Giải pháp cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng

NGUYỄN QUANG HUY (Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích thực trạng cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp (KTNN) huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng để thấy rõ tiến trình cơ cấu và giải pháp cơ cấu lại KTNN của Huyện trên các lĩnh vực trồng trọt và nuôi thủy sản. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm cơ cấu lại KTNN huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.

Từ khóa: kinh tế nông nghiệp, cơ cấu kinh tế, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.

1. Đặt vấn đề

Theo Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Tú, từ năm 2009, thực hiện chia tách địa giới hành chính, tái lập huyện Châu Thành, tổng diện tích đất tự nhiên của huyện Mỹ Tú còn lại 36.819 ha (trong đó, đất nông nghiệp 33.565 ha, chiếm 91,16%). Là huyện thuộc vùng nông thôn, vùng căn cứ kháng chiến cũ của Tỉnh ủy Sóc Trăng, toàn Huyện có 8 xã và 1 thị trấn, gồm 83 ấp; trong đó, 30 ấp đặc biệt khó khăn. [14]

Trong giai đoạn 2015-2020, nông nghiệp đóng góp từ 49 - 61% giá trị sản xuất [4, tr.26]. Ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng nói chung, huyện Mỹ Tú nói riêng đã có bước sắp xếp cơ cấu khá tốt; đặc biệt trong lĩnh vực trồng lúa, trái cây, nuôi thủy sản. Ngành Nông nghiệp của Huyện phát triển theo hướng đa dạng hóa cây trồng kết hợp nuôi thủy sản, phát huy tiềm năng, lợi thế nước ngọt, nước lợ, tạo ra sản phẩm có giá trị ngày càng cao, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.

Những vấn đề thực tiễn đặt ra hết sức cấp thiết phải cơ cấu lại KTNN theo hướng mới tích cực hơn, đó là chú trọng đến tính hiệu quả và bền vững. Do vậy, bài viết nghiên cứu “Giải pháp cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng” nhằm tìm ra giải pháp để thực hiện cơ cấu lại KTNN tại huyện Mỹ Tú theo hướng hiệu quả và bền vững.

2. Thực trạng cơ cấu lại KTNN huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2015-2020

2.1. Thực trạng cơ cấu lại KTNN ở huyện Mỹ Tú

2.1.1. Thực trạng phát triển kinh tế chung của huyện Mỹ Tú giai đoạn 2015-2020

Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Huyện liên tục giảm. Đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 7,87%/năm; thấp nhất trong giai đoạn 2015-2020. Năm 2020, cùng với những bất lợi về thời tiết ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh tế của Huyện, dịch Covid-19 bùng phát cũng tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Mỹ Tú. Theo báo cáo Kết quả kinh tế và xã hội 5 năm 2016 - 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mỹ Tú năm 2020 đạt 2.370 USD/người/năm (tức là khoảng 55 triệu đồng), tăng trung bình 10%/năm.

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế của Huyện cũng đang chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng các ngành nông - lâm - ngư nghiệp và tăng dần tỉ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

Khu vực nông, lâm và thủy sản của huyện Mỹ Tú có sự chuyển dịch theo xu hướng giảm. Năm 2015, khu vực nông, lâm và thủy sản chiếm 66,33%; công nghiệp và xây dựng chiếm 15,49%; dịch vụ chiếm 18,18%. Đến năm 2020, giảm xuống còn 52,57% (giảm trung bình 2,75%/năm); công nghiệp và xây dựng giảm xuống 11,21% và dịch vụ tăng lên là 36,22%. Tuy nhiên, mức độ chuyển dịch của của các khu vực hiện vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra của địa phương. Theo Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Tú Mỹ đến năm 2020, khu vực nông, lâm và thủy sản giảm mạnh xuống còn 37%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng, đạt khoảng 27%, khu vực dịch vụ khoảng 36%. Qua đó cho thấy, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra trên địa bàn Huyện còn chậm.

2.1.2. Thực trạng cơ cấu lại KTNN ở huyện Mỹ Tú giữa các ngành sản xuất

2.1.2.1. Trồng trọt

- Cây lúa: Kết quả phân tích cho thấy, sản lượng sản xuất lúa các năm của huyện Mỹ Tú đang có chiều hướng tăng từ 55.450 ha năm 2015 và lên 57.950 ha vào năm 2020, tăng bình quân 0.34 ha/năm. Sản xuất lúa chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng sản lượng trong ngành trồng trọt của toàn Huyện; trong đó, lúa đặc sản tăng đều qua các năm 2018 so với năm 2017 là 27,27%, năm 2019 so với năm 2018 là 14,28%, năm 2020 so với năm 2019 là 25%.      

