Một số giải pháp hoàn thiện khung chính sách cung ứng dịch vụ công phục vụ sản xuất nông nghiệp

THS. NGUYỄN THỊ THANH1 - LÊ HOÀNG LÂN1 (1Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Tại Việt Nam, hệ thống khung chính sách cung ứng dịch vụ công phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được xây dựng một cách toàn diện, trên cả 3 lĩnh vực: khuyến nông; chăn nuôi và thú y; trồng trọt và bảo vệ thực vật (BVTV). Tuy nhiên, một số vấn đề còn tồn tại có thể ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả cung ứng dịch vụ công phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng khung chính sách cung ứng dịch vụ công phục vụ sản xuất nông nghiệp, đánh giá các ưu điểm và hạn chế, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện khung chính sách, từ đó cải thiện chất lượng và hiệu quả cung ứng dịch vụ công nông nghiệp trong thời gian tới.

Từ khóa: cung ứng dịch vụ công phục vụ sản xuất nông nghiệp, chính sách nông nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, từ một nền nông nghiệp lạc hậu vươn lên trở thành một nước có nền nông nghiệp hàng hóa, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Quá trình đó có sự đóng góp và hỗ trợ rất lớn từ phía Nhà nước, thông qua hệ thống dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.

Dịch vụ công phục vụ sản xuất nông nghiệp được hiểu là những dịch vụ do nhà nước trực tiếp cung ứng hoặc ủy quyền cho tư nhân thực hiện nhằm phục vụ nhu cầu và lợi ích chung thiết yếu của các chủ thể sản xuất nông nghiệp. Nhà nước đảm bảo việc cung ứng, tức là hỗ trợ tài chính cho hoạt động cung ứng, nhưng không nhất thiết phải trực tiếp cung cấp. Hoạt động cung cấp bao gồm cả các hàng hóa công hữu hình, bên cạnh bản thân các dịch vụ vô hình. Chẳng hạn, hoạt động triển khai mô hình có kết hợp cung ứng các vật tư nông nghiệp cho các nông hộ tham gia. 

Chính sách cung ứng dịch vụ công phục vụ sản xuất nông nghiệp là một tập hợp các quy định về các loại hình dịch vụ, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, phương thức cung ứng và tổ chức hệ thống cung ứng, có ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả và chất lượng cung ứng dịch vụ. Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025… đang đặt ra yêu cầu về cải thiện hoạt động cung ứng dịch vụ công nông nghiệp. Vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng và đánh giá khung chính sách cung ứng dịch vụ, từ đó đưa ra một số giải pháp hoàn thiện là cần thiết, nhằm cải thiện chất lượng và hiệu quả cung ứng dịch vụ công phục vụ sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

2. Thực trạng khung chính sách cung ứng dịch vụ công phục vụ sản xuất nông nghiệp

2.1. Các lĩnh vực và loại hình dịch vụ

Tại Việt Nam, khung chính sách cung ứng dịch vụ công phục vụ sản xuất nông nghiệp được thể hiện ở nhiều văn bản pháp lý khác nhau, tương ứng với từng lĩnh vực dịch vụ, gồm khung chính sách đối với khuyến nông (Nghị định số 83/2018/NĐ-CP về Khuyến nông…), chính sách đối với trồng trọt và BVTV (Luật Trồng trọt 2018, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013…), chính sách đối với chăn nuôi và thú y (Luật Thú y 2015, Luật Chăn nuôi 2018…). Trong mỗi lĩnh vực, Nhà nước đảm bảo cung ứng một số loại hình dịch vụ nhằm hỗ trợ các chủ thể sản xuất nông nghiệp và phát triển nền sản xuất địa phương theo các mục tiêu đặt ra.

Trong lĩnh vực khuyến nông, Nhà nước đảm bảo cung ứng một số dịch vụ hỗ trợ như đào tạo tập huấn, xây dựng mô hình, thông tin truyên truyền, tư vấn và dịch vụ khuyến nông. Phần lớn các dịch vụ đều được tài trợ bởi nguồn ngân sách của chính phủ, miễn phí toàn bộ hoặc một phần. Tại một số địa phương, cơ quan khuyến nông còn chủ động triển khai một số dịch vụ khác như hỗ trợ tài chính nhằm thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp (Khuyến nông Hà Nội), liên kết tiêu thụ nông sản.

