Hoàn thiện chính sách thương mại tự do tại Việt Nam

NGUYỄN THỊ NGÂN HÀ - NGUYỄN THỊ THANH VÂN - PHẠM PHÚC GIANG - HÀ THỊ THU HƯỜNG - LÊ HỒNG QUÂN (Trường Đại học Lạc Hồng)

TÓM TẮT:

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, được xem là một trong những quốc gia có nền kinh tế hướng xuất khẩu mạnh mẽ nhất trong khối các nước ASEAN. Trong tiến trình này có sự tác động không nhỏ của các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, chính sách thương mại tự do nhiều đổi mới. Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập, sự thay đổi của thị trường quốc tế, những chính sách về thương mại tự do cũng cần có những điều chỉnh phù hợp.

Từ khóa: thương mại tự do, tự do hóa thương mại, chính sách thương mại.

1. Đặt vấn đề

Chính sách thương mại là một hệ thống các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và các công cụ, biện pháp thích hợp mà một chính phủ sử dụng để điều chỉnh các hoạt động thương mại quốc tế của quốc gia mình trong thời kì nhất định, phù hợp với định hướng phát triển KTXH của quốc gia đó. Chính sách thương mại tự do là chính sách mà trong đó nhà nước không can thiệp trực tiếp vào quá trình điều tiết ngoại thương, mở cửa hoàn toàn thị trường nội địa để cho hàng hóa và tư bản được tự do lưu thông giữa trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho thương mại phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, những quan hệ hợp tác đa phương, song phương và nhiều điều chỉnh của nền kinh tế thế giới xuất hiện, kéo theo đó những yêu cầu về đổi mới chính sách thương mại tự do ở Việt Nam. Những điều chỉnh này nhằm giúp cho thị trường Việt Nam có những thích ứng phù hợp với kinh tế thế giới, vừa đảm bảo đúng định hướng: kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo định hướng XHCN.

2. Mục tiêu và phương pháp nghiên cứu

Bài viết nhằm mục đích nghiên cứu về những chính sách cho thương mại tự do ở Việt Nam, đồng thời làm rõ những yêu cầu cần điều chỉnh liên quan cho phù hợp với tình hình mới.

Để thực hiện bài báo này, cùng với những quan sát về chính sách thương mại tự do ở Việt Nam, tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu công cụ sau:

- Phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp: Tác giả sưu tầm tài liệu, nghiên cứu chính sách, thống kê, phân loại tổng hợp, so sánh đánh giá thông tin và đưa ra nhận xét.

- Phương pháp phân tích nội dung: Thông qua những loạt bài viết, bài nghiên cứu, chính sách về thương mại tự do ở Việt Nam và thế giới để có những nhìn nhận đánh giá thực tiễn về tình hình áp dụng chính sách thương mại tự do ở Việt Nam, đồng thời đề xuất những điều chỉnh phù hợp.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Những thành tựu trong tiến trình tự do thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam

Toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do háo thương mại đã và đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới đương đại. Phù hợp với xu thế đó, từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế với phương châm “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Việt Nam sẵn sàng là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hóa bình, độc lập và phát triển”. Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hóa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.

- Về quan hệ hợp tác song phương, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 200 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế 2 lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hóa song phương với các nước và các tổ chức quốc tế.

- Về hợp tác đa phương và khu vực: Việt Nam đã có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Ngân hàng Phát triển Á Châu, Quỹ Tiền tệ thế giới, Ngân hàng Thế giới. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đẩy mạnh và đưa lên một tầm cao hơn bằng việc tham gia các tổ chức kinh tế, thương mại khu vực và thế giới, ký kết các hiệp định hợp tác kinh tế đa phương.

Đặc biệt, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã có một bước đi quan trọng khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào ngày 11 tháng 01 năm 2007 sau 11 năm đàm phán gia nhập Tổ chức này.

Tự do hóa thương mại và hội nhập đã tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế. Với kim ngạch xuất, nhập khẩu gấp hơn 1,5 lần GDP, trong những năm gần đây, Việt Nam được xem là quốc gia có nền kinh tế với “độ mở” khá cao.

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nối tiếp nhau diễn ra trong quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa. Cho thấy: các FTA thế hệ mới có phạm vi rộng hơn, nội dung đều vượt ra ngoài cam kết về thương mại, dịch vụ và một phần đầu tư, đề cập nhiều đến thể chế, pháp lý trong các lĩnh vực môi trường, lao động, DN nhà nước, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ... và cả những quy định “ngoài kinh tế” hay “kinh tế chính trị”. Các FTA này khi có hiệu lực sẽ ảnh hưởng rất mạnh tới thể chế của các bên liên quan. Tham gia các FTA giúp chúng ta có cơ hội cơ cấu lại xuất, nhập khẩu lành mạnh hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường. Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các đối tác sẽ tăng cao sau khi có FTA.

