Hai khóa đào tạo cán bộ quản lý kinh tế đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

Các học viên tốt nghiệp được bổ sung về Bộ Kinh tế hoặc về lại địa phương nơi đã cử đi học, để phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Có thể xem hai khóa học này là nơi tạo nguồn cán bộ khung quý báu cho hoạt động quản lý kinh tế của Chính phủ Việt Nam thời kỳ này.
Lịch sử Công Thương
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng (phải) và Bộ trưởng Kinh tế Phan Anh (bên trái) trong thời gian dự Hội nghị Giơnevơ năm 1954. Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia 

Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, đội ngũ cán bộ phụ trách kinh tế, kỹ thuật của ta vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn, cũng như kinh nghiệm trong bối cảnh đặc thù của cuộc kháng chiến, khiến nhiều chính sách điều hành kinh tế của ta chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Nhằm giải quyết vấn đề này, theo sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010”, năm 1948 Bộ trưởng Kinh tế (nay là Bộ Công Thương) Phan Anh đề xuất mở hai khóa đào tạo cán bộ quản lý kinh tế, tuyển học viên từ các liên khu trên cả nước với yêu cầu đầu vào là ít nhất đã có bằng Thành chung dưới thời chính quyền thuộc địa hoặc tương đương.

Thời gian khóa học diễn ra trong 6 tháng. Sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ được sát hạch và xếp vào ngạch Tham sự kinh tế. Đây là cấp công chức cao thứ 3 trong hệ thống 5 ngạch công chức thời bấy giờ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cho thấy chủ trương thu hút, trọng dụng và đãi ngộ trí thức của Bộ Kinh tế để nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế.

Tuy nhiên, đây được xem là vấn đề rất mới trong thời kỳ này và phải giải quyết hàng loạt khó khăn phát sinh như nguồn kinh phí để mở khóa đào tạo, chương trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên… Kế hoạch đào tạo này phải trình Hội đồng Chính phủ xem xét, quyết định và mức kinh phí dự kiến tương đương quy đổi 4.000 kg thóc.

Do đó, xuất hiện nhiều ý kiến phản đối, cho rằng việc đào tạo cán bộ quản lý kinh tế là chưa cần thiết khi cuộc kháng chiến còn nhiều ưu tiên lớn. Các cuộc tranh luận xung quanh chủ trương này kéo dài, căng thăng; cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận theo hướng tán thành chủ trương của Bộ Kinh tế. Nhờ đó, việc tổ chức hai khóa đào tạo được khơi thông và nhận được kinh phí cần thiết để triển khai.

Do điều kiện chiến tranh khốc liệt, chỉ có học viên từ khu vực tỉnh Quảng Trị trở ra mới có thể tham gia khóa đào tạo tại chiến khu Việt Bắc. Tuy nhiên, hai khóa đào tạo vẫn thu hút được đông đảo thanh niên trí thức, có trình độ học vấn cao so với mặt bằng xã hội, lên tới gần 100 học viên. Chương trình đào tạo gồm những vấn đề cơ bản về kinh tế học, tổ chức - quản lý kinh tế, các chủ trương, chính sách kinh tế của Chính phủ, địa lý kinh tế Việt Nam, thống kê, kế toán kép, cũng như các vấn đề thời sự và chính trị.

Các giảng viên tham gia giảng dạy là các cán bộ có kinh nghiệm, chuyên môn cao đang phụ trách các cơ quan xung quanh địa bàn Bộ Kinh tế. Cục trưởng Cục Ngoại thương Lưu Văn Đạt là Hiệu trưởng và Thứ trưởng Bộ Kinh tế Bùi Công Trừng là Chính trị viên của hai khóa đào tạo.

Địa điểm lớp học được tổ chức trong vùng rừng Kha Sơn Hạ (Phú Bình, Thái Nguyên) và Sơn Thanh (Tam Dương, Vĩnh Yên) nhằm tránh các đợt càn của địch. Lớp không có bàn ghế, học viên phải mang một mặt gỗ phẳng, kê lên đùi làm bàn ghi chép. Tuy điều kiện vật chất thiếu thốn, nhưng tất cả học viên đều hăng say học tập, giảng viên dốc sức truyền đạt kiến thức. Kỳ thi sát hạch cuối khóa được tổ chức bài bản, nghiêm ngặt, có học viên đỗ, nhưng cũng có người trượt.

Các học viên tốt nghiệp được bổ sung về Bộ Kinh tế hoặc về lại địa phương nơi đã cử đi học, để phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Có thể xem hai khóa học này là nơi tạo nguồn cán bộ khung quý báu cho hoạt động quản lý kinh tế của Chính phủ Việt Nam thời kỳ này. Nhiều học viên sau này đã có những đóng góp lớn, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan quản lý kinh tế của Nhà nước tại trung ương và địa phương.

Cũng trong năm 1948, Bộ Kinh tế cũng tổ chức khóa đào tạo về pháp lý tại Tam Đảo (Vĩnh Yên) cho vài chục học viên nhằm tạo nguồn cán bộ có chuyên môn về công tác pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý kinh tế. Học viên được tuyển chọn là những người đã có bằng Tú tài. Giảng viên giảng dạy là các luật sư đã từng được đào tạo bài bản dưới thời chính quyền thuộc địa và các cán bộ chính trị cao cấp. Bộ trưởng Kinh tế Phan Anh trực tiếp giảng dạy môn Công pháp Quốc tế. Luật sư Đỗ Xuân Sảng là Hiệu trưởng. Tuy nhiên, do quân đội Pháp đánh chiếm khu vực Tam Đảo, nên khóa đào tạo buộc phải giải thể.

Tiếp nối thành công của hai khóa đào tạo quản lý kinh tế đầu tiên, đầu năm 1950, Bộ Kinh tế tiếp tục tổ chức lớp bồi dưỡng về kinh tế cho hơn 40 học viên là cán bộ thuộc các cơ quan đóng tại Mãn Hóa (Sơn Dương, Tuyên Quang). Chương trình học tương tự như khóa đào tạo quản lý kinh tế nhưng thời gian đào tạo chỉ ba tháng. Kết thúc khóa học, học viên cũng phải tham gia thi sát hạch để đánh giá chất lượng học tập.

Bên cạnh các khóa học đào tạo, lớp bồi dưỡng được tổ chức chính quy, đội ngũ cán bộ tại nhiều cơ quan thuộc Bộ Kinh tế đẩy mạnh thực hiện công tác tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, người biết nhiều bồi dưỡng người biết ít, tự đào tạo lẫn nhau theo hình thức “cầm tay, chỉ việc”.

Ngay tại các liên khu, các tỉnh cũng tổ chức các lớp hướng dẫn kinh tế cho cán bộ của huyện, xã. Riêng tại Liên khu V, tính đến cuối năm 1949, đã có 50% cán bộ kinh tế huyện và 30% cán bộ kinh tế xã được học những lớp này. Liên khu V cũng mở riêng lớp đào tạo cán bộ kinh tế miền núi, gọi là Lớp kinh tế Thượng du.

Đặng Duy Quang - Đào Mạnh Đức