Ngành Công Thương Đắk Lắk trong bức tranh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngành

Năm 2021, Ngành Công Thương tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống (14/5/1951 – 14/5/2021). Hòa chung trong không khí ấy, Sở công Thương Đắk Lắk cùng nhìn lại những đóng góp, ôn lại truyền thống của ngành, tự hào về thành quả đã đạt được và cùng nhìn về tương lai.

Bộ Công Thương được thành lập ngày 14/5/1951 trên cơ sở đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương theo Sắc lệnh số 21/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trải qua 70 năm phấn đấu, các thế hệ cán bộ ngành Công Thương Đắk Lắk đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội đóng góp trên 60% thu ngân sách nhà nước hàng năm của tỉnh.

Về sản xuất công nghiệp, từ năm 2011-2020 tăng bình quân 7%/năm. Trong đó, công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ đạo chiếm 73% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số nhà máy điện năng lượng tái tạo; chế biến nông, lâm sản với những sản phẩm bước đầu chiếm lĩnh thị trường như: Cà phê bột, cà phê hòa tan, đường mía, mật ong, tinh bột sắn, gỗ tinh chế, bia…

Công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước có tốc độ tăng trưởng cao, chiếm trên 56% giá trị sản xuất công nghiệp. Công nghiệp khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu hiện nay cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu xây dựng ngày càng tăng trên địa bàn.

Trụ sở Sở Công Thương Đắk Lắk
Trụ sở Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk

Bản đồ công nghiệp toàn tỉnh đã dần trở nên rõ nét với việc hình thành các trung tâm công nghiệp như: Khu vực thành phố Buôn Ma Thuột; khu vực phía Bắc: Buôn Hồ - Krông Búk - Ea H’leo; khu vực phía Đông: Krông Pắc - Ea Kar - M’Đrắk. Đến hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã công bố quy hoạch chi tiết xây dựng 1 khu công nghiệp quy mô 181ha và 14 cụm công nghiệp có tổng diện tích 693,66ha, thu hút tổng số vốn đầu tư trên 14.000 tỷ đồng.

Hoạt động Thương mại, dịch vụ hiện nay đã phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Khu vực thương mại, dịch vụ giai đoạn 2011-2020 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,5% năm. Hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là một số mặt hàng thiết yếu đã từng bước mở rộng mạng lưới và điểm bán hàng bình ổn đến vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Hệ thống chợ truyền thống ngày một phát triển, bên cạnh đó nhiều siêu thị, trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng và hoạt động khá tốt, góp phần cung ứng hàng hóa tiêu dùng đảm bảo chất lượng, giữ bình ổn giá và từng bước hình thành thói quen giao dịch văn minh, hiện đại trong dân cư.

Sở công Thương Đắk Lắk cùng nhìn lại những đóng góp, ôn lại truyền thống của ngành, tự hào về thành quả đã đạt được và cùng nhìn về tương lai.
Sở công Thương Đắk Lắk cùng nhìn lại những đóng góp, ôn lại truyền thống của ngành, tự hào về thành quả đã đạt được và cùng nhìn về tương lai.

Trong những năm qua, hoạt động xuất khẩu tuy gặp khó khăn nhưng vẫn duy trì được các thị trường truyền thống, tiếp cận được một số thị trường mới. Thị trường xuất khẩu, trong đó xuất khẩu cà phê được mở rộng trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh bình quân hàng năm đạt 562 triệu USD; Hiện nay, Đắk Lắk là một trong năm tỉnh có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất khu vực Miền Trung - Tây Nguyên.

Ngoài các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như: Cà phê nhân, cao su, hạt tiêu, mật ong thì các mặt hàng như Tinh bột sắn, cà phê hòa tan, hạt điều…là những mặt hàng xuất khẩu đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao.

Ghi nhận những thành tựu và đóng góp to lớn của ngành Công Thương Đắk Lắk, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ngành Công Thương Đắk Lắk Huân chương Lao động hạng nhì và Huân chương Lao động hạng ba.

PV