- Rau, củ, quả các loại: Huyện Mỹ Tú đang duy trì trồng bồn bồn, sen lấy gương ở các xã vùng thấp, nhằm định hướng làm vùng nguyên liệu, với diện tích trên 300 ha. Bên cạnh đó, Huyện đã ứng dụng công nghệ, sản xuất theo hướng an toàn đối với diện tích rau củ quả ở vùng đất cao và các xã phụ cận có điều kiện đưa cây màu xuống chân ruộng.

- Màu lương thực, thực phẩm: Tính đến năm 2020, diện tích sản xuất màu lương thực, thực phẩm toàn Huyện chiếm 3.500 ha. Tổng diện tích sản xuất màu lương thực, thực phẩm không đổi từ năm 2016, nhưng có sự chuyển đổi diện tích trồng cây bắp và cây màu thực phẩm. Trong khi diện tích trồng bắp tăng đều qua các năm từ 600 ha (năm 2015) lên 1.000 ha (năm 2020); thì diện tích trồng màu thực phẩm lại giảm dần từ 2.850ha (năm 2015) giảm xuống còn 2.500 ha (năm 2020). Điều này cho thấy đã có sự chuyển đổi cây trồng trong cơ cấu sản xuất của huyện Mỹ Tú. Về sản xuất rau màu, tính đến năm 2020, diện tích màu liên kết đạt 17,2 ha ớt chỉ thiên tại xã Mỹ Phước, Phú Mỹ với Công ty Trương Việt.

- Cây công nghiệp ngắn ngày: Diện tích trồng mía giảm từ 2.200 ha năm 2015 và xuống 1.500 ha vào năm 2020 sang trồng tràm và lúa. Nhưng sản lượng thu hoạch giảm dần qua các năm, từ 209.000 tấn năm 2015 giảm xuống còn 150.000 tấn năm 2020.

- Cây ăn trái tập trung: Diện tích trồng cây ăn trái tập trung của huyện Mỹ Tú giai đoạn 2015-2020 tăng liên tục. Năm 2015 là 2.450 ha, đến năm 2020 là 3.000 ha, tăng trung bình gần 100ha/năm; tốc độ tăng trung bình là gần 4,2%/năm. Tuy nhiên, diện tích trồng cây ăn trái tập trung của Huyện tăng trưởng không ổn định, từ 1.050 ha năm 2015 lên 1.500 ha năm 2016, đến năm 2017 lại giảm xuống còn 1.200 ha, năm 2018 tăng lên lại mức 1.500 ha và hiện nay là 2.000 ha.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ cấu giống cây trồng của huyện Mỹ Tú những năm qua đã thay đổi theo hướng chất lượng cao. Cụ thể, năm 2016 có 10.240 ha diện tích trồng trọt sử dụng giống chất lượng cao (chiếm 16,96%); năm 2017 là 14.520 ha (chiếm 23,86%); năm 2018 diện tích là 18.109 ha; năm 2019 có diện tích là 19.720 ha (chiếm tổng số 35,24%); đến năm 2020 là 46.658 ha, chiếm 80,07%. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất càng góp phần vào việc giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Tính đến năm 2020, tỉ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Huyện chiếm 95% (trong đó, khâu làm đất và thu hoạch chiếm trên 98%).

2.1.2.2. Nuôi trồng thủy sản

Huyện đang phát huy lợi thế vùng trũng nhằm thực hiện các mô hình thâm canh cá đồng trong mùa nước nổi ở các xã vùng thấp (Long Hưng, Hưng Phú, Mỹ Tú và Mỹ Phước), nhằm giảm diện tích canh tác lúa vụ 3.

