TÓM TẮT:

Để thực hiện thắng lợi Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 cũng như Kế hoạch Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là một trong những nhiệm vụ cốt yếu. Bài viết tập trung phân tích nhận thức và hành vi của hộ gia đình nông thôn An Giang về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân, từ đó thay đổi hành vi, lối sống theo hướng tiết kiệm năng lượng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Từ khoá: năng lượng, tiết kiệm năng lượng, hiệu quả năng lượng, hộ gia đình nông thôn

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, năng lượng có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, ở Việt Nam trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng khâu cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng trong chính sách phát triển bền vững ngành Năng lượng nói riêng và an ninh năng lượng quốc gia nói chung. Lần lượt các chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ra đời và gần đây nhất là Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 đã được ban hành theo Quyết định số 280/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ký ngày 13/3/2019.

Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025 và 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ cốt yếu là cần thiết nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, bên cạnh các nỗ lực hỗ trợ của Chính phủ và cộng đồng quốc tế, cũng như áp dụng các quy định về việc sử dụng, quản lý năng lượng.

Cùng với cả nước, tỉnh An Giang đã ban hành “Kế hoạch Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó cũng đã nêu rõ tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Để thực hiện hiệu quả kế hoạch này, Sở Công Thương An Giang và Công ty Điện lực An Giang đã tích cực phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, trường học trong tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến Luật và Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với các hình thức như tổ chức hội thảo, phát tài liệu, tờ rơi, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã cho thấy nhiều vấn đề bất cập trong việc giới thiệu các sản phẩm tiết kiệm năng lượng mới và hướng dẫn người dân chọn mua các thiết bị điện ít tiêu hao năng lượng với giá phù hợp để dần thay thế cho các thiết bị điện đang sử dụng… Một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề bất cập nêu trên là do những hạn chế trong nhận thức của người dân về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong khi đó, nhận thức của người dân về năng lượng tiết kiệm có liên quan mật thiết đến hành vi tiêu dùng của họ. Bài viết tập trung phân tích nhận thức và hành vi của hộ gia đình nông thôn về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trên một số khía cạnh chính:     

- Nhận thức của hộ gia đình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được đánh giá thông qua việc nhận biết loại năng lượng, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, khu vực cần phải tiết kiệm năng lượng và các biện pháp tiết kiệm năng lượng, hiệu quả.

- Hành vi của hộ gia đình nông thôn trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được đo lường bởi các biến số có liên quan đến hành vi sử dụng điện trong giờ cao điểm, hành động khi sử dụng điện và không sử dụng điện; các thiết bị chiếu sáng và các loại bếp đang sử dụng.

2. Nhận thức và hành vi của hộ gia đình nông thôn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

2.1. Khái quát về mẫu khảo sát

Nghiên cứu thực hiện khảo sát 250 hộ gia đình nông thôn, tỷ lệ hồi đáp trực tiếp là 100%. Trong 250 đại diện hộ gia đình tham gia khảo sát có 106 người là nam (chiếm 42,4%) và 144 người là nữ (chiếm 57,6%). Tuổi của người được khảo sát dao động từ 23 đến 79 tuổi, độ tuổi trung bình là 46,82. Trong đó: từ 19 - 30 tuổi chiếm 16,4%, từ 31 - 50 tuổi chiếm 45,6% và từ 51 tuổi trở lên chiếm 38%. Dân tộc Kinh chiếm đa số với 91,2%, còn lại là dân tộc Khmer với 8,8%. Kết quả khảo sát này phù hợp với đặc điểm ở nông thôn An Giang.

