Một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ tại Khánh Hòa trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

ThS. VŨ THỊ TRINH (Giảng viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Khánh Hòa)

TÓM TẮT:

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Covid-19, ngành Du lịch Khánh Hòa nói chung và doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ nói riêng đang chịu nhiều tác động nặng nề. Nhiều doanh nghiệp lữ hành buộc phải đóng cửa khiến hoạt động du lịch Khánh Hòa càng thêm ảm đạm. Bài báo phân tích những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tại tỉnh Khánh Hòa.

Từ khóa: Covid-19, doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, du lịch, tỉnh Khánh Hòa.

1. Đặt vấn đề

Theo số liệu của Sở Du lịch Khánh Hòa, trong 8 tháng đầu năm 2020, địa phương đón gần 980.000 lượt khách, bằng 19,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có gần 426.000 khách quốc tế và 560.000 khách nội địa. Tổng doanh thu là 6.028 tỷ đồng, bằng 24,4% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 128 công ty lữ hành, trong đó có 50 công ty lữ hành nội địa và 78 công ty lữ hành quốc tế. Sự sụt giảm nguồn khách đã khiến các công ty lữ hành cùng nhiều dịch vụ đi kèm như lưu trú, ăn uống, giải trí, mua sắm,… gặp nhiều khó khăn.

Riêng trong quý I/2020, tổng thu từ du lịch của Khánh Hòa ước tính thiệt hại khoảng 5.400 tỷ đồng [2]. Tuy nhiên con số thiệt hại ước tính này mới chủ yếu dựa trên những dự báo về số liệu thiếu hụt khách, chứ chưa tính đến thiệt hại của các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành Du lịch. Trong đó, doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ là một trong những doanh nghiệp chịu tác động mạnh nhất. Do vậy, con số thiệt hại do đại dịch gây ra cho ngành Du lịch Khánh Hòa còn lớn hơn rất nhiều. Quý I/2020, toàn Tỉnh có hơn 17.000 lao động bị cắt giảm, trong đó ngành lữ hành có hơn 2.000 người, tương đương với 60%.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã buộc phải đóng cửa, một số ít doanh nghiệp hoạt động thì đối mặt với nhiều khó khăn, như: không có khách hoặc khách đã hủy tour, không thỏa thuận được phương án bồi hoàn tiền tour, chi phí dự phòng cạn kiệt, khó khăn trong việc tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ do không có tài sản thế chấp,… Trước những khó khăn này, các doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có được những giải pháp, hướng đi đúng đắn để có thể tồn tại được. Thiệt hại về kinh tế và xã hội đã rõ, nhưng thực tế chưa có một nghiên cứu nào đi sâu vào vấn đề để đưa ra giải pháp mang tính đồng bộ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Khánh Hòa. Đây là lý do tác giả viết đề tài này, nhằm tìm ra những giải pháp, hướng đi cho các doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ tại Khánh Hòa trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

2. Thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ tại Khánh Hòa

2.1. Lượng khách du lịch sụt giảm

Từ tháng 3/2020, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, Chính phủ đã phải áp dụng hàng loạt biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Cụ thể, Việt Nam đã tạm dừng miễn thị thực cho hàng loạt công dân các nước có dịch bệnh, tạm dừng cấp thị thực cửa khẩu, không cho nhập cảnh đối với người từ hoặc đã đi qua vùng dịch, các thành phố lớn đóng cửa toàn bộ cơ sở dịch vụ từ 28/3/2020 (trừ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, khám chữa bệnh). Trong bối cảnh đó, khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm sút mạnh, tập trung ở thị trường khách quốc tế là Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc. Cụ thể, theo báo cáo của Sở Du lịch Khánh Hòa là: Tổng lượng khách ước đạt 644 ngàn lượt, chỉ bằng 41,4% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế ước đạt 415 ngàn lượt, bằng 47,41% và khách nội địa ước đạt 229 ngàn lượt, bằng 33,67% so cùng kỳ năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách lưu trú du lịch đến Khánh Hòa đạt 710 ngàn lượt với hơn 2,453 triệu ngày khách, giảm lần lượt 68% và 72% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 415 ngàn lượt, với trên 1,8 triệu ngày khách, giảm lần lượt 87% và 85% so với cùng kỳ. 

