Những thách thức trong việc phát triển chuỗi giá trị tre luồng tỉnh Thanh Hóa

Trần Văn Hiệp - Lê Minh Thống - Nguyễn Thanh Thủy (Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Mỏ - Địa Chất)

Tóm tắt:

Tre đóng góp quan trọng trong việc tăng sinh kế cho nhóm dân tộc đồng bào thiểu số tại các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa và trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc phát triển chuỗi giá trị tre luồng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sự phối hợp giữa các tác nhân và năng lực các tác nhân trong chuỗi. Bài báo chỉ ra những nút thắt trong việc nâng cao năng lực của chuỗi giá trị tre luồng tỉnh Thanh Hóa. Cả 2 nguồn số liệu thứ cấp và sơ cấp được thu thập để phân tích cho bài báo. Số liệu sơ cấp được thu thập thông qua phỏng vấn sâu các tác nhân trong chuỗi, thảo luận nhóm và quan sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy người dân có nhận thức yếu về trồng và khai thác bền vững, người trồng luồng không nhận được sự hỗ trợ từ doanh nghiệp chế biến tre. Các doanh nghiệp chế biến thiếu vốn để đầu tư vào máy móc, công nghệ và việc tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Từ khóa: trồng tre, khai thác tre, công nghệ chế biến tre, tre luồng, tỉnh Thanh Hóa.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam hiện nay là quốc gia có diện tích tre lớn thứ tư trên thế giới với diện tích khoảng 1,5 triệu ha, trong đó hơn 74.000 ha là diện tích tre trồng, chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar. Tre được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như làm nhà, cây chống nông nghiệp và xây dựng, sản xuất đũa, giấy, nội thất và hàng thủ công mỹ nghệ.

Tre được đánh giá là sản phẩm lâm sản ngoài gỗ có giá trị nhất. Các nghiên cứu đã cho thấy vai trò quan trọng của tre đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường (Benton, 2015; Chaowana, 2013). Tổng diện tích tre luồng của Việt Nam gần 1,5 triệu ha, chiếm khoảng 15% diện tích rừng tự nhiên với 216 loài tre thuộc 25 chi (Hiep, 2021). Tre luồng được phân bố ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La,  trong đó Thanh Hóa là tỉnh có diện tích tre lớn nhất hơn 208 nghìn ha (WWF, 2015).

Sản lượng tre khai thác hàng năm của Việt Nam khoảng 5,2 triệu tấn phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như xây dựng, làm nhà đũa, giấy, nội thất và hàng thủ công mỹ nghệ (Marsh and Demestre, 2008; WWF, 2015). Nhiều sản phẩm tre của Việt Nam được xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ và các nước châu Âu với giá trị xuất khẩu đạt 384 triệu USD (MOARD, 2019). Ngành công nghiệp tre của Việt Nam có tiềm năng phát triển với giá trị ước tính 1 tỷ USD do Việt Nam có vùng nguyên liệu lớn và thị trường sản phẩm tre công nghiệp được nhiều nước phát triển quan tâm. Tuy nhiên, diện tích tre được đánh giá ngày một giảm do thu nhập từ trồng tre không ổn định, kém cạnh tranh so với các cây trồng khác, nên các hộ dân chuyển từ diện tích tre sang các cây trồng có thu nhập ổn định hơn như quế, cây kéo và cây nông nghiệp. Tre được khai thác thủ công, không đúng kỹ thuật, khai thác sớm và cạn kiệt, nên chất lượng tre giảm như đường kính giảm từ 2-3 cm và tỷ lệ măng mọc giảm 30% so với cách đây 10 năm (Hiep, 2021; Sass, 2018).

Việt Nam thiếu doanh nghiệp tre lớn để dẫn dắt thị trường, phát triển công nghệ. Các chính sách hỗ trợ cho ngành Tre chưa rõ ràng, còn chung với chính sách lâm nghiệp, thiếu Hiệp hội Tre quốc gia để định hướng và đưa ra chiến lược phát triển ngành Tre Việt Nam. Do đó, ngành công nghiệp Tre nói chung và chuỗi giá trị các sản phẩm tre tại Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn để phát triển. Bài báo đề cập cụ thể những khó khăn trong việc phát triển chuỗi giá trị tre luồng tại tỉnh Thanh Hóa.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Khu vực nghiên cứu

Thanh Hóa là một trong những tỉnh lớn nhất của Việt Nam với diện tích tỉnh khoảng 11,129.48 km2, trong đó chủ yếu là miền núi chiếm tới 75.44% diện tích toàn tỉnh. Dân số của tỉnh xấp xỉ 3,72 triệu người vào năm 2021 và dân tộc thiểu số chiếm đại đa số ở khu vực miền núi như dân tộc Mường, Thái, H’Mong, Dao, Thổ, Khơ-mú. Tre và mía là nguồn thu nhập chính của người địa phương ở khu vực miền núi. Tỉnh Thanh Hóa có diện tích lớn nhất cả nước với 200,000 ha rừng tre, trong đó có 71,000 ha luồng trồng, hàng năm tỉnh cung cấp ra thị trường khoảng 550 nghìn tấn tre (DOFA, 2015).