Số liệu thống kê cho thấy, diện tích nuôi tôm của huyện Mỹ Tú có tăng, nhưng không đều qua các năm. Cụ thể, năm 2015 là 228 ha, chiếm tỉ trọng 8,52% so với diện tích nuôi thủy sản 2.674 ha; đến năm 2020 là 101 ha giảm mạnh, chiếm tỉ trọng 2,70% so với diện tích nuôi thủy sản 3.738 ha. Ngoài ra, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, một số chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ ưu đãi, định hướng, đầu tư phát triển giống thủy sản đã mang lại giá trị kinh tế cao còn chậm; đáp ứng chưa tốt nhu cầu cao của thị trường; định hướng xuất khẩu, xuất khẩu tại chỗ còn thấp, qui mô nhỏ lẻ, cá thể.

Từ năm 2015 đến năm 2020, Huyện cơ bản đảm bảo đạt kế hoạch đề ra, diện tích nuôi cá năm sau tăng đáng kể so với năm trước, cụ thể vào năm 2016, 2018 lần lượt là 17,6%, 18,4%, thời điểm này chủ yếu phát triển diện tích cá đăng quầng. Ngoài ra, sản lượng cá qua các năm 2017, 2020 lần lượt là 17,5%, 44,2%.

2.1.3. Thực trạng cơ cấu lại lao động theo ngành kinh tế của huyện Mỹ Tú

Theo thống kê trong Niên giám thống kê huyện Mỹ Tú năm 2020, tổng dân số toàn Huyện là 90.420 người; dân số huyện có xu hướng ngày càng giảm. Nguyên nhân chính là do người dân di cư, chuyển khỏi địa phương lên các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm.

Cơ cấu lao động nhìn chung có sự chuyển dịch phù hợp với cơ cấu kinh tế của huyện Mỹ Tú, giảm số lượng lao động trong khu vực nông - lâm - thủy sản, tăng lao động khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Hiện nay, số lượng lao động làm việc trong khu vực nông - lâm - thủy sản vẫn chiếm đa số. Năm 2020, số lao động tham gia trong khu vực nông - lâm - thủy sản là 25.339 người (chiếm 76,18%); công nghiệp - xây dựng là 2.120 người (chiếm 6,37%) và dịch vụ là 5.801 người (chiếm 17,45%). Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch này còn chậm và tỉ lệ lao động qua đào tạo của địa phương còn chưa cao (năm 2020 là 43,6%) mặc dù đã có nhiều chương trình đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn.

2.1.4. Thực trạng phát triển một số ngành nghề liên quan đến sản xuất nông nghiệp

Theo số liệu từ UBND huyện Mỹ Tú, trong các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh Sóc Trăng, huyện Mỹ Tú đóng góp 29,65% lượng gạo xay xát, chiếm tỉ trọng khá. Tuy nhiên, số cơ sở và người lao động đang ngày càng giảm. Điều này cho thấy sức ép cạnh tranh trong những ngành nghề này ngày càng lớn.

2.1.5. Thực trạng phát triển kinh tế tập thể, trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp của huyện Mỹ Tú

Tính đến năm 2020, huyện Mỹ Tú có tổng số 9 hợp tác xã (HTX) (giảm 5 HTX so với năm 2015). 2 HTX ngừng hoạt động đang làm thủ tục chờ giải thể, 2 HTX hoạt động hiệu quả theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

+ Lĩnh vực nông nghiệp: Có 5 HTX nông nghiệp với 387 thành viên. Số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 20 lao động. Doanh thu bình quân của HTX là 25 triệu đồng; lợi nhuận bình quân 5 triệu đồng/HTX. Thu nhập bình quân của lao động làm việc trong HTX là 2,5 triệu đồng/người/tháng. 

+ Tổng nguồn vốn hoạt động của HTX hiện nay là 66.508 triệu đồng, tăng 5.272 triệu đồng so với năm 2015.

2.2. Đánh giá chung về cơ cấu lại KTNN huyện Mỹ Tú

2.2.1. Thành tựu trong cơ cấu lại KTNN huyện Mỹ Tú

Từ việc kế thừa và đổi mới trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, tổng sản lượng lúa huyện Mỹ Tú giai đoạn 2015-2020 đạt 368.388 tấn. Nổi bật là cơ cấu lại mùa vụ phù hợp, giảm dần diện tích lúa Thu Đông sang nuôi thủy sản, chú trọng tăng diện tích, sản lượng lúa đặc sản (chiếm 17,25%/tổng diện tích là 57.950 ha, tăng 333,33% so năm 2015). Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc thù của từng vùng và phù hợp với thị trường, đã chuyển đổi 1.500 ha mía sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Toàn Huyện hiện có 3.000 ha vườn cây ăn trái.

