Giá LNG tăng đột biến khiến nhiều nước châu Á đối mặt khủng hoảng năng lượng

Giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) trên thị trường giao ngay châu Á hiện đã cao gần gấp 10 lần so với thông thường mọi năm. Điều này khiến nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo các nước mới nổi tại châu Á như Ấn Độ và Pakistan có thể đối mặt với rủi ro khủng hoảng năng lượng.

Tác động lan toả từ cuộc khủng hoảng khí đốt tại châu Âu

Theo tờ báo Nikkei Asia (Nhật Bản), giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) giao ngay tại thị trường châu Á hiện đã cao hơn gần gấp 10 lần so với mức giá trung bình các mùa hè trước đây. Điều này đang gia tăng áp lực với các quốc gia mới nổi phụ thuộc vào nhập khẩu LNG mà không có nguồn ngoại tệ dồi dào. 

Giá LNG giao ngay tại châu Á hiện dao động quanh mức 40 USD/mmBtu, tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong ngày 27/, giá mặt hàng này có lúc tăng vọt lên mức 50 USD/mmBtu - mức cao nhất kể từ đầu tháng 3, thời điểm khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng phát. Thông thường, giá LNG tại châu Á sẽ đạt đỉnh vào mùa Đông và giảm xuống vào mùa hè. Cho đến trước năm 2020, giá LNG giao ngay tại châu Á chỉ đạt trung bình 5 USD/mmBtu.

Giới phân tích nhận định việc giá LNG giao ngay tại châu Á ở mức cao kỷ lục như hiện nay chủ yếu do tác động lan toả từ cuộc khủng hoảng khí đốt tại châu Âu đang diễn ra chứ không xuất phát từ việc nhu cầu của thị trường châu Á tăng lên. Trên thực tế, lượng LNG được các quốc gia tiêu thụ chính ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong 7 tháng đầu năm nay đều suy giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tàu chở khí LNG
Nhiều quốc gia EU, điển hình là Pháp và Tây Ban Nha, đang tích cực thu mua các lô LNG trên thị trường trong thời gian gần đây nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cho mùa Đông sắp tới. Nhiều chuyến tàu chở LNG cho các khách hàng tại châu Á đã chuyển hướng đến châu Âu khi giá khí tại châu Âu tăng cao kỷ lục (Ảnh: Nikkei Asia)

Trong khi đó, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đang thu gom mọi nguồn cung khí đốt có thể nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Nga cũng đã giảm mạnh lượng khí đốt cung ứng cho EU, thậm chí ngưng cung ứng cho một số quốc gia, trong bối cảnh phương Tây tăng cường trừng phạt Nga. Theo dự kiến, EU sẽ giảm 2/3 lượng khí đốt được nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay. Trong năm 2021, nguồn cung khí đốt từ Nga chiếm đến 40% tổng nhu cầu sử dụng khí đốt của EU.

Hãng tư vấn năng lượng hàng đầu thế giới Rystad Energy (Na Uy) cảnh báo nguy cơ khan hiếm LNG trên toàn cầu càng trở nên rõ ràng hơn khi EU tuyên bố sẽ tăng nhập khẩu khí LNG trong năm nay thêm 50 tỷ m3 so với năm 2021. Theo đơn vị này, nếu EU giảm mạnh được sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga đúng như những gì mà khối này lên kế hoạch thì nhu cầu LNG trên toàn cầu vào cuối năm nay sẽ cao hơn tới 26 triệu tấn so với năng lực cung ứng hiện nay. Mức thiếu hụt này tương đương gần 7% tổng nhu cầu sử dụng LNG trên toàn cầu trong năm 2021, kéo theo đó là sự tăng vọt giá mặt hàng năng lượng này trong thời gian tới, nhất là khi mùa Đông đang đến gần.

Vào cuối tháng 7, giá khí đốt trên sàn TTF (Hà Lan) đã có lúc tăng lên tới gần 65 USD/mmBtu, gấp 2,7 lần so với mức thấp nhất trong tháng 6. Giá khí đốt TTF được xem là mức giá chuẩn cho các giao dịch khí đốt tại châu Âu.

Các nền kinh tế mới nổi châu Á đối mặt khủng hoảng năng lượng 

Giới phân tích cảnh báo việc các quốc gia châu Âu tăng cường thu gom khí tự nhiên sẽ khiến các quốc gia châu Á phải nâng giá chào mua để đảm bảo nguồn cung. Điều này khiến những quốc gia châu Á mới nổi như Ấn Độ, Pakistan sẽ đối mặt rủi ro năng lượng lớn.

Ngay cả những quốc gia phát triển có tiềm lực kinh tế tốt như Nhật Bản và Hàn Quốc, giá LNG nhập khẩu tăng lên sẽ khiến giá điện tăng, từ đó tác động tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế.

Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Kepler (Singapore), lượng LNG được Pakistan nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm nay giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Nước này cũng ngưng bỏ thầu 10 lô hàng LNG dự kiến được nhập khẩu trong khoảng tháng 7 – tháng 9 do giá tăng. Khí đốt chiếm khoảng 46% nguồn cung điện của Pakistan.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cho biết “Pakistan không đủ khả năng tài chính để mua LNG ở mức giá cao như hiện tại do sự hạn chế trong nguồn dự trữ ngoại tệ phân bổ cho nhiên liệu”.

Một cơ quan giám sát độc lập ở Australia đầu tuần này đã đề xuất Chính phủ Australia hạn chế xuất khẩu LNG. Thị trường hiện đang theo sát phản ứng của Chính phủ Australia với khuyến nghị này. Australia hiện là quốc gia xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Nếu Australia siết chặt nguồn cung LNG sẽ khiến thị trường LNG toàn cầu rối loạn, cũng như gây ra những xung đột ngoại giao lớn nếu các nước mới nổi tìm tới Nga để nhập khẩu LNG.

Các chuyên gia lo ngại nhiều nước châu Á khó có thể cạnh tranh với châu Âu trong việc giành lấy các nguồn cung khí LNG và thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn khi cân bằng giữa nhu cầu của châu Á và châu Âu trong mùa Đông tới đây. Giá khí LNG trên thế giới được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa do nhu cầu từ châu Âu tăng lên.

Tường Vy