Giá dầu thô 31/5: Tiếp tục giảm sau khi bất ngờ mất hơn 4%, thị trường phản ứng tiêu cực về vấn đề nâng trần nợ công Hoa Kỳ

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 31/5, giá dầu thô thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm sau khi đột ngột mất hơn 4% trong ngày hôm qua. Tâm lý thị trường chịu tác động tiêu cực từ các vấn đề xung quanh việc nâng trần nợ công của Hoa Kỳ.
Diễn biến giá dầu thô thế giới
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 73,57 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 69,48 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 30/5, giá dầu thô Brent và WTI đã lao dốc mất hơn 4%; trong đó, giá dầu thô WTI mất ngưỡng 70 USD/thùng. Thị trường phản ứng tiêu cực khi giới đầu tư lo ngại liệu lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ có thông qua thoả thuận trần nợ công hay không và các thông tin trái chiều về vấn đề cắt giảm nguồn cung dầu của liên minh OPEC+.

Cụ thể, một số nghị sĩ có quan điểm cứng rắn thuộc đảng Cộng hoà tại Hoa Kỳ cho biết họ có thể phản đối thoả thuận nâng trần nợ công mà Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thuộc đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy mới đạt được vào cuối tuần trước.

Theo kế hoạch, thoả thuận nâng trần nợ công này sẽ được chuyển đến Hạ viện Hoa Kỳ xem xét thông qua trong ngày 31/5 (theo giờ địa phương); đảng Cộng hoà hiện đang nắm đa số ghế tại Hạ viện Hoa Kỳ. Nếu thoả thuận nâng trần nợ công này không được thông qua tại Hạ viện Hoa Kỳ thì Chính phủ Hoa Kỳ sẽ đối mặt với rủi ro vỡ nợ lớn hơn.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết thoả thuận nâng trần nợ công cần được cả Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ thông qua trước ngày 5/6 - thời điểm Chính phủ Hoa Kỳ không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính. Giới phân tích cảnh báo sự kiện Chính phủ Hoa Kỳ vỡ nợ sẽ tác động tiêu cực đến thị trường tài chính trên quy mô toàn cầu, thậm chí có thể kích hoạt một đợt suy thoái.

Cả Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đang kêu gọi các nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ và nhanh chóng thông qua thoả thuận nâng trần nợ công hiện nay. Giới quan sát nhận định các thị trường tài chính, bao gồm thị trường dầu thô sẽ còn tiếp tục biến động cho đến khi vấn đề nâng trần nợ công của Hoa Kỳ chính thức có kết quả.

Tính từ đầu tháng 5 đến hết ngày 30/5, giá dầu thô Brent đã giảm 7% và giá dầu thô WTI giảm 9%.

Bên cạnh vấn đề trần nợ công, tâm lý thị trường còn chịu tác động từ các thông tin mâu thuẫn về phương hướng chính sách khai thác dầu thô của liên minh OPEC+ khi tổ chức này sắp nhóm họp định kỳ vào ngày 4/6 tới đây.

Saudi Arabia đã phát tín hiệu cho thấy liên minh OPEC+ có thể cắt giảm thêm sản lượng khai thác nhằm củng cố giá dầu thô. Theo tính toán gần nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Saudi Arabia cần giá dầu thô ở mức 80,9 USD/thùng để cân bằng ngân sách trong năm nay.

Tuy nhiên, Nga lại nhận định giá các mặt hàng năng lượng hiện nay đang tiệm cận mức “phù hợp về mặt kinh tế” và kỳ vọng liên minh OPEC+ sẽ không đưa ra chính sách khai thác mới. Nga và Saudi Arabia là hai quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất liên minh OPEC+.

Giới đầu tư hiện cũng đang chờ đợi các dữ liệu mới nhất về mức dự trữ dầu thô tại Hoa Kỳ, dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày 31/5 (theo giờ địa phương). Khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy các nhà phân tích dự báo lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đẫ giảm khoảng 1,2 triệu thùng.

Tường Vy