Kinh nghiệm trong nước và quốc tế về quản lý chuỗi cung ứng rau an toàn - một số bài học kinh nghiệm đối với Hà Nội

ThS. NGUYỄN THỊ THU HÀ (Giảng viên - Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ)

TÓM TẮT:

Bài viết này tổng hợp kinh nghiệm về quản lý chuỗi cung ứng rau an toàn (CCURAT) tiêu thụ trên địa bàn tỉnh của một số tỉnh/thành phố trong và ngoài nước (Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) để rút ra bài học cho thành phố Hà Nội trong quản lý CCURAT.

Từ khóa: chuỗi cung ứng, rau an toàn, kinh nghiệm về quản lý chuỗi cung ứng, TP. Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Hà Nội là một trong những địa phương tiêu thụ rau nhiều nhất cả nước. Theo thống kê của UBND TP. Hà Nội, để đáp ứng cho gần 9 triệu người, Hà Nội cần khoảng 2.000 - 3.000 tấn rau xanh/ngày. Hiện nay, Hà Nội có khoảng 12.000ha canh tác rau, con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu rau xanh của người dân Thủ đô. Số rau còn lại phải nhập từ các địa phương khác như Sơn La, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Lào Cai, Hòa Bình và từ Trung Quốc,... Vì vậy, việc tổng hợp kinh nghiệm trong quản lý CCURAT từ một số địa phương trong và ngoài nước sẽ giúp cho Hà Nội có được những bài học cần thiết.

2. Kinh nghiệm quốc tế

2.1. Kinh nghiệm của tỉnh Gyeonggi-do, Hàn Quốc

Chính quyền tỉnh Gyeonggi-do, Hàn Quốc công nhận sở hữu tư nhân về đất nông nghiệp, thay đổi chính sách hạn điền từ 3ha/hộ lên 30 ha/hộ; tạo điều kiện xây dựng các trang trại chuyên canh (CC) RAT theo hình thức tập trung CC để dễ kiểm soát quá trình sản xuất, tiêu thụ, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Sản phẩm có chứng nhận RAT được bán trực tiếp hoặc bán thông qua các kênh phân phối đặc biệt, có giá khác biệt với các sản phẩm sản xuất truyền thống. Do nhu cầu RAT tăng cao, kênh phân phối RAT cũng rất đa dạng, nhưng chủ yếu qua 3 hình thức: (i) Bán thẳng cho người tiêu dùng (NTD); (ii) Thông qua các tổ chức của người sản xuất, các hợp tác xã (HTX) của NTD; (iii) Các kênh phân phối đặc biệt, các cơ quan bảo quản, lưu giữ hàng.

Giá rau ở Gyeonggi-do dễ bị biến động, để quản lý thị trường rau, chính quyền tỉnh đã áp dụng các biện pháp bình ổn giá rau thông qua hệ thống thu mua rau của chính phủ hoặc trợ giúp nông dân giảm giá thành sản phẩm rau, hoặc thu mua trực tiếp, điều chỉnh thị trường bán buôn, ổn định cung qua kế hoạch sản xuất và dự trữ, cải tiến thông tin thị trường. Đối với một số loại rau để đảm bảo giá sàn, chính phủ áp dụng hợp đồng sản xuất và thu mua với nông dân, khi giá bán rau của người nông dân thấp hơn giá sàn thì chính phủ thu mua trực tiếp và tư nhân giúp bảo quản dự trữ rau. Đối với một số rau có nhu cầu đặc biệt như ớt, tỏi, hành,… chính quyền tổ chức nhập khẩu để ổn định giá.

Chính quyền Gyeonggi-do xin ý kiến Chính phủ về phát triển hình thức giao bán RAT trên các sàn giao dịch giữa người sản xuất và các tổ chức NTD. Chính quyền Gyeonggi-do có những chính sách phát triển RAT, đẩy mạnh nông nghiệp thân thiện với môi trường (NNTTVMT) với mục tiêu giảm các hóa chất dùng trong nông nghiệp, tăng các sản phẩm NNTTVMT. Kế hoạch 5 năm lần thứ 2 nhằm đạt 5 mục tiêu: (i) Mở rộng sự hài hòa giữa NNVMT; (ii) Đẩy mạnh chất lượng cuộc sống người dân thành thị thông qua việc cung cấp các nông sản chất lượng cao; (iii) Tăng cường sức cạnh tranh của các nông sản trong nước thông qua các sản phẩm TTVMT; (iv) Nâng cao thu nhập của người nông dân tham gia sản xuất các sản phẩm NNTTVMT; (v) Góp phần giữ gìn môi trường đất thông qua quản lý NNTTVMT.