9 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách lưu trú du lịch đến Khánh Hòa đạt 1.030 ngàn lượt với hơn 3.294 nghìn ngày khách, đạt lần lượt 18,5% và 19,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt 427 ngàn lượt với trên 1,9 triệu ngày khách, đạt lần lượt 15% và 18% so với cùng kỳ.

Trước tình hình đó, ngành Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã đặt mục tiêu 3 tháng cuối năm 2020 đón 350.000 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 10.000 lượt khách quốc tế; Phục hồi 100% hệ thống dịch vụ du lịch cơ bản, đảm bảo yêu cầu phục vụ khách du lịch (bao gồm: lưu trú - nhà hàng, dịch vụ lữ hành - hướng dẫn viên, khu vui chơi giải trí và các tiện ích, dịch vụ du lịch khác). Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến các công ty lữ hành tiếp tục lao đao. Theo Hội Lữ hành Khánh Hòa (KTA) lượng khách đoàn hủy tour lên đến 90% khiến các doanh nghiệp lữ hành rơi vào tình thế khó khăn. Ông Trần Minh Đức - Phó giám đốc Công ty cổ phần Long Phú cho biết, chỉ tính từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8/2020 đã có 3.548 khách hủy tour, trong đó 70% khách đã ký hợp đồng.

2.2. Tình hình biến động nhân sự

Tổng số doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Tỉnh hiện có 130 doanh nghiêp kinh doanh dịch vụ lữ hành đã được cấp giấy phép theo quy định của Luật Du lịch số 09/2017/QH14, trong đó có 122 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế (97 doanh nghiệp, 22 chi nhánh, 3 văn phòng đại diện) và 18 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa. Theo báo cáo của Sở Du lịch Khánh Hòa, năm 2020, toàn Tỉnh có 19 doanh nghiệp trả giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế chuyển hướng sang kinh doanh khách nội địa. Tuy nhiên, việc chuyển hướng này gặp rất nhiều khó khăn do du lịch nội địa cũng chịu ảnh hưởng vì Covid-19 nên lượng khách sụt giảm, tình hình dịch diễn biến thất thường khiến tình trạng hủy - hoãn tour liên tục xảy ra; kinh nghiệm làm thị trường nội địa còn hạn chế nên việc kinh doanh không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Trong điều kiện bình thường, mỗi ngày Khánh Hòa đón gần 100 chuyến bay đưa khách du lịch từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… đến. Từ cuối tháng 3/2020, sân bay Cam Ranh ngừng các chuyến bay phục vụ khách du lịch, dòng khách quốc tế tạm thời ngưng lại. Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành quốc tế cắt giảm lao động, chỉ còn giữ lại bộ khung.

Bảng 1. Biến động nhân sự một số công ty lữ hành tại Khánh Hòa

bien_dong_nhan_su_mot_so_cong_ty_lu_hanh_tai_khanh_hoa

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

2.3. Thiệt hại về doanh thu

Du lịch là một lĩnh vực kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều nhóm ngành khác, như: vận chuyển, lưu trú, dịch vụ ăn uống..., vì vậy tác động của dịch Covid-19 khiến doanh thu tất cả những nhóm ngành này cũng đồng thời sụt giảm. Chỉ tính riêng trong quý I/2020, doanh thu từ các doanh nghiệp lữ hành giảm 43,9% ước tính thiệt hại khoảng 5.400 tỷ đồng. Theo số liệu từ báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021, doanh thu du lịch của Khánh Hòa chỉ đạt 5.080 tỷ đồng, giảm tới 81,3% so với năm 2019. Theo Sở du lịch Khánh Hòa, hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019.

