Một số vấn đề về điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Việt Nam hiện nay

ThS. NGUYỄN THANH TÂM (Khoa Luật, Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Những quy định về điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong Luật Chứng khoán năm 2019 đã góp phần bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư, gia tăng mức độ tín nhiệm của tổ chức phát hành cũng như gia tăng tính ổn định cho thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại lớn trong quy định của pháp luật gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bài viết phân tích những quy định tại Khoản 1, Điều 15, Luật Chứng khoán năm 2019 để đánh giá những mặt tích cực trong những thay đổi của quy định này và đưa ra giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật.

Từ khóa: IPO, chào bán cổ phiếu, chào bán chứng khoán, điều kiện IPO, pháp luật chứng khoán.

1. Đặt vấn đề

Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng là hoạt động thường được biết đến với cụm từ viết tắt IPO (Initial Public Offering). Đây là một trong những hoạt động đầu tiên, cốt lõi và là điều kiện cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của thị trường giao dịch chứng khoán. Vì vậy, các điều kiện về chào bán cổ phiếu ra công chúng là yêu cầu rất quan trọng, được quy định trong pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Đây là quy định nhằm bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, cũng như tạo cơ sở để củng cố lòng tin của họ đối với thị trường chứng khoán. Hơn nữa, những cơ quan lập pháp đã đề ra những điều kiện mà các tổ chức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng phải tuân thủ để thị trường giao dịch chứng khoán đạt được mục tiêu dài hạn.

Điển hình tại Hoa Kỳ, sau sự cố đổ vỡ của thị trường chứng khoán vào năm 1929, Hoa Kỳ bắt đầu có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với điều kiện chào bán chứng khoán, chi tiết tại Điểm 1, Khoản b, Mục 12 của “Securities Xchange Act Of 1934”. Tại Trung Quốc, ngoài việc đáp ứng các quy định chung về chào bán chứng khoán, các doanh nghiệp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng phải đáp ứng điều kiện cụ thể tại Điều 12 “Luật Chứng khoán Trung Hoa”,…

Tại Việt Nam, điều kiện về hoạt động chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng được đề cập đầu tiên tại Nghị định số 144/2003/NĐ-CP của Chính phủ, sau đó được ghi nhận tiếp theo và cụ thể hơn tại Luật Chứng khoán năm 2006, Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung năm 2010 và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán. Hiện nay, Luật Chứng khoán hiện hành cũng đã cụ thể hóa một cách chi tiết quy định về điều kiện chào bán chứng khoán nói chung và điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng nói riêng (Điều 15) theo đúng định hướng phát triển trong điều kiện mới, đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.

2. Khái niệm, đặc điểm của chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng

2.1. Về khái niệm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng

Trên thế giới cụm từ “Chào bán chứng khoán ra công chúng” (Public offering) được định nghĩa tương đối khác nhau giữa các quốc gia. Tại Hoa Kỳ, chào bán chứng khoán ra công chúng không được định nghĩa trong “Securities Act of 1933” mà cũng không được tòa án Hoa Kỳ định nghĩa. Tuy nhiên, theo Ủy ban Chứng khoán và Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ (Securities and Exchange Commission - SEC) định nghĩa “Chào bán chứng khoán ra công chúng được hiểu là hoạt động chào bán chứng khoán trong đó tất cả những người được phát hành cần được bảo vệ thông qua việc đăng ký chào bán của tổ chức phát hành với cơ quan quản lý chứng khoán”. Như vậy, chào bán chứng khoán ra công chúng phân biệt với chào bán chứng khoán riêng lẻ ở việc phải đăng ký chào bán với cơ quan quản lý có thẩm quyền trước khi thực hiện phân phối chứng khoán. Còn tại Trung Quốc, chào bán chứng khoán được hiểu là những đợt chào bán đáp ứng các điều kiện theo luật định và phải được báo cáo với cơ quan quản lý chứng khoán trực thuộc Hội đồng nhà nước để xem xét, xác minh và phê chuẩn. So với Hoa Kỳ, chào bán chứng khoán ra công chúng ở Trung Quốc không chỉ yêu cầu đăng ký chào bán mà còn yêu cầu các điều kiện để thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng.

