Mở rộng loại hình thành viên hợp tác xã trong dự thảo Luật Hợp tác xã (Sửa đổi)

NGUYỄN HÀ KHÁNH LINH - Trường Đại học Luật Hà Nội

TÓM TẮT:

Mặc dù có ý nghĩa kinh tế - xã hội to lớn, song hợp tác xã ở Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của hợp tác xã (HTX) ở Việt Nam, chính là việc Luật HTX năm 2012 chưa có cơ chế quy định về các loại hình thành viên liên kết trong HTX. Hiện nay, dự thảo Luật HTX (sửa đổi) đã có những quy định về thành viên liên kết trong HTX. Bài viết bình luận một số vấn đề pháp lý, làm cơ sở để hoàn thiện các quy định về thành viên liên kết trong HTX tại Việt Nam.

Từ khóa: hợp tác xã, thành viên chính thức, thành viên liên kết, Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

1. Đặt vấn đề

Mỗi một thời kỳ lịch sử, mỗi một thời đại đều có những đặc điểm riêng trong quan hệ kinh tế và do đó cũng cần có phương thức tổ chức kinh doanh riêng, phù hợp với bối cảnh hình thái kinh tế - xã hội của thời đại đó. Khi con người mở rộng thương mại và công nghiệp, để tổ chức kinh doanh với quy mô lớn hơn là lúc mô hình các tổ chức thương mại ra đời[1].

Bên cạnh các hoạt động kinh doanh để mưu cầu lợi nhuận thuần túy, còn có những hình thức kinh tế tập thể. Kinh tế tập thể không chỉ hướng đến lợi nhuận, mà còn nhằm xây dựng và củng cố mối quan hệ liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, dựa trên cơ sở tự nguyện, hợp tác, bình đẳng. Hình thức HTX thể hiện tính tập thể và tinh thần hợp tác giữa các thành viên nhằm tạo ra môi trường để các thành viên tương trợ nhau cùng phát triển[2].

Rường cột của kinh tế tập thể là các tổ chức kinh tế hợp tác, chủ yếu là các HTX. Theo quan điểm của Liên minh HTX thế giới (International Cooperative Alliance - ICA) trong Tuyên bố về Đặc tính của HTX (Statement on the Cooperative Identity): HTX là “một hiệp hội tự trị của những người được tổ chức một cách tự nguyện, nhằm đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung về kinh tế, xã hội và văn hóa của họ thông qua một doanh nghiệp được sở hữu chung và được điều hành một cách dân chủ”[3].

ICA cũng xác định HTX hoạt động dựa trên các giá trị là: tự chủ (self-help), tự chịu trách nhiệm (self-responsibility), dân chủ (democracy), bình đẳng (equality), công bằng (equity), và đoàn kết (solidarity). Theo truyền thống của những người sáng lập, các thành viên HTX tin tưởng vào các giá trị đạo đức của sự trung thực, cởi mở, trách nhiệm xã hội và quan tâm đến người khác[4].

Cũng theo ICA, HTX hoạt động dựa trên 7 nguyên tắc chính, gồm (i) Tư cách thành viên tự nguyện và cởi mở, (ii) Quyền quản lí mang tính dân chủ của các thành viên, (iii) Sự tham gia kinh tế của các thành viên, (iv) Quyền tự chủ và độc lập, (v) Giáo dục, Đào tạo và Thông tin, (vi) Hợp tác giữa các HTX, (vii) Quan tâm đến cộng đồng[5].

Trong lịch sử, tổ chức kinh tế tập thể có tính chất HTX đầu tiên được cho là Hội Thợ dệt làng Fenwick (Fenwick Weavers' Society), thành lập ngày 14/3/1761 ở Đông Ayrshire, Scotland, bao gồm 15 thành viên. Với xuất phát điểm ban đầu là một hội ngành nghề, đến năm 1769, Hội Thợ dệt làng Fenwick bắt đầu hoạt động phân phối lương thực cho các thành viên với giá thấp, cũng như tiến hành mua buôn các mặt hàng thực phẩm và sách[6].

