Lạm phát tại Singapore chạm mức cao nhất 14 năm

Lạm phát tại Singapore trong tháng 8 vừa qua đã chạm mức cao nhất 14 năm trở lại đây khi chi phí đi lại, thuê nhà, lương thực… đều tăng cao.

Singapore vừa công bố dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI), hay lạm phát tổng thể, tại nước này trong tháng 8 vừa qua lên tới 7,5%, tăng so với mức 7% trong tháng 7. Tính chung 8 tháng đầu năm nay, lạm phát tổng thể của Singapore đã tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí đi lại, thuê nhà, lương thực thực phẩm, và dịch vụ tại Singapore đã tăng đáng kể trong thời gian qua.  

Nếu loại từ chi phí đi lại và chi phí ăn ở cá nhân, lạm phát cơ bản tại Singapore trong tháng 8 đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn mức tăng 4,8% trong tháng 7 trước đó, và chạm mức cao nhất trong gần 14 năm trở lại đây.

Giới chức Singapore cho biết những cú sốc mới đối với giá cả hàng hoá toàn cầu cũng như áp lực gia tăng tiền lương tại nước này vẫn tạo ra nguy cơ đáng kể khiến lạm phát trở nên trầm trọng hơn.

Trong khi đó, giới phân tích cảnh báo sự gia tăng căng thẳng địa chính trị, giá cả hàng hóa toàn cầu, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, và việc Ấn Độ siết chặt xuất khẩu gạo, cùng nhiều yếu tố khác sẽ làm tăng thêm bất ổn cho nền kinh tế thế giới nói chung và Singapore nói riêng.

Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) hiện vẫn duy trì dự báo lạm phát tổng thể cả năm 2022 ở mức 5-6%, và lạm phát cơ bản ở mức trung bình từ 3-4%. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà kinh tế, để duy trì được mức lạm phát như dự báo thì lạm phát hằng tháng trong thời gian còn lại của năm tại Singapore cần phải tăng vừa phải hơn và điều đó dường như không khả thi.

Lạm phát tại Singapore ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu
Việc siết chặt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát có thể sẽ tác động mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu của Singapore - nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại. (Ảnh: Tradewindnews.com)

Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) – đóng vai trò như ngân hàng trung ương tại Singapore đã và đang siết chặt chính sách tiền tệ để kìm hãm lạm phát với 4 lần tăng lãi suất từ đầu năm đến nay, bao gồm 2 lần bất ngờ tăng.

Điều này sẽ khiến đồng đô la Singapore trở nên mạnh hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của nước này. MAS cũng cảnh báo việc siết chặt chính sách tiền tệ sẽ khiến Singapore đối mặt nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Giới phân tích nhận định nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại như Singapore dễ chịu tác động mạnh từ triển vọng kinh tế toàn cầu ở mức xấu. Trong đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc - đối tác thương mại số 1 của Singapore đang giảm tốc. Cùng với đó, cuộc đua tăng lãi suất toàn cầu sẽ tạo thêm áp lực, buộc MAS tiếp tục phải thắt chặt chính sách tiền tệ ngay cả khi đồng nội tệ chịu ít tác động hơn các đồng tiền khác trong khu vực.

Dự kiến, MAS sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ tại cuộc họp vào giữa tháng 10 tới do áp lực lạm phát tăng mạnh. Giám đốc MAS Ravi Menon cảnh báo cảnh báo lạm phát trung hạn có thể sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn so với những gì đang diễn ra gần đây, cùng với đó, kỷ nguyên tiền rẻ và nhân công giá rẻ có thể đã kết thúc.

Hiện nhiều chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP của Singapore trong năm nay sẽ ở mức 3,6%, thấp hơn nhiều so với 8% của năm ngoái. Đây cũng sẽ là tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tường Vy