Gỗ Việt cần hiểu rõ hơn về công cụ phòng vệ thương mại để vượt qua rào cản khi xuất khẩu

Từ năm 2019 đến nay, ngành gỗ đang dần trở thành “tâm điểm” bị điều tra phòng vệ thương mại tại các quốc gia xuất khẩu. Bên cạnh những nỗ lực phối hợp ứng phó của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ cũng cần tự trang bị cho mình nhiều kiến thức hơn để không “sảy chân” chịu đánh thuế.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định năm 2020 là năm đặc biệt đối với ngành gỗ. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát và tác động lớn trên quy mô toàn cầu, xuất khẩu gỗ vẫn tăng mạnh, đặc biệt trong quý II và III của năm nay. Tính hết 11 tháng 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt trên 11 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ 2019.

“Theo đà hiện nay, chắc chắn giá trị xuất khẩu của cả năm 2020 sẽ cán mốc gần 12,5 tỷ USD”, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ. Tuy nhiên, gỗ cũng đang là ngành ở đầu "chiến tuyến" trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các cường quốc đang tiếp tục diễn ra.

Từ đầu năm đến nay, ngành gỗ liên tiếp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Hoa Kỳ, từ Hàn Quốc, cụ thể đối với mặt hàng gỗ dán có liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế.

Gần đây nhất, Cơ quan đại diện Thương mại của Hoa Kỳ cáo buộc ngành gỗ Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa và trong sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Nguy cơ Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các mặt này gỗ của Việt Nam vào các thị trường này là rất lớn.

Theo Cục Phòng vệ Thương mại, đến nay Việt Nam đã bị điều tra tổng cộng 199 vụ việc, trong 5 năm gần đây nhất có tới 97 vụ điều tra phòng vệ thương mại. Các thị trường điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Canada, EU, Philippines. Riêng trong năm 2020, Việt Nam đang bị điều tra 39 vụ việc, tăng 2,5 lần so với năm 2019 (16 vụ việc).

Đáng chú ý, với riêng các vụ việc liên quan tới sản phẩm gỗ tuy nhiều năm trước vắng bóng, song từ năm 2019 đến nay việc bị điều tra lại diễn ra khá dồn dập. Cụ thể, năm 2015 Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế với gỗ dán; cùng năm đó Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với mặt hàng gỗ ván MDF. Năm 2019, Hàn Quốc điều tra chống bán phá giá với gỗ dán. Năm 2020, Việt Nam liên tiếp bị Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với mặt hàng gỗ ván MDF và Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế với gỗ dán.

Từ năm 2019 đến nay các sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại khá dồn dập
Từ năm 2019 đến nay các sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại khá dồn dập

Thực tế, ngay từ đầu năm 2019, đặc biệt trong 2 quý năm 2020 gần đây (quý II và III), Bộ Công Thương đã liên tục cảnh báo các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu gỗ về khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại của các sản phẩm; đồng thời tăng cường công tác quản lý, siết chặt công tác chứng nhận xuất xứ, thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của một số doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận. 

Để tránh các vụ việc bị điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho hay, các doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ chính sách của nước nhập khẩu, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, lẩn tránh thuế, đồng thời cần tìm hiểu và chuẩn bị sẵn sàng để tránh bị điều tra.

Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cần quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm bởi để giữ được thị trường, mở được thị trường thì ngoài hàng tốt, chất lượng, đáp ứng yêu cầu và thị hiếu khách hàng thì còn phải chứng minh được tính minh bạch. Đa dạng hóa thị trường, tập trung vào sản phẩm hàng hóa chất lượng cao cũng là những giải pháp hiệu quả để vượt qua hàng rào phòng vệ tại các quốc gia xuất khẩu.

Ngoài ra, nguồn thông tin là vô cùng quan trọng. Khi xuất khẩu sang một thị trường, phải có nguồn thông tin từ các đối tác nhập khẩu từ chính thị trường đó, mặt khác có bộ theo dõi, kiểm soát chặt chẽ lượng xuất khẩu và giá trị xuất khẩu để hưởng mức thuế thấp nhất mà không rơi vào “bẫy” phòng vệ thương mại.

Ngay khi có thông tin về điều tra chống bán phá giá, các doanh nghiệp cũng phải có những hành động ứng phó.

“Đây là cuộc chơi ta buộc phải tham gia. Chúng ta cần chuẩn bị tốt, cần có kiến thức về phòng vệ thương mại và hiểu rõ bản chất công cụ này để ứng phó. Tránh để hàng đã xuất đi, sau 2-3 tháng lênh đênh trên biển đến khi cập cảng nơi nhập khẩu mới té ra bị đánh thuế gấp 1-2 trăm lần”, Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, khuyến khích doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu nên sớm xây dựng đội ngũ về lĩnh vực phòng vệ thương mại trong nội bộ, không để đến khi bị điều tra mới lo ứng phó.

Về phía mình, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả của cơ chế cảnh báo sớm để thường xuyên cập nhật, kịp thời thông tin về nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại tại các quốc gia xuất khẩu, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp ngành gỗ để cùng xử lý các vụ việc với mục tiêu đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

Thy Thảo