Quy mô nhân khẩu hộ cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến mức độ sử dụng năng lượng của hộ, nếu quy mô nhân khẩu càng lớn thì nhu cầu sử dụng năng lượng càng cao và ngược lại, đồng thời cũng có thể ảnh hưởng đến ý định và hành vi sử dụng năng lượng tiết kiệm của hộ gia đình. Kết quả khảo sát cho thấy, quy mô hộ trung bình ở nông thôn An Giang là 4,27 người/hộ, trong đó, quy mô nhân khẩu từ 4 - 5 người/hộ chiếm đa số với tỷ lệ lần lượt là 42% và 24,8%, tiếp đến là quy mô 3 người/hộ với tỷ lệ 16,4%, quy mô nhân khẩu từ 6 - 8 người/hộ chiếm 12% trong tổng số mẫu khảo sát, còn lại là quy mô hộ từ 1 - 2 người/hộ.

Người tham gia khảo sát có trình độ thấp, với: 9,6% không biết đọc/biết viết, tiểu học 32,8%, THCS là 34,4%, THPT là 16,8%, đại học/trên đại học chỉ chiếm 6,4%. Nguồn thu nhập chính của hộ gia đình nông thôn khá đa dạng, chiếm tỷ lệ cao nhất là làm dịch vụ hoặc mua bán nhỏ lẻ với 28,4%, kế đến là làm thuê/làm mướn theo thời vụ với 23,6% và chăn nuôi với 19,2%, còn lại là thu nhập từ lương, trồng trọt với tỷ lệ lần lượt là 15,2% và 11,6%. Thu nhập của hộ gia đình trong 1 tháng dưới 5 triệu đồng là 50,8%, từ 5 đến dưới 10 triệu đồng là 37,6%, từ 10 đến dưới 20 triệu đồng là 9,2% và từ 20 triệu đồng trở lên là 2,4%. Đa số các hộ có đời sống trung bình trở xuống với 60% hộ có đời sống ở mức trung bình, 13,6% hộ khó khăn, 19,6% hộ cận nghèo và nghèo, chỉ có 6,8% hộ khá giả.

Trong tổng số mẫu được khảo sát chỉ có 25,2% hộ gia đình cho biết đã từng biết đến các thông tin sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong khi đó, có đến 74,8% hộ gia đình cho rằng chưa biết. Nguồn thông tin các hộ gia đình tiếp nhận được chủ yếu qua báo, đài, Internet với tỷ lệ là 87,6%, tiếp đến là truyền miệng với 67,7%, các kênh chính thống bao gồm các lớp tập huấn hoặc tổ dân phố chiếm tỷ lệ không đáng kể. Kết quả khảo sát hoàn toàn phù hợp với kết quả phỏng vấn sâu cán bộ phòng kinh tế - hạ tầng các huyện dự án bởi chưa có huyện nào tổ chức tập huấn sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho hộ gia đình nông thôn mà chủ yếu tập huấn cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp về các nội dung sử dụng an toàn điện, các quy định xử phạt về điện… Hầu như các thông tin về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được người dân tiếp cận thông qua việc trao đổi thông tin với nhau. Có trường hợp, người trong dòng họ làm trong ngành Điện hướng dẫn người thân biết cách sử dụng năng lượng sao cho tiết kiệm, hiệu quả hoặc là người dân được tiếp cận thông qua báo, đài rồi sau đó dựa trên nhu cầu sử dụng năng lượng mà tự tìm hiểu thông qua các kênh thông tin khác nhau, trong đó Internet là kênh thông tin quan trọng nhất.

2.2. Nhận thức của hộ gia đình nông thôn về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Để có hành vi sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thì người dân cần phải có sự nhận thức đúng đắn và tương đối đầy đủ về năng lượng cũng như việc sử dụng năng lượng sao cho phù hợp. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 39/250 hộ gia đình nông thôn (tỷ lệ 15,6%) cho rằng có thể nhận biết được năng lượng, trong khi có đến 211/250 người được khảo sát (tỷ lệ 84,4%) cho rằng không biết.