Diện tích thủy sản tăng lên đáng kể, phát huy lợi thế vùng trũng, đến nay, diện tích nuôi tôm, cá các loại 3.738 ha, tăng 1.064 ha so năm 2015.

Huyện hiện có 1 HTX cam xoàn, với diện tích 18 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và có 8 nhà lưới trồng rau màu. Kinh tế hợp tác tiếp tục phát triển, hiện có 15 HTX và 73 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (tăng 7 HTX, 3 THT so năm 2015). Qua hội nghị liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân do huyện tổ chức, nhiều HTX, THT thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản và cung ứng dịch vụ nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông hộ.

2.2.2. Tồn tại và hạn chế trong cơ cấu lại KTNN huyện Mỹ Tú

- Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển biến chậm; nông nghiệp có tăng trưởng, nhưng thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh thấp.

+ Cơ cấu kinh tế đã có chuyển biến nhưng còn chậm, trồng trọt vẫn còn chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu chung. Với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 đạt bình quân ở mức 6,34%/năm, dễ bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường.

+ Sau thu hoạch công nghệ bảo quản, chế biến sử dụng còn kém phát triển, nên chất lượng nhiều loại nông sản, cùng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh nhiều sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Một số lượng không nhỏ nông sản tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng sơ chế, thô nên giá trị gia tăng rất thấp, chưa có thương hiệu.

+  Sau thu hoạch tổn thất về chất lượng, số lượng còn lớn. Chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thấp, việc áp dụng các tiêu chuẩn, qui chuẩn kĩ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được chú trọng.

+ Kết cấu KTNN vẫn chủ yếu là thuần nông (sản xuất nông nghiệp chiếm trên 90%), sản xuất nông nghiệp (với 30.058 ha/36.819 ha, chiếm tỉ trọng 81,63%) vẫn nặng về trồng trọt. Các hoạt động phi nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp còn chiếm tỉ lệ nhỏ, chưa đủ sức thu hút tạo việc làm để thúc đẩy cơ cấu lại lao động nông thôn.

- Nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp và xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cơ cấu lại kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.

- Khả năng quản lí của một bộ phận cán bộ HTX còn yếu; Chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhiều HTX, THT thấp, chưa bảo đảm các nguyên tắc của Luật Hợp tác xã; Quan hệ sản xuất chậm đổi mới, các hình thức tổ chức sản xuất thiếu hiệu quả: qui mô của các HTX nông nghiệp, THT còn nhỏ.

+ Nguồn vốn góp của các xã viên chưa cao, nhiều xã viên có trên danh nghĩa nhưng không có vốn để góp; Việc huy động vốn cho hoạt động kinh doanh, dịch vụ gặp nhiều khó khăn; Xã viên chưa quen với việc trả phí dịch vụ do ảnh hưởng từ thói quen được phục vụ và tâm lí trông chờ ỷ lại; Ngân hàng ít cho vay vốn vì lòng tin đối với các HTX nông nghiệp thấp.

+ Kinh tế trang trại do qui mô còn nhỏ và chiếm một tỉ lệ không đáng kể trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như kinh tế nông thôn, hằng năm có tăng về số lượng, nhưng không tác động, ảnh hưởng nhiều.

+ Trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu ràng buộc, chưa hiệu quả và còn nhiều hạn chế giữa các hình thức liên kết.

- So với mặt bằng chung thì nông thôn vẫn nghèo và phát triển chậm, chưa có chuyển biến rõ nét, đời sống một bộ phận nông dân chậm được cải thiện. Nhìn chung, đời sống của đại bộ phận dân cư nông thôn cũng có nâng cao, nhưng thu nhập của người dân nông thôn vẫn còn thấp so với các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn; yêu cầu về việc làm ngày càng gay gắt, khó khăn.

- Sản xuất hàng hóa tuy đã đạt được kết quả khả quan, song sản lượng chưa nhiều, chất lượng chưa ổn định, chưa tạo tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất chưa gắn kết được các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, các sản phẩm sản xuất chủ yếu chưa qua chế biến (bán thô) nên giá trị còn thấp và thường bị thương lái ép giá khi mùa màng bội thu.

3. Giải pháp tác động sự cơ cấu lại KTNN huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới

Để cơ cấu lại và phát triển bền vững nền nông nghiệp Huyện trên cơ sở liên kết vùng, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, cần có những giải pháp thiết thực, tích cực hơn nữa trong thời gian tới:

Thứ nhất, giải pháp liên kết trong nông nghiệp.

