Ninh Bình: Đồng bộ giải pháp, thúc phát triển công nghiệp và thương mại

Thời gian qua, ngành Công Thương Ninh Bình đã tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại của tỉnh.

Thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp

Những tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuộc xung đột giữa Nga-Ukraina tác động tiêu cực tới chuỗi cung ứng nguyên nhiên vật liệu toàn cầu, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của của các cấp chính quyền, nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được triển khai đồng bộ, có hiệu quả toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì và phát triển, đẩy mạnh sản xuất, nhờ đó sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng khá so với năm 2021.

công nghiệp
Nhập chú thích ảnh

Giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) đạt 99.560,2 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khai khoáng đạt 523,4 tỷ đồng, giảm 5,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 97.716,5 tỷ đồng, tăng 7,4%; sản xuất, phân phối điện đạt 1.017,4 tỷ đồng, giảm 2,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 302,9 tỷ đồng, tăng 5,6%. Một số sản phẩm công nghiệp có sản lượng sản xuất tăng khá so với cùng kỳ năm 2021 là: Giày dép các loại 69,7 triệu đôi, tăng 7,4%; modul camera 315,4 triệu cái, tăng 8,4%; xe ô tô chở hàng hóa 10,9 nghìn chiếc, tăng 47,4%;…

Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Sở Công Thương đã phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương xây dựng Đề án Cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, báo cáo UBND tỉnh xem xét, ban hành.

Ngoài ra, triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, Sở Công Thương thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế nhằm thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp.

công nghiệp
CCN Khánh Lợi, huyện Yên Khánh dự kiến đến Quý IV năm 2023 thì chính thức đi vào hoạt động

Trên địa bàn tỉnh đã thành lập, mở rộng 18 cụm công nghiệp với tổng diện tích 680,78 ha, trong đó 14 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích 530,5068 ha (trong đó:đất công nghiệp có thể cho thuê là 411,5583 ha, đã cho thuê là 306,4079 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 74,55%; diện tích đất công nghiệp còn lại có thể cho thuê là 105,1504 ha).

Đến cuối năm 2022, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 100 dự án thứ cấp và 256 hộ sản xuất kinh doanh với tổng số lao động là 30.833 lao động. Doanh thu năm 2022 đạt 11.550 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 263 tỷ đồng.

Công tác phát triển nghề, làng nghề được quan tâm, duy trì phát triển góp phần gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của địa phương. Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 77 làng nghề được UBND tỉnh công nhận đang hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, tạo việc làm cho khoảng 45.000 lao động khu vực nông thôn với thu nhập trung bình đạt 4-5 triệu đồng/tháng.

Công tác năng lượng tập trung tham mưu và làm tốt công tác quản lý quy hoạch phát triển điện lực, công tác an toàn điện, cung ứng điện và tiết kiệm năng lượng,...phục vụ cho đầu tư phát triển lưới điện đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, đời sống sinh hoạt của nhân dân, các sự kiện chính trị của tỉnh...

Thương mại nội địa phục hồi, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu

Năm 2022, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh có sự phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Nguồn cung hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh năm 2022 đạt 46.415 tỷ đồng, tăng 11,7% so với ước thực hiện năm 2021, đạt 100% kế hoạch năm. Hạ tầng thương mại tiếp tục phát triển, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 02 trung tâm thương mại, 09 siêu thị, 24 cửa hàng điện máy (tương đương siêu thị hạng 3 chưa phân hạng), 111 chợ, 03 kho xăng dầu và 232 cửa hàng bán lẻ xăng dầu được phân bố đều và rộng khắp trên các địa bàn trong toàn tỉnh.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng khá, đạt 3.150 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, tăng 12,5% so với kế hoạch năm. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là Camera và linh kiện điện thoại đạt 855,7 triệu USD, bằng 93% kế hoạch năm; giày dép các loại đạt 922 triệu USD, bằng 137,2% kế hoạch năm; xi măng và clinker ước đạt trên 500 triệu USD, bằng 96,7% kế hoạch năm; quần áo các loại đạt 535,7 triệu USD, bằng 144,7% kế hoạch năm; linh kiện điện tử đạt 82,3 triệu USD, bằng 134% kế hoạch năm; linh kiện phụ tùng ô tô đạt 75,8 triệu USD, bằng 107,5% kế hoạch năm; phôi nhôm đạt 74,9 triệu USD, bằng 108,6% kế hoạch năm…

Thị trường xuất khẩu của tỉnh tiếp tục được duy trì và mở rộng, các thị trường đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam đều ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh. Trong đó, thị Châu Á dẫn đầu đạt kim ngạch 2.170,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 68,9%.

Tiếp đến là Châu Mỹ đạt kim ngạch 507,2 triệu USD, chiếm tỷ trọng 16,1%; Châu Âu đạt kim ngạch đạt 352,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 11,2%; Châu Úc đạt kim ngạch 72,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,3%; cuối cùng là Châu Phi đạt kim ngạch 47,2 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,5%. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu hàng hóa sang trên 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu.

Ở chiều ngược lại, các sản phẩm nhập khẩu của tỉnh chủ yếu phục vụ hoạt động sản xuất ô tô, gia công xuất khẩu các sản phẩm quần áo, giày dép, linh kiện điện tử, kinh kiện điện thoại, thiết bị máy móc, nhà xưởng... Kim ngạch nhập khẩu năm 2022 của tỉnh đạt 3.250 triệu USD tăng 2% so cùng kỳ năm trước, đạt 104,8% kế hoạch năm.