Trong lĩnh vực trồng trọt và BVTV, cơ quan chuyên ngành trồng trọt và BVTV thực hiện cung ứng một số dịch vụ liên quan tới hỗ trợ sản xuất trồng trọt và phòng chống sinh vật gây hại. Bên cạnh đó, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV, nhằm đảm bảo đầu vào chất lượng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. 

Tương tự như vậy, trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y, cơ quan chuyên ngành chăn nuôi và thú y vừa đảm nhiệm cung ứng một số dịch vụ hỗ trợ như hướng dẫn sản xuất chăn nuôi và hỗ trợ nông hộ phòng chống dịch bệnh động vật; đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, nhằm đảm bảo đầu vào cho hoạt động sản xuất.

2.2. Hệ thống tổ chức cung ứng

Dịch vụ công phục vụ sản xuất nông nghiệp được cung cấp qua hệ thống cơ quan chuyên ngành nông nghiệp, được tổ chức từ trung ương tới địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý chung đối với các dịch vụ công trong ngành nông nghiệp. Tại 63 tỉnh, thành phố, Sở NN&PTNT thực hiện chức năng quản lý cung ứng tại địa phương. Trong đó, có hệ thống cơ quan chuyên ngành nông nghiệp trực thuộc, trực tiếp đảm nhiệm hoạt động lên kế hoạch và cung ứng dịch vụ công hỗ trợ hoạt động nông nghiệp.

Đối với khuyến nông, ở trung ương có Trung tâm Khuyến nông quốc gia trực thuộc Bộ NN&PTNT; tại các tỉnh thành có thành lập Trung tâm khuyến nông tỉnh; ở cấp huyện có Trạm khuyến nông huyện. Đối với trồng trọt và BVTV, ở trung ương là Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, trực thuộc Bộ NN&PTNT; ở cấp tỉnh là Chi cục Trồng trọt và BVTV, trực thuộc Sở NN&PTNT; ở cấp huyện là Trạm Trồng trọt và BVTV, trực thuộc Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh. Tương tự, hệ thống cơ quan chuyên ngành chăn nuôi và thú y, ở Trung ương có Cục Chăn nuôi, Cục Thú y; ở cấp tỉnh có Chi cục Chăn nuôi và Thú y; ở cấp huyện có Trạm Chăn nuôi và Thú y. Như vậy, về căn bản hệ thống cơ quan chuyên ngành cung ứng dịch vụ công nông nghiệp được tổ chức theo chiều dọc, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước vừa tổ chức triển khai các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.  

Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW và Nghị quyết số 19/NQ-TW về tinh giản đầu mối, bộ máy, nhiều địa phương đã tiến hành sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp tỉnh và huyện. Theo Báo cáo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia (2020), đến nay, ở cấp tỉnh, đã có 14/63 tỉnh tiến hành sắp xếp theo hướng hợp nhất, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp ngành nông nghiệp; trong đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh được hợp nhất, sáp nhập với các đơn vị như Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi - thủy sản, Trung tâm Thủy sản,… Có 2 tỉnh (Lai Châu, Bình Dương) đã tiến hành giải thể Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chuyển giao nhiệm vụ khuyến nông cho các Chi cục thực hiện.

Ở cấp huyện, đến nay đã có 35/63 tỉnh, thành phố tiến hành hợp nhất Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y để thành lập Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp trực thuộc UBND huyện. Có 25/63 tỉnh thành vẫn đang duy trì mô hình Trạm Khuyến nông huyện (chưa hợp nhất các Trạm), trong đó 17 tỉnh hoạt động theo mô hình quản lý ngành dọc (Trạm Khuyến nông trực thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh) và 8 tỉnh hoạt động theo mô hình quản lý theo cấp (Trạm Khuyến nông trực thuộc UBND huyện).

Như vậy, hệ thống chuyên ngành dọc chỉ còn 2 cấp là trung ương và tỉnh. Sự hợp nhất này có thể mang lại một số thuận lợi như tinh giản bộ máy, tăng cường tính tự chủ, nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ UBND huyện về cơ sở vật chất, kinh phí,... Tuy nhiên, hoạt động chuyên ngành có thể gặp khó khăn nếu thiếu cơ chế phối hợp giữa các cấp và các đơn vị trong ngành và liên ngành.

2.3. Phương thức cung ứng

Cung ứng độc lập và trực tiếp: cơ quan chuyên ngành nông nghiệp trong nhiệm vụ và quyền hạn của mình trực tiếp cung ứng các dịch vụ công phục vụ sản xuất nông nghiệp, và được ngân sách nhà nước tài trợ. Chẳng hạn như Trung tâm Khuyến nông các tỉnh chủ động nghiên cứu và tổ chức triển khai các mô hình theo kế hoạch đặt ra hàng năm.

