Giá dầu thô hôm nay 13/6: Thị trường lo ngại Trung Quốc tái phong toả trở lại và lạm phát cao kỷ lục tại Hoa Kỳ

Giá dầu thô chịu áp lực giảm trong ngày hôm nay 13/6 do lo ngại nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc sẽ còn ở mức yếu khi nước này có thể tái phong toả trở lại để kiểm soát dịch Covid-19. Giá dầu thô cũng phản ứng tiêu cực với việc lạm phát tại Hoa Kỳ ở mức cao nhất hơn 40 năm qua.
Diễn biến giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong 30 ngày gần đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 13h30 chiều nay ngày 13/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 8/2022 giao dịch quanh mức 120,53 USD/thùng, giảm 1,25% so với mức giá mở cửa; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 1,27% xuống còn 119,14 USD/thùng.

Giá dầu thô thế giới chịu áp lực giảm sau khi giới chức Trung Quốc cảnh báo về một đợt bùng phát lây nhiễm Covid-19 mới tại nước này. Số ca nhiễm mới Covid-19 tại Thượng Hải và Bắc Kinh đã tăng trở lại làm dấy lên lo ngại hai thành phố lớn nhất Trung Quốc sẽ bị phong toả một lần nữa sau khi chỉ vừa nới lỏng các biện pháp phòng dịch sau hơn 2 tháng áp dụng. Điều này sẽ khiến triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc trong ngắn hạn suy giảm.

Giới chức Trung Quốc cũng phát đi tín hiệu cho thấy sẽ kiên trì theo đuổi chiến lược “Zero Covid” (Không ca nhiễm Covid-19). Ngân hàng Thế giới (WB) vừa giảm dự báo tăng trưởng của nước này xuống còn 4,3% với lo ngại các đợt phong toả để kiểm soát dịch Covid-19 sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phục hồi kinh tế bền vững của nước này. Mức tăng trưởng này thấp hơn đáng kể so với mức mục tiêu 5,5% mà Trung Quốc đề ra.

Bên cạnh đó, giá dầu thô còn chịu tác động tiêu cực từ việc lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ trong tháng 5 vừa qua tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn hồi tháng 4 và chạm mức cao nhất kể từ năm 1981. Số liệu này cao hơn so với dự báo của các chuyên gia phân tích đưa ra trước đó, dập tắt kỳ vọng lạm phát tại Hoa Kỳ đã đạt đỉnh.

Việc FED tăng mạnh lãi suất sẽ khiến đồng USD tăng giá, giảm sức hấp dẫn đối với các loại hàng hoá được định giá bằng đồng USD như dầu thô. Ngoài ra, việc FED buộc phải tăng lãi suất quá nhanh và mạnh sẽ đẩy Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, rơi vào suy thoái. Đây là rủi ro được cảnh báo liên tục gần đây, một số nhà kinh tế cho rằng Hoa Kỳ sẽ suy thoái trong năm sau, kéo theo đó là sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng nhiên liệu.

Chuyên gia phân tích Stephen Innes của quỹ đầu tư SPI Asset Management (Hoa Kỳ) nhận định “Việc đồng USD mạnh lên và thị trường lo ngại nhiều hơn về rủi ro đình lạm, lạm phát cao và tăng trưởng thấp, đang gây tác động tiêu cực đến thị trường”.

Theo ông Stephen Innes, Trung Quốc đang là nhân tố chính làm giảm giá dầu thô trong ngắn hạn. Tuy nhiên, khi Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh và nới lỏng các biện pháp phong toả thì nhu cầu sử dụng dầu thô của nước này được dự báo sẽ tăng mạnh trở lại, giúp giá dầu thô phục hồi.

Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô Brent vẫn tăng hơn 2% - xác lập tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp; giá dầu thô WTI tăng 1,8% - xác lập tuần tăng giá thứ 7 liên tiếp. Giá dầu thô hiện vẫn quanh vùng giá cao nhất trong 14 năm trở lại đây. Thị trường hiện đang theo dõi chặt chẽ khả năng suy giảm nguồn cung dầu thô do đình công tại Na Uy và căng thẳng địa chính trị tại Libya.

Tường Vy