Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Bình Phước

PGS. TS. Nguyễn Quyết Thắng (Trưởng Khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn Trường Đại học Công nghệ TP. HCM (Hutech) Trần Phương Nam (Phó Chủ tịch Thị xã Bình Long - tỉnh Bình Phước)

Tóm tắt:

Bình Phước có kết quả xếp hạng PCI liên tục sụt giảm trong nhiều năm. Năm 2018, Bình Phước tăng được 1 bậc từ bậc 62/63 lên 61/63. Với mục tiêu tăng dần điểm số và thứ hạng PCI của tỉnh qua từng năm, Bình Phước cần thực hiện những giải pháp mạnh và đồng bộ.

Bằng phương pháp tổng hợp, so sánh, thống kê phân tích và điều tra chuyên gia, nghiên cứu này đã đi sâu vào xem xét thực trạng các nhân tố ảnh hưởng đến các chỉ số thành phần của chỉ số PCI cấp tỉnh của Bình Phước, để từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PCI của tỉnh những năm tiếp theo.

Từ khóa: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nâng cao chỉ số PCI, thực trạng và giải pháp, tỉnh Bình Phước.

1. Giới thiệu

Chỉ số PCI đã và đang được sử dụng để đánh giá, nhận diện điểm mạnh, điểm yếu trong việc cải thiện môi trường đầu tư của các địa phương (Trần Sửu, 2005). Tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương tốt hơn, cải thiện việc thực hiện công tác quản lý điều hành của bộ máy hành chính nhà nước, từ đó đưa ra chính sách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng điều hành kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của địa phương (Porter, 2008). Chỉ số PCI còn là thước đo để đánh giá, so sánh các nỗ lực và tiến bộ của từng tỉnh so với các tỉnh, thành phố khác.

Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, tuy không phải là địa phương có nhiều lợi thế so với các địa phương khác nhưng Bình Phước cũng có những điều kiện thuận lợi nhất định do nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí không xa thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước - lại có cửa khẩu thông thương với Campuchia, Bình Phước có rất nhiều cơ hội để phát triển thương mại, du lịch và xuất khẩu... (UBNB tỉnh Bình Phước, 2019). Những kết quả nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, Bình Phước hiện là địa phương đang có năng lực cạnh tranh (NLCT) thuộc loại yếu trong khu vực.

Xác định các vấn đề cần giải quyết để nâng cao NLCT của tỉnh Bình Phước trong thời gian tới, việc phân tích chỉ số PCI của tỉnh Bình Phước thông qua sự so sánh tương quan với một số tỉnh ở Việt Nam (như các tỉnh lân cận theo địa lý, điểm số; các tỉnh có điều kiện tương đồng; tỉnh tốt nhất, kém nhất và những tỉnh có sự thăng tiến mạnh trong xếp hạng chỉ số PCI,...) là rất cần thiết. Những phân tích, đánh giá trên là cơ sở quan trọng để đề xuất những nhóm giải pháp, kiến nghị nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh của tỉnh Bình Phước trong các năm tiếp theo.

2. Cơ sở dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu này bao gồm: dữ liệu thứ cấp được lấy từ Khảo sát của VCCI, niên giám thống kê; các văn bản Nhà nước; Số liệu của UBND tỉnh Bình Phước; số liệu từ các báo cáo của phòng, ban tại UBND tỉnh Bình Phước; số liệu từ các nguồn nghiên cứu trên báo và tạp chí v.v… dữ liệu sơ cấp: điều tra khảo sát, thu thập ý kiến của các chuyên gia về một số chỉ tiêu nhằm nâng cao chỉ số PCI tỉnh Bình Phước.

Phương pháp chủ yếu được sử dụng trong nghiên cứu này là phương pháp tổng hợp, thống kê, so sánh. Các phương pháp này sử dụng chủ yếu trong việc nghiên cứu bài học, kinh nghiệm, phân tích đánh giá thực trạng chỉ số PCI của tỉnh Bình Phước, đề xuất hệ thống giải pháp và kiến nghị liên quan đến nâng cao chỉ số PCI tỉnh Bình Phước. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng sử dụng phương pháp điều tra chuyên gia nhằm thu thập ý kiến của các chuyên gia về một số chỉ tiêu nhằm nâng cao chỉ số PCI tỉnh Bình Phước, để từ đó có cơ sở khách quan đề xuất giải pháp và kiến nghị liên quan đến nâng cao chỉ số PCI tỉnh Bình Phước.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Thực trạng chỉ số PCI của tỉnh Bình Phước so với cả nước, vùng miền Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ (ĐNB), có đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia dài 260,433km. Bình Phước là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, đây là nơi cư trú của nhiều dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm một tỷ lệ lớn, đa số là người S'Tiêng, một số ít là người Hoa, Khmer, Nùng, Tày... Bình Phước có diên tích 6.880,6 km², đây cũng là tỉnh có diện tích lớn nhất miền Nam, dân số toàn tỉnh Bình Phước đạt 994.679 người (Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, 2019).

