Giải pháp phát triển kinh tế tại huyện Thạch Thất

TS. NGUYỄN THỊ PHƯỢNG (Khoa Thương mại, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao đời sống người dân, huyện Thạch Thất đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Huyện cần đẩy nhanh các dự án đầu tư công, phát huy thế mạnh của địa phương về tiểu thủ công nghiệp, các sản phẩm làng nghề, dịch vụ thương mại, các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao.

Từ khóa: làng nghề, kinh tế, huyện Thạch Thất, sản xuất.

1. Đặt vấn đề

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức, triển khai nhiều nội dung, hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó có công tác quảng bá, phát triển bền vững sản phẩm làng nghề truyền thống song song với thực hiện Chương trình sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp. Việc phát triển các làng nghề truyền thống tại các vùng nông thôn trên cả nước đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần khôi phục lại sản xuất những làng nghề đã bị mai một, phát triển mạnh những làng nghề đang còn tồn tại.

Từ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hiệu quả đã duy trì và tăng số hộ sản xuất, số lao động tại các làng nghề để đáp ứng sản lượng, sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Việc quảng bá, phát triển và xây dựng thương hiệu các làng nghề còn mang lại nhiều lợi ích về mặt xã hội, giúp tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới, giảm bớt tình trạng thất nghiệp ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho các hộ gia đình và người lao động nông thôn tăng thu nhập ổn định và cải thiện đời sống.

Hiện nay cả nước có 5.411 làng nghề và làng có nghề. Số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn tăng lên với tốc độ bình quân 8,8% - 9,8%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của làng nghề khoảng 15%/năm. Riêng ngành thủ công mỹ nghệ đã tạo ra mặt hàng chủ lực của làng nghề, thu hút khoảng 1,5 triệu lao động, mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra, thương hiệu, quảng bá sản phẩm chưa được bài bản là vấn đề chung của các làng nghề nói chung và ngành thủ công mỹ nghệ nói riêng. Đây cũng là một trong những vấn đề lớn của huyện Thạch Thất. Do đó, giải pháp phát triển kinh tế khu vực này trở thành yêu cầu cần thiết nhằm cải thiện đời sống cho người dân.

2. Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế tại huyện Thạch Thất

Vượt qua khó khăn thách thức do dịch bệnh mang lại, năm 2022, huyện Thạch Thất đã đạt được những kết quả khả quan. Kinh tế tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. Hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn huyện đã cơ bản trở lại bình thường, số doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh đăng ký mới, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tiếp tục tăng so với năm 2021. Theo Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 31.536.910 triệu đồng, bằng 100,1% kế hoạch năm và tăng 13,6% so với năm 2021.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp xây dựng: 69,2%; Thương mại - Dịch vụ: 25%; Nông - Lâm - Thủy sản: 5,8%. Sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá, mặc dù ảnh hưởng lạm phát, nhưng trong năm đã có 290 doanh nghiệp, 1.208 hộ kinh doanh được thành lập mới và đăng ký hoạt động. Chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới hoàn thành, tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 ước đạt 1.189.189 triệu đồng, bằng 122% dự toán thành phố giao, bằng 102% dự toán huyện giao. Huyện hoàn thành vượt mức 19/20 chỉ tiêu đề ra với cơ cấu kinh tế bảo đảm chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, trong đó, công nghiệp, xây dựng chiếm 69,2%; thương mại, dịch vụ chiếm 25%; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,8%.

Cùng với việc thực hiện Kế hoạch số 254/KH-UBND về kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa huyện Thạch Thất năm 2022 với tổng diện tích 193,7ha của 15 xã, đến nay, 15/15 xã đã ban hành kế hoạch chuyển đổi cấp xã, đạt 100% kế hoạch, tổng diện tích chuyển đổi được 21,6 ha, gồm: Phú Kim, Đồng Trúc và Yên Bình. Theo đó, huyện đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gồm: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 690 ha tại các xã: Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải. Vùng sản xuất rau an toàn, quy mô 285 ha tại các xã: Tiến Xuân, Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Bình, Yên Trung... Vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao, quy mô hơn 300ha tại các xã: Bình Yên, Kim Quan, Lại Thượng,... Sau chuyển đổi, đã tạo được các vùng chuyên canh cho giá trị thu nhập cao hơn 5-7 lần so với cấy lúa.