3.2. Các chính sách pháp luật điều chỉnh thương mại tự do ở Việt Nam

Theo thống kê, hiện có 12 Luật và khoảng gần 200 Nghị đinh, văn bản liên quan điều chỉnh tự do thương mại ở Việt Nam, bao gồm: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Chứng khoán, Luật Các công cụ chuyển nhượng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Cạnh tranh, Luật Trọng tài thương mại,…

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hưởng lợi từ sự tăng trưởng xuất khẩu đáng kể từ FDI, đóng góp quan trọng vào GDP và kim ngạch xuất khẩu (65%). Luồng kiều hối chuyển về cũng ngày càng gia tăng.

Về cơ bản, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến chính sách đầu tư thương mại, tự do thương mại của Việt Nam đầy đủ, hành lang pháp lý tương đối vững vàng, tạo điều kiện cho hội nhập. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình tự do thương mại có nhiều điểm phát sinh, cần có sự giải quyết đúng đắn về chính sách.

Thứ nhất: Thương mại điện tử phát triển, trong khi đó, đây vẫn là thách thức với thị trường trong nước, các hướng dẫn thi hành Luật liên quan còn có chỗ lúng túng.

Thứ hai: Quy mô doanh nghiệp Việt Nam nhỏ. Với số vốn đăng ký thành lập bình quân khoảng 6 tỷ đồng/DN (chưa đến 300.000 USD/DN), tuyệt đại đa số DN Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ, chưa thể vươn tầm ra đến khu vực, nên từ trước đến nay, họ ít quan tâm tới hội nhập. Vài năm gần đây, mỗi năm có đến 50.000 DN - 60.000 DN ngừng hoạt động do nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân sâu xa là một bộ phận lớn các DN không chịu nổi sức ép của hội nhập. Đây là cái giá phải trả khi chúng ta “mở cửa” thị trường. Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng vì các FTA thế hệ mới sẽ có những tiêu chuẩn cao vượt quá sức chịu đựng của các nhóm dễ bị tổn thương (nông dân, DN nông nghiệp, DN vừa và nhỏ) và các đối tượng xã hội nhạy cảm (người lao động, người bệnh,...).

Thứ ba: Khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ nhưng các hàng rào kỹ thuật không hiệu quả, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng trong khi lại không bảo vệ được sản xuất trong nước. Để tối ưu hóa những tác động tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế đến nền kinh tế, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Thứ tư: Hiểu biết về Luật Trọng tài quốc tế của các doanh nghiệp trong nước đôi khi còn hạn chế, vì thế, nếu có tranh chấp thương mại, các doanh nghiệp trong nước còn lúng túng, không có hướng giải quyết, thậm chí, không biết phải nhờ vào các bên liên quan nào để hỗ trợ pháp luật, pháp lý liên quan để giải quyết tranh chấp.

3.3. Những giải pháp để hoàn thiện chính sách cho thương mại tự do

Thứ nhất, , cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý để thúc đẩy phát triển những ngành có lợi thế so sánh, nhằm tăng năng suất và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Với những ngành sẽ mở rộng sau FTA thế hệ mới, nhân tố quan trọng nhất là đảm bảo sự dịch chuyển tự do của các nguồn lực sản xuất như lao động, vốn, đất đai và các tài nguyên khác để các ngành này có thể tiếp cận chúng. Với những ngành kém lợi thế sau hội nhập, đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành này nhằm tăng hiệu quả cũng là một định hướng cần được quan tâm hơn. Luật Thương mại và các cơ chế, chính sách quản lý rất cần được bổ sung và hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thực hiện thuận lợi hóa thương mại. Luật Thuế xuất, nhập khẩu cũng cần được sửa đổi cho thống nhất, đồng bộ với quy định của Hiến pháp và các bộ luật hiện hành; tương thích với các cam kết và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán cũng như Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020. Cùng với đó, cần tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ, đồng bộ và khả thi.

Thứ hai, các thể chế hành chính, kinh tế liên quan cũng cần có sự thay đổi.

Cải cách thể chế môi trường kinh doanh cần có bước đi phù hợp, nhưng phải đặt trong mối quan hệ hệ thống: việc làm trước phải mở đường cho việc làm sau, không tạo ra xung đột pháp lý và mâu thuẫn chính sách. Với xuất phát điểm thấp, nguồn lực hạn chế, nền kinh tế Việt Nam “có đặc thù riêng”, làm sao để nền kinh tế này tiếp cận với các chuẩn mực, thông lệ kinh doanh tốt của thế giới mà các nước đi trước phải mất cả vài trăm năm để có.