Theo Black’s Law Dictionary, chào bán chứng khoán ra công chúng là hoạt động chào bán chứng khoán rộng rãi cho công chúng đầu tư. Còn theo Wikipedia, chào bán chứng khoán ra công chúng là việc chào bán chứng khoán của một công ty hoặc một tổ chức tương tự tới công chúng. Ở Việt Nam, Theo Khoản 19, Điều 4, Luật Chứng khoán năm 2019 quy định: “Chào bán chứng khoán ra công chúng là việc chào bán chứng khoán theo một trong các phương thức như chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng; chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; chào bán cho các nhà đầu tư không xác định”. Tuy nhiên, vận dụng trong mối quan hệ biện chứng giữa cái chung và cái riêng, tác giả cho rằng, hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng chính là hình thức chào bán chứng khoán lần đầu tiên của tổ chức phát hành theo một trong các phương thức như thông qua phương tiện thông tin đại chúng; chào bán cho từ một trăm nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và chào bán cho số lượng nhà đầu tư không xác định.

2.2. Về đặc điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng

Hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng là một trong những hoạt động cụ thể nằm trong tổng thể của chào bán chứng khoán ra công chúng. Do đó, nó có đầy đủ các đặc điểm của chào bán chứng khoán ra công chúng, được biểu hiện cụ thể như sau:

Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng là hoạt động có quy mô, tính chất rộng rãi. Đặc điểm này được thể hiện ở những khía cạnh như: chào bán cổ phiếu mới phát hành cho lượng lớn nhà đầu tư; khối lượng chào bán lớn; sử dụng phương quảng cáo, mời chào rộng rãi trong chào bán ra công chúng. Việc chào bán này sẽ thu hút số lượng lớn nhà đầu tư bỏ vốn để mua chứng khoán trong đợt phát hành. Về nguyên tắc, việc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực chứng khoán khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng là thủ tục pháp lý bắt buộc. Vì vậy, việc chào bán chỉ được thực hiện sau khi chủ thể phát hành đã đăng ký chào bán và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý thị trường chứng khoán chấp thuận.

Chủ thể chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng điển hình trên thị trường giao dịch chứng khoán ở Việt Nam chỉ có thể là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; mục đích hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng là huy động vốn trung, dài hạn cho tổ chức phát hành nhằm mục đích phục vụ cho kế hoạch kinh doanh; chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng phải đáp ứng điều kiện và tuân thủ quy trình chào bán theo quy định của pháp luật chứng khoán; việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng thì thông thường chỉ được tiến hành thông qua các tổ chức trung gian là các công ty chứng khoán, công ty bảo lãnh phát hành, đại lý phát hành,…

Tổng giá trị cổ phiếu đã được bán ra sau đợt phát hành phải đạt tới mức độ tối thiểu nhất định nhằm tập trung được lượng vốn lớn, giúp chủ thể phát hành có thể thực hiện được dự án mở rộng quy mô kinh doanh hoặc đầu tư mới theo đúng kế hoạch đặt ra.

3. Những giải pháp hoàn thiện pháp luật về điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng

Ở Việt Nam, theo quy định Điều 15, Luật Chứng khoán năm 2019, công ty cổ phần được chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng nếu đáp ứng đủ các điều kiện, như: vốn điều lệ phải từ trên 30 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi và đồng thời không có lỗ lũy kế; phải có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn được Đại hội đồng cổ đông thông qua; Ít nhất 15% cổ phiếu có quyền biểu quyết phải được bán cho trên 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn và nếu công ty có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ đó tối thiểu phải là 10%; các cổ đông lớn phải cam kết nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ tối thiểu 01 năm; Tổ chức phát hành không phải đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích; phải có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ chào bán; Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán; Phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán,… Như vậy, Luật Chứng khoán năm 2019 đã có sự phân chia cụ thể điều kiện chào bán chứng khoán của từng loại hình công ty là công ty cổ phần và công ty đại chúng hay từng loại hình chứng khoán cụ thể như cổ phiếu, trái phiếu,… hay từng giai đoạn là chào bán lần đầu và chào bán thêm.

Hơn nữa, về điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, Luật Chứng khoán năm 2019 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng. Nếu như tại Khoản 2 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2006 quy định: “Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán”, thì trong Luật Chứng khoán năm 2019, mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán được quy định là “từ 30 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán”. Như vậy, quy định mới này tăng 20 tỷ đồng so với quy định của luật cũ. Quy định mới này nhằm mục đích là nâng cao chất lượng và sự ổn định trong hoạt động của các doanh nghiệp đại chúng. Đặc biệt, sự điều chỉnh này góp phần cân bằng và phù hợp với quy định thông lệ quốc tế, cũng như quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát tốt, kinh tế - xã hội ổn định và tăng trưởng vượt bậc so với các nước trong khu vực. Ở khía cạnh về tình hình tài chính doanh nghiệp ở những năm liền trước năm đăng ký chào bán cổ phiếu, Luật Chứng khoán cũ năm 2006 quy định: “Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm”. Tuy nhiên, khi quy định về vấn đề này, Luật Chứng khoán năm 2019 đã quyết định nâng thời hạn này lên thành “02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi”.