Thạch Thất có 122 sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp được công nhận đạt chuẩn (One Commune One product - OCOP- mỗi xã phường một sản phẩm) 3 sao và 4 sao. Để bảo đảm "đầu ra" cho sản phẩm, huyện Thạch Thất đã xây dựng chuỗi liên kết các mặt hàng nông sản đặc trưng. Ví dụ cụ thể, với sản phẩm là thịt lợn rừng hữu cơ được liên kết và tiêu thụ rộng rãi tại hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Mr Sạch, BigGreen,... mỗi tháng. Từ việc phối hợp với cơ quan chức năng của huyện tìm mối liên kết tiêu thụ sản phẩm, các hợp tác xã đã ký kết được hợp đồng với nhiều công ty như An Việt (quận Nam Từ Liêm), công ty Minh An (quận Bắc Từ Liêm) và nhiều bếp ăn tập thể trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm. Trung bình mỗi tuần một hợp tác xã cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn rau, củ, quả, giúp nâng giá trị trên 1ha canh tác đạt 300 triệu đồng/năm. Chuỗi liên kết các sản phẩm nông sản tương tự như rau củ, hoa quả, lúa,… cũng được thực hiện như trên.

Đồng thời quá trình giải ngân vốn đầu tư năm 2022 đến hết ngày 31/1/2023 ước đạt 92% kế hoạch vốn. Một số công trình dự án bị đình trệ nhiều năm do vướng mặt bằng, năng lực nhà thầu... đã được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và được khởi công, triển khai; có dự án hoàn thành.  Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng ở một số địa phương có chuyển biến tích cực, số vụ vi phạm đất đai đã giảm nhiều so với năm 2021. Các vụ vi phạm xảy ra đều được chỉ đạo xử lý triệt để, trả lại nguyên trạng, do đó vi phạm từng bước giảm dần. Trong năm 2022, đã phát hiện 71 trường hợp vi phạm đất đai (giảm 17 vụ vi phạm so với năm 2021), đến nay, đã xử lý dứt điểm 66/71; còn 5 trường hợp chưa xử lý. Công tác đảm bảo môi trường được quan tâm; rác thải được thu gom, vận chuyển kịp thời, hoạt động gây ô nhiễm môi trường được ngăn chặn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế huyện chưa tăng trưởng tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa tạo đột phá trong phát triển tiểu thủ công nghiệp làng nghề. Công tác bảo vệ môi trường ở làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề còn nhiều bất cập. Các sản phẩm OCOP đã có nhiều cải tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc… nhưng việc tiêu thụ vẫn hết sức khó khăn. Rất nhiều chủ thể tham gia OCOP chưa tìm được cách thức liên kết để tiêu thụ sản phẩm nên không thể mở rộng quy mô sản xuất; sản phẩm chỉ tiêu thụ tại địa phương hiệu quả kinh tế chưa cao... Tại xã Dị Nậu, mỗi năm doanh thu từ phát triển kinh tế của xã Dị Nậu đạt khoảng 640 tỷ đồng, trong đó đóng góp từ nghề mộc truyền thống được chế tác rất tinh xảo, chiếm tới 70%. Cùng với nghề truyền thống, Dị Nậu còn sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng, như: gạo nếp, đu đủ, rau sạch... Song, đến nay, việc tiêu thụ vẫn hạn chế nên giá trị đạt thấp. Trong khi đó, có một thực tế là nhiều doanh nghiệp bán lẻ chưa “gặp” được các chủ thể có sản phẩm tốt để kết nối tiêu thụ. Trong khi đó, nhu cầu thị trường về sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề đạt chuẩn OCOP còn rất lớn. 

3. Giải pháp phát triển kinh tế tại huyện Thạch Thất

Với mục tiêu đặt ra của năm 2023 phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 13,9%; huy động tối đa nguồn lực để đầu tư, nâng cao chất lượng các tiêu chí các xã nông thôn mới và huyện nông thôn mới, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu năm 2023, có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế đã đề ra như sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển các cụm công nghiệp làng nghề; Đồng thời tư vấn, định hướng các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống máy móc, trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu, bao gói sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn; chi phí phân tích nhóm sản phẩm (thực phẩm, đồ uống, thảo dược) để đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp Thành phố. Đồng thời áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP, như: Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), tiêu chuẩn quy trình làm vệ sinh và thủ tục kiểm soát vệ sinh (SSOP), tiêu chuẩn hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm giới hạn (HACCP), quy trình quản lý chất lượng (ISO),...