Trước hết cần phải so sánh chỉ số PCI của Bình Phước với các tỉnh trong cả nước, giữa các tỉnh khu vực ĐNB và giữa các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) có những lợi thế khá tương đồng với nhau. Từ kết quả số liệu xếp hạng PCI các tỉnh mà VCCI (2018) đã công bố, tác giả tiến hành tổng hợp và lập số liệu (Hình 1).

hinh 1

Nếu so với 63 tỉnh, thành trên cả nước, Bình Phước có kết quả xếp hạng PCI liên tục sụt giảm từ năm 2011 đến nay. Cụ thể, theo số liệu của VCCI năm 2011 so với cả nước Bình Phước đứng thứ hạng 8 và được đánh giá là tốt. Đó là kết quả của sau 1 năm nỗ lực nhằm cải thiện các tiêu chí bị xếp hạng thấp như chi phí không chính thức, chi phí gia nhập thị trường… Các năm còn lại xếp hạng từ mức 35 đến 62/63 tỉnh. Việc giảm hạng liên tục được xem là bài học có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho Bình Phước để tự nhận thức và đánh giá về sự nỗ lực của mình thông qua sự nhìn nhận từ bên ngoài, đặc biệt là nhìn nhận từ các doanh nghiệp về môi trường đầu tư của tỉnh. Trong năm 2018, Bình Phước tăng được 1 bậc từ bậc 62/63 lên 61/63. Tuy nhiên, Bình Phước được VCCI đánh giá các chỉ số đều cải thiện đáng kể và Bình Phước tăng trên 3 điểm so với kết quả của năm trước.

Nhìn nhận và phân tích các nguyên nhân chủ yếu tác động làm ảnh hưởng tới thứ bậc PCI hàng năm của Bình Phước được thể hiện qua Bảng 1 với các chỉ số thành phần xếp hạng PCI các tỉnh mà VCCI (2019) đã công bố, tác giả tiến hành tổng hợp và lập bảng. (Bảng 1).

bang 1

Phân tích đã cho thấy có sự khác biệt của một số yếu tố liên quan đến PCI giữa năm 2011 với năm 2013. Liên quan đến vấn đề gia nhập thị trường chỉ số giảm là 1,15, như vậy cho thấy đã có sự khó khăn lớn trong việc gia nhập thị trường của hàng hóa. Đánh giá theo Chỉ số thành phần tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất, nếu năm 2011 tổng hợp điểm mà doanh nghiệp đánh giá rủi ro bị thu hồi đất là 7,62 thì năm 2013, con số này là 6,67, như vậy đã có sự thay đổi đáng kể đối với lòng tin của họ.

Kết quả xếp hạng PCI phụ thuộc rất nhiều vào ý chủ quan của doanh nghiệp, tuy nhiên nó lại được dựa trên những cơ sở hoạt động thực tiễn tại địa phương nên cũng có giá trị tham khảo, làm bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo của các cấp lãnh đạo ban, ngành của tỉnh. (Hình 2)

hih 2

Từ sự nhìn nhận này đòi hỏi chính quyền địa phương, các cấp, ngành trong tỉnh cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư, nhằm khai thác và phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng của mình cho phát triển kinh tế giai đoạn 2020 - 2030. Theo đánh giá của VCCI, tiêu chí tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất liên tục giảm mạnh theo chiều hướng kém trong các năm. Muốn cải thiện chỉ số này, trước hết, tỉnh Bình Phước phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đất đai; đồng thời nâng cao năng lực, trách nhiệm và đạo đức công vụ của lực lượng cán bộ, công chức thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai (VCCI, 2019).

