Luồng sinh khí mới cho thương mại miền núi, hải đảo

Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm sáng và đột phá phù hợp với bối cảnh hội nhập, được kì vọng sẽ tạo sinh khí mới cho phát triển thương mại tại những khu vực đặc biệt khó khăn.

Khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo của nước ta trải dài từ Bắc xuống Nam với 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc 48 tỉnh/thành khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Cùng với sự phát triển của đất nước, những năm gần đây đời sống của nhân dân tại các vùng này đã có những thay đổi đáng kể tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tiềm năng.,không chỉ ở nguồn tài nguyên dồi dào và những sản phẩm, hàng hóa đặc thù, mà còn ở vị trí thuận lợi cho giao thương. 

Nhận thức được tầm quan trọng của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, dành nhiều nguồn lực để ưu tiên phát triển các khu vực này, đặc biệt là phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ. 

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số 964/QĐ-TTg đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định tình hình chính trị - xã hội.

Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động thương mại khu vực này, ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1162/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025, trong đó Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện Chương trình. 

Nhiều đột phá trong quyết sách cho miền núi, hải đảo

Theo TS. Nguyễn Minh Phong - Nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Quyết định 1162 là một quyết định rất kịp thời, rất đúng đắn và có nhiều điểm đột phá để tạo ra những kì vọng mới cho phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Đặc biệt, một thông điệp đưa ra tại Quyết định được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao, đó là việc coi thương mại như là một trong những kênh tạo sinh khí mới cho phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, những mục tiêu mà Quyết định nêu ra không chỉ đơn thuần là tăng về mặt lượng (các sản phẩm, cơ cấu, tỷ trọng, quy mô,…), mà còn tác động và đẩy rất mạnh yêu cầu về chất lượng của sản phẩm, để có thể đảm bảo yêu cầu hội nhập, để có thể đảm bảo kết nối và đưa hàng hóa đó ra thị trường trong nước nói chung cũng như là trên thế giới.

Quyết định này không chỉ giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, mà bao gồm cả cải thiện theo hướng người dân được phép tiêu thụ hàng sạch, được quyền tiếp cận hàng chất lượng cao, hàng Việt Nam để đảm bảo sức khỏe của mình, chứ không phải chỉ bán hàng của mình cho các nơi khác để tăng thu nhập. 

“Đây là một trong những điểm cực kỳ quan trọng”, TS. Nguyễn Minh Phong cho hay.

TS. Nguyễn Minh Phong - Nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022 do Bộ Công Thương tổ chức
TS. Nguyễn Minh Phong - Nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022 do Bộ Công Thương tổ chức

Hơn nữa, Quyết định 1162 còn giúp thúc đẩy kinh tế của địa phương và đặc biệt là phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, đưa tư duy của người dân ở những vùng này theo tư duy thị trường, sản xuất hàng hóa chứ không phải là sản xuất theo kiểu thừa mới bán đi, như tỉnh Điện Biên vừa chia sẻ.

Quyết định cũng giúp thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền. Điều này vô cùng quan trọng.

“Chúng ta biết rằng vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo mặc dù chỉ chiếm đâu đó khoảng 15% dân số cả nước, nhưng chiếm đến trên 50% dân số nghèo - một mức độ rất cao, chênh lệch rất lớn. Vì thế, việc tạo công ăn việc làm, dùng thương mại thúc đẩy thu hẹp khoảng cách là một mục tiêu không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt xã hội - chính trị”, TS. Nguyễn Minh Phong phân tích. Quyết định 1162 sẽ góp phần giúp cho người dân ở lại tại chỗ, yên tâm không phải xuất khẩu “lậu” qua biên giới, dẫn tới bị bóc lột hay bị những hình thức khác. Và đặc biệt, giúp củng cố lại công tác an ninh địa phương.

TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, những mục tiêu cụ thể của Quyết định 1162 đã bám sát được toàn bộ chuỗi, bao gồm liên quan đến mục tiêu về mặt cơ cấu sản xuất hàng hóa, chất lượng và chủng loại hàng hóa, hướng tới khai thác những sản phẩm mang tính đặc thù, đặc hữu, phù hợp với địa phương. Việc này là cần thiết để đảm bảo sự kết nối giữa cung - cầu, giữa thị trường, giữa các vùng đồng bào với các thị trường tiêu thụ, thông qua những mô hình phù hợp với địa phương, bao gồm chợ bán buôn, điểm bán nhỏ hàng hóa, trung tâm dịch vụ ở những vùng thích hợp, hay hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ số - một sáng kiến mới và rất hay.