Trên cơ sở các quyết định, qui định pháp lí của Chính phủ về liên kết của từng vùng, từng địa phương, các huyện, thị, thành phố có thể kí kết các thỏa thuận, qui chế liên kết trong một số lĩnh vực có thế mạnh, nhất là trong trồng trọt, thủy sản và có thể triển khai ngay vào thực tế để phát huy hiệu quả của các mô hình liên kết đã có.

Cần quan tâm xây dựng, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, các vùng chuyên canh, nâng cao năng lực tổ chức và quản lí của người nông dân ,tăng cường mối liên kết “4 nhà” theo những mô hình hợp tác kiểu mới. Chú trọng cải tiến, đổi mới cơ chế, chính sách tạo nền tảng cho tiến trình cơ cấu lại, để đảm bảo hài hòa việc phân tích lợi ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất tiêu thụ lúa gạo.

Thứ hai, cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất. Tiếp tục chính sách hỗ trợ tín dụng cho các HTX, THT, chủ trang trại và hộ nông dân mua sắm máy móc tiên tiến, thiết bị phục vụ nhu cầu cơ giới hóa của mình và làm dịch vụ cho các hộ khác trong vùng; trong đó, tập trung vào các khâu tỉ lệ cơ giới hóa còn đang thấp, cụ thể:

+ Đối với trồng trọt: tập trung vào các khâu gieo sạ, phun thuốc và phơi sấy, đặc biệt đối với sản xuất lúa cần đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ tất cả các khâu trong quy trình sản xuất.

+ Đối với nuôi trồng thủy sản: ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất giống cùng mô hình nuôi thâm canh, đảm bảo xử lí tốt về chất thải để đảm bảo cân bằng sinh thái, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo nhu cầu từng phân khúc thị trường.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ.

Với mục tiêu công nghiệp hóa quy trình sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn chất lượng, năng suất cao, giữ vững yếu tố vượt trội chất lượng, giảm giá thành, nâng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, tạo thu nhập cho đơn vị sản xuất.

Ưu tiên cho các đề tài nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thí điểm tạo đột phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững.

Nghiên cứu, chọn tạo và đưa vào sản xuất các giống cây trồng - thủy sản có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chịu hạn, chịu ngập úng và có sức đề kháng sâu bệnh cao; nghiên cứu, ứng dụng các chế phẩm phân bón, nông dược và nuôi trồng thủy sản sản xuất theo hướng công nghiệp, an toàn thực phẩm và môi trường; các phương pháp kĩ thuật chẩn đoán nhanh, chính xác về sâu, bệnh, dịch hại, dư lượng thuốc - hóa chất trong nông sản hàng hóa…

Thứ tư, xây dựng và thí điểm các khu nông nghiệp công nghệ cao trồng trọt, thủy sản dựa vào những tiến bộ khoa học - công nghệ mới. Ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin. Xây dựng các mô hình liên kết, quản lí theo tiêu chí hiện đại dựa vào tri thức mới, trí tuệ nhân tạo.

Thứ năm, khuyến khích phát triển trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp. Trên cơ sở các qui định, chính sách hỗ trợ của Nhà nước phát triển, kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào kinh tế nông nghiệp qui mô lớn. Ưu tiên các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm, có vốn lớn trên thị trường. Các trang trại sẽ là nền tảng quan trọng để cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp huyện Mỹ Tú. Cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ sáu, giải pháp về tiêu thụ sản phẩm. Củng cố, sắp xếp lại hệ thống thu mua, chế biến - xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt và thủy sản. Xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng cụ thể đối với từng mặt hàng xuất khẩu cũng như các tiêu chuẩn, quy trình kĩ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến - xuất khẩu trồng trọt, thủy sản.

Hoàn chỉnh cơ chế, chính sách điều tiết lợi ích hợp lí, hài hòa giữa các chủ thể tham gia trong chuỗi GTGT đối với nông sản hàng hóa; đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở các thị trường truyền thống, tổ chức các sự kiện quảng bá và giới thiệu sản phẩm tới các thị trường mới.

Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc quảng bá hàng hóa, trước hết là phát triển hệ thống thông tin thị trường, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về quản lí chất lượng nông sản hàng hóa theo yêu cầu của thị trường.