Kể từ đó đến nay, các HTX trên thế giới đã có hơn 260 năm phát triển. Theo báo cáo năm 2021 của ICA, các hình thức HTX liên tục phát triển ở các nước phát triển và đang phát triển: Tính đến nay trên toàn thế giới có hơn 3 triệu HTX, đóng góp hơn 10% GDP và bảo đảm đời sống cho hơn một nửa dân số thế giới. Tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc năm 2003, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đánh giá “HTX là một trào lưu có tổ chức lớn nhất của xã hội văn minh, đóng góp quan trọng trong việc đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của con người trong những nỗ lực phát triển kinh tế cân bằng sâu rộng ở các quốc gia nói riêng và thế giới nói chung”[7].

Riêng tại Việt Nam, HTX cũng đã có một lịch sử tương đối lâu dài, với khởi thủy là phong trào hợp tác hóa nông nghiệp trên miền Bắc XHCN từ cuối thập niên 1950. Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng năm 1975, chủ trương hợp tác hóa, đưa nông dân vào HTX được thực hiện rộng rãi trên toàn quốc. Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, HTX nói riêng và kinh tế tập thể nói chung giữ vai trò chủ chốt trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, do những sai lầm trong chính sách kinh tế, mô hình HTX kiểu cũ đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế.

Cùng với sự nghiệp Đổi Mới của Đảng, vị trí, vai trò của HTX và kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam đã được nhìn nhận, đánh giá lại. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về HTX đã được ban hành, tiêu biểu là các Luật HTX năm 1996, năm 2003 và năm 2012. Theo quy định tại khoản 1, điều 3, Luật HTX năm 2012 (hiện hành): HTX là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý HTX”.

Việc đổi mới thể chế và hoàn thiện hành lang pháp lý đã tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển ở Việt Nam, với trọng tâm là các HTX kiểu mới. Tính đến ngày 31/12/2020, toàn quốc có 26.112 HTX (trong đó có 17.462 HTX nông nghiệp, 8.650 HTX phi nông nghiệp), thu hút gần 6,1 triệu thành viên tham gia. Số lao động làm việc trong HTX khoảng 1,133 triệu người, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế[8]. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, kinh tế tập thể, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu và mục đích đề ra: Số lượng HTX tăng lên, nhưng số lượng thành viên trung bình của một HTX giảm xuống; Hầu hết HTX có quy mô nhỏ, năng lực yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu, năng lực quản lý yếu;... Ngoài ra, trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể, HTX đạt thấp và có xu hướng giảm, chỉ bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế (tốc độ tăng trưởng của HTX năm 2003: 4,92%, năm 2005: 3,98%, năm 2010: 3,32%, năm 2020: 2,4%)[9];...

Hiện nay, các HTX tại Việt Nam đang phải đối mặt với 3 vấn đề lớn, đó là: (i) quy mô của vốn góp còn hạn chế; (ii) số lượng thành viên trong các HTX chưa đông đảo; (iii) số lượng HTX còn hạn chế, chưa có sự liên kết, vị thế trên thị trường. Do vậy, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của các cá nhân, tổ chức vào HTX.

2. Mở rộng loại hình thành viên HTX: Động lực mới cho sự phát triển của kinh tế tập thể tại Việt Nam

Có một hạn chế khá lớn trong chính sách pháp luật về HTX tại Việt Nam hiện nay, đó là còn thiếu tính mở cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào HTX. Luật HTX năm 2012 (hiện hành) chỉ quy định một loại hình thành viên HTX, là những cá nhân, tổ chức tham gia góp vốn, lao động, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX theo nguyên tắc tự nguyện, hợp tác, bình đẳng, dân chủ[10]. Có thể hiểu đây là các “thành viên chính thức”, với đầy đủ các quyền và nghĩa vụ trong hoạt động của HTX. Theo quy định hiện hành, một HTX phải có tối thiểu 7 “thành viên chính thức”. Tuy nhiên, quy định này dẫn đến nhiều bất cập trên thực tế, cụ thể như sau:

Thứ nhất, khoản 1, Điều 17 Luật HTX năm 2012 giới hạn phần vốn góp của mỗi thành viên không được vượt quá 20% vốn điều lệ của HTX. Về nguyên tắc, quy định này phù hợp với bản chất của HTX, nhằm tránh những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của HTX do một thành viên có vốn góp chiếm tỉ trọng quá cao[11]. Tuy nhiên, quy định này cũng hạn chế đáng kể khả năng huy động vốn của HTX: Khi muốn mở rộng vốn, HTX cần phải kết nạp thêm thành viên, trong khi không phải lúc nào cũng có thể tìm được thành viên phù hợp. Mặt khác, có nhiều nhà đầu tư muốn góp vốn vào HTX, nhưng lại không có nhu cầu góp sức lao động, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, hay tham gia điều hành, quản trị HTX. Vai trò của các nhà đầu tư này tương tự như những thành viên góp vốn trong công ty hợp danh. Các nhà đầu tư này là một kênh cấp vốn quan trọng trong HTX, nhưng hiện nay, quan hệ giữa các nhà đầu tư này và HTX chỉ là quan hệ giữa trái chủ và thụ trái, khoản đầu tư chỉ được xem như khoản tiền vay. Nhà đầu tư chỉ được coi như một “người ngoài cuộc” với hoạt động kinh doanh của HTX.

Thứ hai, bên cạnh các “thành viên chính thức”, thực tiễn hoạt động của các HTX tại Việt Nam cũng ghi nhận nhiều loại hình “thành viên liên kết” là các cá nhân, tổ chức tuy không góp vốn, nhưng có hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, chế biến, cung cấp và tiêu thụ dịch vụ, sản phẩm với HTX[12]. Các thành viên liên kết mặc dù đóng góp rất lớn vào HTX, lại là nguồn thành viên chính thức quan trọng, nhưng hiện nay chưa được pháp luật công nhận, không được hưởng lợi ích từ HTX, chưa được giáo dục, định hướng trở thành thành viên chính thức của HTX. Điều 13 Luật HTX năm 2012 lại quy định thành viên HTX phải là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, dẫn đến sự tham gia của các thanh thiếu niên đã có sức lao động, trong khi theo Điều 143 Bộ luật Lao động năm 2019, trẻ em từ đủ 13 tuổi trở lên đã có thể làm những công việc nhẹ. Hiện nay, các thanh thiếu niên này chỉ có thể tham gia HTX với tư cách là thành viên của hộ gia đình, chứ chưa thể độc lập trở thành một thành viên của HTX.

Như vậy, bên cạnh các thành viên chính thức trong HTX, còn có nhiều dạng thành viên liên kết, với mức độ tham gia thấp hơn, nhưng giữ vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của HTX. Thực tiễn đòi hỏi cần phải có cơ chế phù hợp để ghi nhận và thể chế hóa sự tham gia của các thành viên liên kết góp vốn, góp sức, tham gia tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của HTX.

Để khắc phục những vấn đề này, hiện nay, Chính phủ đã và đang xây dựng dự thảo Luật HTX (sửa đổi) để trình Quốc hội ban hành. Vấn đề đa dạng hóa loại hình thành viên của HTX, quy định thêm về các thành viên liên kết bên cạnh các thành viên chính thức của HTX đã xuất hiện ngay từ phiên bản đầu tiên của dự thảo Luật và tiếp tục được duy trì cho đến nay. Trong phạm vi bài viết này, tác giả dựa trên Dự thảo 7 (Dự thảo trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4) để phân tích, làm rõ ý nghĩa, vai trò của thành viên liên kết đối với HTX.