Bên cạnh việc sửa đổi một số quy định điều kiện để chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng như phân tích trên, Luật Chứng khoán năm 2019 đã bổ sung thêm một số các quy định về điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng như: Việc quy định tỷ lệ phần trăm tối thiểu (15%) số cổ phiếu có quyền biểu quyết phải được bán cho số lượng lớn (100) nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn trên 1.000 tỷ đồng thì tỷ lệ đó là 10%, quy định này nhằm tránh việc lạm quyền của các cổ đông lớn trong công tác quản trị doanh nghiệp cũng như đảm bảo đúng bản chất của doanh nghiệp đại chúng là việc đáp ứng số lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ; về quy định việc cam kết nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ trong vòng 01 năm của cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng; tổ chức phát hành phải không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án kinh tế mà chưa được xóa án tích; việc chào bán cổ phiếu ra công chúng bắt buộc phải có hồ sơ tư vấn của công ty chứng khoán; doanh nghiệp chào bán cổ phiếu sau khi kết thúc đợt chào bán phải có cam kết và thực hiện niêm yết có cam kết trên thị trường giao dịch chứng khoán; việc buộc công ty phát hành mở tài khoản phong tỏa để thu tiền chào bán cho thấy cơ quan quản lý nhà nước muốn đảm bảo cơ sở so sánh giữa giá trị sổ sách báo cáo kết quả của đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng với thực tế số tiền thu được từ nhà đầu tư,...

Bên cạnh các quan điểm đánh giá tích cực những thay đổi của Luật Chứng khoán mới năm 2019 trong nội dung quy định điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, vẫn còn một số quan điểm khác nhau. Qua nghiên cứu, phân tíchtác giả nhận thấy một số vần đề cần hoàn thiện pháp luật về điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, cụ thể như sau:

Một là, việc quy định lại điều kiện số vốn tối thiểu để được đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng là 30 tỷ đồng theo quy định mới của Luật Chứng khoán năm 2019 là cao.

Quy định mức vốn điều lệ tối thiểu tại thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng phải trên 30 tỷ đồng là có quá chênh lệch so với mức quy định là 10 tỷ đồng trong Luật cũ năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2021. Hơn nữa, những người làm luật và cơ quan trực tiếp quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam là UBCKNN cũng không có một lý giải cụ thể nào cho việc điều chỉnh quy định tăng gấp 3 lần mức vốn điều lệ tối thiểu của các doanh nghiệp đại chúng. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng này sẽ buộc khoảng 20% doanh nghiệp đại chúng trước đây có vốn điều lệ dưới 30 tỷ đồng bị xóa tên khỏi danh sách các công ty đại chúng ở Việt Nam. Điều này sẽ gây ra không ít hệ lụy cho các doanh nghiệp từ khâu thay đổi cơ quan quản lý cho đến thay đổi cách thức làm việc, hồ sơ tài chính,… Qua đó, tác giả đề xuất, muốn tăng mức quy định về vốn tối thiểu của doanh nghiệp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, Chính phủ và Bộ Tài chính phải xây dựng một lộ trình hợp lý. Lộ trình được xây dựng phải dựa vào quy mô phát triển chung của thị trường chứng khoán trong nước nói riêng và thị trường chứng khoán trong khu vực nói chung; ngoài ra, còn cần phải xét đến tỷ lệ doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện về vốn tối thiểu đang hoạt động tại thời điểm mà lộ trình được áp dụng,… Có như thế, khả năng doanh nghiệp đại chúng ở Việt Nam mới được tăng lên về số lượng và hoạt động một cách có hiệu quả.

