Nỗ lực đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội

Quán triệt triển khai Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI và Nghị quyết số 55-NQ-CP ngày 3/8/2015 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, ngành Công Thương nói chung và ngành điện lực nói riêng đã nỗ lực đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ đời sống của nhân dân và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của ngành Công Thương những năm qua
Đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của ngành Công Thương những năm qua

Cùng với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được xem như là một trong hai chiến lược cơ bản của Cách mạng Việt Nam, nhằm thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quán triệt triển khai Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI và Nghị quyết số 55-NQ-CP ngày 3/8/2015 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, Bộ Công Thương thời gian qua đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016.

Việc thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần cung cấp đủ điện cho đất nước.

Về nguồn điện, tới cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt các loại hình nguồn điện của hệ thống điện quốc gia đạt 69.342MW, trong đó công suất thủy điện là 20.993MW (chiếm 30,3% công suất và 29,6% sản lượng của hệ thống); nhiệt điện than 21.383MW (30,8% công suất, 50% sản lượng); tua bin khí 9.025MW (13,1% công suất, 14,6% sản lượng); các nguồn điện năng lượng tái tạo 17.360MW (25,0% công suất, 4,6% sản lượng); nhập khẩu 572MW (0,8% công suất, 1,2% sản lượng). Về cơ bản, ngành điện đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về lưới điện, tới cuối năm 2020, cả nước có 8.527km đường dây 500kV, 18.477km đường dây 220kV, 37 trạm biến áp 500kV/tổng dung lượng 42.900MVA, 136 trạm biến áp 220kV/tổng dung lượng 67.824MVA. Ngoài ra, có 866 trạm biến áp, 24.318 đường dây 110kV, 360.000km lưới điện trung áp, 350.000km lưới điện hạ áp.

Trong giai đoạn 2013-2022, công tác quản lý, giám sát các chương trình, đề án, dự án có sự hợp tác quốc tế, đầu tư nước ngoài đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật. Đã đưa vào vận hành các dự án nguồn điện BOT như: nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1, công suất 1.200MW, vận hành năm 2018; nhiệt điện BOT Hải Dương, công suất 1.200MW, vận hành năm 2021; nhiệt điện BOT Duyên Hải 2, công suất 1.200MW, vận hành năm 2021; nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, công suất 1.200MW, vận hành năm 2022.

Nhiều dự án nguồn điện, lưới điện đi vào hoạt động trong thời gian qua đã góp phần lớn vào hoạt động cung ứng điện ổn định, an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân
Nhiều dự án nguồn điện, lưới điện đi vào hoạt động trong thời gian qua đã góp phần lớn vào cung ứng điện ổn định, an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân

Về chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, giai đoạn 2013-2015, Chương trình sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), vốn đối ứng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để cấp điện cho 40/40 xã (đạt 100% kế hoạch), khoảng 258.000 hộ thuộc 2.725 thôn, bản (vượt 83,2% kế hoạch). Đến hết 2025, đã nâng tỷ lệ sử dụng điện của các hộ nông thôn lên 98,65%; EVN đã đầu tư và tiếp nhận bán điện trực tiếp đến các đảo/xã đảo/huyện đảo: Phú Quốc, Hòn Tre, Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải, Tiên Hải, Hòn Thơm, Cù Lao Chàm.

Giai đoạn 2016-2020, cấp điện thêm bằng lưới điện quốc gia cho 17 xã và 5 đảo (gồm đảo Lý Sơn; Bạch Long Vỹ; Nhơn Châu; Cù Lao Chàm; đảo Trần và Cái Chiên), đạt 100% các mục tiêu cấp điện xã, đảo của Chương trình. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách bố trí không đủ nên tỷ lệ đạt các mục tiêu khác như số hộ dân, số thôn bản được cấp điện, cấp điện trạm bơm còn hạn chế.

Bên cạnh giải pháp cấp điện lưới, Chương trình thực hiện cấp điện bằng nguồn năng lượng tái tạo độc lập tại các khu vực biên giới, đặc biệt khó khăn cho các cụm dân cư nhỏ lẻ, như tỉnh Cao Bằng, đạt hiệu quả cao, giảm suất đầu tư cấp điện, người dân có ánh sáng sinh hoạt, nâng cao dân trí, bám đất giữ làng vùng biên giới Tổ quốc.

Tính đến cuối năm 2020 cả nước có 100% số xã, 99,48% số hộ dân (trong đó, 99,18% số hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo) đã có điện.

Tính đến cuối năm 2020 cả nước có 100% số xã, 99,48% số hộ dân đã có điện - Ảnh: Đưa điện về bản ở Hà Giang
Tính đến cuối năm 2020 cả nước có 100% số xã, 99,48% số hộ dân đã có điện - Ảnh: Đưa điện về bản ở Hà Giang

Việc xây dựng và thực hiện các quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh) trong thời gian qua đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống của nhân dân và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Việc đầu tư phát triển các dự án điện tuân thủ đúng quy định pháp luật, nhất là các yếu tố có liên quan đến đảm bảo an ninh quốc phòng. Ngay từ khi lập quy hoạch cho đến quá trình thực hiện dự án đều lấy ý kiến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các địa phương nơi có dự án và các cơ quan liên quan đối với việc sử dụng đất, vùng biển, chiều cao tĩnh không… và các yếu tố khác liên quan đến an ninh quốc phòng.

Đối với các dự án đầu tư nước ngoài, chương trình sử dụng vốn ODA trong lĩnh vực điện lực, đều được triển khai tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đã tổ chức thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định và giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Đến nay, các dự án đưa vào vận hành an toàn và phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước.

Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo đã đưa điện tới được các vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo theo chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước để phục vụ sinh hoạt và sản xuất hàng hóa của nhân dân, là nguồn động lực quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí - văn hóa - y tế - giáo dục, giảm nhanh nhất sự chênh lệch giữa đời sống dân cư khu vực nông thôn và thành thị và đặc biệt tăng cường an ninh - quốc phòng biên giới và hải đảo.

Phát triển điện lực trong thời kỳ mới tiếp tục phải đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội với giá thành hợp lý, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đảm bảo mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.

Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đáp ứng các yêu cầu trên và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Theo Quy hoạch điện VIII, các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió trên bờ, ngoài khơi) sẽ được ưu tiên, khuyến khích phát triển mạnh mẽ.

Việc triển khai thực hiện tốt Quy hoạch điện VIII là nhiệm vụ quan trọng cần có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, cũng như việc nghiêm túc tuân thủ quy định của các chủ đầu tư dự án. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch và giám sát trong quá trình triển khai thực hiện để đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành, góp phần cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời gian tới.

Thy Thảo