Hợp tác trong cung ứng: cơ quan chuyên ngành nông nghiệp hợp tác với cơ quan trong ngành hoặc liên ngành, trong nước hoặc quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hoặc tổ chức chính trị xã hội khác… trong quá trình cung ứng dịch vụ.  

+ Hợp tác liên ngành giữa cơ quan chuyên ngành nông nghiệp và cơ quan ngành khác. Trong công tác thông tin tuyên truyền, cơ quan chuyên ngành nông nghiệp (khuyến nông, BVTV) luôn phối hợp chặt chẽ với Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương, báo đài địa phương, phát thanh xã,… thực hiện các chương trình nông nghiệp nhằm phổ biến những tiến bộ kỹ thuật mới, hướng dẫn sản xuất, thông tin thị trường, chính sách nông nghiệp… Sự hợp tác giữa cơ quan chuyên ngành nông nghiệp với các viện nghiên cứu, các trường đại học để cập nhật những tiến bộ kỹ thuật mới.

+ Hợp tác trong ngành giữa cơ quan chuyên ngành nông nghiệp giữa các cấp, hoặc cùng cấp nhưng giữa các địa phương. Hợp tác giữa các cấp có thể là giữa trung ương với địa phương hoặc giữa các cấp ở từng địa phương. Chẳng hạn, TTKN quốc gia phối hợp với TTKN các tỉnh tổ chức các diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, tọa đàm nông nghiệp, các khóa tập huấn ToT, các mô hình,… nhằm triển khai các chương trình, dự án khuyến nông trung ương.

+ Hợp tác trong ngành giữa cơ quan chuyên ngành nông nghiệp cùng cấp giữa các địa phương (giữa các tỉnh, giữa các huyện). Chẳng hạn như Trạm hoặc Trung tâm khuyến nông một số địa phương cùng hợp tác triển khai các mô hình, tổ chức các diễn đàn, học tập chia sẻ kinh nghiệm,...

+ Hợp tác giữa cơ quan chuyên ngành nông nghiệp và các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân, hay còn gọi là hợp tác công tư PPP, hay xã hội hóa hoạt động cung ứng. Đây là cơ chế đang được thúc đẩy triển khai trong thời gian qua, chủ yếu trong lĩnh vực khuyến nông. Nghị định số 83/2018/NĐ-CP có quy định về xã hội hóa khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia. Tuy nhiên, hoạt động triển khai chưa được mạnh mẽ và chủ yếu trong công tác khuyến nông.

+ Hợp tác giữa cơ quan chuyên ngành nông nghiệp trong nước và các tổ chức quốc tế. Chủ yếu trong công tác khuyến nông, đặc biệt là Trung tâm Khuyến nông quốc gia. Điều này có thể được thực hiện thông qua các phương thức khác nhau như hiệp định, nghị định thư về chương trình, dự án hợp tác chính thức nhà nước (song phương hoặc đa phương) hoặc các thỏa thuận hợp tác đối tác công tư (PPP); thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân trong nước với các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Như vậy, hợp tác trong cung ứng vừa là xu hướng, vừa là điều kiện quan trọng để triển khai có hiệu quả các dịch vụ.  

2.4. Tiêu chuẩn chất lượng cung ứng dịch vụ

Hiện nay, chưa có hệ thống tiêu chuẩn đánh giá về chất lượng cung ứng dịch vụ công phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với mỗi loại dịch vụ đều chỉ ra các nguyên tắc hoạt động. Đối với khuyến nông, Điều 4 Nghị định số 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông có đưa ra 9 nguyên tắc hoạt động khuyến nông; đối với hoạt động BVTV, Điều 4 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013 cũng đưa ra 4 nguyên tắc hoạt động; tương tự với hoạt động thú y có 5 nguyên tắc hoạt động, thể hiện trong Điều 4 Luật Thú y 2015. Đây là cơ sở quan trọng cho việc triển khai dịch vụ đúng hướng, tuy nhiên, chưa đủ cơ sở cho hoạt động đánh giá. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả cung ứng thì các chính sách chất lượng dịch vụ cần được thiết lập. Cả hệ thống cung ứng cần nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động đánh giá và cải thiện chất lượng dịch vụ.