2.2. Phương pháp thu thập và phân tích số liệu

Số liệu bài báo được thu thập từ 2 nguồn thứ cấp và sơ cấp. Nguồn số liệu thứ cấp được thu thập thông qua báo cáo các dự án tre tại từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, các dự án tre quốc tế tại tỉnh và các bài báo khoa học liên quan chủ đề nghiên cứu. Nguồn số liệu sơ cấp được thu thập thông qua phỏng vấn các thành phần trong chuỗi giá trị tre như 15 hộ dân có diện tích tre trên 3 ha, trên 10 năm kinh nghiệm, 5 thương lái tham gia trực tiếp vào việc thu mua tre từ các hộ dân và phân phối tới các doanh nghiệp và các đại lý tại các tỉnh và 2 doanh nghiệp chế biến tre luồng. Việc phỏng vấn tập trung vào một số chủ đề như hoạt động khai thác và thu mua, chế biến, chi phí trong quá trình sản xuất - kinh doanh, sự phối hợp giữa các thành phần trong chuỗi giá trị tre, các chính sách hỗ trợ, thị trường cho các sản phẩm tre.

Một số phương pháp được áp dụng để phân tích số liệu bao gồm: phương pháp phân tích theo nội dung được sử dụng để đánh giá các hoạt động như hoạt động khai thác, chế biến, marketing, sự phối hợp giữa các thành phần trong chuỗi giá trị. Phương pháp so sánh được áp dụng để so sánh sự thay đổi của kết quả kinh doanh của các thành phần trong chuỗi theo các năm. Phương pháp thống kế được áp dụng để đánh giá sự biến động số liệu như giá, sản lượng khai thác, chi phí, doanh thu theo thời gian. Phương pháp hệ thống được áp dụng để hệ thống số liệu liên quan đến trồng, khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ từ các nguồn số liệu thứ cấp.

3. Những thách thức trong việc phát triển chuỗi giá trị tre luồng

3.1. Tổng quan về chuỗi giá trị tre luồng tỉnh Thanh Hóa

Luồng phân bố tập trung tại một số huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, theo đó 3 huyện có diện tích luồng lớn nhất gồm Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh. Luồng có chất lượng thường được khai thác từ 2-3 tuổi, được sử dụng làm đũa và nội thất truyền thống. Tuy nhiên, do nhu cầu cao của thị trường giấy vàng mã về nguyên liệu luồng và nhận thức của người dân về khai thác bền vững thấp, nên luồng thường được khai thác sớm từ 1-1,5 tuổi. Vào tháng 12/2022, các hộ dân bán luồng chất lượng (đường kính trên 8 cm, tuổi từ 2-3 năm, dài trên 8 mét) bình quân bán cho các thương lái khoảng 900 đồng/kg tại vườn. Luồng nguyên liệu được các thương lái bán cho các doanh nghiệp chế biến và các đầu mối thu gom bình quân 1.100 đồng/kg. Giá bán tùy thuộc vào từng thời điểm, như vào mùa mưa và mùa măng mọc,  nguyên liệu khó khai thác, giá luồng có thể tăng lên tới 1.300 đồng/kg. Luồng kém chất lượng có giá thấp hơn so với luồng chất lượng từ 200-300 đồng/kg. Luồng kém chất lượng được các thương lái thu gom bán cho các công ty sản xuất giấy và làm cọc chống xây dựng. 