Trong số hộ gia đình cho rằng có thể nhận biết được năng lượng thì chỉ có 72% - 72,8% hộ cho rằng điện và ánh sáng mặt trời là năng lượng; sức nước, sức gió chiếm tỷ lệ thấp hơn với 62,4% và 62%, gas và xăng dầu chiếm tỷ lệ thấp nhất với tỷ lệ lần lượt là 58,8% và 52,8%. Trong khi đó Luật số 50/2010/QH12 về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định năng lượng bao gồm nhiên liệu, điện năng, nhiệt năng thu được trực tiếp hoặc thông qua chế biến từ các nguồn năng lượng tái tạo và không tái tạo. Do đó, tất cả nhiên liệu, điện năng, quang năng,… kể trên đều là năng lượng. Sự nhận thức không đầy đủ về nội hàm của khái niệm năng lượng đã làm cho người dân không phân biệt được đâu là loại tài nguyên năng lượng tái tạo và loại tài nguyên năng lượng không thể tái tạo để có ý thức sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, an toàn và hiệu quả nhất.

Khi đề cập đến vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã nhận được sự phản hồi tích cực bởi 100% hộ cho rằng năng lượng cần phải được sử dụng tiết kiệm, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chính là trách nhiệm chung của toàn thể xã hội (tỷ lệ 79,5%) và không phân biệt khu vực thành thị hay nông thôn (tỷ lệ 87,2%). Tuy nhiên, làm thế nào để có thể tiết kiệm được năng lượng và sử dụng năng lượng một cách hiệu quả thì vẫn là một vấn đề cần phải nghiên cứu và bàn luận thêm bởi có đến 64,1% hộ gia đình cho rằng không biết đến các biện pháp thực hành năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Các biện pháp tiết kiệm năng lượng được đề cập đến trong phiếu khảo sát bao gồm hạn chế sử dụng thiết bị điện công suất lớn vào giờ cao điểm, lắp đặt thiết bị gia đình hợp lý, khoa học, hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng, thiết kế, xây dựng nhà ở tận dụng ánh sáng và thông gió, sử dụng vật liệu cách nhiệt, thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng được người dân lựa chọn với tỷ lệ dao động chỉ từ 25,6% - 33,3%. Kết quả này càng khẳng định, mặc dù một số hộ gia đình nông thôn có thể nhận biết được năng lượng nhưng chưa biết cách sử dụng năng lượng sao cho tiết kiệm, hiệu quả. Do đó, ở địa bàn nông thôn rất cần các lớp tập huấn hoặc các hình thức tuyên truyền phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các nội dung có liên quan đến việc sử dụng năng lượng sao cho tiết kiệm, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025.

2.3. Hành vi sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Kết quả thống kê cho thấy, 100% hộ gia đình nông thôn ở địa bàn khảo sát đều có điện để sử dụng, trong đó 84% sử dụng duy nhất điện lưới, 16% còn lại có sử dụng điện năng lượng áp mái hòa lưới điện quốc gia. Nếu như trước đây, bóng đèn sợi đốt, loại bóng đèn tiêu tốn rất nhiều điện năng được sử dụng phổ biến ở khu vực nông thôn để phục vụ cho mục đích chiếu sáng thì nay đèn Led, đèn Compact, đèn Acquy, đèn huỳnh quang đã dần thay thế hoàn toàn bởi hiệu suất chiếu sáng cao, tiết kiệm điện năng, mẫu mã đẹp, đa dạng, và đặc biệt là giá thành rẻ, phù hợp với khả năng tiêu dùng ở khu vực nông thôn.

Nếu xét về khả năng tiết kiệm điện của các loại bóng đèn trên thị trường hiện nay thì có thể thấy đèn Led có khả năng tiết kiệm điện cao nhất, kế đến là đèn Compact và sau cùng là đèn huỳnh quang. Tuy nhiên, loại đèn huỳnh quang mặc dù ít tiết kiệm điện hơn nhưng vẫn được sử dụng phổ biến hơn cả với tỷ lệ 77,2%, kế đến là đèn Led (61,6%), đèn Compact (43,6%).

