Mở rộng thị trường xuất khẩu: Làm chủ thông tin để xây dựng chiến lược

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, những tín hiệu tại các thị trường đối tác là yếu tố quan trọng để việc hoạch định chiến lược xuất nhập khẩu được đúng đắn và hiệu quả nhất. Hệ thống 61 Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ chính là những cánh tay nối dài quan trọng ở tiền tuyến để hàng hóa Việt Nam tỏa đi khắp toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thương vụ, chi nhánh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần tham mưu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và những phản ứng chính sách phù hợp với từng thị trường xuất khẩu
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thương vụ, chi nhánh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần tham mưu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và những phản ứng chính sách phù hợp với từng thị trường xuất khẩu

Lắng nghe “hơi thở” thị trường xuất khẩu

Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế và thương mại toàn cầu, xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm của Việt Nam đạt được những kết quả tích cực.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng tiếp tục tăng cao với hơn 433,6 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 217,3 tỷ USD, tăng 16,6% (cùng kỳ tăng 30,9%); kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 216,3 tỷ USD, tăng 14% và cơ bản được kiểm soát tốt.

Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu với con số trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,3 tỷ USD), góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Bộ Công Thương nhận định, thời gian tới, cơ hội cho xuất khẩu sẽ đến khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế trên phạm vi toàn cầu, tạo thuận lợi cho thúc đẩy phục hồi kinh tế, gia tăng xuất nhập khẩu. Việc khai thác hiệu quả các FTA và sự gia tăng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng tạo điều kiện để tăng nguồn hàng, đẩy mạnh xuất khẩu. 

Tuy nhiên, cần nhìn nhận, công tác xuất khẩu những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Sự bất ổn của tăng trưởng kinh tế toàn cầu gắn với lạm phát tăng cao, xung đột Nga - Ukraine, chiến lược zero-Covid của Trung Quốc hay giá nguyên liệu đầu vào và giá cước vận tải vẫn neo cao đều sẽ đặt ra nhiều rủi ro về nguồn cung nguyên vật liệu, đảm bảo an ninh năng lượng, sụt giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ các nước và gây khó cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nói chung, trong đó có Việt Nam.

Lúc này, việc nhận diện tốt thị trường xuất khẩu để có chiến lược xúc tiến phù hợp là vô cùng cần thiết. 

Đơn cử, ông Phạm Thế Cường - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia kiêm nhiệm Đông Timor cho biết, Indonesia là một nước nhiệt đới, tuy nhiên, một số mặt hàng nông sản là vải, nhãn rất được ưa chuộng tại thị trường này. Hiện Indonesia nhập khẩu nhãn hoàn toàn từ Thái Lan với sản lượng rất lớn mỗi năm. Trong khi đó, đây chính là hai loại nông sản có thế mạnh của Việt Nam. Do đó, cần nghiên cứu xúc tiến hai mặt hàng này để khai thác thị trường Indonesia tốt hơn nữa. 

Thanh long là một trong những loại trái cây Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Australia
Thanh long là một trong những loại trái cây Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Australia

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán Thương mại tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia lại thông tin, theo số liệu thống kê năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang 27 nước EU khoảng 40 tỷ USD, trong đó 7 nước EU nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam đã nhập khẩu hơn 31 tỷ USD, chiếm gần 80% và chúng ta vẫn còn bỏ ngỏ 20 nước nhỏ, trong đó có các nước Bắc Âu.

“Mặc dù, đây là thị trường xuất khẩu nhỏ nhưng lại là các nước có GDP trên đầu người nằm trong top 10 thế giới, luôn đi đầu trong các xu hướng mới. Nắm bắt được các xu hướng của thị trường này, chúng ta có thể đi tắt, đón đầu, và bứt phá thành công”, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy nhấn mạnh. 

Thương vụ kiến nghị, cần tập trung nghiên cứu phát triển thị trường ngách, thị trường cho các sản phẩm đổi mới: Ví dụ, người Bắc Âu rất quan tâm đến sản phẩm dành cho người có giới tính thứ ba; các sản phẩm mới hướng tới tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường như phát triển các thực phẩm mới có thể thay thế thịt, như mít non đóng hộp đang được ưa chuộng ở Bắc Âu và ở Việt Nam có rất nhiều; các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày thay thế nhựa chúng ta có thể dùng tre, cói;…

Một thị trường khác là Nam Phi cũng đang còn nhiều dư địa bỏ ngỏ. Theo ông Phạm Thanh Hải - Bí thư thứ nhất Thương vụ Nam Phi, đây là nước nông nghiệp và cũng là thị trường xuất khẩu tương đối rẻ với chất lượng tốt.

"Như vậy, để mặt hàng trái cây của Việt Nam có thể thâm nhập vào thị trường Nam Phi, các doanh nghiệp Việt Nam nên chế biến các loại trái cây tươi của Việt Nam thành sản phẩm bao hàm giá trị gia tăng như nước quả, thực phẩm đóng hộp thì sẽ dễ thâm nhập vào thị trường Nam Phi và bán được với giá cao hơn; không phải cạnh tranh với hoa quả tươi của Nam Phi và chất lượng của hoa quả vận chuyển sang thị trường này", Thương vụ đề xuất.

Mặt khác, Nam Phi hiện là thành viên của khối Cộng đồng phát triển Nam Phi (SADC) và khối này cũng ký một thoả ước đối tác kinh tế với EU vào tháng 10/2020 đem đến những ưu đãi về thuế nhập khẩu với hàng hoá có xuất xứ từ SADC vào châu Âu.