Hình 1: Cấu trúc chuỗi giá trị luồng, tỉnh Thanh Hóa

giá trị tre luồng

Nguồn: Hiep, 2021

Hình 1 cho thấy sau khi luồng được khai thác đã được các thương lái thu mua tại vườn. Do địa hình đồi núi và chưa có đường khai thác, nên chi phí khai thác cao, các hộ dân thường thuê lao động địa phương để khai thác với chi phí khoán 50% doanh thu từ bán luồng. Sau khi luồng được thu gom từ các hộ dân, thương lái có một đội nhân công phân loại luồng với chất lượng khác nhau để đáp ứng theo các yêu cầu của từng khách hàng. Chỉ khoảng gần 40% nguyên liệu luồng phân phối tới các doanh nghiệp sản xuất đũa và giấy trên địa bàn tỉnh. Để sản xuất đũa, các doanh nghiệp yêu cầu luồng nguyên liệu có tuổi trên 2 năm, đường kính từ 8cm, các doanh nghiệp sản xuất giấy không có yêu cầu cụ thể chất lượng nguyên liệu và thường mua theo giá bình quân theo xe. Trên 60% nguyên liệu luồng được các thương lái địa phương phân phối tới các đại lý ở các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam để phục vụ cho nhu cầu xây dựng và làm nhà.

3.2. Những thách thức trong việc phát triển chuỗi giá trị tre luồng

Nguyên liệu tre luồng

Tỉnh Thanh Hóa có trên 200.000 ha tre luồng và hơn 70.000 ha là diện tích luồng trồng. Tuy nhiên, nhiều diện tích tre thuộc rừng tự nhiên, hoặc khu vực bảo tồn, nên không được khai thác. Khu vực nguyên liệu tre luồng được khai thác đang bị suy thoái nghiêm trọng, như: xuất hiện tre nở hoa (lụi) trên nhiều diện tích, tỷ lệ tre bị sâu đục thân xuất hiện nhiều, tỷ lệ măng mọc giảm 30% và đường kính tre giảm 2 cm so với 10 năm trước, tre được khai thác sớm và quá mức, do nhận thức của người dân về khai thác bền vững hạn chế. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Hóa, 1 ha luồng có thể cho sản lượng 16 tấn/năm. Tuy nhiên, tre luồng được khai thác thủ công bằng dao, nên năng suất khai thác thấp và chi phí nhân công khai thác cao. Việc áp dụng máy cưa vào khai thác gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, vườn luồng xa nhà dân nên việc vận chuyển máy cưa không thuận tiện, chi phí đầu tư máy cưa cao so với với thu nhập của hộ dân. Một nghiên cứu của Trường Đại học Lâm nghiệp cho thấy, nếu áp dụng máy cưa vào khai thác, năng suất khai thác có tăng 10 lần và chi phí khai thác giảm rất nhiều. Do địa hình đồi núi, đường khai thác chưa được đầu tư, nên việc vận chuyển tre được thực hiện chủ yếu thủ công bằng mang vác trên vai người hoặc vận chuyển trên sông đóng theo bè. Baulch và các đồng nghiệp (2009) cho thấy phần lớn tre luồng sau khi thu hoạch được người dân vận chuyển bằng mang vác trên vai (87,8%) hoặc theo bè nổi trên sông (8,59%), xe tay kéo và thuyền chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (3,7%).

Thu mua và chế biến tre luồng

Sau khi thu mua luồng từ các hộ dân, các thương lái không sơ chế luồng mà bán trực tiếp nguyên liệu luồng thô tới các doanh nghiệp và các đại lý tại các tỉnh. Các thương lái có quy mô nhỏ và có từ 1 đến 2 xe tải chuyên dụng để vận chuyển luồng từ điểm thu mua của người dân đến bãi tập kết của họ. Các thương lái không đăng ký giấy phép kinh doanh và không thuê lao động cố định, họ có mối quan hệ với các đội khai thác và đội bốc vác địa phương để thuê theo thời vụ.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Thanh Hóa, năm 2015, toàn tỉnh có 126 cơ sở chế biến tre luồng, với 3 sản phẩm chính, gồm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đũa dùng một lần và giấy vàng mã. Hơn 90% các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu sang thị trường châu Âu và Mỹ, giấy vàng mã được các doanh nghiệp xuất khẩu tới 80% sang thị trường Đài Loan. Đũa dùng một lần được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Các doanh nghiệp có quy mô rất nhỏ, còn yếu trong việc tổ chức sản xuất, lập kế hoạch kinh doanh và phát triển chiến lược. Công nghệ chế biến lạc hậu, hầu hết máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc trên 10 năm và hết khấu hao, nên năng suất thấp ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp sản xuất đũa cho rằng hệ số thu hồi nguyên liệu chỉ đạt khoảng 17% và trên 80% trở thành rác sản xuất, dẫn đến giá thành sản xuất cao.

