Ngẫm về RCEP

Hôm nay, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực sau hơn 8 năm đàm phán, mở ra nhiều vấn đề để nhìn nhận và suy ngẫm trong ngày đầu tiên của năm 2022 về một giai đoạn lịch sử mới.

Sự hình thành mang tính lịch sử

Khởi động vào tháng 11/2012 tại Phnom Penh (Campuchia) theo sáng kiến của ASEAN, RCEP chính thức được đặt lên bàn đàm phán từ tháng 5/2013 giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ. Ở thời điểm cơ bản hoàn tất đàm phán văn kiện RCEP vào tháng 11/2019, Ấn Độ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định. 

Và đến ngày 15/11/2020, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch, Hiệp định RCEP được ký kết bởi 15 quốc gia gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác, không bao gồm Ấn Độ. Dù vậy, các Bộ trưởng RCEP cho biết đánh giá cao vai trò của Ấn Độ đối với Hiệp định và khẳng định RCEP vẫn mở cửa hoan nghênh Ấn Độ tham gia. 

Việc thúc đẩy kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN là thành tựu được các nước ASEAN và đối tác đánh giá rất cao, qua đó khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực.

Theo quy định của RCEP, Hiệp định chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất việc phê chuẩn/phê duyệt Hiệp định và nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký ASEAN.

Đến ngày 2/11 vừa qua, đã có 6 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và 4 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN. 

Cứ như vậy, Hiệp định RCEP đã chính thức có hiệu lực từ hôm nay, ngày 1/1/2022. Và, một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới xét về quy mô dân số cũng đã được thiết lập, với 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.

Tạo thuận lợi thương mại nội khối

Báo cáo do Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố ngày 15/12/2021 cho thấy, thương mại giữa các quốc gia thành viên RCEP đã có quy mô khoảng 2,3 nghìn tỷ USD vào năm 2019, và việc cắt giảm đến 92% thuế quan giữa các nước theo Hiệp định RCEP theo lộ trình trong 20 năm  sẽ giúp gia tăng xuất khẩu nội khối thêm khoảng 2%, tương đương khoảng 42 tỷ USD.

UNCTAD chỉ ra, con số này là kết quả của 2 động lực chính:

Thứ nhất, thiết lập không gian thương mại mới gần 17 tỷ USD, khi các ưu đãi thuế quan sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại giữa các nước thành viên.

Thứ hai, chuyển hướng dòng chảy thương mại từ đối tác ngoại khối về nội khối RCEP, giúp tăng cường quy mô thương mại RCEP thêm khoảng 25 tỷ USD.

Hiện nay, ASEAN đang có FTA với cả 5 nước đối tác trong RCEP. Với những cam kết về mở cửa thị trường trong Hiệp định, RCEP đã đa phương hoá tất cả các cam kết trong các Hiệp định ASEAN+ hiện hành và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ về một nhóm quy tắc chung thay vì các bộ quy tắc xuất xứ, điều kiện cộng gộp khác nhau trong 4 FTA của ASEAN với các đối tác.

Không chỉ xuất xứ, Hiệp định RCEP cũng sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ, qua đó giúp cắt giảm chi phí và thời gian của doanh nghiệp khi cho phép xuất khẩu sang bất cứ quốc gia thành viên nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng thị trường.

Tựu chung lại, tạo thuận lợi thương mại là lợi thế lớn nhất của RCEP đối với khu vực khi đặt lên “bàn cân” cùng các Hiệp định khác. Không phải một Hiệp định cam kết mở cửa thị trường, không phải hướng đến những giá trị gia tăng mới, mà cốt lõi của RCEP là tăng cường quy mô thương mại - đầu tư trong chính khu vực thông qua tối đa hóa các lợi ích kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, thiết kế thị trường xuất khẩu và nhập khẩu ổn định cho 15 nước thành viên.

Tất nhiên, việc tạo thuận lợi này còn bao gồm cả cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hải quan, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng cạnh tranh lành mạnh, công bằng.

Đơn cử, đa số các nước trong khối RCEP được đánh giá là có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm thủy sản tương đối cao, trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có lợi thế về xuất khẩu thủy sản.

