Hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài: Chất lượng ổn định là yếu tố tiên quyết

Để hiện thực hóa được những bước đi vững chắc cho hàng hóa Việt “xâm nhập” và có chỗ đứng trong hệ thống bán lẻ của các nhà phân phối nước ngoài, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất, phân phối, tiêu thụ và trọng tâm là chất lượng.

đưa hàng việt nam vào hệ thống phân phối nước ngoài

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa ổn định ở Việt Nam và trên thế giới, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu sắc, thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung hàng hóa trên thế giới có những xáo trộn và đứt gẫy.

Vì vậy, hơn bao giờ hết nhu cầu giữ vững ổn định hệ thống cung ứng và thị trường tiêu thụ nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như nông sản, thực phẩm là nhu cầu cấp thiết của các Tập đoàn phân phối cũng như của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Đây là nội dung chính của “Hội thảo tập huấn trực tuyến - kết nối Doanh nghiệp Việt Nam với các Hệ thống Phân phối nước ngoài” do Bộ Công Thương phối hợp với các Tập đoàn phân phối lớn như Aeon, Wallmart, Central Retail, Lotte, Mega Market và các Hiệp hội ngành hàng tổ chức.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Đề án Chính phủ “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp hệ thống phân phối nước ngoài”. Khoảng 200 doanh hoạt động trong các ngành hàng thủy sản, nông sản, thực phẩm chế biến đã đăng ký tham gia và hàng nghìn doanh nghiệp theo dõi trên các kênh phát sóng trực tiếp trên Facebook và Youtube.

Hội thảo được tổ chức với hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội kết nối với 22 điểm cầu gồm: các Tập đoàn Phân phối lớn như Walmart, Aeon, Central Retail, Lotte, Mega Market; các Cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan; các Sở Công Thương các tỉnh: An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Lạng Sơn, Cao Bằng, Phú Thọ, Yên Bái, Đồng Tháp...

Kênh xuất khẩu trực tiếp bền vững

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao các hoạt động kinh doanh của các Tập đoàn Wall Mart, Tập đoàn AEON, Tập đoàn Central Retail, Tập đoàn Lotte, và Tập đoàn Mega Market tại Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Thứ trưởng nhấn mạnh, bên cạnh việc phát triển hiệu quả hệ thống phân phối hiện đại tại Việt Nam, các Tập đoàn phân phối bán buôn bán lẻ còn là kênh xuất khẩu trực tiếp hữu hiệu, bền vững, đưa các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam, từ nông sản, thực phẩm tới đồ gia dụng, nội thất, dệt may... tới tay hàng triệu người tiêu dùng thế giới thông qua các hệ thống phân phối nước ngoài.

đưa hàng việt nam vào hệ thống phân phối nước ngoài
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao các hoạt động kinh doanh của các nhà phân phối nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. Đó là kênh xuất khẩu trực tiếp hữu hiệu, bền vững, đưa các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam đến với hàng triệu người tiêu dùng thế giới

Từ nhiều năm nay, các tập đoàn phân phối nước ngoài như: Walmart, Aeon, Central Retail, Lotte, Mega Market… đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương cùng một số địa phương để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam trong hệ thống của họ ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, các bên còn hướng đến mục tiêu xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng Việt Nam đảm bảo đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy, thông qua các hoạt động trên nhiều sản phẩm Việt Nam không chỉ tìm được vị trí ổn định trong các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam mà còn xuất khẩu thành công ra nhiều thị trường thế giới, nơi các doanh nghiệp này đặt hệ thống phân phối.

Trong 6 tháng đầu năm, tập đoàn AEON của Nhật Bản đã xuất khẩu 268 triệu USD hàng hóa Việt Nam. Dự kiến năm nay, AEON sẽ đạt kim ngạch 500 triệu USD theo đúng cam kết trong thỏa thuận hợp tác trở thành đối tác chiến lược với Bộ Công Thương.

Trong khi đó, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp song tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Mỹ là Walmart cũng đạt doanh số khả quan. Trong Quý II/2020 doanh số của Walmart tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoài, riêng Quý II tăng 9,2% doanh số so với Quý I, trong khi bán hàng online tăng tới 97% so với cùng kỳ.

“Walmart dự định tăng gấp đôi lượng hàng hóa Việt Nam trên toàn hệ thống của Tập đoàn. Đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội lớn hơn cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp Việt đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và quan trọng hơn là tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của Walmart”, đại diện Walmart thông tin.

Ông Karim Noui, Giám đốc thu mua và xuất khẩu tập đoàn Central Retail tại Việt Nam khẳng định, thành công của tập đoàn cho đến hôm nay không chỉ gói gọn trong kinh doanh mà còn cam kết chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng Việt.

Nhiều chương trình nâng đỡ cộng đồng và doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được Central Retail triển khai trong thời gian qua như: Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan thường niên hay Tuần lễ hàng nông sản được tổ chức khắp các địa phương Việt Nam...

