Ngành gỗ ứng phó với phòng vệ thương mại

Thời gian qua, ngành gỗ phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc…, đặc biệt Hoa Kỳ liên tục khởi xướng điều tra sản phẩm gỗ dán cứng, tủ gỗ, bàn trang điểm từ Việt Nam.

phòng vệ thương mại gỗ

Các biện pháp phòng vệ thương mại thường gặp đối với gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam

Chia sẻ tại Tọa đàm "Phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam" tổ chức mới đây, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, gỗ và các sản phẩm gỗ là một trong những nhóm hàng bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) tại nhiều thị trường. Trên thế giới, có nhiều loại gỗ như: gỗ tấm, gỗ xẻ, gỗ tròn, gỗ dán, gỗ MDF… cũng bị các nước trên thế giới tiến hành điều tra phòng vệ thương mại. Các sản phẩm gỗ chế biến như phào gỗ, gỗ dán tường, gần đây nhất là gỗ sofa, tủ bếp, tủ nhà tắm, hoặc các sản phẩm gỗ nội thất trong phòng ngủ… cũng đã có một số cuộc điều tra.

Nhận định về việc ngành gỗ Việt Nam liên tiếp phải đối mặt với các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế, nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, ông Trung cho rằng, trong bối cảnh nhiều sản phẩm gỗ trên thế giới bị đánh thuế cao, là đối tượng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, chúng ta có thể trở thành đối tượng mở rộng để áp dụng biện pháp PVTM.

Hiện biện pháp phòng vệ thương mại với ngành gỗ có hai trường hợp, bao gồm hành vi chủ động gian lận và hành vi bị mở rộng điều tra gian lận của nước nhập khẩu.

Với hành vi chủ động gian lận, hàng hoá vốn bị áp dụng biện pháp phòng vệ của nước khác nhưng khi chuyển sang nước nhận chuyển dịch, bản chất là gian lận xuất xứ, không có hoạt động chế biến gì thêm, không tạo giá trị gia tăng, chỉ chuyển đổi xuất xứ để xuất khẩu hàng hoá đi nhằm trốn tránh thuế. Đó là chủ động gian lận.

Trường hợp thứ hai là hành vi bị mở rộng điều tra gian lận của nước nhập khẩu. Trên thực tế biện pháp PVTM mở rộng cho nước thứ 3, kể cả khi doanh nghiệp, sản phẩm đó có sản xuất tại Việt Nam, tạo giá trị gia tăng tại Việt Nam, đủ điều kiện xuất xứ C/O tại Việt Nam nhưng theo quy định của các nước, kể cả đáp ứng C/O nước ta thì vẫn bị nước nhập khẩu áp đặt biện pháp PVTM, dù đáp ứng C/O nhưng giá trị gia tăng tại Việt Nam không đáng kể.

ông Trung PVTM
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương

Trường hợp này, không có nghĩa doanh nghiệp Việt Nam vi phạm, chỉ là chúng ta chưa chứng minh được rằng chúng ta không có hành vi phá giá, trợ cấp, gian lận xuất xứ nên các doanh nghiệp nhận kết quả bất lợi”, ông Trung thông tin.

Trong hai trường hợp này, chúng ta cố gắng ngăn chặn trường hợp chủ động gian lận, khai báo sai trái. Còn đối với trường hợp thứ hai, chúng ta cần hỗ trợ doanh nghiệp để chứng minh rằng hàm lượng giá trị gia tăng ở Việt Nam đủ lớn để không phải chịu các vụ việc điều tra, áp thuế.

Cần tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp

Để ứng phó với các vụ việc PVTM, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, chúng ta phải chia ra hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn tiền khởi kiện. Giống như chúng ta chuẩn bị con tàu ra biển, trước khi ký kết hợp đồng thương mại, chuẩn bị lô hàng đồ gỗ xuất khẩu, chúng ta phải nghe ngóng "thời tiết", trang bị công cụ để "ra khơi" an toàn.

