Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023

Sáng nay, ngày 24/12/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
ong nguyen trong nghia
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa Bí Thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Tuyên giáo TW phát biểu chỉ đạo Tại Hội nghị

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 700 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; đại diện lãnh đạo các thường trực tỉnh ủy, thành ủy; đại diện lãnh đạo các ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, sở thông tin và truyền thông, hội nhà báo các tỉnh, thành phố; cơ quan báo chí Trung ương và địa phương...

Phát biểu tại hội nghị về đánh giá công tác báo chí năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023. Đồng chí Trần Thanh Lâm Phó - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, khó dự báo với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu.

ong tran thanh lam
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm báo cáo tại hội nghị

Về trong nước, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm có ý nghĩa quan trọng tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra. Trong bối cảnh đó, bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tình hình thực tiễn đất nước, công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thứ nhất, trong năm 2022, thông tin trên báo chí đã thể hiện rõ nét hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước góp phần tạo sự đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ 5 và 6; các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng trong cả nước; các kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ, Quốc hội…. 

Thứ hai, thông tin, tuyên truyền đậm nét, có chiều sâu những chỉ đạo, điều hành của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, thực thi pháp luật; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19; đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, có chiều sâu. Phân tích, nêu bật kết quả các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước được đẩy mạnh, tạo thành phong trào, là một điểm sáng trong năm 2022. Công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch tiếp tục được duy trì với nhiều hình thức, nội dung thông tin phong phú, sắc nét. 

Thứ ba, các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan hội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành và chủ động ban hành các văn bản nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động, phát triển, đồng thời có những quy định về xử lý nghiêm minh các sai phạm trong hoạt động báo chí: Sửa đổi Quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí; ban hành Kế hoạch về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay; ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí; chiến lược chuyển đổi số báo chí; ban Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa, cấp hội văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam

Công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động báo chí tiếp tục được tiến hành một cách bài bản, quyết liệt, giữ kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động báo chí. Năm 2022 đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,873 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 03 tháng đối với 02 cơ quan báo chí, thu hồi thẻ nhà báo đối với 01 tổng biên tập báo. Những giải pháp trên đang tạo ra sự chuyển biến rất cơ bản và tích cực trong hoạt động báo chí.

trao bang khen
Hình ảnh Ban Tuyên giáo TW Trao tặng Bằng khen cho các cơ quan Báo chí

Thứ tư, nhiều cơ quan báo chí đã liên tục đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận cho người dân; thực hiện chuyển đổi số báo chí. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác báo chí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

Thứ nhất, việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn thực hiện kéo dài, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội. Một số sở thông tin và truyền thông chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, e dè, né tránh trong xử lý vi phạm hoạt động báo chí trên địa bàn. Vai trò của Hội Nhà báo các cấp vẫn còn hạn chế, chưa thực sự chủ động trong việc xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; 

Thứ hai, vai trò, trách nhiệm của nhiều cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí còn hạn chế, mờ nhạt, đặc biệt đối với cơ quan chủ quản là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp: buông lỏng trong quản lý; thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo định hướng thông tin cũng như đầu tư cho hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc; không có biện pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý khi cơ quan báo chí xảy ra vi phạm nghiêm trọng, kéo dài. Công tác đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ quan báo chí chưa được chú trọng thường xuyên.

Thứ ba, một số cơ quan báo chí tỷ lệ giữa thông tin tích cực và thông tin về mặt trái chưa cân đối; tính định hướng, tính dẫn dắt của báo chí trong một số vụ việc, trường hợp cụ thể còn chậm, thiếu nhạy bén. Tình trạng báo hóa” tạp chí, các biểu hiệu “tư nhân hóa” báo chí vẫn chưa được khắc phục triệt để. Một số lãnh đạo cơ quan báo chí không thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm của mình; việc quản lý, điều hành, kiểm soát nội dung liên kết còn lỏng lẻo, dễ dẫn đến sai sót; vẫn còn thông tin giật gân, câu khách, không bảo đảm tính chính trị, tính định hướng, tính nhân văn. Việc quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao, gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp, chính quyền tại địa phương; có trường hợp vi phạm luật báo chí và đạo đức nghề nghiệp. 

Tại hội nghị, Đồng chí Trần Thanh Lâm Phó - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đã gợi mở và chỉ ra 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan hội; 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với cơ quan chủ quản báo chí; 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp đối với cơ quan báo chí. Đề nghị các đồng chí lãnh đạo nghiên cứu kỹ các nội dung báo cáo; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai, thực hiện thật tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023, để báo chí thực sự “Chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”; đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị tổ chức các hoạt động hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Cụ thể:

Thứ nhất, việc tuyên truyền các nghị quyết, kết luận, các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến, được coi là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung này thiếu sinh động trong nội dung và cách thức thông tin. Nhiều cơ quan báo chí thường chỉ đưa, trích đưa một số nội dung các nghị quyết, kết luận, hay gọi là “báo hóa” nghị quyết. Vậy làm thế nào, phương thức nào để việc thông tin, tuyên truyền các nội dung này một cách phong phú, sinh động, để người đọc, người xem dễ tiếp cận, dễ tiếp thu, dễ hiểu, dễ làm theo là trách nhiệm của các cơ quan báo chí? Trong khi vẫn có những báo (như báo Nhân Dân) có rất nhiều đổi mới, sáng tạo trong cách thông tin, tuyên truyền về các nghị quyết, kết luận của Đảng trong thời gian qua.

