Hỗ trợ khai thác đúng, trúng các thị trường

Các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cập nhật nhiều cơ hội đầu tư, giao thương cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời khuyến nghị công tác xúc tiến, khai thác hiệu quả các thị trường.

giao ban thị trường

Ngày 30/9/2022, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2022.

Đây là hội nghị thứ 3 thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Công Thương thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022.

Cập nhật chính sách, diễn biến mới của các thị trường nước ngoài 

Trên 300 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham dự Hội nghị.

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc tổ chức và duy trì hội nghị giao ban với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài là việc làm rất cần thiết đối với cả 03 phía. 

Thứ nhất, đối với các cơ quan thương vụ, đại diện thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, đây là cơ hội để nắm bắt được tình hình trong nước, những nhu cầu của các doanh nghiệp, hiệp hội trong nước đồng thời cập nhật những chính sách, diễn biến mới của các thị trường ngoài nước.

"Những thông tin thị trường, những thay đổi về chính sách ở các thị trường ngoài nước là những yếu tố rất quan trọng và cần thiết giúp cho các ngành sản xuất ở trong nước, các doanh nghiệp trong nước có những định hướng, hoạt động cho đúng, trúng và khai thác được thị trường", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Thứ hai, đối với các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước thì được cập nhật những chủ trương, chính sách mới, diễn biến mới, yêu cầu mới của thị trường nước ngoài để giúp các hiệp hội, doanh nghiệp có những định hướng, điều chỉnh cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, đối với cơ quan quản lý, bao gồm: Bộ Công Thương và tất cả các bộ, ngành, các địa phương có liên quan. Tất cả những cơ quan này đang thực thi chức năng quản lý nhà nước, thông qua Hội nghị được nghe ý kiến của cả hai bên, các thương vụ nước ngoài và các hiệp hội, doanh nghiệp, là những yếu tố vô cùng quan trọng để chúng ta thực thi tốt những nhiệm vụ của mình.

bộ trưởng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc Hội nghị giao ban

Nhiều dư địa, cơ hội mới tại các thị trường

Tại Hội nghị giao ban, đại diện các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Anh, Áo, Ấn Độ, Bulgaria, Hoa Kỳ, Pakistan, Pháp, Trung Quốc đã thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó nêu ra các khuyến nghị về hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp tại nước sở tại làm cơ sở cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

Theo ông Phạm Tuấn Huy, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria (kiêm nhiệm Macedonia), trong 8 tháng đầu 2022, xuất khẩu từ Việt Nam sang Bulgaria đạt gần 90 triệu USD, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước trong 8 tháng đầu 2022 đạt 130 triệu USD, tăng 4,3%. Số liệu sơ bộ của Cục Thống kê Bulgaria cho thấy, những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này vẫn ở các nhóm hàng như điện tử, cà phê, giày dép, hải sản đã qua chế biến, cao su…

Ông Huy cho biết, dư địa thị trường cho hàng hóa Việt Nam còn lớn, bởi thị trường Bulgaria tuy sức tiêu thị thấp hơn các nước Tây Âu do thu nhập, mức sống nhưng bù lại yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã cũng như đòi hỏi của thị trường lại dễ tính hơn.

Nếu coi đây là thị trường để tìm kiếm cơ hội khi các thị trường lớn nhiều cạnh tranh hoặc tiến tới bão hòa thì có rất nhiều tiềm năng, ví dụ các doanh nghiệp có thể kết hợp các đơn hàng, nhóm hàng để cùng vận chuyển trong bối cảnh chi phí logistic tăng cao.

"Việc này cần sự kết hợp, chủ động của các hiệp hội, doanh nghiệp sang xúc tiến, chào hàng, làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối để đánh giá khả năng đáp ứng hàng hóa cho các hệ thống phân phối tại Bulgaria. Thương vụ luôn sẵn sàng trong các bước cần thực hiện trước như tìm kiếm đối tác thích hợp, xây dựng chương trình làm việc phù hợp...", ông Huy chia sẻ.

Từ Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, bà Nguyễn Thị Điệp Hà - Phụ trách Thương vụ cũng thông tin, Pakistan hiện có nhu cầu nhập khẩu cao với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ các mặt hàng nông sản truyền thống (chè, hạt tiêu, hạt điều, phi-lê cá tra … ) đến các mặt hàng tiêu dùng (quần áo, giầy dép), các mặt hàng mới có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao (điện thoại di động, máy giặt, máy in …).