3. Đánh giá khung chính sách cung ứng dịch vụ công phục vụ sản xuất nông nghiệp

Nhìn chung, hệ thống khung chính sách cung ứng dịch vụ công phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được xây dựng một cách toàn diện trên cả 3 lĩnh vực khuyến nông, chăn nuôi và thú y, trồng trọt và BVTV. Điều này tạo thuận lợi cho hoạt động cung ứng dịch vụ công hỗ trợ nông nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu… gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Tuy nhiên, một số vấn đề còn tồn tại có thể ảnh hưởng tới hiệu quả và chất lượng cung ứng dịch vụ công nông nghiệp:

Thứ nhất, chưa phân tách được chức năng quản lý nhà nước và chức năng phục vụ. Hiện nay, mới chỉ có hệ thống khuyến nông là thuần về dịch vụ, còn Cơ quan chuyên ngành nông nghiệp các lĩnh vực khác như Trồng trọt và BVTV, Chăn nuôi và Thú y vẫn thực hiện song hành chức năng quản lý nhà nước về các loại vật tư nông nghiệp, cùng với việc cung ứng một số dịch vụ hỗ trợ.  

Thứ hai, thiếu cơ chế phối hợp bài bản, sự chồng chéo trong triển khai dịch vụ có thể diễn ra. Hoạt động khuyến nông nhằm chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật ở cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Các hoạt động tập huấn, mô hình có thể chồng chéo với cơ quan ngành trồng trọt và BVTV, chăn nuôi và thú y, phòng Nông nghiệp huyện và các tổ chức khác. Mỗi lĩnh vực (khuyến nông, trồng trọt và BVTV, chăn nuôi và thú y) đều có cơ quan cấp trên khác nhau, nên nếu công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành không tốt thì sẽ giảm hiệu quả triển khai dịch vụ. 

Thứ ba, hệ thống cung ứng dịch vụ công vẫn chưa hoàn thiện, chưa có sự thống nhất trên toàn hệ thống, đặc biệt ở cấp cơ sở. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt tới hoạt động triển khai dịch vụ và gây khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo.

Thứ tư, chính sách về chất lượng như mục tiêu chất lượng, hệ thống tiêu chí chất lượng cung ứng dịch vụ,… vẫn chưa được thiết lập. Điều này sẽ hạn chế khả năng kiểm soát và cải thiện chất lượng dịch vụ.

4. Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện khung chính sách về cung ứng dịch vụ công phục vụ sản xuất nông nghiệp

4.1. Cung ứng dịch vụ công phục vụ kinh tế nông nghiệp

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới chủ trương chuyển đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, xây dựng nền “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” hướng đến các mục tiêu về phát triển bền vững. Do đó, hệ thống cung ứng dịch vụ công phục vụ sản xuất nông nghiệp cần chuyển dịch sang tư duy cung ứng dịch vụ công phục vụ kinh tế nông nghiệp; thứ hai là không chỉ để phát triển nông nghiệp mà còn có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng cuộc sống người nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, cần làm rõ nội hàm của kinh tế nông nghiệp và vai trò của từng loại hình dịch vụ công trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương và quốc gia. Chẳng hạn đối với khuyến nông, việc chuyển tư duy sang kinh tế nông nghiệp sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn cho công tác khuyến nông, không chỉ đơn thuần là chuyển giao công nghệ mà cần phải đẩy mạnh hơn nữa các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ,… để có thể gia tăng giá trị và chất lượng nông sản; thứ hai là vai trò của khuyến nông không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế nông nghiệp, mà còn là nông dân và xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu và kết quả hoạt động khuyến nông cần phản ánh được cả 3 trụ cột này.    

4.2. Xây dựng cơ chế thống nhất cho hệ thống cung ứng dịch vụ công trong nông nghiệp

Hệ thống cung ứng dịch vụ công trong nông nghiệp cần được đổi mới, đồng bộ và phù hợp với định hướng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; và Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.

Cần phân tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung ứng dịch vụ, nhằm tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Chẳng hạn ở cấp cơ sở (huyện), Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, là đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ thực hiện các chức năng mang tính chất dịch vụ, hỗ trợ các hoạt động liên quan tới nông nghiệp. Toàn bộ chức năng quản lý nhà nước có thể chuyển giao về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Theo đó, các hoạt động khuyến nông, một số hoạt động dịch vụ về trồng trọt và BVTV, chăn nuôi và thú y, được chuyển về Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện. Cách thức hoạt động của Trung tâm như mô hình một cửa (one-stop shop) cho phép hạn chế tính chồng chéo trong triển khai dịch vụ, tăng năng suất làm việc do cùng công tác trong một đơn vị và cùng phấn đầu vì mục tiêu chung, công tác phối hợp liên ngành cũng thuận lợi hơn. Điều này cũng tạo thuận lợi cho chủ thể sản xuất nông nghiệp, khi mà mọi nhu cầu liên quan tới sản xuất nông nghiệp như đầu vào, kỹ thuật sản xuất, tiêu thụ, tài chính, thông tin trường, kết nối với doanh nghiệp,… đều có thể tiếp cận tại một đầu mối.