Tại thị trường RCEP, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Tiếp sau đó là Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan.

Ngoài ra, cam kết cắt giảm thuế quan của Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và các nước ASEAN về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và của Hàn Quốc sau lộ trình cam kết 10-15 năm đối với phần lớn mặt hàng thủy sản của Việt Nam… cũng mở ra cơ hội mới cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng có thế mạnh này vào thị trường các nước RCEP, theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.

Kết nối mạng lưới sản xuất 

Ở góc độ rộng hơn, tính toàn diện của RCEP thể hiện ở tác động trực tiếp của Hiệp định này không chỉ đến thương mại mà còn đến cả hoạt động sản xuất của khu vực. Các chuyên gia đã nhắc nhiều đến việc hình thành một không gian kết nối sản xuất mới, khi khu vực Đông Á, Đông Bắc Á, ASEAN, Australia, New Zealand có một mạng sản xuất và chuỗi cung ứng rất năng động và phát triển, kết nối mạnh mẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Điều này là khá dễ hiểu, bởi thị trường RCEP rất đa dạng về cả quy mô kinh tế, năng lực sản xuất hay tiềm năng tài nguyên. Trung Quốc và Nhật Bản lần lượt đứng thứ 2 và thứ 3 toàn cầu về quy mô kinh tế với tổng GDP năm 2020 là 14,72 nghìn tỷ USD và 5,06 nghìn tỷ USD, chỉ sau Hoa Kỳ. Trong khi đó, Singapore, Australia hay New Zealand có quy mô kinh tế ở mức vừa nhưng GDP bình quân đầu người lại thuộc top cao của thế giới: Singapore 57,714 USD; Australia 53,8 USD; New Zealand 42,941 USD (số liệu năm 2020). 

Nếu xét về sản xuất, RCEP cũng có những nền công nghiệp hàng đầu thế giới, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều là 3 quốc gia nằm trong top 10 cường quốc lớn nhất toàn cầu năm 2020. Mặt khác, có những quốc gia lợi thế về nhân công, tài nguyên và đang phát triển như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan,…

Thị trường rộng lớn và đa dạng này chính là điều kiện tuyệt vời để các nước thành viên trong RCEP với mọi quy mô kinh tế, trình độ phát triển đều có thể tham gia vào chuỗi sản xuất ở vị trí phù hợp.

Ngành dệt may Việt Nam trước đó đã hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với mức ưu đãi thuế quan hấp dẫn. Tuy nhiên, quy tắc xuất xứ mà các Hiệp định này đưa ra vẫn là vấn đề khiến các doanh nghiệp khá đau đầu, đặc biệt trong CPTPP. 

Giờ đây, khi RCEP có hiệu lực, Việt Nam được mở rộng thêm nguồn cung nguyên phụ liệu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc phục vụ đáp ứng tiêu chí xuất xứ, nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi FTA. Cộng với tiềm năng khai thác thị trường xuất khẩu ổn định 2,2 tỷ người tiêu dùng, ngành dệt may trong nước nói riêng và các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói chung đang đứng trước cơ hội đột phá lớn nhờ có RCEP, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh Covid-19.

Dù vậy, cần phải thẳng thắn nhìn nhận, cơ hội rất nhiều, nhưng thách thức cũng không ít, mà thách thức lớn nhất có lẽ là sức ép cạnh tranh với các nền công nghiệp chính trong nội khối RCEP. Các doanh nghiệp cần đổi mới và nâng cao nội lực hơn nữa, giảm thiểu rủi ro, biến sức ép thành động lực để gia tăng khả năng cạnh tranh, vượt qua các hàng rào kỹ thuật, cải thiện vị trí trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. 

Tất nhiên, trong quá trình này vai trò đồng hành của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cũng là rất quan trọng, thông qua công cụ chính sách, cơ chế và hoạt động hỗ trợ. 

Chỉ như vậy Việt Nam mới có thể đạt được đột phá từ sân chơi tiềm năng mang tên RCEP, góp phần trụ vững và tăng trưởng trở lại sau thời kỳ dịch bệnh khó khăn.

Thy Thảo