Kết quả phỏng vấn sâu còn cho thấy, mặc dù ở khu vực nông thôn bóng đèn sợi đốt không còn được ưa chuộng và sử dụng phổ biến cho mục đích chiếu sáng, song người dùng vẫn sử dụng để sưởi ấm gia súc, gia cầm, hoặc sử dụng trong trường hợp giữ ấm cho phụ nữ sau sinh, cách làm này thay thế cho đốt than, vốn được áp dụng khá phổ biến ở nông thôn trước đây.

Bên cạnh các loại đèn thông thường có sử dụng điện để chiếu sáng, hiện nay, một số đường giao thông nông thôn còn sử dụng đèn năng lượng mặt trời với nhiều tính năng ưu việt như khả năng cảm biến chống trộm thông minh, chống nước, chống sét, độ chiếu sáng rộng, thời gian chiếu sáng, độ bền cao. Nguồn kinh phí lắp đặt được xã hội hóa. Một số hộ có đời sống kinh tế khá giả còn lắp đặt pin năng lượng mặt trời áp mái chủ yếu phục vụ cho nhu cầu chiếu sáng, sử dụng máy điều hòa, sử dụng bếp điện thay thế cho các bếp thường dùng để tiết kiệm năng lượng, hoặc sử dụng cho nhà lưới (nếu có). Thậm chí, việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái còn nhằm mục kinh doanh, bán lại phần sản lượng điện không sử dụng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).Tuy nhiên, không phải hộ dân nào cũng có thể lắp đặt được pin năng lượng mặt trời mặc dù các họ biết rất rõ các lợi ích của việc ứng dụng năng lượng mặt trời vào trong sản xuất và đời sống. Một trong những rào cản lớn nhất đó chính là chi phí lắp đặt. Mặt khác, ở địa bàn nông thôn, đối với các hộ gia đình có đời sống ở mức trung bình trở xuống, nhu cầu sử dụng điện không nhiều, bởi đa số người trẻ đi làm hoặc đi học xa nhà, chỉ còn người lớn tuổi trông coi nhà cửa và chăm sóc con cháu.

Trong sinh hoạt hằng ngày, bên cạnh bếp gas đang được ưa chuộng hiện nay thì gỗ, than vẫn được người dân sử dụng phổ biến làm nhiên liệu để đun nấu. Việc sử dụng gỗ, than hằng ngày không chỉ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người sử dụng mà còn tác động tiêu cực đến môi trường như tình trạng ô nhiễm, chặt phá rừng làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao như hiện nay,  việc sử dụng bếp điện lại là lựa chọn ưu việt nhất; 55,2% hộ gia đình nông thôn đã sử dụng bếp điện bên cạnh sử dụng các loại bếp thường dùng. Tuy nhiên, chỉ có 20,3% hộ sử dụng bếp điện có lắp đặt pin năng lượng mặt trời. Vậy làm thế nào để người dân sử dụng bếp điện một cách tiết kiệm điện năng và hiệu quả nhất vẫn là vấn đề cần phải quan tâm nghiên cứu. (Bảng 1)

Bảng: Thống kê các loại bếp thường dùng ở khu vực

nông thôn An Giang

TT

Loại bếp

Số lượng

Tỷ lệ (%)