Trong đó cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quản trị doanh nghiệp, đặc biệt sử dụng tiện ích, công nghệ số để minh bạch chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất của chúng ta. Doanh nghiệp cần tiến tới áp dụng các phần mềm kế toán hiện đại để khi có bất trắc cần có bằng chứng, hóa đơn, chứng từ chứng minh công việc làm ăn của chúng ta là minh bạch. Đây là một khâu rất quan trọng tuy nhiên doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm.

Giai thứ hai là giai đoạn đoạn đối phó với các vụ kiện ở thị trường lớn đã khởi xướng điều tra. Doanh nghiệp của chúng ta thường yếu về kiến thức luật pháp quốc tế, yếu ngoại ngữ, tin học nên ngại phải đương đầu với rắc rối, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã bỏ cuộc, hoặc khai báo không đầy đủ, không nhất quán dẫn đến trạng "tình ngay lý gian".

Ví dụ ở vụ điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ với gỗ dán cứng của Việt Nam. Họ nghi ngờ một số doanh nghiệp nước ngoài đưa sản phẩm hoàn chỉnh vào nước ta để gian luận thuế. Doanh nghiệp nước ta không có chuyện đó, nhưng khi được hỏi không trả lời được, trả lời bảng hỏi và cung cấp hóa đơn chứng từ không nhất quán nên dẫn đến tình trạng tình ngay lý gian. Một số doanh nghiệp thuê luật sư nước ngoài nhưng bất đồng ngôn ngữ, hiểu biết của luật sư nước ngoài với thực tiễn sản xuất của nước ta không đầy đủ dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp bị đưa vào danh sách đen”, ông Hoài chia sẻ.

ông Hoài HH Gỗ
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Ông Hoài cũng cho rằng, khi chúng ta chấp nhận rủi ro, chấp nhận tăng cường phát triển sản xuất, chiếm lĩnh thị trường thì chúng ta phải tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp. Cần có đầu tư về công nghệ, về con người, tự trang bị kiến thức nhất định để tự bảo vệ mình trước tiên. Khi xảy ra vụ việc cần có tính cộng đồng, đặc biệt là vai trò của Hiệp hội gỗ tại các địa phương, Hiệp hội Gỗ Việt Nam rất quan trọng, phải có trách nhiệm, sứ mệnh để bảo vệ doanh nghiệp của mình.

Theo ông Chu Thắng Trung, bài học kinh nghiệm từ các vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá với mật ong, gỗ dán, tủ bếp Việt Nam cho thấy, doanh nghiệp cần theo đuổi, sát sao vụ việc. Chúng ta có nhiều cơ hội để giảm thiểu tác động của vụ việc đến doanh nghiệp trong chính các bước đi, hành động của doanh nghiệp.

Trước khi vụ điều tra diễn ra, Cục Phòng vệ thương mại có sự trao đổi truyền tải thông tin, việc gì cần chuẩn bị, nên làm tới doanh nghiệp.

Trong quá trình chuẩn bị luôn có sự đồng hành của Cục Phòng vệ thương mại với doanh nghiệp, Hiệp hội triển khai các công việc thuê tư vấn, luật sư, việc thuê nên tiến hành như nào, tập trung từng doanh nghiệp để làm với bên tư vấn...

Tiếp theo, doanh nghiệp cần nhất quán cung cấp thông tin, có bằng chứng, lý lẽ, số liệu xuyên suốt. Khi cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, nếu có sự khác biệt thì phải ngay lập tức giải thích, không che giấu.

Duy trì sự phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin kịp thời giữa cơ quan quản lý với hiệp hội, doanh nghiệp, đặc biệt những vấn đề doanh nghiệp cho rằng bất hợp lý cần trao đổi để có cơ sở yêu cầu Cơ quan điều tra tính toán lại để phản ánh đúng tình hình. Nhiều vụ việc Cơ quan điều tra vụ việc PVTM của nước ngoài phải xem xét lại, khiến kết quả có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hoàng Phương