Mỗi làng xã ở Gyeonggi-do có diện tích trên 10ha tham gia sản xuất các sản phẩm NNTTVMT. Nhà nước đầu tư cho mỗi huyện dự án từ 0,2-0,9 triệu USD cho các hoạt động: Thành lập hệ thống cho vay trực tiếp để hỗ trợ cho sản xuất NNTTVMT; Xây dựng chương trình kiểm soát sâu bệnh bằng các loại thiên địch tự nhiên; Đẩy mạnh chương trình phân phối và tiêu dùng các sản phẩm TTVMT; Xây dựng chương trình cải tạo đất: chủ yếu đẩy mạnh cải tạo nguồn đất theo yêu cầu cho phát triển nông nghiệp bền vững; Hỗ trợ chương trình xử lý phân bón của các động vật nuôi; Chương trình thí nghiệm lắp đặt các chuồng trại TTVMT.

2.2. Kinh nghiệm của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

Sơn Đông là một tỉnh ven biển phía Đông Trung Quốc. Năm 2020, Sơn Đông có 102,6 triệu dân là tỉnh đông dân thứ hai Trung Quốc, đứng thứ ba về kinh tế với 102,6 triệu dân và 8,57 nghìn tỷ nhân dân tệ. Những năm qua, ngành hàng rau, củ quả của tỉnh Sơn Đông đã rất phát triển và đang phấn đấu để trở thành nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu rau lớn nhất thế giới. Chính quyền tỉnh Sơn Đông đã khuyến khích việc hình thành các hội đoàn. Có thể coi đây là dạng liên kết theo ngành hàng mà qua đó các nhà sản xuất, nhà chế biến, nhà kinh doanh rau gắn bó với nhau rất chặt chẽ. Ở Sơn Đông có nhiều mô hình tiên tiến như “Công ty + Trang trại + Hộ nông dân”, “Hiệp hội + Nhà máy chế biến + Hộ sản xuất rau”, “HTX + Nhà máy chế biến + Cơ sở sản xuất rau”,… Vấn đề liên kết liên doanh, sự gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau đã được tỉnh Sơn Đông vận dụng rất thành công. Đây là bài học đáng để các nhà hoạch định chính sách quản lý vĩ mô ngành hàng rau của Việt Nam tham khảo và vận dụng.

Việc quản lý chất lượng ngành hàng rau được chính quyền tỉnh Sơn Đông quy định cho từng cơ quan phụ trách, như: Sở Nông nghiệp được giao quản lý nhà nước quá trình sản xuất nông nghiệp, chất lượng và ATTP; Sở Y tế chịu trách nhiệm giám sát và quản lý vệ sinh thực phẩm quốc gia và thiết lập các tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm quốc gia; Ủy ban tiêu chuẩn hóa (AQSIQ) chịu trách nhiệm quản lý, giám sát và điều phối việc chứng nhận - cấp chứng chỉ và đăng ký các sản phẩm có chất lượng. Hiện nay, chính quyền tỉnh Sơn Đông đã chú trọng kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản gồm quản lý cơ sở sản xuất, quản lý quá trình sản xuất, đóng gói và nhãn hiệu, giám sát thị trường, theo dõi chất lượng RAT, minh bạch thông tin. Thông qua hội nông dân, chính quyền tỉnh trợ giúp nông dân ổn định giá rau và tổ chức lưu thông phân phối rau theo hợp đồng mua - bán rau. Tổ chức tiêu thụ rau chủ yếu được thực hiện qua 3 kênh chính:

Kênh 1: Nông dân → HTX → Trung tâm phân phối → Siêu thị → NTD.

Kênh 2: Nông dân → HTX → Người bán buôn → Người bán lẻ → NTD.

Kênh 3: Nông dân → Người vận chuyển → Người bán buôn → Người bán lẻ → NTD.

Trong 3 kênh này thì kênh số 1 và số 2 với sự tham gia của HTX, Trung tâm phân phối rau là kênh hay được sử dụng và tiêu thụ với số lượng rau lớn nhất. Để ổn định giá và lưu thông rau, chính phủ đã thực hiện chương trình bảo đảm giá tiêu thụ theo hợp đồng, chương trình này được chính quyền tỉnh áp dụng từ năm 1976.