Hai là, chính sách cần quan tâm đến đầu ra bằng cách xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Cụ thể các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao được hỗ trợ xúc tiến thương mại với các hình thức chủ yếu gồm: Quảng cáo, giới thiệu sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng bằng các video clip, tin bài quảng bá và các chương trình tiếp thị riêng của chủ thể có sản phẩm. Để quảng bá và phát triển sản phẩm làng nghề, cần xây dựng trung tâm hoặc cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm tại làng nghề, các khu du lịch làng nghề của thành phố, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, dễ tiếp cận và trao đổi thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng trang thương mại điện tử về hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề với mục đích quảng bá tiếp thị sản phẩm; thường xuyên tổ chức các hội chợ, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối các chuỗi bán hàng, tìm nhà cung cấp, phân phối. Huyện cần hỗ trợ các chủ thể tham gia chuỗi liên kết về vốn để mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu, gắn mã QRcode truy xuất nguồn gốc...; đồng thời, tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại để ký kết hợp đồng với doanh nghiệp và giúp nông dân tham gia các hội chợ nông sản, quảng bá sản phẩm nông nghiệp để tìm kiếm thị trường.

Cùng với đó, huyện Thạch Thất triển khai đồng bộ nhiều giải pháp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu, Chàng Sơn - giai đoạn 2 theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố để tạo mặt bằng sản xuất cho các hộ, doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề với khả năng sáng tạo ra những sản phẩm mới, có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá thành hạ, nhằm tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống của người lao động tại địa phương có ngành nghề truyền thống phát triển. Huyện Thạch Thất nên tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thành phố và Trung ương có các hình thức tôn vinh những người giỏi nghề truyền thống, như: xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân, bàn tay vàng..., quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác truyền nghề, nâng cao nghề, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và năng lực quản lý cho thanh niên, để thanh niên có thể tham gia sản xuất, tổ chức sản xuất, sáng tạo phát triển làng nghề.

Ngoài ra, Huyện còn cần tạo điều kiện hơn nữa thu hút và đầu tư vốn vào phát triển làng nghề truyền thống; Khuyến khích các tổ chức tín dụng, các quỹ hỗ trợ của các tổ chức xã hội tạo điều kiện cho vay ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư, mở rộng phát triển nghề truyền thống tại địa phương; Hỗ trợ cho các cơ sở nghề và làng nghề tham gia hội chợ triển lãm, tiếp cận thị trường; Thường xuyên giới thiệu thông tin về thị trường, các chủ trương chính sách của Nhà nước về phát triển làng nghề cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và kinh doanh ngành nghề truyền thống... Thạch Thất cần làm tốt công tác dự báo về thị trường, tìm kiếm thị trường để định hướng sản xuất cả về quy mô, chất lượng và tốc độ phát triển từng loại nông sản. Mặt khác, huyện cần lồng ghép các chính sách hỗ trợ đầu tư, đưa công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch vào phục vụ sản xuất; xây dựng một số nhà sơ chế, kho lạnh, hệ thống sấy khô hạt, nhà lưới để sản xuất rau, hoa theo hướng an toàn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hồ Văn Toàn (2018), Quản lý cụm công nghiệp làng nghề theo hướng bền vững trên địa bàn huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, Luận văn thạc sĩ.

2. UBND huyện Thạch Thất (2021), Đề án 05/ĐA-UBND, tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đất đai, khoáng sản, môi trường, trật tự xây dựng huyện Thạch Thất, giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

3. UBND huyện Thạch Thất (2021), Đề án 05/ĐA-UBND, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế huyện nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025.

Economic development solutions for Thach That District, Hanoi

Ph.D Nguyen Thi Phuong

Faculty of Commerce, University of Economics - Technology for Industries

Tóm tắt:

To implement the New-style Rural Development Program and improve people's living standards, the authorities of Thach That District, Hanoi has planned a large-scale, concentrated production area and has established a linkage connecting production, trade promotion and consumption. To achieve the set socio-economic development goals, it is necessary for the district to accelerate its public investment projects, take advantage of its strengths in terms of craft villages, commercial services, concentrated agricultural production models, high-value agricultural products, etc.

Keywords: craft village, economy, Thach That district, production.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6  tháng 3 năm 2023]