Lý do Hải Phòng là nơi có điện đầu tiên ở Đông Dương

Việc Hải Phòng có điện chiếu sáng là một sự kiện lịch sử, vì cùng thời điểm đó, tại Paris điện còn rất hiếm hoi và đắt đỏ, chỉ dám để thắp sáng một số trung tâm hành chính! Vậy Hải Phòng chắc chắn phải có những lý do xác đáng để có điện đầu tiên trên toàn cõi Đông Dương.
Lịch sử Công Thương Việt Nam
Nhà đèn Vườn hoa được người Pháp xây dựng tháng 2/1892 tại Hải Phòng

 

Theo Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010 “năm 1892, người Pháp quyết định xây nhà máy nhiệt điện than đầu tiên của xứ Đông Dương tại Hải Phòng”. Nhà máy có tên gọi Nhà đèn Vườn hoa, công suất 750 kW. Nhưng tại sao lại là Hải Phòng chứ không phải Hà Nội hay Sài Gòn?

Những thắc mắc trên hoàn toàn có lý, bởi Hải Phòng không phải là trung tâm đầu não của người Pháp tại Đông Dương hay bất cứ “kỳ” nào. Phủ toàn quyền Đông Dương (Gouvernement général d’Indochine) là trụ sở hành chính cấp trung ương được xây dựng dùng làm nơi ở và làm việc của các vị Toàn quyền Đông Dương (nắm toàn quyền cai quản cả Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và Cao Miên) đặt tại Hà Nội (nay là Phủ Chủ tịch); Dinh Thống sứ Bắc Kỳ và Phủ Khâm sai Bắc Kỳ cũng đặt tại Hà Nội; Dinh Thống đốc Nam Kỳ và Phủ Thống đốc Nam Kỳ đặt tại Sài Gòn; Tòa Khâm sứ Trung Kỳ đặt tại  Huế…

Theo các nhà sử học, việc Hải Phòng có điện chiếu sáng là một sự kiện lịch sử, vì cùng thời điểm đó, tại Paris điện còn rất hiếm hoi và đắt đỏ, chỉ dám để thắp sáng một số trung tâm hành chính! Vậy Hải Phòng chắc chắn phải có những lý do xác đáng để có điện đầu tiên trên toàn cõi Đông Dương.

Lý do thứ nhất, từ năm 1887, người Pháp thành lập tỉnh rồi đến năm 1888 là thành phố Hải Phòng và đầu tư lớn để biến nơi đây trở thành “thủ đô” kinh tế ở Bắc Kỳ. Việc đầu tiên người Pháp làm là biến một làng chài nhỏ thành cảng biển lớn nhất Bắc Kỳ, đầu mối giao thông quan trọng trên các tuyến hàng hải quốc tế và là một trung tâm công nghiệp lớn của Liên bang Đông Dương. Đến năm 1902, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng (102 km) được người Pháp đưa vào vận hành chỉ sau một thời gian xây dựng. Sau 20-30 năm, Hải Phòng lần lượt mọc lên các Công ty chế tạo cơ khí, công ty sửa chữa, đóng tàu và luyện kim, các nhà máy sản xuất rượu, bia, xay xát gạo.

Đặc biệt là Công ty Xi măng Nhân tạo Portland Đông Dương (Société des Ciments Portland artificiels de l’Indochine) đã xây dựng tại đây nhà máy xi măng đầu tiên của Đông Dương vào năm 1899. Với công suất thiết kế ban đầu đạt 30.000 tấn xi măng và hàng loạt xưởng cơ khí và hệ thống máy đóng bao đay hoặc bao giấy hiện đại. Đây được xem là công trình công nghiệp quan trọng bậc nhất của người Pháp tại Đông Dương. Hoạt động sản xuất của nhà máy liên tục được mở rộng qua các năm, đạt 235.000 tấn vào năm 19377 với gần 5.000 công nhân lao động… Tỷ lệ xi măng xuất khẩu trên tổng sản lượng xi măng của nhà máy đạt trên 50%. Tất cả các hoạt động của “thủ phủ kinh tế” đều cần đến điện năng.

