Nghiên cứu các yếu tố tác động tới kết quả học tiếng Anh của người lao động Việt Nam

TS. TRỊNH MINH ĐỨC (Đại học Thương Mại)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu các yếu tố tác động tới kết quả học tiếng Anh của người lao động Việt Nam, đồng thời đưa ra các giải pháp phù hợp để việc học tiếng Anh đạt kết quả cao cũng như rút ngắn được thời gian học tập. Tác giả đã tiến hành nghiên cứu tổng hợp nhỏ (review) nhằm chuẩn bị các thang đo, mô hình và quá trình nghiên cứu định lượng các yếu tố ảnh hưởng tới việc học tiếng Anh.

Từ khóa: yếu tố ảnh hưởng tới học tiếng Anh, mô hình nghiên cứu học tập tiếng Anh, người lao động. 

1. Đặt vấn đề

Đứng trước bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng, sử dụng thành thạo tiếng Anh của người lao động đóng vai trò quan trọng đối với các tổ chức, doanh nghiệp cũng như bản thân người lao động. Để việc học tiếng Anh đạt kết quả cao cũng như rút ngắn thời gian học tập, cần có những nghiên cứu về yếu tố tác động tới việc học tiếng Anh của người Việt để đưa ra các giải pháp phù hợp. Đứng trước nhận định này, tác giả tiến hành nghiên cứu tổng hợp nhằm đưa ra gợi ý về mô hình, thang đo và quy trình nghiên cứu về ảnh hưởng các yếu tố quan trọng tới việc học tiếng Anh của người Việt.

Bài báo tập trung giải quyết các vấn đề: nội dung và thang đo trong nghiên cứu kết quả học tập tiếng Anh, thang đo sử dụng trong đánh giá kết quả học tập tiếng Anh, mô hình nghiên cứu các yếu tố tác động tới kết quả học tập tiếng Anh, thiết lập mô hình nghiên cứu về yếu tố tác động tới kết quả học tập tiếng Anh. Bài báo được xây dựng nhằm đưa ra các gợi ý trước khi tiến hành các nghiên cứu định lượng với chủ đề “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới kết quả học tiếng Anh của người Việt Nam”.

2. Phương pháp nghiên cứu

Bài báo sử dụng phương pháp nghiên cứu tổng hợp dữ liệu (review) nhằm tổng hợp và hệ thống hóa thông tin khoa học nhằm chuẩn bị các thang đo và mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới việc học tiếng Anh của người lao động. Nghiên cứu là sự chuẩn bị các thang đo định lượng, mô hình và đưa ra các gợi ý về triển khai nghiên cứu.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Các yếu tố tác động tới kết quả học tiếng Anh và thang đo

Kyung Ja Kim (2012) nghiên cứu các yếu tố về quan niệm của người học tới kết quả học tập tiếng Anh. Các yếu tố được nghiên cứu bao gồm: tự đánh giá về năng lực của người học; tầm quan trọng của học ngữ pháp trong quá trình học tiếng Anh; phương thức phản hồi của giảng viên tiếng Anh; tầm quan trọng của việc sử dụng tiếng Anh đúng chuẩn, đặc điểm của người học. Việc đo lường được tiến hành thông qua thang Likert 5 điểm. Các thang đo sử dụng trong nghiên cứu được trình bày gồm:

Một là, đo lường mức độ tự tin về năng lực của người học.

+ Tôi sẽ học và sử dụng tốt tiếng Anh.

+ Tôi có khả năng học tiếng Anh tốt.

+ Tôi biết được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân khi học tiếng Anh.

+ Tôi biết cách thức học tiếng Anh.

+ Mọi người đều có thể học tiếng Anh.

+ Tôi đặt mục tiêu rõ ràng khi học tiếng Anh.

Hai là, đo lường đánh giá của người học về tầm quan trọng của học ngữ pháp tiếng Anh.

+ Phần quan trọng nhất của học tập tiếng Anh là học ngữ pháp.

+ Học tập ngữ pháp tiếng Anh cũng là học tiếng Anh.

+ Biết ngữ pháp giúp nâng cao khả năng truyền đạt bằng tiếng Anh.