Viện Nghiên cứu chất độc và hóa chất nông nghiệp được giao kiểm tra dư lượng chất độc trong nông sản thực phẩm. Chính sách thông tin minh bạch, chất lượng sản phẩm được thông báo rộng rãi trên các phương tiện đại chúng. Sản phẩm của các nhà sản xuất không đảm bảo chất lượng sẽ bị phạt từ 15.000 đến 75.000 nhân dân tệ. Chính quyền tỉnh Sơn Đông đã triển khai áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thông qua các hợp đồng giữa HTX và nông dân.

2.3. Kinh nghiệm của BangKok, Thái Lan

Thái Lan có thị trường nông sản phát triển nhanh. Một trong những mục tiêu trọng tâm của họ là xây dựng các trung tâm phân phối và bán hàng lớn. Để quản lý và phát triển RAT, thủ đô BangKok của Thái Lan đã có những kinh nghiệm như sau:

(i) Quy hoạch vùng sản xuất RAT, ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất như ưu tiên vay vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng và ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan cũng thiết lập một cơ chế quản lý nguồn cung nước nhằm đảm bảo nguồn nước đủ và sạch cho hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch.

(ii) Để đảm bảo chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm, BangKok xây dựng các tiêu chuẩn cho các nông sản tiêu thụ trong và ngoài nước, khuyến khích áp dụng thực hiện nông nghiệp tốt (GAP), đồng thời ban hành các văn bản pháp quy về yêu cầu chất lượng VSATTP ở tất cả các khâu từ sản xuất cho đến tiêu thụ và kiểm soát nghiêm ngặt cả kênh xuất khẩu.

(iii) Các nhà sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu rau phải có chứng chỉ chất lượng về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau thì mới được tham gia vào thị trường xuất khẩu. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã kết hợp với các địa phương, các tổ chức, các thành phần kinh tế tư nhân để khai thác các dự án thí điểm về nông nghiệp trong đó có RAT.

(iv) Chính quyền thủ đô Bangkok đã đề nghị với chính phủ Thái Lan phối hợp tích cực với Chính phủ các nước đang nhập khẩu là khối EU và Nhật Bản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp giấy chứng nhận và tăng thêm tính cạnh tranh của nông dân trong các công đoạn sản xuất và tiếp thị sản phẩm. Đồng thời, chính phủ cũng thường xuyên trao đổi với các nước để sản phẩm RAT xuất xứ từ BangKok thâm nhập thị trường dễ hơn.

(v) Ngoài sự quản lý của chính phủ thì chính các tác nhân tham gia trong CCU RAT cũng đã xác định được vai trò và tầm quan trọng của việc tham gia sâu vào các hoạt động của chuỗi, thay vì chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ bán hàng. Cụ thể, nhiều nhà bán lẻ và các siêu thị đã tham gia nhiều hơn vào các hoạt động logistics, như: họ thường áp đặt các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và tính an toàn của sản phẩm; họ chủ động đào tạo cho các nhà cung ứng về các tiêu chuẩn đối với sản phẩm rau cũng như những dịch vụ đi kèm; Bên cạnh đó, họ cũng tổ chức một chương trình vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với thực phẩm an toàn nói chung và RAT nói riêng.

(vi) CCU rau của thủ đô Bangkok có ưu điểm chính là tinh gọn và sự liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân tham gia chuỗi, bắt đầu từ nhà cung cấp đầu vào (giống, phân bón, công cụ,...) cho đến quá trình sản xuất, thu hoạch của nông dân, nông sản sau đó được thu mua và chế biến ở nhà máy. Tại đây, quy trình đóng gói, dán nhãn, kiểm soát chất lượng được diễn ra chặt chẽ trước khi sản phẩm được vận chuyển, phân phối đến khách hàng.

3. Kinh nghiệm của một số địa phương trong nước

3.1. Kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình sản xuất RAT. Từ những năm 1996 - 1997, Thành phố đã tiến hành qui hoạch và từng bước xây dựng vùng sản xuất RAT ở các quận, huyện ngoại thành. Việc canh tác rau ở ngoại thành gắn liền với quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp và quá trình đô thị hóa TP. Hồ Chí Minh.

CCURAT TP Hồ Chí Minh tương đối chặt chẽ. Các đối tượng giữa các khâu có mối quan hệ hữu cơ với nhau, trong đó vai trò của thương lái - hợp tác xã là chủ lực.