Bên cạnh đó, Pakistan là thị trường dễ tính, không đòi hỏi cao về chất lượng, không có các quy định quá phức tạp về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn về lao động...

thương vụ

Doanh nghiệp cần chủ động phối hợp, khai thác các cơ hội thị trường

Bà Nguyễn Thị Điệp Hà, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan thông tin về việc, Thương vụ đang làm việc với các cơ quan hữu quan Pakistan để tái xuất 7 container hạt tiêu về Việt Nam theo đề nghị của một doanh nghiệp Việt Nam, do xuất khẩu sang nhưng doanh nghiệp Pakistan không thanh toán tiền. Thương vụ đã liên hệ với doanh nghiệp đề nghị cung cấp thông tin của đối tác Pakistan để Thương vụ trao đổi xác minh thông tin, đồng thời Thương vụ cũng đã liên hệ với Hải quan Pakistan để xác minh thực trạng của lô hàng.

Tuy nhiên Thương vụ đang gặp khó khăn do doanh nghiệp chưa khẩn trương xử lý vụ việc, chậm cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc, dẫn đến nguy cơ thiệt hại do chi phí phát sinh. Do đó, đại diện Thương vụ đề nghị Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp cung cấp những thông tin cần thiết về đối tác Pakistan, địa chỉ liên hệ của ngân hàng Pakistan đã chuyển tiền đặt cọc và nhận bộ chứng từ giao, làm việc với hãng tàu về các chi phí liên quan đến việc tái xuất 7 container hạt tiêu về Việt Nam... để góp phần xử lý được vụ việc nhanh chóng, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.

Từ vụ việc này, đại diện Thương vụ Pakistan khuyến cáo, khi giao thương với các đối tác tại Pakistan, các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng xác minh thông tin khách hàng qua các phòng thương mại, hiệp hội, Đại sứ quán Pakistan tại Việt Nam và Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Pakistan; đảm bảo đàm phán, ký hợp đồng với các điều kiện đảm bảo an toàn nhất.

thương vụ Pakistan
Bà Nguyễn Thị Điệp Hà, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan

Cũng liên quan đến sự phối hợp của các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương, bà Đặng Thị Hải Yến, Bí thư thứ nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Áo (kiêm nhiệm Slovenia) thông tin, qua làm việc với bang Thượng Áo, thành phố Linz, Thương vụ nhận thấy thị trường Áo đang rất cần lao động, đặc biệt lao động trong ngành công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nghề. Thị trưởng thành phố Linz đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam tại Áo và mong muốn có nhiều hoạt động hợp tác liên kết địa phương của Việt Nam. Hiện tỉnh Lai Châu đã có công văn đề nghị Đại sứ quán hỗ trợ kết nối để sang thăm và làm việc tại Áo.

Đối với Việt Nam, các địa phương đã phối hợp với Bộ Công Thương thông qua Cục Xúc tiến Thương mại có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tuy nhiên, theo bà Yến, các địa phương cần cung cấp thông tin bằng tiếng Anh để giúp Thương vụ nhanh chóng giới thiệu, tìm kiếm đối tác tại nước sở tại. Ngoài ra, các địa phương trong cùng một vùng có thể phối hợp, liên kết để thực hiện các chương trình phát triển mặt hàng cho cả vùng để giới thiệu và huy động được nhiều nguồn cung hơn cho xuất khẩu cũng như xây dựng các website để thực hiện.

Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại của một số địa phương và các hiệp hội ngành hàng như: Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam... cũng đã chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi của các ngành hàng, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và kiến nghị các giải pháp liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài.

HH Điều
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, sau Hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại với vai trò Thư ký Chương trình sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến, kiến nghị của các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, báo cáo Lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ các thương vụ, các đơn vị liên quan thuộc Bộ giải quyết, phúc đáp các kiến nghị, đề xuất. Trước hội nghị giao ban tiếp theo, Tổ thư ký sẽ rà soát việc thực hiện những kiến nghị, đề xuất của các thương vụ, các đơn vị.

ông Phú
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại

Chuỗi chương trình Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài là một trong những giải pháp để phát huy và khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời tạo ra 1 kênh trao đổi thông tin trực tiếp, thống nhất và nhanh nhất giữa các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước. Mục tiêu của chuỗi Hội nghị nhằm giúp hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhật kịp thời yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và ngược lại; đồng thời tạo diễn đàn phổ biến thông tin, chính sách mới, cơ hội thị trường từ hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam trên toàn cầu.

Sau mỗi Hội nghị, Ban tổ chức tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để gửi các cơ quan liên quan thuộc Bộ Công Thương tích cực giải quyết, phúc đáp, góp phần thúc đẩy hoạt động phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu bền vững của các địa phương và doanh nghiệp.

Việt Hằng