Đi sâu tìm hiểu nguyên nhân thông qua phỏng vấn, trao đổi với các chuyên gia, chúng tôi thấy có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng chỉ số PCI của tỉnh không ổn định, nổi lên có một số nguyên nhân chính sau:

- Thứ nhất, mô hình tổ chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở các sở, ngành, UBND cấp huyện chưa nhất quán và cơ chế phối hợp giữa các ngành trong thực hiện ở một số lĩnh vực chưa rõ ràng, còn vướng mắc trong thực tế vận hành. Việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực tại một số đơn vị chất lượng thấp, DN, nhà đầu tư vẫn phải đi lại nhiều lần và mất nhiều thời gian. Sự không rõ ràng trong chính sách của chính quyền tỉnh là nguyên nhân gây ra tính không chính xác trong dự báo các cơ hội đầu tư, từ đó hình thành tâm lý e ngại đối với các nhà đầu tư khi bỏ vốn đầu tư kinh doanh (UBND tỉnh Bình Phước, 2017). Vì lẽ đó, DN đã đánh giá không cao hoạt động của chính quyền cấp tỉnh trong việc giảm chi phí gia nhập thị trường, cũng như nâng cao tính minh bạch.

- Thứ hai, số lượng DN mới thành lập hàng năm còn thấp, trong khi hộ kinh doanh các thể có quy mô khá lớn lại tăng nhanh. Chi phí gia nhập thị trường của tỉnh Bình Phước vẫn còn cao hơn so với nhiều tỉnh khác. Các thủ tục giấy tờ liên quan đến tham gia thị trường của DN còn phức tạp, thời gian để hoàn thiện kéo dài gây khó khăn cho DN muốn đi vào hoạt động.

- Thứ ba, DN và nhà đầu tư khó khăn hơn trong tiếp cận đất đai và tính ổn định của mặt bằng sản xuất kinh doanh thấp. Trong đó, vấn đề cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều yếu kém và chưa đồng bộ. Nhiều quy hoạch chất lượng thấp, chắp vá, điều chỉnh bổ sung nhiều và khó đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Trong công tác bồi thường còn nhiều vướng mắc ở khâu tổ chức thực hiện, nhiều trường hợp bồi thường chưa thỏa đáng. Bên cạnh đó, việc cấp GCN QSDĐ cho DN còn chậm, tỷ lệ DN sở hữu giấy tờ này còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng tạo vốn cho DN phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh.

-Thứ tư, hệ thống chính sách đào tạo lao động chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài. Chất lượng lao động chưa cao, năng suất lao động thấp, thiếu hụt lao động có kỹ năng ở nhiều ngành sản xuất, đặc biệt những ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao, tạo nhiều giá trị tăng thêm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp, nên việc sử dụng lao động cho phù hợp ngành nghề đã được đào tạo đang đặt ra những vấn đề hết sức cấp thiết hiện nay cho tỉnh.

- Thứ năm, tính minh bạch và đất đai đang trở thành vấn đề “nóng” nhất, ảnh hưởng sự phát triển cộng đồng DN. Tính minh bạch và tiếp cận thông tin có xu hướng giảm trong cảm nhận của DN. Bên cạnh đó, tuy đa số các DN cho rằng "Sự thay đổi khung giá đất của chính quyền tỉnh ban hành là phù hợp với sự thay đổi của giá thị trường" nhưng giá thuê đất còn cao, thủ tục về đất đai phức tạp, giải phóng mặt bằng chậm, thiếu quỹ đất sạch và mức độ ổn định trong sử dụng đất thấp,… đã thực sự cản trở lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Việc xác định rõ những tồn tại, hạn chế cùng với những nguyên nhân là cơ sở quan trọng cho việc đề xuất những giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh của Bình Phước trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, cũng cần phải có những nhận xét, đánh giá về tổ chức xếp hạng PCI hiện nay, để có cơ sở đề xuất khuyến nghị duy trì, hoàn thiện hơn trong thời gian tới.

3.2. Đề xuất giải pháp

3.2.1. Thực hiện cải cách hành chính

Thực hiện cải cách hành chính nhằm thực hiện cải thiện các chỉ số thành phần gồm: Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Thiết chế pháp lý. Để đạt được những mục tiêu quan trọng về kinh tế, thu hút đầu tư chính sách về cải cách hành chính có vị trí trung tâm rất quan trọng. Thiết chế pháp lý tốt tạo điều kiện cho tính minh bạch của bộ máy, qua đó làm giảm chi phí thời gian và chi phí không chính thức của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Qua nghiên cứu, chúng tôi đề xuất tỉnh Bình Phước cần triển khai một số giải pháp sau:

- Xây dựng Cổng thông tin điện tử của tỉnh hiện đại, cung cấp các dịch vụ, thông tin cần thiết về chính sách thu hút đầu tư, quy hoạch; xây dựng mục Đối thoại với doanh nghiệp trên Cổng, đảm bảo duy trì thông tin và phản hồi những câu hỏi của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Khảo sát nhà đầu tư về các chỉ số thành phần còn thấp để tập trung cải thiện.