Trên thực tế, Nam Phi có nguồn cung ứng gỗ rừng, đặc biệt là gỗ bạch đàn dồi dào, là nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng đồ gỗ nội, ngoại thất. Hiện nay, Việt Nam cũng đang nhập khẩu các nguyên liệu gỗ về sản xuất trong nước; thời gian tới, các doanh nghiệp có thể định hướng đầu tư nhà máy sản xuất ở Nam Phi sử dụng các nguyên liệu gỗ tại chỗ để giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam có xuất xứ từ Nam Phi có nguồn gốc SADC xuất đi châu Âu thì đây là một lợi thế cạnh tranh.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển tổ chức làm việc, giới thiệu hàng Việt đến các doanh nghiệp nhập khẩu tại Thụy Điển
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển tổ chức làm việc, giới thiệu sản phẩm hàng Việt đến các doanh nghiệp nhập khẩu tại Thụy Điển

Nối dài cánh tay Thương vụ 

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài ngày 19/8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thời gian qua đã làm tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin về chính sách, nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.

Theo đó, đã tổ chức hàng trăm hội nghị kết nối giao thương trực tuyến giúp tìm đầu ra cho hàng xuất khẩu của Việt Nam; thực hiện hàng trăm sự kiện xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh sản phẩm Việt Nam tại nước ngoài; tìm nguồn nguyên liệu từ Ấn Độ, Hàn Quốc cho ngành dệt may, da giày sản xuất, xuất khẩu khi chuỗi cung ứng nguyên liệu bị gián đoạn; tìm nguồn than đá từ Australia, Nam Phi, Lào cho nhu cầu sản xuất điện; hỗ trợ thu hồi hơn 100 container hạt điều của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Italia... 

Cùng với đó, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nói riêng và đổi mới hoạt động của cơ quan thương vụ nói chung cũng đang được Bộ Công Thương triển khai quyết liệt, nhằm tận dụng tối đa nhân lực và nguồn lực phục vụ công tác xúc tiến.

Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán Thương mại tại Canada cho biết, hiện nay Thương vụ đang xây dựng cổng thông tin điện tử song ngữ để phục vụ cung cấp và cập nhật thông tin thị trường xuất khẩu cho cả doanh nghiệp Canada và Việt Nam.

"Chúng tôi cũng đang bắt đầu triển khai hệ thống showroom giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại các nhà hàng Việt ở Canada. Nếu mỗi tỉnh bang, thành phố có 1 vài showroom như vậy, sự nhận diện sản phẩm của chúng ta sẽ lớn hơn trong hiểu biết của người tiêu dùng, đồng thời, các nhà nhập khẩu sở tại cũng có thêm kênh tiếp cận mẫu hàng và kiểm tra chất lượng sản phẩm dễ dàng", bà Trần Thu Quỳnh chia sẻ. 

Trong những tháng còn lại của năm 2022 và thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, bối cảnh đòi hỏi ngành Công Thương nói chung và hệ thống thương vụ ở nước ngoài nói riêng cần tập trung triển khai các công việc có trọng tâm, trọng điểm với kế hoạch, lộ trình và thời hạn cụ thể, làm việc nào dứt việc đó, không để tồn đọng, kéo dài, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đồng thời, không ngừng đổi mới, sáng tạo, hết sức linh hoạt trong triển khai công việc; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài
Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài

Đặc biệt, các thương vụ, chi nhánh thương vụ cần phát huy hiệu quả vai trò vị trí tiền tuyến, trực tiếp tiếp cận hàng ngày với những biến động của thế giới và thị trường nước sở tại, chủ động tiếp cận, nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách, điều chỉnh chính sách của nước sở tại, từ đó vận dụng, tham mưu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và những phản ứng chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. 

Đồng thời, chủ động cảnh báo, phòng ngừa, đưa ra khuyến cáo, kiến nghị xử lý các rủi ro, hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương của Việt Nam xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu phù hợp nhằm tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác đầu tư, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như cơ khí, chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hóa chất, dược phẩm… Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác để phát triển lực lượng lao động kỹ thuật thông qua việc đưa lao động, thực tập sinh ra nước ngoài để học tập, làm việc, tiếp cận công nghệ sản xuất mới, quản trị mới, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thương vụ đẩy mạnh tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước; thúc đẩy hợp tác với nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước chủ động trong sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Chúng ta đã cố gắng rồi phải cố gắng nhiều hơn nữa; đã có quyết tâm cao rồi thì phải cao hơn nữa; đã nỗ lực phấn đấu nhiều rồi phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa; đã hành động quyết liệt rồi phải tiếp tục quyết liệt, hiệu quả hơn nữa; tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì sự ấm no hạnh phúc của nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực hiện chủ trương của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương, ngày 29/7/2022, Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước hàng tháng đầu tiên được tổ chức, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và sự tham gia của đại diện các cơ quan chức năng thuộc Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan.

Ngay sau đó, ngày 16/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục chủ trì Hội nghị công tác thương vụ khu vực Châu Á - Châu Phi năm 2022 và mới đây nhất, ngày 19/8, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài.

Đây là những sự kiện chưa từng có tiền lệ, cho thấy sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của lãnh đạo Chính phủ và Bộ Công Thương đối với công tác phát triển, mở rộng thị trường và cả quyết tâm đổi mới công tác xúc tiến. Vai trò của hệ thống Thương vụ đang được đẩy mạnh và tận dụng hiệu quả hơn bao giờ hết.

Thy Thảo