Kinh nghiệm quy hoạch và khai thác di sản văn hóa phục vụ du lịch tại Việt Nam

Với tiềm năng khá nổi trội và đặc sắc nhưng thực tế khai thác tài nguyên du lịch tại các di sản văn hóa của Việt Nam còn rất nhiều hạn chế và bất cập, bởi sản phẩm du lịch tại các khu du lịch còn phát triển theo hướng tự phát và hay bị trùng lặp

Những hạn chế trong việc khai thác di sản văn hóa Việt Nam phục vụ du lịch.

Với tiềm năng khá nổi trội và đặc sắc nhưng thực tế khai thác tài nguyên du lịch tại các di sản văn hóa của Việt Nam còn rất nhiều hạn chế và bất cập, thể hiện trên các mặt sau: Sản phẩm du lịch tại các di sản văn hóa ở Việt Nam còn phát triển tự phát, không theo hệ thống nên thường manh mún và hay bị trùng lặp. Hầu hết sản phẩm còn đơn điệu, nghèo nàn, thiếu bản sắc và không đáp ứng được nhu cầu da dạng của khách du lịch trong và ngòai nước nên chưa đem lại hiệu quả doanh thu cao. Mặt khác, sản phẩm du lịch còn chưa thực sự góp phần bảo tồn và tôn vinh các giá trị của di sản .

Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế trên là:

Nguyên nhân thứ nhất: Nhận thức và trình độ chuyên môn của các đối tượng tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm du lịch (nhà quản lý hoạch định, doanh nghiệp, tư vấn, khách du lịch, cộng đồng dân cư) còn bị hạn chế trên nhiều khía cạnh.

Quá trình khai thác di sản trong thời gian vừa qua thể hiện sự lúng túng của các cấp ngành từ trung ương đến địa phương trong việc quản lý và khai thác di sản, đặc biệt là những “di sản sống” như: làng cổ, làng nghề truyền thống... Gọi là “di sản sống” vì các di sản đó không giống như những hiện vật lịch sử trong bảo tàng, chỉ đơn thuần là minh chứng cho một thời kỳ lịch sử đã trải qua trong quá khứ,…Trái lại, do đặc điểm về hình thái, về qui mô, về vị trí, về tính chất,…các “ di sản sống” này vẫn đang tiếp tục đời sống của nó trong bối cảnh hiện tại để phục vụ đời sống dân sinh.

Có thể nói, thách thức nhất đối với việc bảo tồn và khai thác “ di sản sống” vẫn nằm trong tư duy và nhận thức của con người đối với việc nhận diện và xác định giá trị của di sản. Cần nhận thức rằng: bảo tồn “di sản sống” là bảo tồn giá trị và dấu ấn của một quá trình tiếp biến văn hoá, chứ không phải bảo tồn một điểm dừng chân nào đó của di sản trên chặng đường phát triển của nó…” Vì vậy trong chính sách quản lý bảo tồn cần có một cái nhìn động, mang tính thích nghi, thích ứng… để di sản có thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại.

Di sản đáp ứng được nhu cầu của thời đại, đồng nghĩa với việc nó có thêm một “hơi thở” mới, một “đời sống” mới, một hệ thống giá trị mới kế tiếp với hệ thống giá trị cũ để tiếp tục tồn tại và phát huy, đem lại lợi ích kinh tế xã hội cho con người. Khi di sản không chết và vẫn đem lại lợi ích, đặc biệt là lợi ích kinh tế thiết thực, tự khắc nó sẽ được các nhà đầu tư và cộng đồng người dân quan tâm, bảo vệ và tìm cách gia tăng lợi ích. Bài toán du lịch di sản cũng từ đó mà thực sự được giải quyết. Trên cơ sở của cách tiếp cận mới mẻ đó, một số “ di sản sống” tại VN đã được bảo tồn và phát huy hiệu quả để phục vụ du lịch.

Nguyên nhân thứ hai: Sản phẩm du lịch tại các di sản văn hóa ở Việt Nam chưa được đầu tư nghiên cứu và qui hoạch phát triển một cách hệ thống trên diện rộng, với mục tiêu và chiến lược dài hạn ở tầm quốc gia.

