Giá dầu thô tăng trở lại, Đức đột ngột thay đổi quan điểm về việc cấm nhập khẩu dầu từ Nga

Giá dầu thô thế giới đang tăng trở lại sau khi Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đột ngột cho biết không ủng hộ việc cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô tại châu Âu sẽ tiếp tục được duy trì.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 11h00 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 6/2022 giao dịch quanh mức 107,80 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2022 giảm nhẹ 0,08% xuống mức 105,38 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô Brent tăng mạnh 2,27 USD lên mức 107,59 USD/thùng khi giới chức Chính phủ Đức bất ngờ cho biết nước này không ủng hộ việc cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ Nga do lo ngại nền kinh tế Đức cũng như toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Động thái này hoàn toàn trái ngược với những gì Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu trong tuần trước về kế hoạch Đức sẽ giảm một nửa lượng dầu được nhập khẩu từ Nga vào mùa Hè năm nay và tiến tới giảm hoàn toàn vào cuối năm, tiếp sau đó sẽ là khí đốt.

Như vậy, Đức, Hungary, Áo và một số quốc gia thành viên EU đã chính thức lên tiếng phản đối đề xuất cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga. Điều này khiến thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô tại châu Âu sẽ được đảm bảo và có thể tăng lên trong thời gian tới.

Uỷ ban châu Âu cuối tháng trước xác nhận EU đặt mục tiêu hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo EU sẽ mất nhiều thời gian để có thể tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế nguồn cung từ Nga.

Giá dầu thô còn được nâng đỡ bởi căng thẳng gia tăng giữa Nga – Ukraine sau khi Ukraine tố cáo Nga không kích tên lửa hành trình vào thủ đô Kyiv ngay khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov đang thăm nơi này. Đây cũng là lần đầu tiên Nga tấn cống Kyiv kể từ giữa tháng 4. Trong ngày 27/4, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria do hai nước này từ chối thanh toán bằng đồng Ruble.

Giới quan sát nhận định cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine sẽ khó có thể sớm chấm dứt trong bối cảnh liên minh quân sự NATO cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine trong một cuộc chiến có thể “kéo dài nhiều tháng và nhiều năm” và chuyển giao nhiều khí tài quân sự hiện đại cho nước này. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng vừa đề xuất Quốc hội Hoa Kỳ thông qua khoản viện trợ lên đến 33 tỷ USD cho Ukraine.

Những bất ổn địa chính trị kéo dài liên quan đến cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nguồn cung dầu thô từ Nga ra thị trường quốc tế cũng như thay đổi dòng chảy năng lượng trên toàn cầu.

Quỳnh Trang