Về tổng thể, Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) quy định về 3 loại hình thành viên trong HTX, đó là:

Thành viên chính thức là thành viên đáp ứng đồng thời 2 điều kiện sau: (i) Góp vốn; (ii) Góp sức lao động, hoặc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX (khoản 25, điều 4, Dự thảo 7). Đây chính là loại hình thành viên HTX đã được quy định trong Luật HTX năm 2012. Số lượng thành viên chính thức tối thiểu của HTX đã được giảm từ 7 (theo quy định hiện hành) xuống còn 5 (khoản 11, điều 4, Dự thảo 7), để phù hợp với các thông lệ quốc tế[13], tạo điều kiện cho sự hình thành các HTX.

Thành viên liên kết không góp vốn là thành viên đóng phí thành viên liên kết, không góp vốn và đáp ứng ít nhất một trong hai điều kiện sau: (i) góp sức lao động; (ii) sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX (khoản 26, điều 4, Dự thảo 7).

Thành viên liên kết có góp vốn là thành viên chỉ góp vốn, không sử dụng sản phẩm, dịch vụ và không góp sức lao động (khoản 27, điều 4, Dự thảo 7). Thành viên liên kết được phép góp vốn, nhưng tổng tất cả vốn góp của thành viên liên kết có góp vốn không quá 30% vốn điều lệ của HTX (khoản 2, điều 78, Dự thảo 7).

Về nguyên tắc, thành viên liên kết chỉ cần đáp ứng một trong các điều kiện về góp vốn, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, hoặc góp sức lao động cho HTX và do không phải thành viên chính thức nên không tham gia biểu quyết, quản lý, điều hành HTX. Thành viên liên kết được mời tham gia và phát biểu nhưng không được biểu quyết tại Đại hội thành viên (điều 75, Dự thảo 7). Các quyền và nghĩa vụ của thành viên liên kết cũng được giảm bớt so với thành viên chính thức.

Quy định về thành viên liên kết là giải pháp phù hợp cho việc mở rộng quy mô và khả năng liên kết của HTX. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới: Ví dụ, pháp luật về HTX của Philippines quy định có hai loại thành viên là thành viên chính thức (regular member) và thành viên liên kết (associate member); thành viên liên kết không có quyền biểu quyết như thành viên chính thức[14].

Về thành viên liên kết không góp vốn, các nước tiên tiến trên thế giới như Đức hay Nhật Bản đều không hạn chế các thành viên liên kết, thậm chí coi chính khách hàng sử dụng hàng hóa, dịch vụ của HTX là thành viên liên kết, nên quy mô và số lượng thành viên của các HTX thường rất lớn[15]. Các thành viên liên kết không góp vốn không chỉ đóng góp sức lao động, mà còn đóng góp tri thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, uy tín xã hội, thông tin thị trường,…

Về thành viên liên kết có góp vốn, họ chính là những nhà đầu tư vốn cho HTX. Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, HTX cũng rất cần có nguồn vốn lớn ở quy mô nhất định để có thể sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy một số quốc gia như Canada đã có quy định về “thành viên đầu tư” trong HTX, nhằm tăng cường nguồn lực cho HTX[16].

Việc mở rộng các loại hình thành viên liên kết của HTX cũng phù hợp với các khuyến nghị của ICA về phát triển HTX. Việc giảm bớt các điều kiện so với thành viên chính thức sẽ tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân tham gia làm thành viên HTX, tạo điều kiện cho việc mở rộng quy mô thành viên, vốn góp, nguồn lực và khả năng liên kết giữa các HTX.

3. Dự thảo Luật HTX (sửa đổi): Cần chính sách phù hợp cho thành viên liên kết trong HTX

Từ những phân tích kể trên cho thấy: Xu hướng mở rộng loại hình thành viên để thu hút thêm thành viên tham gia HTX là phù hợp cả với thực tiễn trong nước lẫn xu hướng thế giới. Điều này giúp các HTX tận dụng và khai thác được thế mạnh của nhiều tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Tuy nhiên, việc quy định về thành viên liên kết không góp vốn và thành viên liên kết có góp vốn trong HTX cũng đòi hỏi pháp luật về HTX phải có chính sách, cũng như những giải pháp pháp lý phù hợp, để đưa các quy định pháp luật vào thực tiễn đời sống.

