Gilimex (GIL): 6 tháng đầu năm hoàn thành 89% kế hoạch lợi nhuận cả năm

Sau 6 tháng đầu năm nay, Gilimex đã hoàn thành 67,3% kế hoạch doanh thu và 89% kế hoạch lợi nhuận. Hiện công ty có đủ đơn hàng để sản xuất đến tháng 10 năm nay. Đồng thời, Gilimex đang tập trung triển khai Khu công nghiệp Phú Bài 4 nhằm đưa vào hoạt động trong năm sau.

Công ty Cổ phần Sản xuất – Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã chứng khoán: GIL – sàn HSX) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 với doanh thu thuần hơn 1.274 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán của công ty tăng hơn 3,8% trong cùng kỳ. Vì vậy, lợi nhuận gộp của công ty trong quý 2 năm nay chỉ đạt hơn 226 tỷ đồng, giảm khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Biên lợi nhuận gộp trong quý 2 chỉ đạt 17,7%, thấp hơn mức 19,6% của cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính của công ty tong quý 2 cũng đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lợi nhuận sau thuế của GIL trong quý 2 đạt 116 tỷ đồng, giảm khoảng 1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, GIL ghi nhận mức doanh thu thuần đạt 2.692 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 223 tỷ đồng, lần lượt tăng 27% và 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét về cơ cấu tài sản, tổng tài sản của GIL tính đến cuối quý 2/2022 đạt hơn 5.214 tỷ đồng, tăng 38% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, tiền và các khoản tương đương tiền lên tới 1.176 tỷ đồng, tăng 54%. Trong đó, khoản tiền gửi có kỳ hạn là 1.310 tỷ đồng, cao hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với cơ cấu vốn, tổng nợ phải trả của GIL đạt 2.770 tỷ đồng, chỉ tăng 29% so với thời điểm đầu năm, và chiếm 53% tổng nguồn vốn.

Giá cổ phiếu GIL
Diễn biến giá cổ phiếu GIL từ đầu năm đến nay (Nguồn: FireAnt)

 

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch sáng ngày 5/8, cổ phiếu GIL giao dịch quanh mức 56.600 đồng/cổ phiếu. 

GIL là đơn vị chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm may gia dụng như giỏ đựng đồ, chụp đèn, túi xác, balo các loại…, trong đó, hai sản phẩm chính là vải kết hợp với nhựa và kết hợp với kim loại. GIL có mối quan hệ lâu năm với các đối tác lớn tại Hoa Kỳ và châu Âu. Công ty chủ yếu cung cấp sản phẩm cho Amazon.

Theo báo cáo phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), doanh thu từ Amazon hiện chiếm khoảng 85% tổng doanh thu của GIL, 15% còn lại đến từ hãng IKEA và các khách hàng khác. Amazon đã tiếp tục ký hợp đồng với GIL từ tháng 7 năm nay.

Tuy nhiên, VCBS nhận định tình hình đơn hàng ngành hàng dệt may, da giày, túi xách trong nửa cuối năm nay sẽ có xu hướng giảm do các nhãn hàng thời trang nước ngoài lo sợ rủi ro suy thoái, dẫn đến xu hướng giảm bớt lượng hàng tồn kho. Hiện nay, GIL vẫn đủ đơn hàng để sản xuất cho đến hết tháng 10 năm nay.

Ban lãnh đạo GIL cũng đã dự báo trước tình hình và đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh tương đối thận trọng với doanh thu cả năm nay dự kiến đạt 4.000 tỷ đồng (giảm 3,6% so với năm 2021) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 250 tỷ đồng (giảm 24,2% so với năm 2021). Như vậy, sau 6 tháng, GIL đã hoàn thành 67,3% kế hoạch doanh thu và 89% kế hoạch lợi nhuận.

Số lượng chuyền may của GIL
GIL có xu hướng đẩy mạnh số lượng chuyền may tại các nhà máy gia công bên ngoài nhằm giảm thiểu ảnh hưởng nếu sản lượng đơn hàng kém tích cực (Nguồn: VCBS)

 

Trong các năm gần đây, GIL luôn đẩy mạnh số lượng chuyền may tại các nhà máy gia công bên ngoài, nâng tổng số chuyền từ 36 chuyền tại 2019 và dự tính lên 237 chuyền tại 2022, cộng với gia tăng thêm 3 chuyền mới tại nhà máy Bình Thạnh. Số lượng chuyền may mở thêm chủ yếu để phục vụ đơn hàng từ Amazon.

Định hướng của công ty là mở rộng hoạt động tại những vùng có chi phí lao động cạnh tranh như vùng 3, vùng 4, đồng thời tìm kiếm cơ hội M&A để đầu tư nguồn nguyên phụ liệu, tăng công suất. Do số lượng chuyền may thuê gia công chiếm phần lớn nên GIL có thể chủ động cắt giảm chuyền may sản xuất, giảm thiểu ảnh hưởng nếu sản lượng đơn hàng kém tích cực trong thời gian tới.

GIL cũng đang mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản khu công nghiệp bao gồm Khu công nghiệp Phú Bài 4, Khu công nghiệp Gilimex Quảng Ngãi, và Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long.

Trong đó, GIL tập trung xúc tiến triển khai Khu công nghiệp Phú Bài 4 tại thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư là 2.614 tỷ đồng. Khu công nghiệp này chủ yếu dành cho cấc nhóm ngành công nghệ cao thuê, tập trung xây dựng các nhà máy tự động hoá và ít thâm dụng lao động.

VCBS uớc tính tổng doanh thu của Khu công nghiệp Phù Bài 4 sẽ rơi vào 4.200 – 5.900 tỷ  với biên lợi nhuận giao động từ 20-30%, trong đó có GIL sẽ được hưởng 68% lợi nhuận. Dự kiến khu công nghiệp này sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu từ năm 2023.

Quỳnh Trang