Phối hợp liên ngành trong nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch tại các di sản văn hóa của Việt Nam còn yếu, vì vậy giá trị của các di sản văn hóa còn chưa được đánh giá một cách khoa học và toàn diện trên nhiều khía cạnh;

Nguyên nhân thứ ba: Phương thức đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch và cơ chế phân chia lợi ích tại các di sản văn hóa chưa khuyến khích và thu hút được sự tham gia rộng rãi trong xã hội (đặc biệt là sự tham gia của người dân tại khu vực di sản).

Cộng đồng (người dân địa phương tại khu vực di sản) là chủ thể của di sản cũng đồng thời là người có trách nhiệm duy trì, bảo vệ và phát huy di sản để trở thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang nét đặc thù địa phương. Nói một cách khác, cộng đồng là yếu tố tài nguyên nhân văn rất quan trọng, thể hiện phần “Hồn của di sản”.

Để nâng cao và gắn kết vai trò của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản, vấn đề cốt lõi là phải đem lại được lợi ích thiết thực cho người dân từ việc khai thác di sản, qua đó nhận thức của người dân sẽ thay đổi, họ sẽ chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và khai thác di sản một cách hiệu quả và bền vững.

Sự đồng thuận và tham gia ủng hộ của người dân chính là nhân tố quan trọng quyết định tính khả thi của qui hoạch và các kế hoạch phát triển du lịch tại di sản. Khi lợi ích đến với người dân, thì việc gìn giữ và phát huy di sản sẽ không còn là nhiệm vụ của Nhà nước mà đã được xã hội hóa tích cực bởi sự tham gia của cộng đồng.

Kinh nghiệm khai thác di sản văn hoá tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội)

Đường Lâm nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội 70km, được biết đến là ngôi làng cổ có giá trị đặc biệt, đại diện cho lịch sử phát triển nền văn minh lúa nước Việt Nam. Nơi đây được gọi là vùng đất hai Vua, nơi sinh ra hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền. Đường Lâm hiện vẫn giữ được mô hình kiến trúc cổ của một làng quê thuần Việt ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, với những công trình kiến trúc tôn giáo như đình Mông Phụ, chùa Mía,… Nếu coi phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An là bảo tàng lối sống đô thị thì làng cổ Đường Lâm là bảo tàng lối sống nông nghiệp.

Với những tiềm năng du lịch đặc biệt, làng cổ Đường Lâm đã nhanh chóng trở thành điểm đến thu hút khá nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch tại Đường Lâm còn rất nghèo nàn. Khách du lịch đến đây ngoài việc tham quan các di tích lịch sử trong làng, ngủ đêm tại một số ngôi nhà cổ đặc trưng bằng đá ong, ăn bữa cơm quê và mua một số loại bánh kẹo, họ gần như không được cung cấp thêm sản phẩm du lịch bổ trợ nào khác. Chính vì vậy, Đường lâm không kéo dài được thời gian ở lại của du khách, doanh thu từ du lịch vì thế còn rất hạn chế, chưa đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Đã có một thời gian dài làng cổ Đường Lâm được gọi là “ Làng khổ” vì người dân phải sống trong điều kiện thiếu thốn vật chất và điều kiện sinh hoạt của các ngôi nhà cổ khá lâu, mà nguồn thu từ du lịch lại gần như không có. Đầu năm 2013, đã có hiện tượng nhiều người dân ký vào đơn xin trả lại Nhà nước danh hiệu di tích quốc gia. [3]

Để giải quyết những bức xúc của người dân Đường Lâm, các nhà khoa học của STDe đã chủ động đầu tư nghiên cứu và đề xuất MÔ HÌNH DU LỊCH TỪ CÂY LÚA với chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng và độc đáo từ cây lúa để giúp cho người dân Đường Lâm có hướng khai thác kinh tế hiệu quả từ du lịch kết hợp nông nghiệp. 

Dự án sản phẩm du lịch từ cây lúa với tour du lịch đặc biệt “Mùa lúa chín”, ( đóng vai trò là sản phẩm du lịch thương hiệu của Làng cổ Đường Lâm) đã hoàn thành giai đoạn 1. Các hoạt động trong tour bao gồm: Tham quan và thưởng ngoạn các tác phẩm nghệ thuật trên cánh đồng lúa chín vàng. Vui chơi và trải nghiệm với Rơm. Tổ chức các đám cưới lãng mạn trên cánh đồng. Ngắm cảnh gặt lúa, phơi lúa. Ngủ đêm trên cánh đồng để hưởng thụ hương lúa vào ban đêm...