Thứ bảy, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông. Thực hiện khuyến nông theo ngành hàng, cụm sản xuất, đáp ứng yêu cầu mục tiêu của cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp.

Củng cố mạng lưới khuyến nông từ huyện xuống đến xã, thị trấn trên cơ sở nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ khuyến nông cấp huyện. Có chính sách ưu đãi để thu hút cán bộ khuyến nông về cơ sở và ổn định mạng lưới khuyến nông viên. Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, lồng ghép chương trình khuyến nông vào các trường học và lớp trung tâm dạy nghề.

Tăng cường chi phí đầu tư từ ngân sách, tranh thủ các nguồn vốn tài trợ trong và ngoài nước cũng như kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, tỉnh tham gia trực tiếp vào công tác khuyến nông. Phối hợp chặt chẽ với các viện, trường, các trung tâm nghiên cứu, các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng, trên cơ sở phát huy có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, phong phú hóa một cách thiết thực các hoạt động khuyến nông để người nông dân có thể tiếp nhận nhanh nhất, ứng dụng hiệu quả nhất các tiến bộ kĩ thuật và công nghệ vào sản xuất, kích thích tính sáng tạo của người nông dân trên địa bàn huyện.

4. Kết luận

Huyện Mỹ Tú là huyện thuần nông. Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân trong Huyện đã không ngừng chú trọng, phát huy tiềm năng, lợi thế từ KTNN để phục vụ cho quá trình phát triển, trước mắt đảm bảo an ninh lương thực. Sản xuất nông nghiệp của huyện Mỹ Tú được thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và phát triển bền vững. Từ năm 2015-2020, các chương trình, dự án, đề án được huyện Mỹ Tú triển khai đồng bộ và mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, KTNN huyện Mỹ Tú phát triển còn chậm so với các huyện lân cận, qui mô còn nhỏ bé. Để cơ cấu KTNN huyện Mỹ Tú phát triển bền vững và toàn diện, phải coi cơ cấu lại KTNN là mũi nhọn của Huyện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mỹ Tú (2020). Báo cáo Chính trị lần thứ XI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
  2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2020). Quyết định số 816/QĐ-BNN-KH Ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện Bộ Tiêu chí giám sát đánh giá cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đến năm 2020.
  3. Chính phủ (2017). Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
  4. Cục Thống kê tỉnh Sóc Trăng. Niên giám Thống kê 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, 2020.
  5. Phạm Thị Lan Anh (2019). Xuất khẩu nông sản Việt Nam: Thách thức về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 267, 56.
  6. Nguyễn Xuân Cường (2020). Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Nhìn lại năm 2019 và hướng tới năm 2020. Tạp chí Cộng sản, 3, 12-15.
  7. Nguyễn Xuân Dũng (2007). Về giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiện nay. Tạp chí Cộng sản, 9, 42.
  8. Ngô Trường Duy (2019). Giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Luận văn thạc sĩ Quản lý kinh tế, Trường Đại học Trà Vinh.
  9. UBND tỉnh Sóc Trăng (2019), “Báo cáo số 364/BC-UBND ngày 27/12/2019 về kết quả thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”.
  10. UBND huyện Châu Thành (2020), “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Thành giai đoạn 2021-2025”.
  11. UBND huyện Mỹ Tú (2014), “Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020 huyện Mỹ Tú”.
  12. UBND huyện Thạnh Trị (2018), “Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020”.
  13. UBND tỉnh Sóc Trăng (2014), “Đề án số 04/ĐA-UBND, ngày 25/6/2014 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020”.
  14. UBND huyện Mỹ Tú. Lịch sử truyền thống, văn hóa. Truy cập tại https://mytu.soctrang.gov.vn/ huyenmytu/1304/33053/62307/Lich-su-truyen-thong--van-hoa/

SOLUTIONS TO THE AGRICULTURAL ECONOMIC RESTRUCTURING

OF MY TU DISTRICT, SOC TRANG PROVINCE

• NGUYEN QUANG HUY

Tra Vinh University

ABSTRACT:

This paper analyzes the current agricultural economic restructuring of My Tu District, Soc Trang Province to clearly show the district’s restructuring process and solutions to restructure the districts cultivation and aquaculture fields. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to support the districts agricultural economic restructuring.

Keywords: agricultural economy, economic structure, My Tu District, Soc Trang Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]