1

Gỗ củi

150

60

2

Than củi

97

38,8

3

Bếp gas

235

94

4

Bếp điện

138

55,2

Nguồn: Kết quả khảo sát dự án, 04/2022

Trong nghiên cứu này, việc đánh giá hành vi sử dụng năng lượng của hộ gia đình nông thôn còn dựa trên sự phân tích thói quen sử dụng điện của người dân. Khi xem xét, đánh giá mức độ thường xuyên thực hành tiết kiệm điện của hộ gia đình, nghiên cứu nhận thấy đa số các hộ đang có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm. Cụ thể: có đến 46,8% hộ gia đình có sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, thiết bị có dán nhãn năng lượng, 68,8% hộ gia đình thường xuyên rút phích nguồn tất cả thiết bị điện sau khi không còn sử dụng, 50,8% hộ thường xuyên không dùng thiết bị tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm, chỉ có 18,4% hộ thường xuyên bật đèn vào ban ngày. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp sử dụng điện theo thói quen mà chưa chú ý đến việc tiết kiệm điện như 27,6% hộ thường xuyên đặt chế độ hâm nóng cơm trong thời gian dài, có đến 64,8% hộ tắt hết bóng đèn dù vừa ra khỏi phòng ít phút, việc làm này thực sự không cần thiết bởi việc tắt, mở công tắc trong thời gian ngắn càng làm cho thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng hơn.

Từ các kết quả khảo sát về hành vi sử dụng năng lượng tiết kiệm của hộ gia đình nông thôn cho thấy ý thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực. Từ chỗ sử dụng các thiết bị truyền thống, tiêu tốn nhiều điện năng, gây ô nhiễm môi trường thì đến nay, người dân hướng đến sử dụng các loại thiết bị tiết kiệm năng lượng, chú ý đến các thiết bị có dán nhãn năng lượng khi chọn mua các sản phẩm gia dụng. Nhiều hộ chuyển từ việc sử dụng điện theo thói quen nay hướng đến việc sử dụng điện sao cho tiết kiệm. Tuy nhiên, một vài các biện pháp mà người dân sử dụng vẫn chưa thực sự đúng đắn và hiệu quả.

2.4. Các nguyên nhân ảnh hưởng đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả ở nông thôn An Giang

Để có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của hộ gia đình nông thôn về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thì phải đề cập đến vai trò của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau như báo, đài, lớp tập huấn, các Chương trình hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất,… Các hoạt động tuyên truyền thường được lồng ghép vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của huyện, riêng ngành Điện lực hằng năm đều có tổ chức tuyên truyền tiết kiệm điện hoặc sử dụng điện an toàn, hiệu quả, quảng bá các thiết bị điện có hiệu suất cao, điện mặt trời áp mái, tuyên truyền các thiết bị điện có dán nhãn năng lượng,... Đồng thời, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, các xã đều chú trọng đến tiêu chí sử dụng điện an toàn và do đó tiêu chí về điện ở địa bàn nông thôn được nâng chất hàng năm, tỷ lệ hộ không có điện cũng được giảm đáng kể, tiến tới 100% điện lưới hóa địa bàn nông thôn.

Mặc khác, với sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã tạo động lực cho một số hộ gia đình có điều kiện kinh tế khá cao đã lắp đặt điện áp mái để kinh doanh, bán điện lại cho công ty điện lực. Đối với một số hộ kinh doanh trang trại hoặc nhà lưới, việc lắp pin năng lượng mặt trời giúp giảm hiệu suất sử dụng mạng lưới điện quốc gia, tiết kiệm năng lượng và chi phí vận hành thiết bị. Riêng đối với các hộ chăn nuôi, việc sử dụng năng lượng mặt trời cũng mang đến nhiều lợi ích, không chỉ giúp người dân tiết kiệm điện mà còn giải quyết các vấn đề phức tạp như lắp đặt, kéo dây, sử dụng điện an toàn khi sử dụng đèn để thắp sáng.

Việc tiếp cận với các thiết bị gia dụng mới tiết kiệm năng lượng cũng dễ dàng hơn đối với các hộ gia đình nông thôn bởi các thiết bị được bán rộng rãi tại các cửa hàng chuyên kinh doanh điện máy, điện gia dụng, siêu thị, chúng được thiết kế đa dạng về mẫu mã, phong phú về giá cả, đáp ứng được phần nào nhu cầu tiêu dùng và khả năng tài chính của người dân nông thôn.