Bảng 2. Doanh thu từ doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch

doanh_thu_tu_doanh_nghiep_lu_hanh_van_chuyen_khach_du_lich

 Nguồn: Sở Du lịch Khánh Hòa

Có thể nói dịch vụ, du lịch là ngành phản ánh rõ nét nhất các ảnh hưởng từ đại dịch Covid -19. Doanh thu từ các công ty lữ hành, vận chuyển có mức sụt giảm mạnh, chủ yếu do việc hạn chế đi lại và giãn cách xã hội. Trong 9 tháng đầu năm 2020 doanh thu từ khách quốc tế giảm 76,48%, từ khách nội địa giảm 66,62%, khiến tổng thu từ các doanh nghiệp lữ hành và vận chuyển trong tỉnh giảm 76,49%, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Như vậy, tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Khánh Hòa nói chung và tới các doanh nghiệp lữ hành rất rõ rệt.

3. Một số giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ tại Khánh Hòa

Những khó khăn mà các doanh nghiệp lữ hành đã phải trải qua trong năm 2020 là rất nặng nề và dự báo trong năm 2021 sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn bởi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch, để phục hồi hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế như năm 2019 phải mất 3 - 4 năm. Hiện tại các doanh nghiệp lữ hành chủ yếu dựa vào thị trường khách nội địa, tuy nhiên thị trường này vốn cũng đã khó khăn vì kinh tế hạn chế do dịch bệnh gây ra. Kể cả sau khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ xuất hiện xu hướng khách tự tìm thông tin để tự đi hoặc đi theo nhóm nhỏ lẻ gia đình tạo nên áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp. Vì vậy, để có thể tồn tại trong điều kiện như hiện nay và sắp tới, các doanh nghiệp lữ hành phải chủ động sáng tạo trong việc xây dựng và tiếp thị các sản phẩm mới, đặc biệt. Ngoài ra các doanh nghiệp cần huy động được nguồn vốn để xây dựng tiềm lực kinh tế ổn định để triển khai các chiến lược trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, nếu chỉ có giải pháp từ phía các doanh nghiệp thôi chưa đủ, cần có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp lữ hành mới có thể tồn tại để chờ tới giai đoạn tiếp theo. Một số giải pháp hỗ trợ có thể đề xuất gồm:

Thứ nhất, nới lỏng điều kiện cho vay trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể được tiếp cận và vay gói hỗ trợ trả lương cho người lao động. Doanh nghiệp lữ hành rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay của Nhà nước do đặc thù không có tài sản cố định có giá trị lớn để thế chấp tại các ngân hàng, ngay cả khi có tài sản thế chấp cũng khó vay vốn. Vì vậy, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động. Đây là giải pháp mang tính tích cực, tạo ra tiền đề để doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ có thể ổn định lâu dài.

Thứ hai, là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp lữ hành cũng rất khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ triển khai thời gian qua, các ngân hàng có thể chủ động kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành tung ra chương trình kích cầu mua tour trả góp 0%, một mặt hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành có thêm nguồn khách, mặt khác, các ngân hàng cũng có thể chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Thứ ba, các ngân hàng dựa trên tiền thuế doanh nghiệp nộp ngân sách trong các năm trước; uy tín, độ lớn của thương hiệu, số lượng lao động hoặc các doanh nghiệp có kế hoạch chuyển đổi số phù hợp, thiết thực, có kế hoạch khả thi,… như các tiêu chí để xem xét cho vay phù hợp. Đồng thời lùi thời gian trả lãi suất ngân hàng áp dụng đến tháng 12/2021 cho các doanh nghiệp lữ hành. Tiếp tục tái cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ vay, khoanh nợ, không tính thời gian vay quá hạn.

