Lễ công bố Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam sẽ đi vào lịch sử

Ngày 12/5/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ công bố Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam. Chia sẻ những suy nghĩ của mình về sự kiện ý nghĩa này, ông Đỗ Hữu Hào - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định “ngày hôm nay cũng sẽ đi vào lịch sử”. Tạp chí Công Thương trân trọng giới thiệu đến bạn đọc những lời tâm huyết của nguyên lãnh đạo Bộ, một nhân chứng lịch sử.

Bác Hồ đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta”. Chính vì vậy, chúng tôi những người đã làm việc trong ngành Công Thương nhiều năm cảm thấy áy náy vì chưa có Bộ sách Lịch sử của ngành để chia sẻ với đồng nghiệp, bạn bè, để kể lại cho thế hệ sau, phần vì lịch sử ngành đã trải qua một thời kỳ dài và phức tạp với hệ thống sự kiện dày đặc.

Từ Cách mạng Tháng 8 thành công, đất nước giành độc lập, tự do vào năm 1945 đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều sự kiện đã qua và chúng tôi tự hào vì tại đây, có nhiều đồng chí đã gắn bó cả cuộc đời với ngành Công Thương.

Tôi trẻ tuổi hơn so với các bậc lão thành nhưng cũng đã gắn bó hơn 50 năm trong lịch sử hơn 70 năm của ngành Công Thương. Một phần của lịch sử ngành là một phần của cuộc đời và cũng là một phần lý tưởng phấn đấu của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy tự hào khi trở thành một phần của Bộ sách Lịch sử này.

Ông Đỗ Hữu Hào phát biểu tại Lễ công bố Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam
 Ông Đỗ Hữu Hào - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định Lễ công bố Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam cũng sẽ đi vào lịch sử

Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam sẽ là một công trình khoa học có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ nói về truyền thống phát triển của ngành Công Thương Việt Nam suốt từ năm 1945 mà còn phản ánh cả một thời kỳ đất nước khó khăn, phức tạp, nhiều thách thức, sôi động với sự hy sinh gian khổ của nhiều thế hệ để có được những trang sử vinh quang này.

Những thế hệ làm nên vinh quang của Bộ sách Lịch sử này, có những người đã ra đi và số nhân chứng lịch sử không còn nhiều. Việc biên soạn Bộ sách đã tập hợp được toàn bộ số liệu quý báu, phản ánh chân thực lịch sử của một thời kỳ dài.

Xin chân thành cảm ơn ban Cán sự đảng, đại diện là đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo và xây dựng Bộ sách Lịch sử rất quan trọng này. Tôi cũng rất tự hào khi Bộ sách được giao cho Tạp chí Công Thương biên soạn.

Tôi đã đọc ba, bốn lần cuốn sách này, có 2 lần góp ý và sau đó là đọc bản tạm in. Với dung lượng gần 1000 trang in, tôi đã đọc rất cẩn thận, đọc từng trang để nghiên cứu số liệu và sự kiện.

Qua đó, tôi đánh giá việc biên soạn Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam sẽ giúp ích rất nhiều cho thành viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, những người nghiên cứu lịch sử ngành, các nghiên cứu sinh, thực tập sinh trong việc tra cứu và nghiên cứu.

Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi của bạn bè quốc tế Tại sao công nghiệp và thương mại Việt Nam lại phát triển nhanh đến như thế? Vậy đọc ở đâu để biết? Đọc Lịch sử Công Thương Việt Nam!

Tại buổi Lễ công bố Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam, tôi xin khẳng định ngày hôm nay cũng sẽ đi vào lịch sử.