Trước hết, quy định về thành viên liên kết có góp vốn là để mở rộng khả năng huy động vốn của HTX, giúp cho các nhà đầu tư có thể góp vốn vào HTX mà không cần có các nghĩa vụ góp sức lao động hay sử dụng, tiêu thụ sản phẩm của HTX. Tuy nhiên, HTX không phải là doanh nghiệp, có mục đích không giống doanh nghiệp, nên không thể ứng xử với thành viên liên kết có góp vốn như một thành viên của doanh nghiệp thông thường. Thành viên liên kết có góp vốn tuy không có quyền biểu quyết, nhưng có thể “bỏ phiếu bằng chân” (rút vốn khỏi HTX), nên sẽ gián tiếp chi phối tới hoạt động của HTX. Nếu thành viên liên kết có góp vốn chiếm một tỷ lệ vốn góp quá cao, thì khi họ rút vốn khỏi HTX sẽ gây ra nhiều xáo trộn. Điều 78 Dự thảo 7 đang quy định tổng tất cả vốn góp của thành viên liên kết có góp vốn không quá 30% vốn điều lệ của HTX, đồng thời nâng tỷ lệ vốn góp của một thành viên chính thức từ không quá 20% lên không quá 30% vốn điều lệ của HTX. Như vậy, phần vốn góp của tất cả các thành viên liên kết có góp vốn cộng lại cũng chỉ bằng mức tối đa tỷ lệ vốn góp của 1 thành viên chính thức; đây là định mức phù hợp cho sự phát triển của HTX.

Về thành viên liên kết không góp vốn, theo quy định trong Dự thảo Luật HTX (sửa đổi), những người lao động, hay những khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX cũng có thể trở thành thành viên liên kết không góp vốn, chỉ cần đóng một khoản phí thành viên liên kết. Điều này đặt ra một số vấn đề mang tính kỹ thuật pháp lý, ví dụ như giải quyết vấn đề quan hệ lao động, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giữa thành viên liên kết không góp vốn và HTX: Thành viên liên kết không góp vốn làm việc toàn thời gian cho HTX có được ứng xử như người lao động và có các quyền lợi theo pháp luật lao động không? Thành viên liên kết không góp vốn sử dụng sản phẩm, dịch vụ do HTX cung cấp có được bảo vệ theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay không? Đây là những vấn đề cần nghiên cứu để quy định trong các luật chuyên ngành có liên quan.

Về vấn đề giao dịch nội bộ và giao dịch bên ngoài, chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là khuyến khích HTX tập trung phục vụ và phát triển thành viên, sau đó mới phát triển ra thị trường bên ngoài. Theo pháp luật hiện hành, Nhà nước quy định tỷ lệ tối đa cung ứng sản phẩm, dịch vụ đối với khách hàng không phải là thành viên của HTX: Không quá 50% tổng giá trị cung ứng sản phẩm, dịch vụ của HTX trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Đối với trường hợp HTX tạo việc làm, tiền lương trả cho người lao động không phải là thành viên với hợp đồng lao động không xác định thời hạn không quá 30% tổng tiền lương của HTX chi trả cho tất cả người lao động trong HTX với hợp đồng không xác định thời hạn[17].

Cách qui định cứng như trên đã không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) đã chọn giải pháp không can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của HTX, mà điều chỉnh gián tiếp bằng chính sách tài chính. Các giao dịch phục vụ thành viên của HTX được xem là giao dịch nội bộ và phân biệt với các giao dịch phục vụ khách hàng không phải thành viên (giao dịch bên ngoài). Phần giao dịch bên trong, phục vụ thành viên thể hiện bản chất tương hỗ giữa các thành viên của HTX và được Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ thông qua miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Phần giao dịch bên ngoài được Nhà nước đối xử bình đẳng, phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp giống như doanh nghiệp. Mặt khác, Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) qui định lợi nhuận từ giao dịch bên ngoài bắt buộc phải trích lập một mức tối thiểu vào quỹ chung không chia để dự phòng tài chính và đầu tư phát triển tài sản chung không chia của các HTX. Như vậy, nếu HTX không muốn chịu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác, thì phải tích cực mở rộng thành viên, nhất là thành viên liên kết không góp vốn. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nguy cơ về việc trốn tránh các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước của HTX.

