Nhân sự - “nút thắt” lớn của logistics

Với tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 20%/năm, quy mô thị trường khoảng 22 tỷ USD/năm, nhân lực ngành dịch vụ logistics ở Việt Nam trong giai đoạn 2020-2025 sẽ thiếu rất lớn về số lượng và đòi hỏi cao

Doanh nghiệp phải tự đào tạo

Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về logistics, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, cho biết, cả nước hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics. Trong đó, 70% có trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh, hơn 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động tích cực, 89% doanh nghiệp 100% vốn trong nước còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đánh giá của Bộ Công Thương cũng cho thấy, với tốc độ tăng trưởng về số lượng và quy mô doanh nghiệp, ước tính nhu cầu nhân lực trên toàn quốc của ngành logistics đến năm 2030 vào khoảng 700.000 lao động. Trong số đó, các doanh nghiệp cần khoảng 280.000 nhân viên chuyên nghiệp, lực có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, ICT và tiếng Anh đáp ứng yêu cầu trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0.

Các doanh nghiệp logistics phải mất 2 tháng tự đào tạo sinh viên mới ra trường để các em đáp ứng yêu cầu của công việc

Công ty THHH vận tải Hải Phòng (Hải Phòng Traco) là doanh nghiệp nội 100% hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực: cho thuê tàu vận tải biển; kinh doanh dịch vụ vận tải biển. Đội ngũ nhân sự ở đây được tuyển dụng bài bản, làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả. Tiêu chí đãi được công ty đề ra thẳng thắn: Không có nhân viên thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng.

Giám đốc Traco Hải Phòng Vũ Minh Hiền cho biết, có những vị trí trong công ty sẵn sàng trả lương lên đến 80 – 90 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn không tìm được người. Hiện nay, các vị trí làm việc như: nhân viên chứng từ - thủ tục hải quan, hỗ trợ xuất nhập khẩu, thu mua, quản lý kho và trung tâm phân phối, quản trị và điều hành vận tải... của Công ty thiếu rất nhiều.

Hãng tàu GLS cũng có 100% vốn trong nước. Không phải là hãng tàu lớn nhưng GLS cũng là địa chỉ tuyển dụng lao động khá khắt khe. Ông Nguyễn Công Thắng, cán bộ GLS Hải Phòng cho biết, ngoài yêu cầu có bằng cấp theo đúng chuyên môn, nhân sự GLS sẽ được đơn vị đào tạo lại sát với thực tế công việc.

Để đặt chân được vào GLS, các ứng viên phải tốt nghiệp đại học các ngành Kinh tế, Ngoại thương, Hàng Hải, GTVT, đồng thời có khả năng làm việc dưới áp lực cao, khả năng phân tích nhanh và xử lý các tình huống khi phát sinh, khả năng tính toán, phân tích đánh giá số liệu,...

Chia sẻ bên thềm Hội nghị toàn quốc về logostics, bà Võ Thị Phương Lan, Tổng Giám đốc Công ty Giao nhận vận tải Mỹ Á (ASL) cũng chia sẻ: "Chúng tôi hoạt động được 12 năm và trong thời gian ấy hầu như tất cả sinh viên tuyển từ các trường về đều phải đào tạo lại.

Chúng tôi đào tạo từ vấn đề cơ bản nhất, ví dụ trong lĩnh vực làm chứng từ xuất hàng hóa, phải dạy các em làm thế nào để nhận đơn hàng, quy trình làm việc với khách hàng ra sao. Bản thân tôi phải tự soạn giáo trình đào tạo để các em nhanh chóng nắm bắt công việc. Tuy nhiên, các em cũng phải mất hai tháng để học việc."

Khát nhân lực do đào tạo thiếu bài bản

Chỉ ra những nguyên nhân khiến nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam còn thiếu chất lượng, TS Hoàng Văn Lâm, Giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics hiện nay là thiếu hụt về chương trình đào tạo chuyên sâu, chưa hình thành hệ thống đào tạo đồng bộ từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học.

Hiện nay, chương trình đào tạo logistics chưa chuyên sâu, chưa hình thành hệ thống đào tạo đồng bộ từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học

Thêm vào đó, ngành logistics chưa được đào tạo chính thống tại Đại học Giao thông Vận tải, Trường chưa được cấp mã ngành cấp 4 chính thức. Chương trình đào tạo bị gắn vào ngành khác là quản trị kinh doanh khai thác vận tải nên khó phát triển vì bị bó buộc bởi khung chương trình, đào tạo bị lệch, các môn cơ sở ngành và chuyên ngành bố trí không hợp lý.

Ngoài ra, giáo trình, tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt khan hiếm, giáo trình tiếng Anh khó tiếp cận. Không có mô phỏng về doanh nghiệp logistics, các phần mềm mô phỏng tối ưu toàn chuỗi không được đưa vào dạy.

Đặc biệt, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường, với các bạn sinh viên là chưa nhiều, chưa thiết thực và chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cũng là lý do được TS Hoàng Văn Lâm đưa ra tại Hội nghị.

Liên kết đào tạo theo chiều sâu

Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, nước ta hiện nay có 3 hình thức đào tạo logistics: tại các cơ sở đào tạo bậc đại học/sau đại học và nghề, tại các hiệp hội, và tại chính các doanh nghiệp. Có khoảng 15 cơ sở đào tạo về chuyên ngành logistics hoặc gần chuyên ngành logistics ở cấp đại học/sau đại học và cơ sở dạy nghề về logistics.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng nhân lực ngành logistics, các trường cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo (đại học, sau đại học, nghề) về logistics và nghiên cứu. Tiếp tục xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo ngắn hạn và các hoạt động hỗ trợ liên quan. Đặc biệt, từ việc nghiên cứu các mô hình đào tạo logistics, cần rút ra được những bài học kinh nghiệm cần thiết trong việc xây dựng hoặc đề xuất xây dựng mô hình mới, đảm bảo tính hiệu quả trong việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Tăng cường phối hợp giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo cũng là yếu tố quan trọng. Ông Nguyễn Tương nhấn mạnh, để nhân lực ngành logistics có đủ cả kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế, cần tăng cường hợp tác giữa VLA và các trường nghề để ký các bản ghi nhớ, hợp tác về đào tạo và nghiên cứu phát triển - thực tập - nhận sinh viên vào làm việc; hợp tác xây dựng các phòng thực hành mô phỏng để sinh viên thực hành, xử lý các tình huống cụ thể.

“Đồng thời, phải kết hợp giữa đào tạo ngắn hạn, dài hạn, tại chỗ, online và nghiệp vụ tiếng Anh theo yêu cầu của các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Tương chia sẻ.


Hạ Vũ