Lý do thứ hai, Hải Phòng gần Quảng Ninh, nơi cung cấp nguồn than ổn định cho sản xuất điện. Việc vận chuyển than từ Hòn Gai về Hải Phòng theo đường thuỷ rất thuận tiện.

Sau khởi đầu thuận lợi tại Hải Phòng, người Pháp giao cho các công ty tư nhân phát triển và kinh doanh điện năng.

Tại Bắc Kỳ, Công ty Điện Đông Dương được thành lập vào năm 1902 đã liên tục tăng mạnh vốn để mở rộng việc kinh doanh điện. Năm 1925, Nhà máy Điện Yên Phụ với tổng công suất 22.500 kW được xây dựng, đủ khả năng cung cấp điện cho Hà Nội và các tỉnh lỵ Đồng bằng Bắc Bộ lúc bấy giờ. Từ năm 1923 đến năm 1926, người Pháp cho xây dựng hàng loạt đường dây điện cao thế quan trọng như tuyến Hà Nội - Hà Đông, Sơn Tây, Hải Phòng, Hải Phòng - Kiến An và Đồ Sơn.

Trong năm 1925, thành phố Nam Định được cấp điện. Các nhà máy phát điện cũng dần được xây dựng tại các tỉnh Hải Dương, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Lạng Sơn... Tại Cao Bằng, Nhà máy Điện Tà Sa được xây dựng và phát điện vào năm 1928 là nhà máy thủy điện đầu tiên tại Việt Nam.

Một số thị xã khác như Quảng Yên và Hòn Gai được cấp điện từ những khu công nghiệp lân cận. Tính đến năm 1938, điện đã xuất hiện tại 26/27 thị trấn và 12 khu vực đô thị tại Bắc Kỳ. Như vậy, tất cả thủ phủ của các tỉnh (ngoại trừ Sơn La) đều đã có điện.

Tại Nam Kỳ, trong giai đoạn đầu, các khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn được chiếu sáng bởi nhiều công ty với các nhà máy điện cỡ vừa và nhỏ. Vào năm 1900, Công ty Nước và Điện Đông Dương được thành lập, chủ yếu cung ứng điện năng cho khu vực Sài Gòn và dần mở rộng ra thị trấn Chợ Lớn và thị trấn Thủ Đức, với sự hình thành Nhà Đèn Cầu Kho có công suất khoảng 3.300 kW vào năm 1912.

Đến năm 1922, Nhà Đèn Chợ Quán có công suất 5.000 kW được đưa vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu điện của Sài Gòn, Chợ Lớn và một số thị trấn như Lái Thiêu, Búng và Thủ Dầu Một. Điện cũng được cung cấp cho hệ thống điện báo vô tuyến, xe điện và một vài cơ sở công nghiệp. Hệ thống truyền tải điện tại khu Sài Gòn - Chợ Lớn bao gồm cả đường dây cáp ngầm và đường dây trên không.

Tại Trung Kỳ, năm 1919, Nhà máy Đèn Huế được thành lập với công suất khoảng 3.600 kW cung cấp điện cho khu vực thành phố Huế. Từ năm 1921 - 1926, các nhà máy điện công suất nhỏ lần lượt được xây dựng tại Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn và Nha Trang. Đến năm 1928, Công ty Nước và Điện Trung Kỳ (Société indochinoise pour les eaux et l’électricité en Annam) được thành lập và nhận các quyền kinh doanh điện tại Trung Kỳ. Sản lượng kinh doanh điện của công ty này tăng nhanh chóng qua các năm; trong năm 1929, sản lượng điện đạt 1.419.000 kWh, tăng 40% so với năm 1928.

Đào Mạnh Đức