Hai là, tính liên tục trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng buộc hoạt động kinh doanh 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi và đồng thời không có lỗ lũy kế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bởi lẽ, trong bối cảnh chung của nền kinh tế Việt Nam vẫn phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 như hiện nay, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ khó tránh khỏi ngắt quãng và thua lỗ, nên khả năng đáp ứng được điều kiện này thấp, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, trước bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhiều nền kinh tế nói chung, cũng như các doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ bị tác động đáng kể. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đến thời điểm cuối năm 2020, có tới trên 80% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch. Chỉ có 3,3% tổng số doanh nghiệp nhận được ảnh hưởng tích cực từ đại dịch, đó là các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành như bảo hiểm, y tế, bưu chính và chuyển phát,... Doanh thu của các doanh nghiệp giảm mạnh, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ giảm nhiều nhất, tiếp đến là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Theo số liệu của Cục Thống kê Việt Nam, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong quý I năm 2021 là 23.837 doanh nghiệp, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020; Số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại trong quý I năm 2021 là 5.203 doanh nghiệp, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2020. Với tình hình như hiện nay và khả năng được dự báo, nền kinh tế sẽ còn diễn biến xấu hơn, do tác động lớn đến từ sự lây lan của dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp. Để dìu dắt một doanh nghiệp làm ăn có lãi trong 02 năm liên tiếp và không có lỗ lũy kế là một việc rất khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, lưu trú, vui chơi giải trí,… Ngoài ra, với 80% doanh nghiệp báo lỗ trên cả nước trong năm 2020 sẽ gây ra hệ lụy cho thị trường chứng khoán sắp tới sẽ thiếu hụt về số lượng doanh nghiệp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Nguyên nhân là do không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh có lãi liên tục 02 năm liền kề trước thời điểm đăng ký chào bán. Như vậy, chủ trương đưa quy mô thị trường cổ phiếu Việt Nam đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025 sẽ khó trở thành hiện thực. Hơn nữa, trong hoạt động kinh doanh, lãi - lỗ là việc bình thường, có thể doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ do quy mô chưa tương xứng,... Nhưng cần mở rộng quy mô, sản xuất hay đầu tư sang lĩnh vực khác nếu không cho tăng vốn bằng hình thức chào bán cổ phiếu ra công chúng thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ba là, trong thời gian tới, Chính phủ và Bộ Tài chính cần có văn bản hướng dẫn thi hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có quá trình kinh doanh có lãi từ 01 năm và không có lỗ lũy kế có thể được Uỷ ban Chứng khoán nhà nước xem xét, chấp thuận cho hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để thu hút nguồn vốn từ nhà đầu tư nhằm mục đích mở rộng kinh doanh, sản xuất.

Những quy định về điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung trong Luật Chứng khoán năm 2019 theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn so với các quy định trong Luật Chứng khoán cũ. Xong, thực tiễn đặt ra trước mắt là tình hình kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng trước những thách thức của đại dịch Covid-19, nên có những điều khoản cần phải sửa đổi, bổ sung kịp thời, mang tính thực tiễn ở thời điểm hiện tại, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2020), Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, ban hành ngày 16/11/2020, Hà Nội.
  2. Quốc hội (2010), Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung số 62/2010/QH12, ban hành ngày 24/01/2010, Hà Nội.
  3. Quốc hội (2019), Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, ban hành ngày 26/11/2019, Hà Nội.
  4. Trường Đại học Luật Hà Nội (2012), Giáo trình Luật chứng khoán, Nxb Công annhân dân, Hà Nội.
  5. Lê Thị Thu Thủy (2017), Giáo trình Pháp luật về thị trường chứng khoán, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  6. Tạ Thanh Bình (2011), “Hoàn thiện hệ thống công bố thông tin của công ty đại chúng”, <http://www.srtc.org.vn/index.php?name=Book&op=ndetail&n=674&nc=28>
  7. Người Đồng Hành (2019), “NDH Talk 09 về công bố thông tin của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán”, <https://www.stockbiz.vn/News/2019/4/4/710030/ndh-talk-09-ve-cong-bo-thong-tin-cua-doanh-nghiep-tren-ttck.aspx>.
  8. Nguyễn Sơn (2017), “Hoàn thiện khung pháp lý về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán”, <http://vietbao.vn/vi/Kinh-te/Hoan-thien-khung-phap-ly-ve-cong-bo-thong-tin-cho-TTCK/315485502/87/>.

Some requirements for making an initial public offering in Vietnam

Master. Nguyen Thanh Tam

Faculty of Law, Duy Tan University

ABSTRACT:

The provisions on making an initial public offering (IPO) under the 2019 Law on Securities of Vietnam have ensured the interests of investors, increased the credibility of the issuer and strengthened the stability of stock market. However, the law still has some shortcomings which cause difficulties for companies. This paper analyzes the provisions of Clause 1, Article 15 of the 2019 Law on Securities to asseess positive changes and proposes some solutions to improve the law’s effectiveness.

Keywords: IPO, stock offering, securities offering, requirements for an IPO, laws on securities.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 12 năm 2021]