Cuối cùng, Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) cần lưu tâm hơn đến việc tham gia các cơ cấu quản trị của thành viên liên kết. Hiện nay, Dự thảo 7 đang đi theo hướng thành viên liên kết bị loại trừ gần như tất cả các quyền năng liên quan đến biểu quyết và quyết định các vấn đề quan trọng của HTX. Thành viên liên kết về cơ bản không được tham gia vào các cơ cấu quản trị của HTX, trừ một số ngoại lệ nhỏ. Thành viên liên kết cũng không có quyền kiến nghị, yêu cầu những người điều hành HTX giải trình về hoạt động của HTX, không có quyền yêu cầu triệu tập Đại hội thành viên bất thường (điều 75 Dự thảo 7).

Tuy nhiên, quy định như vậy chưa đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho thành viên liên kết trong HTX. Thành viên liên kết có góp vốn không có quyền biểu quyết, song vẫn cần phải được biết thông tin, được yêu cầu giải trình về hoạt động của HTX - cũng chính là số phận phần vốn góp của họ. Để so sánh, thành viên góp vốn trong công ty hợp danh được Điều 187 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về quyền biểu quyết một số vấn đề liên quan đến mình, được qui định chi tiết về quyền yêu cầu cung cấp thông tin, xem xét sổ kế toán, biên bản, hợp đồng, giao dịch, hồ sơ và tài liệu khác của công ty hợp danh. Sẽ là không thỏa đáng nếu như thành viên liên kết có góp vốn trong HTX không có những quyền lợi tương tự như thành viên góp vốn trong công ty hợp danh.

Đối với thành viên liên kết không góp vốn, những tri thức, kinh nghiệm và sự độc lập của họ giúp ích cho việc điều hành HTX, bảo vệ quyền lợi của thành viên không giữ vai trò điều hành. Cần nghiên cứu mở rộng khả năng tham gia vào các cơ cấu quản trị HTX, như quy định tỷ lệ nhất định thành viên Hội đồng quản trị là thành viên liên kết, cho phép thành viên liên kết tham gia Ban kiểm soát, để các thành viên liên kết có một vị trí tương xứng với đóng góp của họ cho HTX./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

(1) Phạm Duy Nghĩa (2015). Giáo trình Luật kinh tế, NXB Công an Nhân dân, tr.144

(2) Lê Hương Giang (2016). Địa vị pháp lý của thành viên HTX theo quy định của pháp luật hiện hành. Tạp chí Luật học, số 9/2016

(3) Nguyên văn tiếng Anh: “An autonomous association of persons united voluntarily to meet their common economic, social and cultural needs and aspirations through a jointly owned and democratically controlled enterprise”

(4) International Cooperative Alliance, Cooperative identity, values & principles, https://www.ica.coop/en/whats-co-op/co-operative-identity-values-principles

(5) International Cooperative Alliance, Guidance Notes to the Co-operative Principles, https://www.ica.coop/en/whats-co-op/co-operative-identity-values-principles

(6) Severin Carell, Strike Rochdale from the record books. The Co-op began in Scotland, The Guardian. https://www.theguardian.com/business/2007/aug/07/retail.uknews

(7) Liên minh HTX Việt Nam (VCA), Phát triển kinh tế tập thể, HTX là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, https://vca.org.vn/phat-trien-kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-la-tat-yeu-khach-quan-co-y-nghia-chien-luoc-va-lau-dai-trong-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xhcn-o-nuoc-ta-a27755.html

(8) Lê Anh, HTX, thành viên HTX cùng liên kết để phát triển, https://dangcongsan.vn/kinh-te/hop-tac-xa-thanh-vien-hop-tac-xa-cung-lien-ket-de-phat-trien-569759.html