- Là một tỉnh còn nhiều khó khăn, Bình Phước cần có chính sách đặc thù và hấp dẫn để kêu gọi đầu tư. Để có sức hút với các nhà đầu tư, tỉnh đã và đang xúc tiến nhiều dự án quan trọng. Trong đó, cần triển khai mạnh các dự án giao thông kết nối với cửa khẩu Hoa Lư và sắp triển khai dự án giao thông kết nối cửa khẩu Hoàng Diệu. Đẩy mạnh việc mở khu liên hợp miễn thuế đầu tiên để phát triển kinh tế cửa khẩu, cũng như đẩy mạnh kế hoạch xây dựng 1 cảng khô (cảng cạn) làm nơi tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa khu vực…;

- Khảo sát lấy ý kiến doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến chỉ số PCI. Tăng cường phối hợp và trách nhiệm của các ngành liên quan trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; quán triệt nhiệm vụ cải thiện và nâng cao PCI.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Xây dựng cổng thông tin điện tử của tỉnh hiện đại, cung cấp các dịch vụ, thông tin cần thiết về chính sách thu hút đầu tư, quy hoạch, xây dựng phần “Đối thoại với doanh nghiệp” trên Cổng; đảm bảo duy trì thông tin và phản hồi những câu hỏi của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Khảo sát nhà đầu tư về các chỉ số thành phần còn thấp để tập trung cải thiện.

- Tổ chức bộ phận “một cửa liên thông” tại các sở, ban, ngành, đảm bảo cho bộ phận này phải đủ trang thiết bị vật chất đi kèm, trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị liên quan tiếp nhận và xử lý thông tin. Bộ phận “một cửa liên thông”, được đặt tại Trung tâm Phục vụ Hành chính Công của tỉnh; cán bộ thường trực gồm cán bộ các sở, ban, ngành liên quan tới tiếp nhận thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh Bình Phước.

3.2.2. Thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp

Thực hiện hỗ trợ DN, cải thiện các chỉ số thành phần gồm: Tiếp cận đất đai; Tính năng động; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động. Trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước cần đẩy mạnh triển khai một số giải pháp sau:

- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa dịch vụ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, các đoàn khảo sát, học tập, trao đổi hợp tác cũng như tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu các mặt hàng chủ lực của tỉnh (cao su, điều, tiêu…), tạo điều kiện mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp và chỉ dẫn địa lý nhằm nâng uy tín, chất lượng sản phẩm, dịch vụ…;

- Hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới trong doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ, phổ biến và chuyển giao công nghệ trong các doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Tăng cường phổ biến thông tin về cơ chế, chính sách khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ.

- Phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, tập trung nâng cao hiệu lực quản trị cho doanh nghiệp. Xây dựng và triển khai có hiệu quả các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực như các khóa đào tạo: Khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp chuyên sâu…

3.2.3. Giảm chi phí gia nhập thị trường

Giảm chi phí Gia nhập thị trường, cải thiện các chỉ số thành phần gồm: Chi phí gia nhập thị trường; Cạnh tranh bình đẳng. Trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước cần đẩy mạnh triển khai một số giải pháp sau:

- Hỗ trợ về thông tin, môi trường pháp lý kinh doanh, tư vấn doanh nghiệp. Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm để tạo cơ hội giao lưu giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các luật sư, luật gia giỏi để giúp doanh nghiệp nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng áp dụng pháp luật, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính công khai, minh bạch giữa các thành phần kinh tế nhà nước, tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài;

- Thường xuyên thực hiện rà soát thủ tục hành chính (TTHC), kịp thời phát hiện các TTHC không phù hợp, kiến nghị các Bộ, ngành sửa chữa cho phù hợp, giảm thời gian thực hiện giải quyết TTHC. Nâng cao vai trò tham mưu của Thanh tra tỉnh trong việc chủ trì, phối hợp thanh tra, kiểm tra việc giải quyết TTHC của các đơn vị nhằm giảm chi phí thời gian của doanh nghiệp. Hiện đại hóa bộ phận tiếp nhận và xử lý hồ sơ, đảm bảo thời gian thực hiện các thủ tục tranh liên hệ với nhà đầu tư quá nhiều lần để bổ sung hồ sơ;

- Tăng cường kiểm tra hàng, giả, hàng kém chất lượng đảm bảo công tác quản lý thị trường trong tỉnh ngày càng tốt, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và đưa hàng hóa ra thị trường.

