Hoàn thiện xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo

Một trong những mục tiêu mà Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đề ra là gắn thị trường xuất khẩu với sản xuất trong nước theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm gạo xuất khẩu...
xuat khau gao
Phát triển thị trường xuất khẩu gạo theo hướng bền vững, chất lượng cao

 

Thủ tướng vừa ban hành Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Hoàn thiện việc xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo.

Cụ thể, để phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam, lấy nhu cầu thị hiếu của thị trường để định hướng cho sản xuất, xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện việc xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo về chất lượng sản phẩm và môi trường trong các cam kết hội nhập quốc tế.

Đồng thời có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu chọn lọc, lai tạo giống lúa năng suất, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường;

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các giống lúa cho sản phẩm gạo trắng chất lượng cao, gạo thơm, gạo hạt tròn, gạo nếp và một số giống lúa đặc sản vùng miền, khuyến cáo duy trì ở mức hợp lý diện tích canh tác giống lúa chất lượng trung bình và thấp phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp cụ thể như sau trong việc hoàn thiện thể chế liên quan:

- Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa, tăng tỷ lệ chế biến sâu các sản phẩm từ gạo, sử dụng hiệu quả thương hiệu gạo xuất khẩu và nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice.

- Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho nông dân và thương nhân tham gia phát triển chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị cạo toàn cầu, ứng dụng khoa học công nghệ.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng sản xuất, xuất khẩu gạo bao gồm các chính sách đồng bộ phát triển dịch vụ logistics tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

- Có chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh hơn nữa những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn cả trong nước (VGAP) lẫn tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường yêu cầu cao về tiêu chuẩn như EU;

- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế và phối hợp với ngân hàng trung ương các nước để triển khai các hình thức thanh toán phù hợp nhằm hỗ trợ hoạt động xuất khẩu gạo.

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế điều hành quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo phù hợp với diễn biến tình hình thị trường, đạt hiệu quả xuất khẩu, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.

Chuyển dịch cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu

Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ, trong giai đoạn 2023 - 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 15%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 20%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 40%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 5%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 20%.

Trong giai đoạn 2026 - 2030, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 10%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 15%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 45%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 10%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%.

Tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối

Chiến lược xác định tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%; nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian, nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán. Phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice vào năm 2030.

Cơ cấu thị trường điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới. Cụ thể, đến năm 2025 thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 22%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 4%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 3%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 7%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.

Đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 23%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 5%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 5%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 8%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hợp lý, ổn định, bền vững và hiệu quả; củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và phát triển thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng, các thị trường FTA; gia tăng thị phần gạo Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường các nước phát triển.

Gắn thị trường xuất khẩu với sản xuất trong nước theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm gạo xuất khẩu; tăng cường đưa sản phẩm gạo Việt Nam và các mặt hàng chế biến từ gạo vào các kênh phân phối trực tiếp tại các thị trường; xuất khẩu gạo và các mặt hàng chế biến từ gạo có chất lượng và giá trị cao, nâng cao giá trị, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu bền vững, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể là tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD, giảm khối lượng nên nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2023 - 2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026 - 2030 giảm khoảng 3,6%.

Nguyễn My