Ba là, đo lường đánh giá của người học về chất lượng các phản hồi của giảng viên trong quá trình giảng dạy tiếng Anh.

+ Giảng viên biết rõ về kết quả học tập của tôi.

+ Phản hồi của giảng viên khiến tôi cảm thấy muốn học tiếng Anh.

+ Phản hồi của giảng viên giúp tôi nâng cao kết quả học tập tiếng Anh.

+ Các phản hồi của giảng viên giúp tôi nâng cao tự tin trong học tập tiếng Anh.

Bốn là, đo lường đánh giá của người học về tầm quan trọng của sử dụng tiếng Anh đúng chuẩn.

+ Nếu bạn cho phép bản thân mắc lỗi văn phạm khi bắt đầu học tiếng Anh, sẽ rất khó sửa chữa về sau.

+ Phát âm tiếng Anh đúng đóng vai trò rất quan trọng.

+ Tất cả các lỗi của người học cần phải được sửa chữa.

+ Nói tiếng Anh không đúng ngữ pháp là một vấn đề rất nghiêm trọng.

+ Cần hiểu văn hóa Anh khi nói tiếng Anh.

Năm là, đo lường đánh giá của người học về đặc điểm cá nhân.

+ Con gái học tiếng Anh tốt hơn con trai.

+ Những người thích nói chuyện sẽ học tiếng Anh tốt hơn.

+ Người trẻ học tiếng Anh dễ dàng hơn.

+ Vấn đề quan trọng nhất đối với học tiếng Anh là nắm từ vựng.

Moeinvaziri, S. A. Razmjoo (2014) đã nghiên cứu về các yếu tố làm giảm động lực của người học tiếng Anh. Nghiên cứu được tiến hành nhằm xác định các yếu tố có tác động tiêu cực tới việt học tiếng Anh như “Thiếu tin tưởng vào bản thân”, “Phương pháp giảng dạy và đặc điểm của giảng viên”, “Không có động lực từ bên ngoài”, “Điều kiện học tập không tốt”,  “Vị thế tiếng Anh trong xã hội thấp”. Việc đo lường được tiến hành thông qua thang Likert 5 điểm. Các thang đo sử dụng trong nghiên cứu được trình bày gồm:

- Đo lường đánh giá của người học về thiếu tự tin vào bản thân trong việc học tiếng Anh.

+ Cảm nhận là bản thân không có năng khiếu học tiếng Anh.

+ Cảm thấy căng thẳng và sợ hãi khi học tiếng Anh.

+ Tin rằng học tiếng Anh rất khó.

+ Có nền tảng tiếng Anh kém.

+ Không cảm thấy hào hứng khi học tiếng Anh.

+ Không cảm thấy cần phải học tiếng Anh,

- Đo lường đánh giá tiêu cực của người học về phương pháp giảng dạy và đặc điểm giảng viên.

+ Giảng viên cứng nhắc và dùng hình phạt trong quá trình giảng dạy.

+ Giảng viên chú trọng vào điểm số nhiều hơn là kết quả.

+ Giảng viên không nói tiếng Anh và không chú trọng phát âm.

+ Phương pháp giảng dạy khó hiểu.

+ Phương pháp giảng dạy không tạo động lực cho người học.

- Đo lường đánh giá tiêu cực của người học về động lực từ bên ngoài.

+ Không cần sử dụng tiếng Anh khi làm việc.

+ Học các nội dung khác quan trọng hơn tiếng Anh.

+ Không có sự liên hệ giữa các môn học khác với tiếng Anh.

+ Đồng nghiệp, bạn bè cho rằng sẽ không sử dụng tới kiến thức tiếng Anh.

- Đo lường đánh giá tiêu cực của người học về điều kiện học tập

+ Thời lượng dạy tiếng Anh ít.

+ Không có đầy đủ giáo trình.

+ Lớp quá đông.

+ Học sinh có trình độ khác biệt.

- Đo lường đánh giá tiêu cực của người học về vị thế tiếng Anh trong xã hội.

+ Tiếng Anh không được coi trọng.

+ Không có định hướng sử dụng tiếng Anh rõ ràng.