Kết quả khảo sát còn cho thấy, khó khăn lớn nhất mà các hộ gia đình nông thôn gặp phải khi đầu tư hoặc mua sắm các thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng là không biết liên hệ với ai để được bảo hành hoặc sửa chữa khi các thiết bị bị lỗi từ nhà sản xuất hoặc bị lỗi trong quá trình sử dụng, và không biết việc đầu tư thiết bị mới có thực sự tiết kiệm, hiệu quả, một số các thiết bị hiện nay có tuổi đời, độ bền thấp hơn so với các thiết bị gia dụng được sản xuất trước đây. Cả 2 ý kiến trên đều chiếm tỷ lệ cao nhất với 65,8% hộ được khảo sát, kế đến là không biết lựa chọn cũng như không biết sử dụng các thiết bị mới tiết kiệm năng lượng (đều chiếm tỷ lệ 63,5%), thu nhập thấp, không có tiền mua mới các thiết bị tiết kiệm năng lượng chiếm tỷ lệ thấp hơn với 54,1% ý kiến. Từ những khó khăn trên, cùng với thói quen tiêu dùng, nên đa số các hộ gia đình nông thôn không có nhu cầu thay đổi và sử dụng các thiết bị mới với tỷ lệ 64,9% trong tổng số hộ được khảo sát.

3. Giải pháp nâng cao nhận thức và hành vi của hộ gia đình nông thôn An Giang về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân nông thôn, đặc biệt có lợi cho các hộ có tham gia kinh doanh - sản xuất và việc tham dự tập huấn sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là nhu cầu của đa số các hộ tham gia khảo sát với tỷ lệ 71,6% hộ trả lời phỏng vấn. Do đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cần được quan tâm thực hiện và trở thành nhiệm vụ thường niên của các cơ quan, đơn vị phụ trách mảng năng lượng. Các nội dung tuyên truyền, tập huấn cần tập trung vào các kiến thức cơ bản về năng lượng, tính kinh tế và hiệu quả của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, các chủ trương, chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, các giải pháp để tiết kiệm năng lượng, lựa chọn, lắp đặt và sử dụng hiệu quả các thiết bị gia dụng, cách nhận biết thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng, tính kinh tế và hiệu quả của việc ứng dụng năng lượng mặt trời, vốn đầu tư, cách thức vận hành bảo dưỡng, thông tin chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công, lắp đặt… Ngoài các kênh tuyên truyền truyền thống như báo, đài, phát tờ rơi, tờ gấp, tổ chức hội thảo, tập huấn,… cần quan tâm đến nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội, bởi nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội tạo sức hút và có tính lan tỏa nhanh trong cộng đồng.

Bản thân các cán bộ làm công tác truyền thông ở cơ sở cũng cần được bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên về các cách thức truyền thông mới, hiện đại; các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các kiến thức nền tảng về năng lượng, những lợi ích và hướng phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo ở Việt Nam,… Đồng thời, cũng cần được tập huấn cho cán bộ để cán bộ nắm vững từ đó tuyên truyền cho người dân nắm bắt một cách rõ ràng, chính xác, cụ thể.

Bên cạnh đó, cán bộ ở cơ sở cần phối hợp với công ty điện lực thường xuyên rà soát, kiểm tra các hộ còn sử dụng các thiết bị cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng để động viên đổi mới các thiết bị tiết kiệm năng lượng và có hiệu suất cao. Trong trường hợp hộ gia đình khó khăn, không có điều kiện để mua mới, cán bộ cơ sở có thể vận động các “Mạnh Thường Quân”, các nhà hảo tâm hỗ trợ.

Đồng thời, cần giảm thiểu rủi ro cho người dân khi mua sắm hoặc đầu tư các thiết bị tiết kiệm năng lượng, các thiết bị tiết kiệm năng lượng cần được đảm bảo về chất lượng, độ bền cao, khi người dân mua sắm các thiết bị tiết kiệm năng lượng cần được các cơ sở kinh doanh, sản xuất hướng dẫn rõ ràng, chi tiết việc sử dụng, bảo hành các thiết bị, cung cấp số điện thoại, địa chỉ gần nhất mà người dân có thể liên hệ khi cần sửa chữa thiết bị hoặc phải khắc phục sự cố. Nhà nước cũng cần có các quy định rõ ràng về việc thu hồi các phế phẩm từ tấm quang năng sau khi hết thời gian sử dụng, hiện nay chưa một công ty nào ở Việt Nam chịu trách nhiệm thu hồi và tái chế các tấm quang năng và do đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong vài chục năm tới.