Do quy mô nhỏ, kết quả kinh doanh yếu, thiếu tài sản thế chấp, nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Các doanh nghiệp cho rằng rất khó tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất và máy móc do thủ tục vay vốn phức tạp và lãi suất vay vốn cao. Nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp đang là vấn đề lớn. Do nhà máy đặt tại vùng nguyên liệu, khu vực miền núi với kinh tế kém phát triển, cơ sở hạ tầng yếu, nên khó thu hút được lao động qua đào tạo bài bản về làm việc, mức lương của doanh nghiệp tre thấp, bình quân chỉ đạt 4 triệu đồng/người/tháng, nên khó cạnh tranh và thu hút lao động với các ngành khác. Lao động chủ yếu là lao động thời vụ, người dân tộc thiểu số chưa được đào tạo nghề.

Tiếp cận thị trường của các tác nhân trong chuỗi

Tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Hiệp hội Tre luồng tháng 7 năm 2019 để tập hợp, kết nối, chia sẻ nguồn lực, thông tin thị trường giữa các thành phần trong chuỗi giá trị. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, Hiệp hội Tre luồng của tỉnh hoạt động không hiệu quả, như thiếu các hoạt động triển khai, thông tin thị trường không được chia sẻ giữa các doanh nghiệp, không có định hướng phát triển sản phẩm và thị trường mục tiêu. Các hộ dân trồng tre phụ thuộc thông tin từ các thương lái và yếu thế trong việc xác định giá bán luồng.

Các doanh nghiệp chế biến tre do thiếu nhân lực và tài chính, nên hoạt động nghiên cứu thị trường không được thực hiện, thiếu liên kết với các tổ chức nghiên cứu thị trường để đánh giá dữ liệu về khách hàng. Các doanh nghiệp không triển khai các hoạt động marketing như thiếu website, không tham gia hội chợ triển lãm sản phẩm cấp tỉnh và quốc gia. Kênh phân phối sản phẩm phụ thuộc vào các công ty thương mại. Một số nghiên cứu cho thấy chính quyền đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến tre tiếp cận thị trường như thành lập trung tâm xúc tiến sản phẩm tre luồng để kết nối khách hàng với doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm tre tới thị trường trong nước và quốc tế, đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp về marketing (Ibrahim and Mustapha, 2019).

Phối hợp giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị

Kết quả phỏng vấn cho thấy các thương lái là người địa phương nên có mối quan hệ tốt với các hộ dân, mặc dù không có hợp đồng thu mua chính thức giữa hộ dân và thương lái nhưng các thương lái có một số hoạt động hỗ trợ người trồng luồng như tạm ứng trước tiền cho các hộ gia đình khi họ có nhu cầu. Do không xây dựng hợp đồng thu mua giữa người dân trồng luồng và thương lái, nên người trồng luồng chịu nhiều rủi ro khi thị trường biến động và bị ép giá. Các hộ dân cho rằng họ không nhận được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp chế biến trong đào tạo kỹ thuật lâm sinh, tài chính, phân bón.

Bên cạnh đó, các thành phần trong chuỗi giá trị cũng còn thiếu sự phối hợp, như giữa các doanh nghiệp giấy và đũa đã cạnh tranh trong việc thu mua nguyên liệu, doanh nghiệp giấy thu mua cả nguyên liệu luồng non (dưới 1 tuổi), dẫn đến luồng bị khai thác non, chưa đủ tuổi, làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của măng. Các doanh nghiệp giấy cần phối hợp với các doanh nghiệp đũa để thu mua rác đũa sản xuất để làm nguyên liệu đầu vào, tận thu rác sản xuất để tăng hệ số thu hồi nguyên liệu trong chuỗi giá trị. Các thương lái cần sơ chế nguyên liệu để phân loại nguyên liệu tre luồng ngay từ đầu nguồn để cung cấp nguyên liệu phù hợp cho từng mục đích sản xuất, như: sản xuất đũa, sản xuất hàng thủ công và sản xuất giấy. Điều này sẽ làm tăng giá trị cây tre luồng và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương. Theo báo cáo của huyện Quan Hóa, 2.369 ha rừng luồng của huyện đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Đây là mô hình tốt để các hộ dân phối hợp với nhau, phối hợp với các thành phần trong chuỗi giá trị luồng để quản lý và khai thác bền vững diện tích rừng luồng được cấp chứng chỉ FSC, tăng thu nhập từ trồng luồng.