Song song đó, Central Retail cũng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển toàn diện thương hiệu cạnh tranh để thâm nhập được vào hệ thống phân phối bán lẻ và hỗ trợ nông dân địa phương phát triển sinh kế bền vững thông qua các chương trình thu mua nông sản với mức chiết khấu 0%…

“Ngoài việc hỗ trợ người tiêu dùng ở thị trường nội địa, Central Retail cũng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác, xúc tiến đưa hàng hóa Việt Nam thông qua hệ thống bản lẻ của Tập đoàn ở Thái Lan, Ý... với chất lượng đảm bảo. Đây cũng là tiêu chuẩn mà Tập đoàn đặt ra khi thu mua hàng hóa tại Việt Nam”, ông Karim Noui nói.

Cùng chia sẻ tại Hội thảo, đại diện Tập đoàn MM Mega Market khẳng định, với 20 siêu thị tại 15 tỉnh thành của Việt Nam, MM Mega Market sẽ đồng hành với các nhà sản xuất nội địa thu mua hàng nông sản chất lượng.

“Từ năm 2018 đến nay, cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp với MM Mega Market được mở rộng khi tập đoàn ký kết xuất khẩu sang các nước như Singapore, Thái Lan, Hongkong, nhằm đưa sản phẩm Việt Nam tới các thị trường này,” bà Bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại doanh nghiệp này cho hay.

Chất lượng là yếu tố hàng đầu

Từ nhiều năm nay, các Tập đoàn phân phối nước ngoài đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương, và thông qua Bộ Công Thương phát triển hợp tác với một số địa phương.

Hoạt động này không chỉ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam trong hệ thống của Tập đoàn ở nước ngoài mà còn hướng đến mục tiêu lớn hơn là xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng Việt Nam đảm bảo đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững.

Tuy nhiên để hiện thực hóa được những bước đi vững chắc cho hàng hóa Việt “xâm nhập” và có chỗ đứng tại các gian hàng siêu thị quốc tế, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ và trọng tâm là chất lượng.

Ông Fukui Tomoiaki, Giám đốc cao cấp bộ phận sản phẩm tập đoàn AEON tại Việt Nam chia sẻ quan điểm xuyên suốt của AEON là mang đến cho khách hàng các sản phẩm an toàn, an tâm, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn thiện từ trang trại đến bàn ăn.

Vì vậy, AEON luôn hành động trên quan điểm lợi ích khách hàng, muốn hợp tác mang đến cho khách hàng Nhật Bản, Việt Nam và các quốc gia khác nhiều sản phẩm hơn nữa.

“AEON cũng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam cùng hợp tác với mục tiêu này của tập đoàn”  ông Fukui Tomoiaki chia sẻ thêm.

đưa hàng việt nam vào hệ thống phân phối nước ngoài
Các tập đoàn bán lẻ, phân phối nước ngoài đều cho rằng, để hàng hóa Việt Nam đứng vững tại các gian hàng siêu thị quốc tế, doanh nghiệp Việt phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ và trọng tâm là chất lượng

Về phía Tập đoàn MM Mega Market, đơn vị này cũng khẳng định, MM Mega Market cần đảm bảo chất lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hệ thống của MM Mega Market không chỉ cung cấp sản phẩm cho các khách hàng cá nhân mà còn là đối tác là các nhà hàng, căng tin, khách sạn, bếp ăn công nghiệp... cho nên đây là giải pháp phát triển kinh doanh bền vững.

Để nâng tầm mối quan hệ hợp tác sản xuất-kinh doanh giữa các bên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải mong muốn, đại diện các Tập đoàn phân phối, bán lẻ chia sẻ, cung cấp thêm thông tin, yêu cầu cụ thể để các doanh nghiệp Việt Nam có được cái nhìn toàn diện hơn, từ đó có định hướng điều chỉnh phù hợp nhằm sớm đưa được các sản phẩm của mình vào được hệ thống phân phối.

Thứ trưởng kỳ vọng, thời gian tới, các tập đoàn, nhà phân phối nước ngoài sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh, với vai trò đối tác chiến lược của Bộ Công Thương để triển khai hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Hay nói cách khác là đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng nguồn cung phong phú, lâu dài”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông Tạ Hoàng Linh chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo

Chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương không chỉ là cầu nối, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh phân phối nước ngoài mà còn là nơi tư vấn cho các doanh nghiệp Việt, từ việc sẵn sàng và khả năng đáp ứng các tiêu chí để vào hệ thống phân phối nước ngoài đến quy mô sản xuất, khả năng quản lý chất lượng và sản phẩm.

"Bộ Công Thương mong muốn tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và đưa hàng hóa thương hiệu Việt Nam có mặt ngày càng nhiều trên kệ của các siêu thị của các Tập đoàn phân phối lớn trên thế giới", ông Tạ Hoàng Linh cho biết.

 

Hạ An - Thái Linh