3.2.4. Một số giải pháp khác

Một số giải pháp khác cần đẩy mạnh là phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn Bình Phước. Cần thể hiện mạnh mẽ việc mời gọi đầu tư, ưu tiên cho các dự án đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Việc quản lý, vận hành khai thác các tuyến đường bộ, đường sông phải đảm bảo an toàn, hiệu quả bền vững về chất lượng. Tăng cường công tác quản lý bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tỉnh phải dành phần vốn phù hợp cho công tác này… Ngoài ra, tỉnh Bình Phước cần phải có giải pháp đồng bộ để phát triển các khu công nghiệp (KCN). Phát triển các khu vực nông nghiệp công nghệ cao, phát triển khu vực chuyên canh các loại cây chủ lực (cao su, điều, tiêu…)…

4. Kết luận

Nâng cao NLCT nhằm thu hút đầu tư tại tỉnh Bình Phước đã sớm được lãnh đạo tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Phước chú trọng và quan tâm triển khai theo hệ thống các sở, ban, ngành để nâng cao NLCT cấp tỉnh. Tuy nhiên, từ nghiên cứu thực tế, kết quả tăng trưởng kinh tế hàng năm cho thấy, vẫn có nhiều hạn chế giữa tiềm năng của tỉnh Bình Phước với mục tiêu tăng trưởng đầu tư đề ra. Thách thức đáng được quan tâm là sự đồng thuận giữa nhà đầu tư và chính quyền tỉnh Bình Phước và lợi ích của người dân cần tiếp tục được thống nhất hài hòa.

Trong thời gian tới, chính quyền tỉnh Bình Phước cần tiếp tục chú trọng tới những khó khăn chung của nền kinh tế đang tác động mạnh tới tiến độ thực hiện các chính sách phát triển kinh tế của tỉnh Bình Phước như:

(1) Đẩy mạnh chính sách về thu hút đầu tư cùng với việc cải cách TTHC phải được triển khai, phổ biến kịp thời;

(2) Hỗ trợ về thông tin, môi trường pháp lý kinh doanh, tư vấn doanh nghiệp;

(3) Có giải pháp nâng cao chất lượng và số lượng lao động;

(4) Hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới trong doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, tập trung nâng cao hiệu lực quản trị cho doanh nghiệp.

Hy vọng với những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và các cấp chính quyền tỉnh Bình Phước, chỉ số PCI tỉnh Bình Phước thời gian đến sẽ không ngừng tăng cao, ổn định, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tài liệu tham khảo:

  1. Cục Thống kê tỉnh Bình Phước (2019), Niên giám thống kê tỉnh Bình Phước năm 2018, Bình Phước.
  2. Đỗ Minh Trí (2015), Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư tại tỉnh Hưng Yên, Luận án Tiến sỹ kinh tế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
  3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2017), Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam từ năm 2011 - 2016, Hà Nội.
  4. Porter (1990), The advantage competitiveness of Nations, Harvard Business School Press, Boston.
  5. Trần Sửu (2005), Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong điều kiện toàn cầu hóa, NXB Lao động, Hà Nội.
  6. UBND tỉnh Bình Phước (2019), Báo cáo tổng kết năm và phương hướng nhiệm vụ, từ năm 2011 - 2018, Bình Phước.
  7. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2003), Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, NXB Giao thông vận tải, Hà Nội.

IMPROVE PROVINCIAL COMPETITIVENESS INDEX (PCI)  OF BINH PHUOC PROVINCE

Assoc.Prof.PhD. NGUYEN QUYET THANG

Dean of Tourism & Hospitality Management, Ho Chi Minh City University of Technology

TRAN PHUONG NAM

Vice president of Binh Long commune - Binh Phuoc province

Abstract:

PCI of Binh Phuoc Province was rated continuous decline for years. In 2018, Binh Phuoc raised its ranking from level 62/63 to 61/63. With the goal of gradually increasing rankings of Binh Phuoc PCI every year, Binh Phuoc province should implement powerful solutions and synchronization. By using methodology consisting synthesis, descriptive analysis, and in-depth interview with experts; this research has an indepth look into the factors affecting components of Binh Phuoc’s PCI and recommends solutions to improve it the next years.

Keywords: Provincial Competitiveness Index (PCI), PCI improvement, situation and solutions, Binh Phuoc Province.