Để giữ du khách ngủ đêm tại làng cổ, sản phẩm ”Đêm trăng ở Đường Lâm” sẽ cuốn hút du khách với một sắc thái rất riêng biệt của nông thôn. Khách có thể tham gia lửa trại, thả đèn đom đóm, ăn các đồ nướng ( khoa nướng, sắn nướng, ngô nướng,...), ngắm trăng, ngắm sao,thi hát đối, hát ghẹo…

Trong chuỗi sản phẩm du lịch từ cây lúa, thì các trải nghiệm du lịch với Rơm được đặc biệt chú trọng và đầu tư khai thác ngay từ giai đoạn đầu của dự án vì tính khả thi của nó. Rơm là một vật liệu sẵn có ở Đường lâm với trữ lượng dồi dào, đặc biệt là vào mùa gặt. Sợi Rơm có màu sắc đẹp tự nhiên, hình dáng khá đa dạng, có thể liên kết linh hoạt để chế tác thành nhiều dạng sản phẩm du lịch khác nhau. Rơm không chỉ làm cho phong cảnh nông thôn mang nét hấp dẫn đặc trưng vào mùa gặt mà còn có thể trở thành vật liệu để may lên những bộ quần áo thời trang lạ mắt, để làm đồ lưu niệm và sáng tác các tác phẩm nghệ thuật trên cánh đồng. Thậm chí rơm ép đã trở thành vật liệu xây nhà rất tốt trong các ngôi nhà truyền thống ( mát mẻ về mùa hè và ấm áp về mùa đông).  

Rơm có nhiều giá trị như vậy, nhưng hiện nay hầu hết người dân còn chưa nhận ra được các giá trị tích cực của Rơm. Sau mỗi vụ gặt, rơm rạ một phần được sử dụng làm thức ăn cho gia súc, còn phần lớn bị đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới các sinh hoạt thường ngày của người dân. Gần đây Hà Nội cũng bị khói bụi bao phủ do việc đốt rơm rạ ở các vùng nông thôn ven đô thị.

Việc khai thác sản phẩm du lịch từ rơm có nhiều thuận lợi do thời gian nông nhàn khá dài, đặc biệt đối với người già, phụ nữ và thiếu niên, nếu khai thác tốt sẽ tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Tuy sản phẩm du lịch từ Rơm tốn rất ít chi phí vì là nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có ở địa phương, nhưng quá trình triển khai dự án vào thực tế vẫn gặp phải những vấn đề bất cập như: Nguồn Rơm nếp ( dùng để làm các sản phẩm lưu niệm) rất khó kiếm vì người dân bây giờ không còn gặt theo phương pháp thủ công; vật liệu rơm khó bảo quản, dễ mốc, dễ cháy, dễ xuống mầu,... sản phẩm cũng dễ gây ngứa khi làm trang phục thời trang cho khách… nên quá trình triển khai các nhà khoa học STDe đã phải đề xuất thêm nhiều giải pháp để khắc phục… Bên cạnh những khó khăn trên là khó khăn từ phía người dân. Đa số họ còn quen sống nhờ bao cấp Nhà nước, thụ động trong suy nghĩ và thiếu năng động trong kinh doanh và ít tin tưởng vào những sản phẩm mới. Mặt khác, do các cơ quan quản lý trung ương và địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa có các giải pháp hiệu quả để thúc đẩy người dân và doanh nghiệp tham gia bằng cơ chế, chính sách và nguồn vốn.

Mô hình du lịch cây lúa
Mô hình du lịch từ cây lúa
TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững ( STDe)
Mô hình du lịch từ cây lúa

Kinh nghiệm qui hoạch khu du lịch “ làng Vũ Đại ngày ấy” - Tỉnh Hà Nam

Qui hoạch chi tiết 1/500 khu du lịch nhân văn tưởng niệm nhà văn liệt sĩ Nam Cao (còn được gọi là khu du lịch “làng Vũ đại ngày ấy” do Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững ( STDe) thực hiện, đã được tặng giải Vàng kiến trúc quốc gia 2017 ( hạng mục qui hoạch thiết kế đô thị).