+ Học tiếng Anh không được hưởng ứng trong xã hội.

3.2. Phương thức đo lường kết quả đạt được của người học tiếng Anh trong nghiên cứu định lượng

Các tác giả Kyung Ja Kim (2012), M. Moeinvaziri, S. A. Razmjoo (2014) đo lường tác động của các yếu tố tới kết quả học tập tiếng Anh. Trong các nghiên cứu thu thập thông tin từ các đối tượng người học trong cùng một cơ sở đào tạo, dễ dàng sử dụng kết quả đánh giá nội bộ để xác định kết quả đạt được của người học. Trong các nghiên cứu thu thập thông tin từ đối tượng người học đến từ nhiều cơ sở đào tạo khác nhau, sử dụng kết quả đánh giá của các hệ thống khảo sát quốc tế (IELTS, TOEFL, TOEIC,…) sẽ giúp việc đo lường kết quả được chính xác hơn.

Trong nghiên cứu, chúng ta có thể sử dụng điểm quy đổi giữa các hệ thống đánh giá và thang đo Likert 5 điểm. Dưới đây là ví dụ minh họa về quy đổi kết quả học tập của người học tiếng Anh (Bảng 1).

Bảng 1. Quy đổi kết quả học tập của người học tiếng Anh sang thang đo Likert 5 điểm

IELTS

TOEFL IBT

TOEIC

Likert 5 điểm

dưới 2

dưới 18

dưới 250

1

 từ 2 đến 3.5

từ 19 đến 40

từ 255 đến 500

2

từ 4 đến 5

từ 41 đến 64

từ 501 đến 700

3

từ 5.4 đến 6.5

từ 65 đến 78

từ 701 đến 900

4

trên 6.5

từ trên 78

từ trên 900

5

3.3. Phương thức thu thập mẫu nghiên cứu trong nghiên cứu định lượng

Kyung Ja Kim (2012) thu thập mẫu nghiên cứu 447 sinh viên có cùng độ tuổi, đối tượng tham gia nghiên cứu có thời gian học tiếng Anh không đồng nhất. Bảng hỏi được đưa tới người học ngay trên lớp, do vậy tỷ lệ trả lời câu hỏi rất cao. M. Moeinvaziri, S. A. Razmjoo (2014), trong nghiên cứu định lượng đã thu thập thông tin nghiên cứu từ 371 đối tượng là người học có đặc điểm khá đồng nhất.

Dựa trên kết quả các nghiên cứu cho thấy, việc thu thập mẫu đối với nghiên cứu về “Các yếu tố ảnh hưởng tới kết quả học tiếng Anh của người Việt Nam” khá thuận lợi. Thứ nhất, do thông tin được thu thập chủ yếu từ người học và người dạy, nên việc tiếp cận để thu thập thông tin nghiên cứu dễ dàng hơn so với các nghiên cứu khoa học xã hội khác. Thứ hai, người cung cấp thông tin thường không chịu các ràng buộc về bảo mật, nên dễ dàng cung cấp đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của bên nghiên cứu.

3.4. Các mô hình nghiên cứu

Kyung Ja Kim (2012) sử dụng mô hình SEM, mô hình này bao gồm các tác động chủ yếu sau: Thứ nhất là tác động của các yếu tố Năng lực người học, Phản hồi của giảng viên và Nhận định Tầm quan trọng của học ngữ pháp tới kết quả học tiếng Anh (điểm thi). Thứ hai là tác động của các yếu tố Tầm quan trọng của học ngữ pháp, Tầm quan trọng của sử dụng chính xác văn phạm tiếng Anh tới quan điểm của người học và từ đó tác động đến mức độ tự tin về năng lực.

Moeinvaziri, S. A. Razmjoo (2014), sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính đa biến nhằm đánh giá tác động của các yếu tố tiêu cực tới kết quả học tiếng Anh. Trong mô hình nghiên cứu, các yếu tố “Thiếu tin tưởng vào bản thân”, “Phương pháp giảng dạy và đặc điểm của giảng viên”, “Không có động lực từ bên ngoài”, “Điều kiện học tập không tốt”,  “Vị thế tiếng Anh trong xã hội thấp” có tác động trực tiếp tới kết quả học tiếng Anh của người học.