Triển khai song song các dịch vụ miễn phí và có thu phí. Các dịch vụ miễn phí là các dịch vụ cơ bản, thiết yếu, chủ yếu hỗ trợ các đối tượng sản xuất nông nghiệp nhỏ, khu vực khó khăn, yếu thế. Đồng thời, trong những điều kiện thuận lợi, thúc đẩy triển khai các dịch vụ có thu phí để tăng tính tự chủ cho đơn vị cung ứng dịch vụ; tuy nhiên, trên cơ sở hợp tác với khu vực tư nhân và các tổ chức khác, hỗ trợ thị trường phát triển.

Trung tâm nên là nơi kết nối nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp và các đối tác khác; là nơi diễn ra các hoạt động chia sẻ thường kỳ về kỹ thuật canh tác; là nơi chính người nông dân có thể trở thành người hướng dẫn cho những nông dân khác; là nơi định hướng cho người nông dân và doanh nghiệp lựa chọn loại cây trồng, cách thức canh tác... để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất và an toàn nhất.

4.3. Tăng cường cơ chế hợp tác trong cung ứng dịch vụ công phục vụ sản xuất nông nghiệp

Để khắc phục hạn chế liên quan tới triển khai dịch vụ do thiếu cơ chế hợp tác, phối hợp chưa bài bản, Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT các địa phương và các cơ quan chuyên ngành nông nghiệp cần nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế hợp tác (partnership mechanism) trong cung ứng dịch vụ công nông nghiệp. Một là, cần xác định các loại hình hợp tác; hai là, trong mỗi loại hình hợp tác đó thì cần phải xác định được phạm vi hợp tác, các bên liên quan, trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên, xác định tầm nhìn và mục tiêu, thiết lập cấu trúc hoạt động và cơ chế giao tiếp, các loại dự án ưu tiên, xây dựng năng lực cho cán bộ triển khai, chuẩn bị các nguồn lực cần thiết,…

Chẳng hạn, để thúc đẩy hợp tác công tư PPP trong hoạt động khuyến nông, ngày 25/8/2020, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng đã ban hành Nguyên tắc hợp tác công tư trong hoạt động khuyến nông (Quyết định số 162/QĐ-KN-ĐTHL). Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh mới chỉ là giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các bên đối tác, nhiều nội dung về cơ chế hợp tác vẫn chưa được làm rõ. Vì vậy, cần tiếp tục đánh giá tính hiệu quả của các cơ chế hợp tác đang có, phát triển khung chính sách và hướng dẫn cụ thể để hiện thực hóa hoạt động này ở các cấp khác nhau.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2022), Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  2. Chính phủ (2021), Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 về kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
  3. Chính phủ (2018), Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 về khuyến nông.
  4. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (2020), Quyết định số 162/QĐ-KN-ĐTHL ngày 25/8/2020 về Nguyên tắc hợp tác công tư trong hoạt động khuyến nông.
  5. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (2020), Báo cáo Tổng kết công tác khuyến nông năm 2020 và triển khai kế hoạch khuyến nông năm 2021.
  6. Reid, S., Hayes, J.P. and Stibbe, D.T. (2014). Platforms fo Partnership: Emerging good practice to systematically engage business as a partner in development. Oxford: The Partnering Initiative.

Some solutions to improve the policy framework for providing public services for agricultural production

Master. Nguyen Thi Thanh1 - Le Hoang Lan1

1Thuongmai University

Abstract:

In Vietnam, the  policy framework for providing public services for agricultural production has been comprehensively developed. This policy framework covers all three main areas including agricultural extension, animal husbandry and veterinary medicine, and cultivation and plant protection. However, this policy framework still has some limitations to effect the quality and efficiency of providing public services for agricultural production. This paper studies the current policy framework for providing public services for agricultural production, and assesses its advantages and limitations. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to improve this policy framework in orrder to enhance the quality and efficiency of providing public services for agricultural production in the coming time.

Keywords: providing public services for agricultural production, agricultural policies.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 6  năm 2022]