Phải đồng bộ trong triển khai chính sách 

Trong kinh tế thị trường hiện đại có một xu hướng mới, đó là thương mại quyết định sản xuất. Mặt khác, chất lượng sản phẩm sẽ quyết định sự ổn định và sự mở rộng thị trường trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ thì thị trường không chỉ còn là thị trường bản địa nữa, mà là cả thị trường trong nước, thị trường của nước ngoài.

Do đó, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo không thể đứng một mình, mà còn phải kết hợp với những chương trình khác về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế biển, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, các hoạt động hội nhập khác,… Sự phối hợp đồng bộ về chính sách là rất cần thiết, trên cơ sở phân công, phân cấp rõ ràng theo đúng chức năng, nhiệm vụ của các bên liên quan.

Song, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, sự đồng bộ này không chỉ là đồng bộ khép kín trong một đơn vị, một Bộ, mà phải sự đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng trong một cơ chế được quy định rất rõ giữa các Bộ với nhau; giữa các ngành; kể cả các Hội đồng và Ủy ban của Chính phủ, Quốc hội với các Bộ chức năng,… để hình thành một chính sách vừa cập nhật, vừa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là thực tiễn của từng địa bàn cụ thể. 

Mặt khác, việc điều chỉnh chính sách là cần thiết để đảm bảo tính đồng bộ và cả tính hài hòa của chính sách.

“Bất kỳ chính sách nào cũng có tính hai mặt, nếu chúng ta chỉ chú ý đến một mặt, một mục tiêu thì một thời điểm nào đó nó sẽ thay đổi và sẽ làm cho mặt trái tăng lên, yếu tố tích cực sẽ bị giảm đi, gây ra tác động trở lại”, TS. Nguyễn Minh Phong lưu ý.

TS. Nguyễn Minh Phong - Nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022 do Bộ Công Thương tổ chức

Bên cạnh đó, các chính sách phải tập trung vào tăng liên kết vùng, tăng liên kết chuỗi, và đặc biệt là phối hợp giữa các chủ thể tham gia trong chuỗi này, bao gồm cả các hộ nông dân, hợp tác xã, các doanh nghiệp, địa phương, Bộ và cả các tổ chức quốc tế khác, nhất là các sàn thương mại điện tử điện tử, để tạo ra một chuỗi có sự kết nối, có sự phân công phân vai, đảm bảo hình thành được những cách phân phối mới, hiệu quả và phù hợp.

Trong đó, vai trò tổng chỉ huy của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành rất quan trọng, để kết hợp giữa Nhà nước - thị trường - xã hội, đặc biệt chú trọng đến vai trò và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, để bám sát thực tiễn, các chính sách cần đảm bảo hướng vào 2 yếu tố quan trọng: hạ tầng cứng và hạ tầng mềm.

Hạ tầng cứng là các vấn đề về giao thông, logistics nông nghiệp, gồm cả logistics trên địa bàn, trong nội địa cũng như xuất khẩu qua đường biển, hàng không.

Hạ tầng mềm bao gồm nhân lực, thông tin, các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật khác như chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương mại,… Đặc biệt, hai yếu tố con người rất quan trọng: con người quản lý - các cơ quan chức năng quản lý; và con người sản xuất kinh doanh - gồm cả doanh nghiệp, người nông dân, hộ gia đình,… đều phải có được những sự đào tạo, kết nối để hiểu nhau và làm việc với nhau hiệu quả. 

Các chính sách cũng cần triển khai đồng bộ hơn về các lĩnh vực như quản lý thị trường; tài chính - tín dụng, đặc biệt là giảm thuế, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ mặt bằng; phát triển giao thông; chuyển giao công nghệ; xây dựng các kênh thông tin, đào tạo nhân lực và đặc biệt là bảo vệ môi trường - văn hóa của bản địa.

Khánh Thy