Các mặt hàng chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn là: Linh kiện ô tô đạt 1.020 triệu USD; vải may mặc và phụ liệu đạt 390 triệu USD; phụ liệu giày dép đạt 755 triệu USD; linh kiện điện tử, linh kiện điện thoại đạt 890 triệu USD; máy móc thiết bị đạt 160,7 triệu USD...

Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh

Trong công tác quản lý Nhà nước, toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán, chương trình bình ổn giá, theo dõi tình hình cung cầu hàng hóa, đặc biệt nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu và việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Công tác giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại, công tác thẩm định, cấp phép đối với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện được triển khai có hiệu quả.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại, đặc biệt là chợ đầu mối tổng hợp thành phố Ninh Bình (chợ hạng 1 đầu tiên của tỉnh), Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1158/QĐ-UBND ngày 20/12/2022 về việc phân hạng chợ đầu mối tổng hợp thành phố Ninh Bình và bổ sung vào Quyết định phê duyệt phân hạng chợ trên địa bàn tỉnh; xác nhận tiêu chí 7 cho 02 xã đăng ký về đích nông thôn mới, 13 xã về đích nông thôn mới nâng cao.

Trong công tác quản lý xuất nhập khẩu, ngay từ đầu năm, trên cơ sở chỉ tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu được giao, Sở Công Thương đã chủ động đôn đốc, nắm bắt tình hình, đề ra nhiều biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng Bộ Công Thương tổ chức hội nghị, tập huấn, hướng dẫn cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trực tuyến, giới thiệu, cung cấp thị trường cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có những thông tin hữu ích để tiếp cận thị trường một cách nhanh nhất.

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 09/2/2022 thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực trên địa bàn tỉnh.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định FTA, từ đầu năm đến nay, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu đã tiếp nhận và cấp hơn 6.000 bộ C/O tạo điều kiện rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.

Xác định được tầm quan trọng của thương mại điện tử (TMĐT) trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, trong năm qua Sở Công Thương đã triển khai 05 đề án TMĐT hỗ trợ xây dựng website TMĐT với giao diện ngôn ngữ mới và xây dựng gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử trực tuyến trên trang bán hàng toàn cầu Alibaba với kinh phí 148 triệu đồng;

Phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn giao dịch TMĐT trong nước như lazada, sendo, tiki, shopee… tổ chức Hội nghị tập huấn “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” cho 150 cán bộ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Qua đó giúp các doanh nghiệp tạo dựng một kênh thông tin quan trọng với chi phí thấp, phục vụ cho công tác xúc tiến, quảng bá và tiếp cận các thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2022, Sở Công Thương đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện 30 đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ là 8.083 triệu đồng, 32 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí hỗ trợ là 3.650 triệu đồng, tập trung vào các nội dung về hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại trong nước, hội nghị kết nối cung cầu; tuyên truyền quảng bá hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại,...

công nghiệp
Kết nối cung cầu giữa Ninh Bình , Cà Mau và Bặc Liêu năm 2022
công nghiệp
 Gian hàng sản phẩm Ocop tại hội chợ được nhiều người quan tâm

Đặc biệt, Sở đã tổ chức thành công Hội chợ thương mại và triển lãm thành tựu kinh tế xã hội Ninh Bình nhân dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và 200 năm danh xưng Ninh Bình giúp các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm của tỉnh nhất là các sản phẩm có thương hiệu mạnh, đặc sản của tỉnh Ninh Bình.        

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 

Năm 2023, ngành Công Thương Ninh Bình phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) trên địa bàn tỉnh đạt 109.700 tỷ đồng, tăng 10,1% so với ước thực hiện năm 2022; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 51.057 tỷ đồng, tăng 10% so với ước thực hiện năm 2022; kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 3.250 triệu USD, tăng 3,1% so với ước thực hiện năm 2022. 

Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, ngành Công Thương Ninh Bình tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Theo đó, tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng, phát huy hiệu quả các cụm công nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp Khánh Hải I, Khánh Hải II, Khánh Lợi,... đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp tạo mặt bằng thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, các dự án có nguồn thu lớn cho ngân sách.

Hướng dẫn chủ đầu tư các cụm công nghiệp lập, hoàn thiện hồ sơ thành lập, mở rộng cụm công nghiệp làm cơ sở thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp theo đúng tính chất ngành nghề được quy hoạch.

Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống phục vụ du lịch theo Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh vể phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.

Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động góp phần duy trì làng nghề gắn với du lịch, xây dựng nông thôn mới; triển khai hiệu quả các chương trình khuyến công quốc gia và địa phương, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trong năm 2023 nhằm phát huy bền vững công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn gắn với bảo vệ môi trường. Làm tốt công tác cung ứng điện, tiết kiệm điện, an toàn điện,... đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, đời sống sinh hoạt của nhân dân, các sự kiện chính trị của tỉnh.

Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2030; Quyết định thay thế, sửa đổi bổ sung Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh Ninh Bình; Quyết định công bố danh mục địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại và lĩnh vực ưu tiên năm 2024 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh. Tập trung triển khai quản lý nhà nước theo chuyên đề nhất là các mặt hàng kinh doanh có điều kiện (xăng dầu, LPG, rượu, thuốc lá), an toàn thực phẩm, bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển TMĐT, kế hoạch XTTM, kế hoạch phát triển xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước.

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Báo cáo tình hình 05 năm thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 04/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn. Thực hiện tốt việc phổ biến quy tắc xuất xứ và tổ chức cấp C/O ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn và các tỉnh lân cận.

Song song đó, Sở Công Thương tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp; triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính của Sở năm 2023.

Minh Huế