3.5. Phương thức thiết lập mô hình nghiên cứu các yếu tố tác động tới kết quả học tiếng Anh của người Việt Nam

Moeinvaziri, S. A. Razmjoo (2014) đã kết hợp nghiên cứu định tính và định lượng khi nghiên cứu “các yếu tố ảnh hưởng tới kết quả học tiếng Anh của người Việt Nam”. Trong nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu định tính được thực hiện trước nhằm xác định các yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tiếng Anh thông qua các câu hỏi về cảm nhận của người tham gia phỏng vấn (người học tiếng Anh) về các yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực đối với việc học tiếng Anh và đánh giá mức độ quan trọng của các câu trả lời.

Có thể thấy, thông qua nghiên cứu định tính, chúng ta có thể thu thập dữ liệu nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng tới Việc học tiếng Anh. Một số ví dụ khác có thể kể đến như nghiên cứu của Nihta V. F. Liando (2012), tác giả đã thu thập dữ liệu từ 3 người học và 3 giảng viên khi nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới người học. Dữ liệu được thu thập thông qua phỏng vấn và bài luận của người học về quá trình học tiếng Anh. Hệ thống câu hỏi xoay quanh các yếu tố ảnh hưởng tới việc học tiếng Anh với 3 nhóm câu hỏi về gia đình và cộng đồng, cơ sở đào tạo và đặc điểm cá nhân. Thi Tuyet Tran (2013), nghiên cứu từ 20 lao động đã tốt nghiệp đại học và 30 sinh viên đang học trong các trường đại học. Nghiên cứu hỏi người học với 3 câu hỏi “Theo bạn học tiếng Anh có quan trọng không?”, “Phương thức dạy học tiếng Anh ở trường đại học như thế nào?”, “Kết quả học tiếng Anh có được như bạn mong muốn không?”, với 3 câu hỏi trên, nghiên cứu có thể nhìn nhận được ảnh hưởng của quan niệm người lao động, phương thức dạy học đến kết quả học tập tiếng Anh.

Bên cạnh phương pháp nghiên cứu định tính, việc lựa chọn các biến nghiên cứu có thể được tiến hành dựa trên kết quả các công trình nghiên cứu đã công bố, sau đó điều chỉnh để phù hợp với đối tượng nghiên cứu của đề tài. Phương pháp này thường tiến hành khi chủ thể nghiên cứu mới và cũ có nhiều nét tương đồng, ví dụ như đối tượng nghiên cứu cùng là người Việt Nam.

Nhu vậy, các nghiên cứu định tính có vai trò quan trọng trong xác định sơ bộ các yếu tố ảnh hưởng tới việc học tiếng Anh. Sau khi tiến hành nghiên cứu định tính, tiến hành thu thập các công bố khoa học về cùng chủ để nhằm xác định các phương thức đo lường và mô hình nghiên cứu sẽ giúp xác lập được mô hình nghiên cứu phù hợp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1) Kyung Ja Kim. (2012). Language learning belief factors affecting English achievement. English teaching, 67(4), 173-194.

2) M. Moeinvaziri, S. A. Razmjoo. (2014). Demotivating Factors Affecting Undergraduate Learners of Non-English majors studying general English: A case of Iranian EFL context. The journal of teaching language skill, 5(4), 41-61.

3) Nihta V. F. Liando. (2012). Factors affecting a successful language learner. Indonesian journal of English language teaching, 8(1), 22-50.

4) Thi Tuyet chan. (2013). Factors affecting teaching and learning English in Vietnamese universities. The internet journal language, culture and society, 38, 138-145.

A study on the factors affecting Vietnamese employees’ English learning outcomes

Ph.D Trinh Minh Duc

Thuongmai University

Abstract:

This study examines the factors affecting Vietnamese employees’ English learning outcomes and proposes some solutions to help Vietnamese employees achieve high English learning results and shorten study time. In this study, a mini review is conducted to prepare a quantitative research model, and a quantitative research process on the factors affecting English learning outcomes for further researches on this topic.

Keywords: factors affecting English learners, English learning research model, employees.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 5 năm 2022]