Qui hoạch chi tiết khu du lịch làng Vũ Đại Ngày ấy:

Làng Vũ đại ngày ấy
 Phối cảnh khu trung tâm Làng Vũ Đại ngày ấy

“Làng Vũ Đại ngày ấy” là tác phẩm điện ảnh - văn học đã đi sâu vào tâm trí nhiều người, trải qua nhiều năm tháng vẫn có sức hấp dẫn và cuốn hút đặc biệt. Các nhân vật: Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc, Bá Kiến... đã trở thành những nhân vật điển hình của thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, cùng với những hình ảnh khó quên của vùng đồng bằng chiêm trũng Hà Nam như: Bát cháo hành, vườn chuối, lò gạch ven sông, ...đã lần lượt được tái hiện một cách sinh động và mới mẻ trong các không gian chức năng du lịch.

Nhà hàng Chí Phèo - Thị Nở
Khu nhà hàng Chí Phèo- Thị Nở
Khu nhà hàng Chí Phèo- Thị Nở
Khu nhà hàng Chí Phèo- Thị Nở

Đây là “Mô hình khu du lịch văn học" đầu tiên tại Việt Nam được STDe nghiên cứu từ ý tưởng đến qui hoạch và thiết kế cảnh quan. Các khu hoạt động du lịch chính bao gồm: Khu nhà tưởng niệm Nam Cao,  Khu chợ “ Ối Giời Ơi”;  Khu hội làng Vũ Đại; Khu Đêm làng Vũ Đại; Khu vườn Chuối Đại Hoàng; Khu công viên Lò Gạch; Khu nhà Bá Kiến; Khu Chợ Bến.

Thách thức nhất của qui hoạch này là làm sao biến được các giá trị văn học phi hình hài thành các trải nghiệm du lịch sống động, đem lại doanh thu cao. Thách thức tiếp theo là làm sao việc qui hoạch phát triển các không gian du lịch mới không làm phá vỡ hay ảnh hưởng xấu đến cảnh quan và nét đẹp nông thôn truyền thống của làng Vũ Đại. Nói chung, làm một đồ án qui hoạch liên quan đến di tích, di sản quá khứ của cha ông bao giờ cũng khó vì thường xuyên gặp phải sự tranh cãi và dư luận trái chiều trong quá trình xin ý kiến góp ý và thẩm định đồ án.

Đây là một khu du lịch mang tính cộng đồng rộng rãi, rất khả thi vì khai thác được tài nguyên và thế mạnh sẵn có của người dân xã Hòa Hậu. Nếu được triển khai tốt, kinh tế của xã Hòa Hậu sẽ mở ra một hướng đi mới từ du lịch. Một số đặc sản của địa phương như: Cá kho, chuối ngự, hồng không hạt,… và các sản phẩm dệt may sẽ có cơ hội được phát triển và đem lại nguồn thu lớn cho người dân xã Hòa Hậu.

Kết luận:

Muốn phát triển hiệu quả sản phẩm du lịch tại các di sản văn hoá, chúng ta cần đầu tư phát triển chuỗi sản phẩm du lịch từ các giá trị cốt lõi, nổi trội của di sản để tạo sự phong phú, đa dạng và độc đáo nhằm thu hút được nhiều đối tượng khách. Muốn vậy, ngay từ khâu xây dựng ý tưởng sản phẩm, giá trị di sản phải được đánh giá một cách toàn diện và sâu sắc với góc nhìn mới về nguồn tài nguyên cũ, đánh giá cần được phân tích trên nhiều khía cạnh giá trị cả vật chất, lẫn tinh thần, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Để hiện thực hoá ý tưởng sản phẩm du lịch, chính quyền phải nỗ lực nâng cao nhận thức và tạo động lực về nguồn vốn ban đầu cho người dân để họ có đủ năng lực trở thành chủ thể trong chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm. Ngoài ra, cần phải xây dựng cơ chế phân chia lợi ích rõ ràng và hợp lý để có thể gắn kết chặt chẽ nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp với người dân trong quá trình triển khai chuỗi sản phẩm vào thực tế. 

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang web của hiệp hội du lịch Việt Nam: http://www.vita.vn/tin-du-lich/can-su-gan-ket-de-phat-trien-du-lich-lang-nghe-thu-do.html)
  2. Kỷ yếu hội thảo ““ Chung tay gìn giữ các giá trị của viên ngọc quý - Làng cổ Đường Lâm”
  3. Đề tài khoa học cấp T.P 2014: “ Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch tại di tích làng cổ Đường Lâm” của Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững chủ trì.

TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh

Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững ( STDe)