RAT được hình thành từ các hộ trồng rau (hay gọi là tổ RAT). Các HTX có nhiệm vụ là trồng rau theo qui trình đảm bảo an toàn, đồng thời xúc tiến việc thu gom, tập hợp sản phẩm để cung cấp cho các cửa hàng, các siêu thị, trung tâm bán sỉ hiện đại để hình thành nên mô hình mẫu trong việc cung cấp RAT tại Thành phố. Đây là hình thức tương đối khác biệt với rau quả của Đà Lạt hay các nơi khác, khi vai trò thương lái không hoàn toàn riêng biệt mà nhiều phần gắn liền với HTX, khiến cho chuỗi giá trị rau ở đây đơn giản hơn các nơi khác. Trong CCU này, thời điểm thu hoạch, bao bì, đóng gói, dán nhãn phần lớn được các HTX hoặc các công ty thu mua thực hiện để đảm bảo việc xác nhận RAT. Nông dân chỉ đảm trách phần thu hoạch và chuyên chở đến điểm thu mua.

Do đó, vai trò của HTX/thương lái trong CCURAT của TP. Hồ Chí Minh được xác định là khâu quan trọng nhất. Các thương lái thường có địa điểm sơ chế, có xe tải vận chuyển, có văn phòng giao dịch riêng. Tại các địa phương, HTX cũng đồng thời giữ luôn vai trò thương lái. Do đó, bài học của TP. Hồ Chí Minh là cần nâng cấp các cơ sở sơ chế, đóng gói, tập kết hàng hóa; hỗ trợ thông tin và phương pháp kỹ thuật đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cho HTX/thương lái; quảng bá về RAT và khuyến khích sử dụng RAT có nhãn mác, xuất xứ; vận động, thiết lập các điểm bán RAT tại các chợ trong thành phố để RAT đến mọi nơi phục vụ người dân với giá tốt nhất.

Đối với kế hoạch phát triển CCURAT tiêu thụ trên địa bàn Thành phố, cần phát triển thành cụm công nghiệp, làng nghề. Khu nông nghiệp công nghệ cao của TP. Hồ Chí Minh có diện tích 88,17 ha, trong đó có 56,53 ha dành để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. Đến nay, đã có 14 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tính đến năm 2019, có 13 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất RAT, trong đó 10 doanh nghiệp đang có hoạt động SXKD sử dụng 450 lao động. UBND Thành phố có giải pháp thúc đẩy việc tổ chức vùng sản xuất RAT tập trung, qui mô lớn theo đúng chương trình và quy hoạch đã đề ra. Tổ chức việc kiểm tra và tái chứng nhận vùng RAT một cách thường xuyên, chặt chẽ, với kỹ thuật kiểm tra cao. Hỗ trợ xây dựng và thực hiện những tiêu chuẩn RAT theo tiêu chuẩn của các nước trong khu vực và trên thế giới, cũng như hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các HTX, các đơn vị đạt tiêu chuẩn.

3.2. Kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng

Phát triển RAT được ngành Nông nghiệp thành phố Đà Nẵng chú trọng. Tuy nhiên, hiện trạng ruộng đất của các hộ nông dân giai đoạn trước đây còn nhiều manh mún, nhỏ lẻ, khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ cao, nông dân hạn chế về áp dụng KHKT và kiến thức khoa học. Vùng trồng RAT chủ yếu tập trung ở các xã thuộc huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành Sơn.

Để phát triển ngành RAT một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, UBND Thành phố đã quy hoạch, phê duyệt danh mục 7 vùng thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 500ha, gồm các lĩnh vực: trồng rau, hoa, nấm, cây dược liệu, chăn nuôi khép kín ứng dụng công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản.

Dưới dự hỗ trợ của các cơ quan phụ trách, đặc biệt là Hội Nông dân tại địa phương, thông qua các tổ hội được thành lập tự nguyện, người nông dân đã được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng RAT, hướng dẫn sử dụng thuốc nông dược an toàn, cách bón phân, phủ bạt, làm giàn đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, chú trọng đến vấn đề ATTP.

UBND Thành phố cũng có các ưu đãi cho các bên tham gia vào CCURAT như vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến thương mại,... kết hợp với thực hiện đề án mỗi xã một sản phẩm.

Đối với khâu tiêu thụ, Đà Nẵng cũng rất quan tâm và tập trung nghiên cứu thúc đẩy phát triển các chợ lớn tại trung tâm thương mại thành phố thành các trung tâm mua sắm (chợ Hàn, chợ Cồn). Tại đây, các hộ kinh doanh RAT có cơ hội để xây dựng hình ảnh và thương hiệu cũng như niềm tin của NTD đối với sản phẩm RAT hơn.