Thứ tư, đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, mở rộng thị trường du lịch. Theo đó, Sở Du lịch Khánh Hòa cần xây dựng bộ tiêu chí “Du lịch Nha Trang an toàn” triển khai chương trình “Du lịch Việt Nam an toàn. Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các hãng hàng không Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp du lịch nghiên cứu tăng tần suất, mở thêm đường bay đến các thị trường quốc tế tiềm năng như: Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, New Zealand, Mỹ, Đông Âu; tích cực tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa, quốc tế với các địa phương và doanh nghiệp sau khi hết dịch.

Triển khai chương trình kích cầu du lịch quốc tế đến Việt Nam tại các nước là thị trường du lịch trọng điểm khi các nước công bố hết dịch. Tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa ở các vùng, miền của đất nước. Thông qua chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để khôi phục thị trường.

4. Kết luận

Sự bùng phát và lây lan chưa rõ hồi kết của đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, trong đó có ngành Du lịch, kéo theo rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành. Với sự điều hành của cơ quan chức năng, Việt Nam đang từng bước khắc chế đại dịch, đưa ra các chính sách để sẵn sàng phát triển ngành Du lịch khi có điều kiện; Khai thác tối đa thị trường trong nước, điều chỉnh giá điện, đảm bảo an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động… là những giải pháp mang tính thiết thực nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp lữ hành trong giai đoạn hiện tại và sắp tới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Sở Du lịch Khánh Hòa (2020). Số 412/BC- SDL, Báo cáo ước kết quả kinh doanh du lịch quý I/ 2020, ngày 27/03/2020.
  2. Sở Du lịch Khánh Hòa (2020). Số 856/BC- SDL, Báo cáo ước kết quả kinh doanh du lịch quý II/ 2020, ngày 23/06/2020.
  3. Sở Du lịch Khánh Hòa (2020). Số 1443/BC- SDL, Báo cáo ước kết quả kinh doanh du lịch quý III/ 2020, ngày 30/09/2020.
  4. Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa (2006). Giáo trình Kinh tế Du lịch, NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội.
  5. Nguyễn Bích Lâm (01/11/2020). Đại dịch Covid-19, hệ luỵ và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Báo Chính phủ, http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Dai-dich-COVID19-he-luy-va-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep/412612.vgp
  6. Hà Thị Thùy Linh (2007). Giáo trình Nghiệp vụ Kinh doanh Lữ hành, NXB Hà Nội, Hà Nội.
  7. Nguyễn Văn Mạnh, Phạm Hồng Chương (2006). Giáo trình Quản trị Kinh doanh Lữ hành, NXB Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Hà Nội.
  8. Nguyễn Quang Thuấn (2020). Tác động của đại dịch COVID-19 và một số giải pháp chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Tạp chí Cộng sản, tháng 9.
  9. Các trang thông tin điện tử (website): oxfordeconomics.com; www.vnexpress.net; www.sdl.khanhhoa.gov.vn; www.baokhanhhoa.vn;

 

SOME SOLUTIONS TO SUPPORT SMALL AND MEDIUM-SIZED TOURISM COMPANIES IN KHANH HOA PROVINCE OVECOME THE EFFECTS OF COVID-19 PANDEMIC

Master. VU THI TRINH

Lecturer, Faculty of Tourism, Khanh Hoa University

ABSTRACT:

Facing the increasingly complicated developments of the on-going Covid-19 pandemic, Khanh Hoa Province’s tourism industry in general and small and medium-sized tourism companies in particular are being impacted severely. Many tourism companies have been forced to close, making Khanh Hoa Province’s tourism sector even more gloomy. This paper analyzes the Covid-19 pandemic’s effects on small and medium-sized tourism companies in Khanh Hoa Province and proposes some solutions to support their businesses in the coming time.

Keywords: Covid-19, small and medium-sized tourism companies, tourism, Khanh Hoa Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 12, tháng 5 năm 2021]