Giá dầu thô 24/5: Tiếp đà tăng, kỳ vọng OPEC+ sẽ cắt giảm thêm sản lượng

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 24/5, giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng nhẹ khi thị trường kỳ vọng liên minh OPEC+ sẽ cắt giảm thêm sản lượng khai thác và dự trữ dầu thô tại Hoa Kỳ sụt giảm mạnh.
Diễn biến giá dầu thô thế giới
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 73,76 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 77,68 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua (23/5), giá dầu thô thế giới đã tăng 1,2%.

Thị trường đang được nâng đỡ nhờ thông tin từ Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) cho biết lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã sụt giảm mạnh. Hiện thị trường chờ đợi dữ liệu chính thức sẽ được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố trong ngày hôm nay (theo giờ địa phương).

Nếu thông tin trên được xác nhận thì lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ sẽ ghi nhận tuần giảm xuống thứ ba liên tiếp, chạm mức thấp nhất trước thời điểm mùa Hè kể từ năm 2014. Giới đầu tư hiện tập trung đánh giá triển vọng tiêu thụ nhiên liệu tại Hoa Kỳ khi thị trường chuẩn bị bước vào mùa Hè - mùa cao điểm tiêu thụ.

Giá dầu thô còn được nâng đỡ nhờ kỳ vọng liên minh OPEC+ có thể tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác trong thời gian tới. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia vừa cho biết những nhà đầu tư đang đặt cược vào việc giá dầu thô còn tiếp tục giảm sẽ phải “thất vọng”.

Phát biểu này cho thấy liên minh OPEC+ nhiều khả năng sẽ siết chặt nguồn cung dầu hơn nữa vào phiên họp định kỳ ngày 4/6 tới đây để củng cố giá dầu thô, theo nhận định của chuyên gia phân tích thị trường Craig Erlam từ hãng chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ). Ông Craig Erlam cũng cho biết giá dầu thô Brent cần tăng vượt ngưỡng 77,50 USD/thùng để bước vào một đợt tăng giá mới.

Vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu trong năm nay sẽ tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 102 triệu thùng/ngày. Con số này cao hơn 1,3 triệu thùng/ngày so với mức tiêu thụ toàn cầu vào năm 2019. Trong khi đó, nguồn cung dầu được nhận định sẽ bị suy giảm do OPEC+ cắt giảm sản lượng khai thác.

Do đó, IEA cảnh báo thị trường sẽ rơi vào trạng thái thiếu hụt nguồn cung dầu kể từ quý 2/2023 và mức thiếu hụt sẽ tăng lên khoảng 2 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. IEA cũng nhấn mạnh sự bất hợp lý giữa giá dầu hiện nay với triển vọng cung - cầu trong tương lai.

Trong những phiên giao dịch gần đây, giá dầu thô đang chịu áp lực giảm khi đàm phán trần nợ công của Hoa Kỳ chưa có tín hiệu tích cực. Vòng đàm phán mới nhất về vấn đề trần nợ công giữa Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hoà với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thuộc đảng Dân chủ diễn ra ngày 23/5 tiếp tục rơi vào bế tắc.

Giới đầu tư lo ngại nếu Hoa Kỳ không kịp đạt thoả thuận nâng trần nợ công kịp thời trước hạn chót 1/6 tới đây thì các thị trường tài chính sẽ gặp biến động lớn, thậm chí nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái.

Tường Vy