4. Bài học kinh nghiệm về quản lý nhà nước đối với CCURAT tiêu thụ ở TP. Hà Nội

Qua nghiên cứu về tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ ngành hàng RAT của một số nước trên thế giới và các địa phương của Việt Nam, tác giả rút ra một số bài học kinh nghiệm cho việc quản lý CCURAT tiêu thụ ở Hà Nội như sau:

Thứ nhất, cần quy hoạch vùng sản xuất RAT đảm bảo điều kiện về chất đất, nguồn nước và môi trường không khí; diện tích đất giao cho các hộ sản xuất đảm bảo ứng dụng KHKT thuận tiện.

Thứ hai, cần có các chính sách khuyến khích sản xuất như: (i) hỗ trợ cơ sở hạ tầng đồng bộ, vay vốn đầu tư để sản xuất - kinh doanh RAT; (ii) chuyển giao KHCN ban đầu, đăng ký nhãn hiệu, nhãn mác, bao bì sản phẩm; (iii) cách thức tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước; (iv) vận động, hình thành nhiều điểm bán lẻ RAT tại các chợ và khu chung cư của Hà Nội để nhiều NTD biết đến và có cơ hội tiếp cận với RAT.

Thứ ba, cần kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm tiêu thụ trên thị trường; đồng thời ban hành các văn bản pháp quy về yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm ở tất cả các khâu từ khâu sản xuất, sơ chế, lưu thông và tiêu thụ; có các biện pháp chế tài và thực hiện xử phạt công khai, minh bạch những trường hợp vi phạm.

Thứ tư, chính các tác nhân tham gia trong CCURAT cần xác định vai trò và sự cần thiết phải CUR đảm bảo an toàn, cũng như trách nhiệm của mình khi tham gia vào chuỗi. Thể hiện ở việc người sản xuất cần thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật trồng RAT, nhà bán lẻ và các siêu thị cần phối hợp với người sản xuất để cung ứng sản phẩm đúng với yêu cầu về chất lượng, mẫu mã của NTD yêu cầu, cũng như thực hiện những hoạt động nhằm nâng cao niềm tin của khách hàng với RAT.

Thứ năm, các tác nhân cần xác định vai trò chủ đạo (đầu tàu) của CCURAT mình tham gia là tác nhân nào? Từ đó, có được những chính sách liên kết chặt chẽ cao nhất, đồng thời tác nhân đầu tàu sẽ chủ động trong việc hỗ trợ các tác nhân còn lại về kế hoạch sản xuất, tiêu thụ bền vững, đảm bảo sức cạnh tranh cho toàn chuỗi. Đồng thời, xác định được các tác nhân nào thực sự cần thiết trong chuỗi để đảm bảo chuỗi ngắn gọn và hiệu quả, giảm thiểu chi phí cũng như mức ảnh hưởng của chất lượng rau.

5. Kết luận

Quản lý CCURAT không chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước mà còn là trách nhiệm của chính các tác nhân tham gia chuỗi. Quản lý tốt CCURAT, mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho người dân và các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển sản xuất - kinh doanh ngành hàng rau. Do đó, Nhà nước cần có các định hướng và chính sách phù hợp, kịp thời, thúc đẩy và hỗ trợ các tác nhân tham gia trong CCURAT. Về phía bản thân các tác nhân trong chuỗi RAT cũng cần xây dựng được chiến lược sản xuất- kinh doanh và kế hoạch cụ thể cho sự phát triển toàn chuỗi của mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (2009), Ngành rau của Thái Lan và kinh nghiệm cho Việt Nam, Báo cáo, http://agro.gov.vn/vn/tID22796_Nganh-rau-cua-Thai-Lan-va-kinh-nghiem-cho-Viet-Nam.html,
  2. Chu Tiến Quang, Lê Xuân Đình (2015): Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong phát triển nông nghiệp bền vững, Tạp chí Đảng Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/1150/kinh-nghiem-cua-han-quoc-trong-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung.aspx.
  3. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2013), Quyết định số 1494/QĐ-UBND ngày 28 tháng 3 năm 2013, về việc phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố hồ chí minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Domestic and international experience in managing the supply chain of safe vegetables and some lesson learnt for Hanoi

Master. Nguyen Thi Thu Ha

Northern College of Agriculture and Rural Development

ABSTRACT:

This paper presents experience in managing the supply chain of safe vegetables from some provinces and cities in Vietnam, and some countries like Korea, China and Thailand to draw lessons learnt for Hanoi city.

Keywords: supply chain, safe vegetables, experience in supply chain management, Hanoi city.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 3 năm 2022]