(9) Lê Anh, Sửa đổi Luật HTX: Tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=67234

(10) Lê Hương Giang, tlđd

(11) Lê Hương Giang, tlđd

(12) Ví dụ: HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố ở Bắc Kạn có 11 thành viên nhưng có hơn 100 thành viên liên kết là cá nhân, hộ gia đình. Thành viên liên kết được đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây, ưu đãi về giá thu mua, cung cấp sản phẩm cho HTX sơ chế, chế biến, đóng gói tiêu thụ ra bên ngoài thị trường

Xem thêm: Tờ trình Quốc hội số 379/TTr-CP, ngày 6/10/2022 của Chính phủ về Dự án Luật HTX (sửa đổi)

([1]3) Tại nhiều nước tiên tiến như Đức hay Hàn Quốc, pháp luật qui định số lượng thành viên tối thiểu khi thành lập là 5 thành viên đối với HTX

Xem thêm: Tờ trình Quốc hội số 379/TTr-CP, ngày 06/10/2022 của Chính phủ về Dự án Luật HTX (sửa đổi)

([1]4) Cooperative Development Authority (Cơ quan phát triển HTX Philippines), Frequently Asked Questions, https://cda.gov.ph/frequently-asked-questions/?fbclid=IwAR03MtNwd8Z_kVH2cL218Nm7u1vb2lS2fVvfXBQ9pSB14LiClFuMNhWgOtU

([1]5) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kinh nghiệm phát triển HTX ở một số quốc gia trên thế giới và giá trị tham khảo cho Việt Nam, Hồ sơ Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

(16) Lê Hương Giang, tlđd

(17) Điều 5 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật HTX (sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phạm Duy Nghĩa (2015). Giáo trình Luật kinh tế, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội.
  2. Lê Hương Giang (2016). Địa vị pháp lý của thành viên hợp tác xã theo quy định của pháp luật hiện hành. Tạp chí Luật học, số 9/2016.
  3. International Cooperative Alliance (2022). Cooperative identity, values & principles. [online] Available at: https://www.ica.coop/en/whats-co-op/co-operative-identity-values-principles.
  4. Severin Carell (2007). Strike Rochdale from the record books. The Co-op began in Scotland, The Guardian. [online] Available at: https://www.theguardian.com/business/2007/aug/07/retail.uknews.
  5. Liên minh HTX Việt Nam (2022). Phát triển kinh tế tập thể, HTX là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Truy cập tại: https://vca.org.vn/phat-trien-kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-la-tat-yeu-khach-quan-co-y-nghia-chien-luoc-va-lau-dai-trong-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xhcn-o-nuoc-ta-a27755.html.
  6. Lê Anh (2020). HTX, thành viên HTX cùng liên kết để phát triển. Truy cập tại: https://dangcongsan.vn/kinh-te/hop-tac-xa-thanh-vien-hop-tac-xa-cung-lien-ket-de-phat-trien-569759.html.
  7. Lê Anh (2022). Sửa đổi Luật HTX: Tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Truy cập tại: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=67234.
  8. Chính phủ (2022), Tờ trình Quốc hội số 379/TTr-CP, ngày 6/10/2022 về Dự án Luật HTX (sửa đổi).

Expanding the type of cooperative members in the Draft of Law on Cooperatives (amended)

Nguyen Ha Khanh Linh

Hanoi Law University

Abstract:

Although cooperatives in Vietnam have greatly contributed to the country’s socio-economic growth, the development of cooperatives has not yet been commensurate with expectations. One of the reasons hindering the development of cooperatives in Vietnam is that the Law on Cooperatives 2012 does not have provisions on types of of associate members in cooperatives. Currently, the Draft of Law on Cooperatives (amended) has provisions on types of of associate members in cooperatives. This paper discusses some legal issues in order to complete provisions on associate members in cooperatives in Vietnam.

Keywords: cooperative, official member, associate member, the Law on Cooperatives (amended).

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11  năm 2022]