Thứ hai, chuyến đổi số báo chí là một xu hướng tất yếu, nhu cầu tự thân, không thể đảo ngược. Chúng ta sẽ bị tụt hậu, đào thải nếu không có những quyết tâm thay đổi mạnh mẽ về phương thức làm báo hiện đại. Nhưng làm thế nào để chuyển đổi số báo chí thành công không phải là điều dễ dàng. Từ nhận thức đến hành động thực tiễn là cả một quá trình đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan báo chí. Tôi đề nghị các đồng chí, từ kinh nghiệm thực tiễn của cơ quan mình, đề xuất những giải pháp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số báo chí.

Thứ ba, liên kết trong hoạt động báo chí là một trong những giải pháp để tăng nguồn thu, huy động được các nguồn lực xã hội, tạo nên những sản phẩm báo chí thực sự chất lượng. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động liên kết có những dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về báo chí. Không ít các cơ quan báo chí, do buông lỏng quản lý hoạt động liên kết, nên bị đối tác chi phối nội dung thông tin, lịch phát sóng; sản xuất và phát sóng, xuất bản nhiều sản phẩm báo chí thiếu tính định hướng, thiếu tính giáo dục và nhân văn. Đây là một biểu hiện của “tư nhân hóa báo chí”. Làm thế nào để xử lý mối quan hệ giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị với đáp ứng nhu cầu độc giả? Làm thế nào để nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, tăng nguồn thu đồng thời trên cơ sở đó quay lại đầu tư cho nội dung tuyên truyền nhiệm vụ chính trị là vấn đề khó, cần có giải pháp tháo gỡ. Rất mong Hội nghị cho ý kiến.

Thứ tư, lâu nay công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa được các cơ quan báo chí quan tâm triển khai. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều sản phẩm báo chí về văn hóa thật sự chất lượng và có chiều sâu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Tuyên truyền về văn hóa chưa thực sự tương xứng với tuyên truyền về kinh tế, chính trị, xã hội. Báo chí, truyền thông cần nhìn nhận đúng trách nhiệm của mình trong công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa để khắc phục hạn chế này. Chúng ta phải có giải pháp để thông tin, tuyên truyền hiệu quả đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về văn hóa; về 06 nhiệm vụ và 04 nhóm giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Tháng 6/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân dân đã tổ chức Lễ phát động xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí. Vậy để xây dựng và phát triển môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, xây dựng đội ngũ những cây bút nhân văn, tử tế để có những sản phẩm báo chí văn hóa, để nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa chúng ta cần làm những gì? Đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về nội dung này.

Thứ năm, năm 2022 là năm mà công tác chấn chỉnh xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, đạt được những tín hiệu tích cực bước đầu. Việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc xử lý sai phạm về hoạt động báo chí trên địa bàn đã được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, việc áp dụng, thực thi quy định này ở các địa phương còn thiếu thống nhất. Có địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, có địa phương vẫn còn nể nang, e dè, thậm chí đùn đẩy việc xử lý sai phạm lên cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí ở Trung ương đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương. Hội nghị của chúng ta có đại diện lãnh đạo các sở thông tin và truyền thông các địa phương. Rất mong các đồng chí có ý kiến trao đổi về nội dung này.

Thứ sáu, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 là chủ trương lớn, quan trọng, tác động mạnh mẽ đối với hoạt động báo chí. Về cơ bản, công tác sắp xếp quy hoạch đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1. Đánh giá kết quả sắp xếp; chỉ ra những vấn đề cần quan tâm, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sắp xếp giai đoạn 1 để có cơ sở triển khai hiệu quả việc thực hiện quy hoạch báo chí là việc làm rất cần thiết. Đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có số lượng cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi, sắp xếp theo Quy hoạch báo chí nhiều nhất cả nước sẽ trao đổi với Hội nghị về nội dung này…

trao bang khen 1
Ban Tuyên giáo TW Trao tặng Bằng khen cho các cơ quan Báo chí. có thành tích Tốt trong năm 2022

Với tinh thần dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, Hội nghị dành thời gian nghe các đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ về những vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí hiện nay cũng như đời sống báo chí - truyền thông; nhận diện xu hướng, thách thức, từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2023 và trong giai đoạn tới. Hội nghị thống nhất nhận định, năm 2023 là năm bản lề trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo và các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong năm 2022; triệt để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” như tinh thần văn kiện Đại hội.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư TW Đảng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, báo chí không những xác định phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2023 mà còn phải có kế hoạch cụ thể để hướng tới 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam vào năm 2025. Cụ thể, rõ ràng hơn, để thực hiện cho các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trưởng ban Tuyên giáo TW nhấn mạnh đến 6 điểm cần quán triệt của báo chí trong thời gian tới, trong đó cần thể hiện rõ sứ mệnh cao cả của báo chí là đồng hành cùng dân tộc, là lực lượng xung kích đi đầu, phản biện những quan điểm sai trái, xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ đạo thêm, các cơ quan quản lý báo chí, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự phối hợp với Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí; giữ vững vai trò chỉ đạo, định hướng để báo chí thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” gắn với công cuộc chuyển đổi số. Kịp thời chấn chỉnh hoạt động báo chí với phương châm “chủ động thông tin tích cực”. Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí thông tin đầy đủ, kịp thời và sâu sắc các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, phản ánh đậm nét những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống.

toan canh

Tại Hội nghị, thay mặt Ban Tổ chức, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phát động hưởng ứng tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025 theo Quyết định số 1256/QĐ-TTg, ngày 09/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban Tổ chức Hội nghị đã lựa chọn 32 tập thể, là các cơ quan báo chí, để trao tặng bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022.

 

Hồng Lực