trung phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tư duy chậm đổi mới, vẫn coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý, chưa coi là đối tượng cần được khuyến khích, hỗ trợ phát triển.

Thứ hai, công tác thể chế hóa cũng còn nhiều bất cập, chưa đẩy mạnh tham khảo ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, chủ yếu là dựa trên suy xét, phân tích tình hình thực tế và trên cơ sở những mong muốn quản lý của cơ quan nhà nước khi ban hành văn bản pháp luật, nên thiếu tính khách quan, thực tiễn và khả thi thấp. Bên cạnh đó, việc dự báo, đánh giá tác động chính sách còn chưa đầy đủ, khách quan.

Thứ ba, sự yếu kém từ nội tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa dẫn tới trình độ hiểu biết về pháp luật và tính tuân thủ pháp luật thuế còn rất nhiều hạn chế. Doanh nghiệp thiếu tính minh bạch về hoạt động sản xuất, kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không được hưởng chính sách ưu đãi về thuế hoặc chưa tận dụng được tối đa những ưu đãi của pháp luật thuế.

3.3. Giải pháp

Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới cần quan tâm đến một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần rà soát lại tổng thể để loại bỏ những chính sách ưu đãi thuế không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 25/2016/QH14: “Rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế... hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các luật thuế. Rà soát các chính sách ưu đãi thuế”.

Thứ hai, có chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn như lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học - công nghệ; cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và nhà đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ ba, điều chỉnh giảm thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc này sẽ kích thích đầu tư, tăng GDP, đảm bảo tính cạnh tranh của Việt Nam với khu vực và trên thế giới (phổ biến ở các mức 10%, 15%, 17%, 19% và 20%).

Thứ tư, để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp nên căn cứ vào ngưỡng thu nhập thay vì căn cứ vào doanh thu. Quy định này giúp cơ quan thuế giảm chi phí quản lý, tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp cùng quy mô.

Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, cần đưa ra những khuyến khích mạnh mẽ đối với việc kê khai thu nhập, khuyến khích việc thực hiện các giao dịch minh bạch, rõ ràng qua ngân hàng; thực hiện tốt sổ sách, kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật.

4. Kết luận

Theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98%.Những năm qua, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang khẳng định vai trò động lực quan trọng để phát triển kinh tế của các địa phương, sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Hàng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động.

Được ví là “thanh giảm sốc”, giữ ổn định cho nền kinh tế đất nước, tuy nhiên, do quy mô nhỏ, nên hoạt động của khu vực doanh nghiệp này đang gặpnhiều khó khăn như: Khả năng tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư vào máy móc, công nghệ hiện đại; thiếu kinh nghiệm quản trị điều hành; khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường ngay trên thị trường nội địa.

Hỗ trợ khu vực doanh nghiệp này bằng công cụ thuế thu nhập doanh nghiệp thì điều quan trọng là phải nhận định đúng thực chất doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó mới có thể đề xuất thiết kế các chính sách đúng và trúng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu rộng vào sân chơi trong nước cũng như kết nối với thị trường quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013). Luật số 32/2013/QH13: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN, ban hành ngày 19 tháng 6 năm 2013.
  2. Quốc hội (2014). Luật số 71/2014/QH13: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều các Luật về thuế, ban hành ngày 26 11 năm 2014.
  3. Quốc hội (2017), Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14 ngày 12/ 6/2017;
  4. Bộ Tài chính (2013). Thông tư số 03/2009/TT-BTC ngày 13/01/2009 hướng dẫn thực hiện giảm, gia hạn nộp thuế TNDN theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP.
  5. Bộ Tài chính (2012). Thông tư số 140/2012/TT-BTC ngày 21/8/2012 hướng dẫn chi tiết về đối tượng, điều kiện được miễn, giảm thuế TNDN, thuế giá trị gia tăng năm 2012.
  6. Long Vũ (2022). Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp lớn cho nền kinh tế. Truy cập tại https://laodong.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-nho-va-vua-dong-gop-lon-cho-nen-kinh-te-1024647.ldo
  7. Đào Tuấn (2023). Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Truy cập tại https://media.chinhphu.vn/ thao-go-kho-khan-ve-von-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua

REGULATIONS ON THE PREFERENTIAL CORPORATE

 INCOME TAX FOR SMALL AND MEDIUM-SIZED

ENTERPRISES IN VIETNAM

• LE HUU TRI

Faculty of Economic Law, Ho Chi Minh University of Banking

ABSTRACT:

This study analyzes regulations on the preferential corporate income tax for small and medium-sized enterprises (SMEs) in Vietnam. The study points out the positive aspects and limitations of these regulations. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to improve the effectiveness of regulations on the preferential corporate income tax for SMEs in Vietnam in the coming time.

Keywords: small and medium-sized enterprises, corporate income tax, corporate income.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2023]