4. Kết luận và kiến nghị

Ba sản phẩm chính như đũa, giấy và hàng thủ công mỹ nghệ trong chuỗi giá trị luồng đóng góp quan trọng vào sinh kế, phát triển xã hội cho bà con các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Tuyên nhiên, chuỗi giá trị luồng gặp nhiều khó khăn để phát triển, như chất lượng tre luồng giảm, nhận thức của các hộ dân trong việc khai thác bền vững còn hạn chế, năng lực của các doanh nghiệp chế biến còn yếu về công nghệ, tổ chức sản xuất, nhân lực và các hoạt động marketing. Sự tương tác và phối hợp giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị hạn chế, nên khó tăng giá trị cho các sản phẩm tre.

Để nâng cao giá trị cho các sản phẩm tre và phát triển thành các chuỗi sản phẩm có giá trị cao, vùng nguyên liệu tre luồng cần được quy hoạch rõ và hỗ trợ người trồng về kỹ thuật lâm sinh và thị trường tiêu thụ cây luồng ổn định. Các thương lái tham gia sâu vào chuỗi thông qua việc phân loại, đầu tư vào máy móc để sơ chế nguyên liệu từ đầu nguồn. Các doanh nghiệp cần được hỗ trợ cải tiến công nghệ chế biến, nâng cao năng lực quản trị và tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi để đầu tư vào sản xuất. Chính quyền tỉnh và huyện cần hỗ trợ ngành Tre thông qua các chính sách, như: hỗ trợ người dân giống và phân bón, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động marketing để tiếp cận thị trường và bảo lãnh các khoản vay vốn cho các phần trong chuỗi giá trị.

Lời cảm ơn: Bài báo này được trích lược một phần từ đề tài nghiên cứu khoa học mã số T22-30. Tác giả chân thành cảm ơn Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã hỗ trợ kinh phí cho dự án này.

Tài liệu tham khảo:

  1. Baulch, B., Marsh, J., Nguyen, B.L., Nguyen, H.T., Vu, H.L., (2009). Key findings from the second Thanh Hoa bamboo survey. Initiat.
  2. Benton, A., (2015). Priority species of bamboo, in Bamboo. Springer, pp. 31–41.
  3. Chaowana, P., (2013). Bamboo: An alternative raw material for wood and wood-based composites. Mater. Sci. Res. 2, 90.
  4. DOFA, (2015). Thực trạng chế biến Luồng tỉnh Thanh Hóa. Sở Ngoại vụ Thanh Hóa Vietnam.
  5. Hiep, T.V., (2021). Key factors affecting small bamboo enterprises upgrading in North Vietnam: Case studies from Chuong My, Hanoi and Thanh Hoa province. TU Dresd.
  6. Ibrahim, M.I., Mustapha, B., (2019). Determinants of small and medium enterprises performance in Nigeria: The role of Government support policy. J. Bus. Econ. Res. 8, 41–49.
  7. Marsh, J., Demestre, T., (2008). Development programme for the bamboo industry in North West Viet Nam.
  8. MOARD, (2019). Báo cáo: Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018, thành công, bài học kinh nghiệm, giải pháp bứt phá năm 2019. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội, Việt Nam.
  9. Sass, M., (2018). Quality criteria of Dendrocalamus barbatus raw material and products along the bamboo value chain in Thanh Hoa and Hanoi province, Vietnam : present state and prospects. Available at: https://katalogbeta.slub-dresden.de/id/0021142524/#detail
  10. WWF, (2015). Bamboo supply chain analysis and recommendations for project interventions. World Wildlife Fund, Hue, Vietnam.

CHALLENGES OF DEVELOPING THE CLUMPING GIANT BAMBOO VALUE CHAIN IN THANH HOA PROVINCE

Tran Van Hiep1

Le Minh Thong1

Nguyen Thanh Thuy1

1Faculty of Economics and Business Administration, Hanoi University of Mining and Geology

Abstract:

Bamboo plays an important role in the environment protection and climate change mitigation, and in the livelihoods of ethnic minorities in mountainous districts of Thanh Hoa province. However, the development of clumping giant bamboo (Dendrocalamus barbatus) value chain faces many difficulties including the poor coordination among stakeholders and the capability of stakeholders of the chain. This study points out the bottlenecks in the development of clumping giant bamboo value chain in Thanh Hoa province. The study uses both primary and secondary data. Primary data is collected through in-depth interviews with stakeholders of the chain, group discussions and observations. The study finds out that bamboo growers’ awareness of sustainable planting and harvesting is quite low. In addition, bamboo growers have not yet received supports from bamboo processing enterprises. Bamboo processing enterprises face difficulties in accessing capital to improve their production and challenges of access to market.

Keywords: bamboo plantation, harvest bamboo, process bamboo, Dendrocalamus barbatus, Thanh Hoa province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2023]