Việc lắp đặt pin năng lượng mặt trời không chỉ là nhu cầu của riêng các hộ gia đình có thu nhập khá, mà là nhu cầu của một số hộ có đời sống ở mức trung bình trở xuống. Thông qua phỏng vấn sâu các hộ có nhu cầu lắp đặt pin năng lượng mặt trời cho thấy họ sẵn sàng chi trả 50% chi phí lắp đặt, 50% còn lại cần sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc doanh nghiệp thông qua hình thức trả chậm. Do đó, để tạo điều kiện cho các hộ gia đình nông thôn được tiếp cận với việc sử dụng năng lượng mặt trời, Nhà nước cần hỗ trợ chi phí đầu tư thiết bị năng lượng, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tiền mặt căn cứ vào số KWh đăng ký sử dụng từ nguồn quỹ bảo vệ môi trường, hoặc là tiếp tục chủ trương cho các tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh điện mặt trời để tạo động lực cho các hộ dân nông thôn chuyển đổi từ sử dụng điện lưới quốc gia sang điện mặt trời áp mái, đồng thời thành lập trung tâm hỗ trợ vận hành, bảo dưỡng và tư vấn về năng lượng điện áp mái,… Ngoài ra, Nhà nước cần ban hành cơ chế chính sách vay ưu đãi (lãi suất thấp), thủ tục vay đơn giản, thuận lợi để tạo điều kiện cho hộ gia đình nông thôn mạnh dạn đầu tư, lắp đặt pin năng lượng mặt trời.

Tóm lại, để nâng cao nhận thức và hành vi của hộ gia đình nông thôn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, điều tiên quyết phải làm là giúp cho người dân hiểu được lợi ích của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt là các lợi ích về kinh tế đối với đời sống của hộ gia đình nông thôn, giúp cho người dân nhận thức được những rủi ro, và các biện pháp khắc phục sau đó có những cơ chế, chính sách khuyến khích người dân yên tâm sử dụng. Mục tiêu cuối cùng của các giải pháp không phải là các quy tắc, quy định, sự hỗ trợ của Nhà nước, mà bản thân người sử dụng cần phải hiểu và có hành động tự giác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Lời cảm ơn: Để có được kết quả nghiên cứu, tác giả đã nhận được tài trợ từ kinh phí nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nơi tác giả thực hiện nghiên cứu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, (2021), Báo cáo số 757/BC-UBND của về các dự án đầu tư phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh An Giang.
  2. Thủ tướng Chính phủ, (2019), Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.
  3. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, (2020), Quyết định số 714/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025.
  4. Văn phòng Ban Chỉ đạo tiết kiệm năng lượng (2021). Cẩm nang tiết kiệm điện trong gia đình. Nhà Xuất bản Dân trí.

The energy saving awareness and behavior of rural households in An Giang province

Master. Nguyen Thai Ngoc Ha

Social Sciences and Humanities Research Center

An Giang University, Vietnam National University - Ho Chi Minh City

Abtracts:

To successfully implement the Vietnam Energy Efficiency Program in the period of 2019 - 2030 and the Economical and Efficient Use of Energy Plan of An Giang province in the period of 2021 – 2025, it is necessary to raise the public awareness on economical and efficient use of energy. This study analyzes the energy saving awareness and behavior of rural households in An Giang province. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to foster the awareness of rural households in An Giang province on energy saving in order to help them change their behavior and lifestyle towards energy saving.

Keywords: energy, energy-saving, energy efficiency, rural households.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 1 năm 2023]