Những bước đi mở đường cho nền kinh tế

Ngành Công Thương, gánh trên vai trách nhiệm đối với trụ cột lớn của nền kinh tế là xuất khẩu, đã triển khai nhiều giải pháp để đưa doanh nghiệp vượt qua làn sương mù của kinh tế toàn cầu.

Tăng cường đối thoại để phản ứng chính sách kịp thời

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa kết thúc, các quốc gia đang phải tập trung phục hồi kinh tế, chống lại sự đứt gãy của nhiều chuỗi cung ứng cũng như tình hình lạm phát ngày càng căng thẳng. Thế giới đang tiếp tục lâm vào những cuộc khủng hoảng mới về chính trị, kinh tế, thậm chí là chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang.

Nền kinh tế nước ta với độ mở lớn cũng đã đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bối cảnh thế giới không thuận lợi. Tăng trưởng GDP Quý I/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hoặc giảm. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều ghi nhận giảm so với cùng kỳ: Kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2023 đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trị giá nhập khẩu đạt 74,5 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ

“Trong bối cảnh như vậy, người sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trong nước là những đối tượng chịu sự tổn thương nhiều nhất”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 25/4/2023 vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 25/4/2023 vừa qua
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 25/4/2023 vừa qua

Đây không phải lần đầu Tư lệnh ngành Công Thương chia sẻ điều này. Trong nhiều cuộc họp từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đặt vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lên hàng đầu, yêu cầu coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt. Và để làm được điều đó, thì Bộ Công Thương đề cao đối thoại với doanh nghiệp, Hiệp hội, bởi chỉ có những “người trong cuộc” mới biết mình vướng ở đâu, vướng do đâu và cần gì để gỡ vướng.

Dù vậy, giải pháp về thị trường chỉ là một phần nhỏ, và vẫn phụ thuộc vào tình hình, nhu cầu của các nền kinh tế bên ngoài. Hiểu được điều này, lãnh đạo Bộ Công Thương đã tập trung vào  việc nâng cao năng lực nội tại của sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương đã tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, từng dự án, nhất là những dự án lớn trên địa bàn; rà soát các tồn đọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các dự án có vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất và tạo chủ động nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu.

Đồng thời, Bộ cũng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu tái cơ cấu mạnh mẽ trong các khâu quản trị, tổ chức sản xuất, tiết giảm chi phí; kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài để tăng cường nội địa hóa sản phẩm, tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm trong quản trị, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

“Các đơn vị thuộc Bộ, theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, phải khẩn trương trao đổi, thảo luận và tìm cách tháo gỡ, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, Hiệp hội; nếu trong thẩm quyền của mình cần khẩn trương có giải pháp tháo gỡ, nếu nằm ngoài thẩm quyền phải tham chiếu ý kiến của các bên liên quan và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có quyết sách ở cấp cao hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.

Lắng nghe chia sẻ của các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng để hiểu đúng về thực tiễn và làm đúng trong tháo gỡ
Lắng nghe chia sẻ của các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng để hiểu đúng về thực tiễn và làm đúng trong tháo gỡ

Thời gian qua, Bộ Công Thương - dưới sự chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã dự báo được tình hình từ cuối năm 2022, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, bám sát tình hình quốc tế, trong nước để có những phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả đối với các vấn đề cụ thể.

Cần nhìn nhận rằng, việc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng không chỉ giúp doanh nghiệp đề xuất được những gì mình mong muốn được hỗ trợ và có được giải pháp cụ thể, mà còn ghi nhận hiệu quả của chính sách khi đi vào cuộc sống, qua đó quay trở lại tăng cường tính thiết thực, khả thi của hệ thống chính sách, góp phần lấy lại đà tăng trưởng.

Quyết tâm khai mở thị trường

Khi thương mại quốc tế có nhiều khó khăn, Bộ Công Thương đã ngay lập tức triển khai chiến lược khai mở thị trường để tìm kiếm cơ hội, trong đó có việc hướng đến các thị trường xuất khẩu mới, thị trường còn tiềm năng.

Tại Công văn số 2246/BCT-KHTC ngày 18/4/2023 của Bộ Công Thương gửi các đơn vị thuộc Bộ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ tại Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Chính sách thương mại đa biên tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latin, Đông Âu,…

Ngày 2/4/2023, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã thống nhất nội dung và chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA). Với việc chính thức kết thúc đàm phán, hai nước tiếp theo sẽ sớm xúc tiến các công tác nội bộ và pháp lý cuối cùng để chuẩn bị cho việc ký FTA Việt Nam - Israel dự kiến ngay trong năm 2023.

Ngày 6/4/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Tiến sĩ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi - Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE đã ký Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc khởi động đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương với tên gọi là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE (CEPA).

Bộ Công Thương cũng đang thúc đẩy đàm phán các FTA mới như FTA với các nước khối MERCOSUR (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) để đưa FTA này thành động lực khai thác thị trường Mỹ Latin.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat ký Tuyên bố về việc kết thúc đàm phán FTA Việt Nam - Israel
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat ký Tuyên bố về việc kết thúc đàm phán FTA Việt Nam - Israel

Tuy nhiên, chiến lược “khai mở thị trường” mà Bộ Công Thương đề ra không chỉ bao gồm hướng đến những thị trường mới mà còn là tìm những cơ hội “ngách” tại những thị trường truyền thống.

Khi Trung Quốc chính thức gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và mở cửa trở lại, Bộ Công Thương đã có nhiều cuộc làm việc, hội nghị giao thương với các địa phương của Trung Quốc như Quảng Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên, Hải Nam… Những hoạt động này nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu thị trường, thiết lập quan hệ bạn hàng, ký kết hợp đồng, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư với các địa phương của Trung Quốc .

Bộ Công Thương cũng cho biết đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và các bên liên quan để tiếp tục đàm phán với các nước, mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là đàm phán với thị trường Trung Quốc để mở cửa thêm cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…, qua đó đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Vừa qua, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã công bố danh sách 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc.

Đây là kết quả của một quá trình đàm phán tích cực giữa các cơ quan chuyên ngành của hai nước, kể từ khi nộp hồ sơ kỹ thuật để mở cửa thị trường cho củ khoai lang tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cho đến khi ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với khoai lang của Việt Nam (gọi chung là Nghị định thư) vào ngày 9/11/2022.

Mỗi nỗ lực này không chỉ là minh chứng rõ nét nhất về trách nhiệm của ngành Công Thương trước tình hình kinh tế đất nước thông qua hành động thiết thực, mà còn là những bước đi linh hoạt, chắc chắn để mở đường để đưa doanh nghiệp vượt qua làn sương mù của kinh tế toàn cầu.

Thy Thảo