Thể chế hành chính phải có những điều khoản đòi hỏi các cơ quan và chức vụ hành chính phải chịu trách nhiệm cuối cùng về các sai phạm hành chính trong phạm vi quyền quản lý của mình. Do đó, thủ tục hành chính cũng phải được thể chế hóa và đòi hỏi thực thi nghiêm minh. Bên cạnh đó, cũng rất cần một đội ngũ cán bộ công chức có năng lực, được đào tạo cơ bản, có đạo đức nghề nghiệp.

Thứ ba, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Các trung tâm, hiệp hội phải có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), DN mới thành lập trong việc đào tạo nhân lực, kỹ năng quản lý, quản trị, tiếp cận thị trường, cung cấp thông tin về thị trường cũng như môi trường đầu tư, thủ tục hành chính. Đặc biệt, các trung tâm này phải hỗ trợ DN cả tiếp cận nguồn vốn thông qua việc phối hợp chặt chẽ với Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV ở địa phương và các quỹ tài chính khác dành cho khu vực DN này. Yêu cầu bức thiết là cần phải nhanh chóng triển khai áp dụng các hệ thống quản lý môi trường, như ISO 14.000, HACCP, thực hiện quản lý tốt (GMP), thực tiễn nuôi trồng tốt (GAP).

Cần có một luật hỗ trợ DNNVV, kết nối DNNVV với chuỗi giá trị toàn cầu. Xử lý vấn đề tỷ giá, lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay từ ngân hàng. Không chỉ có vấn đề hạ mức lãi suất, mà quan trọng là làm sao cải tiến các thủ tục cho vay, tạo điều kiện cho DN không chỉ bằng tài sản thế chấp mà cần phải định hướng vào việc cho các DN sáng tạo, vào những dự án, lĩnh vực có tiềm năng.

Cần chuẩn bị và minh bạch hóa sổ sách, kế toán, theo dõi thông tin, phối hợp công bố thông tin, nhân lực am hiểu luật lệ, vận động hành lang, ngoại giao, điều chỉnh cả những yếu tố không phải yếu tố thương mại như những nội dung liên quan tới lao động, quyền sở hữu trí tuệ... Do đó, việc thực hiện các cam kết trong FTA thế hệ mới đòi hỏi những thay đổi về chính sách và luật pháp trong nước.

4. Kết luận

Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do. Đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 10 hiệp định đã có hiệu lực và đang thực thi cam kết, 3 hiệp định đã ký kết hoặc kết thúc đàm phán nhưng chưa có hiệu lực, 4 hiệp định đang đàm phán.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do trong thời đại mới cũng đặt ra một số thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, như: thách thức về thể chế, cạnh tranh, nguồn nhân lực, các luật pháp liên quan, đồng thời phải có giải pháp đồng bộ trong nhiều vấn đề thì Việt Nam mới có những hành lang pháp lý và các nguồn lực liên quan chủ động nhất cho tiến trình hội nhập và thực hiện các hiệp định tự do hóa thương mại, đảm bảo sự phát triển của đất nước phù hợp với xu thế kinh tế thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Ngoại giao (2022), Báo cáo của các Bộ/ngành của Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế. Truy cập tại: https://www.mofa.gov.vn/
  2. Nguyễn Thị Thu Hà (2016). Doanh nghiệp Việt Nam trước cơ hội và thách thức hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Tạp chí Con số và Sự kiện, số 4 (507).
  3. Nguyễn Bích Thủy (2016). Những tác động của hiệp định thương mại tự do đối với kinh tế Việt Nam. Truy cập tại: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/NghiencuuTraodoi/2016/37130/Nhung-tac-dong-cua-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-doi-voi.aspx
  4. Vũ Huyền (2009). Tổng hợp văn bản pháp luật thương mại. Truy cập tại: https://danluat.thuvienphapluat.vn/tong-hop-van-ban-phap-luatthuong-mai-157746.aspx

Completing the free trade policy of Vietnam

NGUYEN THI NGAN HA1

NGUYEN THI THANH VAN1

PHAM PHUC GIANG1

HA THI THU HUONG1

LE HONG QUAN1

1Lac Hong University

ABSTRACT:

Up to now, Vietnam has established trade relations with more than 200 countries and territories. Vietnam is considered the most export-driven economy among ASEAN members. Free trade agreements (FTAs) that Vietnam has signed, including new-generation FTAs, significantly impact the country’s economic growth-oriented policies. However, during the country’s integration process, it is necessary for Vietnam to adjust its free trade policy to adapt to changes of the international market.

Keywords: free trade, trade liberalization, commercial policies.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6  tháng 3 năm 2023]

Tạp chí Công Thương