Gia tăng giá trị cho đặc sản - Câu chuyện bí xanh thơm Ba Bể

Nhờ giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ khâu sản xuất, chế biến đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hiện nay bí xanh thơm của Ba Bể đã được đưa đi tiêu thụ các địa phương trong cả nước và được phát triển thành nhiều sản phẩm đa dạng, mang lại giá trị kinh tế cao.

Chế biến sâu tạo ra các sản phẩm mới

Bí xanh thơm Ba Bể là cây trồng đặc sản bản địa của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn được trồng chủ yếu ở các xã Yến Dương, Địa Linh diện tích gần 200 ha, sản lượng gần 6.500 tấn quả.

Từ chỗ là cây trồng bản địa của huyện Ba Bể, chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ ở địa phương, nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, bí xanh thơm đã trở thành cây trồng chủ lực, đặc sản, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, chuỗi sản phẩm sạch, trong đó có 03 ha được cấp chứng nhận VietGAP, 02 ha được cấp chứng nhận hữu cơ.

Câu chuyện bí xanh thơm Ba Bể
Bí xanh thơm Ba Bể - cây trồng đặc sản bản địa của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Cùng với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ khâu sản xuất, chế biến đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hiện nay bí xanh thơm của Ba Bể đã được đưa đi tiêu thụ các địa phương trong cả nước. Tại Hà Nội và miền Nam, bí xanh thơm Ba Bể đã được bán tại Coopmart, Winmart, Lottemart.

Thời gian gần đây, từ bí xanh thơm các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện không ngừng nghiên cứu, sáng tạo để chế biến sâu tạo ra các sản phẩm mới như trà bí xanh thơm, bí thái lát, bột bí, mứt bí,… Từ đây, các sản phẩm bảo quản được lâu hơn, tiêu thụ xa hơn và gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm.

Bà Ma Thị Ninh, Giám đốc Hợp tác xã Yến Dương cho biết, cây bí thơm được người dân xã gìn giữ và phát triển theo quy trình sản xuất sạch, an toàn. Cây bí thơm được xác định là một trong những cây trồng chính, đêm lại hiệu quả kinh tế cao của huyện Ba Bể. Vùng nguyên liệu 30 ha, trong đó 10 ha đạt chuẩn hữu cơ PGD.

Sản phẩm bí thơm của Hợp tác xã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020, cùng với các Hợp tác xã trên địa bàn duy trì việc liên kết sản xuất. Sản lượng năng suất trung bình hàng năm tiêu thụ từ 500 - 700 tấn/năm, với năng suất đạt 25-30 tấn/ha bí phấn, 30 - 35 tấn/ha đối với bí vỏ xanh.

Hiện nay, với việc áp dụng quy trình chế biến và công nghệ hiện đại, Hợp tác xã đã phát triển thêm nhiều sản phẩm từ quả bí thơm: Trà bí thơm túi lọc, trà bí thơm hòa tan, nước ép bí thơm,... Năm 2022, sản phẩm Trà bí thơm của đơn vị đã được cấp Chứng nhận hữu cơ PGS, Chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2018 và đạt sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiểu biểu cấp tỉnh.

“Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, đến nay sản phẩm đã được người tiêu dùng trên địa bàn cả nước tiêu thụ rộng rãi. Mục tiêu của Hợp tác xã không chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ sản phẩm tươi cho bà con, mà còn hướng đến việc đi sâu vào chế biến giá trị của quả bí thơm ngày càng được nâng lên. Việc sản xuất thành công sản phẩm trà bí thơm là hướng đi lâu dài, từ đó tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ giữa Hợp tác xã và người dân trên địa bàn.” - Bà Ma Thị Ninh nhấn mạnh

Tăng cường các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ bí xanh thơm

Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm Ba Bể gắn với hoạt động trải nghiệm tại vườn bí xanh thơm năm 2023 mới đây, ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh Bắc Kạn những năm vừa qua đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đến nay đã tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, có sức hút mạnh mẽ trên thị trường cả trong và ngoài nước.

Câu chuyện bí xanh thơm Ba Bể
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm Ba Bể gắn với hoạt động trải nghiệm tại vườn bí xanh thơm năm 2023 đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kết nối tiêu thụ bí xanh thơm, sản phẩm OCOP.

Riêng đặc sản bí xanh thơm đã được tập trung giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ, hình thành các liên kết bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân với nhà phân phối, người tiêu dùng tại các tỉnh thành trong nước.

"Việc liên kết đầu tư trồng và tiêu thụ sản phẩm của các Hợp tác xã và các hộ nông dân đã giúp nông dân yên tâm sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu trên địa bàn huyện Ba Bể" - ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn nhận định.

Bên cạnh các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, ông Đinh Lâm Sáng cho biết, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã tích cực hỗ trợ các Hợp tác xã đưa sản phẩm bí xanh thơm tham gia các sàn thương mại điện tử.

Thời gian tới, để bí xanh thơm phát triển bền vững hơn nữa, Uỷ ban nhân dân huyện Ba Bể tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương, hợp tác xã, nhóm hộ trồng cây bí xanh thơm theo hướng sản xuất nông sản sạch, ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, “các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ bí xanh thơm trên địa bàn huyện cần phải duy trì và củng cố mối liên kết chặt chẽ với các hộ nông dần trồng bí để hỗ trợ về kỹ thuật, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, có cơ chế chia sẻ hài hoà lợi ích giữa đơn vị tiêu thụ với lợi ích của người nông dân mới có thể duy trì liên kết sản xuất một cách lâu dài và ổn định.” ông Đinh Lâm Sáng khuyến nghị.

Bí xanh thơm Ba Bể
Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chú trọng nghiên cứu các sản phẩm quà tặng từ bí xanh thơm để có thể gắn sản phẩm với bảo tồn giá trị văn hoá và phát triển du lịch của địa phương.

Mặt khác, các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng cần chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm thị trường, đa dạng hoá sản phẩm từ bí xanh thơm để phát huy giá trị, lợi thế của sản phẩm, đặc biệt nghiên cứu các sản phẩm quà tặng từ bí xanh thơm để có thể gắn sản phẩm với bảo tồn giá trị văn hoá và phát triển du lịch của địa phương.

Thông qua những tuần hàng, lễ hội văn hoá hay chương trình kích cầu du lịch có thể thu hút khách tiêu dùng trong nước và quốc tế đến trải nghiệm trực tiếp sản phẩm. Việc gắn tiêu thụ bí xanh thơm Ba Bể với hoạt động trải nghiệm tại vườn bí xanh thơm không chỉ phát huy tiềm năng, thế mạnh của sản vật địa phương mà còn nâng cao giá trị của các di sản văn hoá thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch.

“Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, không dừng lại ở bán sản phẩm tươi mà còn hướng tới đa dạng các sản phẩm từ chế biến đáp ứng nhu cầu của thị trường như trà, sản phẩm làm đẹp. Hình thành vùng trồng gắn với trải nghiệm du lịch, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất đến với địa phương.” -  Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn cho biết.

Huyền My