Lý do hàng công nghiệp chế biến xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, năm 2022, trị giá xuất khẩu là 371,3 tỷ USD, tăng 10,5%, tương ứng tăng 35,14 tỷ USD so với năm trước. Riêng 8 mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo chủ lực đã đạt 255,67 tỷ USD, chiếm 68,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Đó là các nhóm hàng xuất khẩu điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện, dệt may, da giày, thuỷ sản, đồ gỗ, sắt thép.

Trong đó, nhiều nhóm hàng tăng trưởng rất cao, như máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, tính chung cả năm 2022 đạt 45,75 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm trước. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của nhóm hàng này là: Hoa Kỳ đạt 20,18 tỷ USD, tăng 13,3%; EU đạt 5,76 tỷ USD, tăng 32,2%; Trung Quốc đạt 3,68 tỷ USD, tăng 28,3%; Nhật Bản đạt 2,76 tỷ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 2,73 tỷ USD, tăng 7%... so với năm 2021.

Hay hàng dệt may, kim ngạch xuất khẩu đạt 37,57 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2021. Xuất khẩu sang EU đạt 4,46 tỷ USD, tăng 34,7%; Nhật Bản đạt 4,07 tỷ USD, tăng 25,8%; Hàn Quốc đạt 3,31 tỷ USD, tăng 12,1%... so với năm 2021.

Tương tự là nhóm hàng giày dép các loại, xuất khẩu xấp xỉ 23,9 tỷ USD, tăng tới 34,6%. Như vậy, quy mô xuất khẩu giày dép các loại năm 2022 đã tăng tới 6,15 tỷ USD so với năm trước. Xuất khẩu giày dép các loại sang các thị trường chủ lực trong năm 2022 tăng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ đạt 9,62 tỷ USD, tăng 29,6%; EU đạt 5,91 tỷ USD, tăng 45,3%; Trung Quốc đạt 1,71 tỷ USD, tăng 7,3%... so với năm trước.

Điều đáng quan tâm là xuất khẩu những nhóm hàngcông nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn trong bối cảnh hoạt động công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù sản xuất công nghiệp phục hồi tốt trong 9 tháng đầu năm, tuy nhiên, tốc độ tăng sản xuất công nghiệp chậm lại từ quý IV do các doanh nghiệp sản xuất đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như (dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...), doanh thu giảm, cắt giảm giờ làm, giảm lao động.

Bên cạnh đó, rủi ro thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn còn hiện hữu. Thị trường bất động sản trầm lắng và nhu cầu thế giới giảm đã khiến các ngành thép, vật liệu xây dựng gặp khó khăn, cung vượt cầu, cả đơn hàng trong nước và xuất khẩu giảm, các doanh nghiệp sản xuất thép lớn đồng loạt cắt giảm sản lượng, xuất khẩu sắt thép giảm khoảng 30% so với cùng kỳ… đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí vốn tăng ảnh hưởng đến sự phục hồi của sản xuất: Lãi suất tăng nhanh, tỷ giá đồng USD tăng cao dẫn đến giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng khiến chi phí vốn sản xuất của nhiều doanh nghiệp sản xuất tăng cao, giảm tính cạnh tranh về giá của sản phẩm xuất khẩu. Tiếp cận vốn của các doanh nghiệp khó khăn hơn, các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn...

Có hai nguyên nhân giúp xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo duy trì đà tăng trưởng và vị trí đầu tàu dẫn dắt toàn ngành công nghiệp. Thứ nhất, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy phát triển sản xuất và khôi phục nền kinh tế, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp, làm việc, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đa dạng hóa chuỗi cung ứng nguyên nhiên vật liệu... qua đó, cùng các ngành, địa phương, đáp ứng cơ bản hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân và đảm bảo sẵn sàng nguồn hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

Thứ hai, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tổng cầu giảm sút, nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu Bộ Công Thương đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp: Đẩy mạnh khai thác các Hiệp định FTA đã ký kết, tập trung khai thác thị trường mới; Phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu; Tiếp tục đổi mới công tác XTTM, ưu tiên nguồn lực cho phát triển TMĐT nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa thông qua các kênh TMĐT; Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa XNK tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; đồng thời thúc đẩy XK chính ngạch; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các quy định mới của các nước nhập khẩu; tháo gỡ rào cản kỹ thuật để DN thâm nhập các thị trường mới...

Vì vậy, xuất khẩu sang thị trường các nước mới có quan hệ thương mại tự do theo các Hiệp định định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đều có mức tăng trưởng trên 20%, thậm chí có một số thị trường trên 30%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Nhiều mặt hàng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao như rau quả tươi, rau củ quả chế biến, gạo, thủy sản, đã khai thác tốt cơ hội tại các thị trường FTA mới. Ví dụ như nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,15 tỷ USD, tăng 43,8% và Nhật Bản đạt 1,89 tỷ USD, tăng 31,4%... so với năm trước.

Xuất khẩu thuỷ sản Nhật Bản đạt 1,71 tỷ USD, tăng 29% (tương ứng tăng 381 triệu USD); Trung Quốc đạt 1,57 tỷ USD, tăng 61% (tương ứng tăng 598 triệu USD) và EU đạt 1,3 tỷ USD, tăng 21% (tương ứng tăng 228 triệu USD) so với năm trước.

Gi Linh