Nguồn cung phân bón toàn cầu sẽ tăng mạnh thời gian tới

Hãng sản xuất phân bón lớn nhất thế giới Nutrien (Canada) vừa cho biết sẽ nâng mạnh sản lượng Kali thêm 40% lên mức 18 triệu tấn vào năm 2025. Giới phân tích kỳ vọng động thái này sẽ giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn cung phân bón trên toàn cầu.
Nguồn cung phân bón toàn cầu
Nutrien hiện là hãng sản xuất phân bón lớn nhất thế giới với mức giá cạnh tranh nhờ nguồn cung nguyên liệu thô dồi dào (Ảnh: The Globe and Mail)

Hãng sản xuất phân bón lớn nhất thế giới Nutrien (Canada) vừa cho biết sẽ nâng mạnh sản lượng Kali thêm 40% lên mức 18 triệu tấn vào năm 2025 trong bối cảnh “thị trường phân bón, nông nghiệp và năng lượng toàn cầu có những biến động lớn”. Kali là một trong ba loại dưỡng chất quan trọng dùng để tăng năng suất cây trồng.

Nhận định về quyết định tăng sản lượng sau nhiều tháng cân nhắc, ông Ken Seitz, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tạm thời của Nutrien, cho biết “Thế giới đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng hơn bao giờ hết trong việc đảm bảo thực phẩm. Tình trạng căng thẳng nguồn cung đã khiến giá các loại hàng hoá tăng vọt, khiến các lo ngại về an ninh lương thực trở nên trầm trọng hơn. Không có giải pháp đơn giản hay nhanh chóng để vượt qua thách thức này và chúng tôi nhận thấy tiềm năng lớn của lĩnh vực nông nghiệp cũng như các yếu tố cơ bản của thị trường trong nhiều năm tới đây”.

Giới phân tích kỳ vọng động thái nâng sản lượng của Nutrien sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung phân bón ngày càng tăng trên toàn cầu.

Chuyên gia phân tích Jason Miner tại hãng nghiên cứu thị trường Bloomberg Intelligence (Hoa Kỳ) cho biết với mức chi phí thấp, Nutrien đã giúp giữ giá Kali trên thế giới chỉ ở mức 94 USD/tấn trong năm 2021. Nutrien hiện cũng là hãng sản xuất phân đạm lớn thứ ba thế giới.

Nguồn cung phân bón trên toàn cầu vốn đã suy yếu trong năm 2021, cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine hồi cuối tháng 2 vừa qua càng khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung trở nên nghiêm trọng hơn. Giá năng lượng tăng vọt dưới tác động của cuộc xung đột đã khiến hàng loạt nhà máy sản xuất phân bón trên toàn cầu ngưng hoạt động hoặc giảm công suất.

Các đứt gãy nguồn cung khiến giá hàng hoá tăng vọt cũng thúc đẩy nhiều quốc gia hạn chế hoặc tạm ngưng xuất khẩu phân bón và các loại hoá chất dùng để sản xuất phân bón nhằm đảm bảo an ninh lương thực nội địa.

Điển hình, Nga đã áp đặt hạn ngạch xuất khẩu phân bón kể từ đầu năm đến nay. Nga hiện là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, chiếm hơn 15% tổng lượng phân bón được xuất khẩu trên toàn cầu và nắm vai trò then chốt trong việc cung ứng nhiều dòng phân bón quan trọng như Urea, Ammonium Nitrate, Ammonium Sulphate, Chloride, Calcium Cyanamide và Ammonium Phosphate.

Bên cạnh đó, Trung Quốc - quốc gia xuất khẩu phân bón lớn thứ 2 thế giới cũng đang ngưng xuất khẩu vô thời hạn nhiều loại phân bón quan trọng như Urea, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, Ammonium Chloride và Ammonium Nitrate.

Ông Ken Seitz cho biết các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga và Belarus sẽ tạo ra những thay đổi lâu dài đối với thị trường phân bón toàn cầu và khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn các nguồn cung có độ tin cậy cao.

Canada hiện là quốc gia xuất khẩu Kali lớn nhất thế giới, tiếp theo là Nga và Belarus. Dự kiến 60% tổng nguồn cung Kali mới trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới sẽ đến từ Canada.

Tường Vy