Giá dầu thô 22/5: Tiếp tục giảm trước các lo ngại về vấn đề trần nợ công của Hoa Kỳ và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc

Trong sáng nay ngày 22/5, giá dầu thô thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm khi thị trường lo ngại về vấn đề trần nợ công của Hoa Kỳ và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 10h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 75,06 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 70,97 USD/thùng. Giá dầu thô tiếp tục chịu áp lực giảm khi thị trường lo ngại về triển vọng đàm phán trần nợ công của Hoa Kỳ cũng như dữ liệu yếu kém về nền kinh tế Trung Quốc.

Chuyên gia phân tích thị trường Tony Sycamore thuộc hãng phân tích IG (Australia) cho biết vấn đề đàm phán trần nợ công của Hoa Kỳ hiện là nhân tố chính chi phối diễn biến thị trường dầu thô.

Sáng ngày 20/5 (theo giờ Việt Nam), Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy thông báo nối lại tiến trình đàm phán trần nợ công. Trước đó, vào ngày 19/5, ông Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hoà thông báo đã dừng thảo luận với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thuộc đảng Dân chủ do hai bên chưa tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề, khiến hai bên khó có thể sớm đạt được thoả thuận như kỳ vọng.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại Nhật Bản, Tổng thống Joe Biden đã trấn an các nhà lãnh đạo thuộc nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) rằng ông tin tưởng các cuộc đàm phán về trần nợ công sẽ đạt được kết quả tốt. Giới phân tích cảnh báo việc Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, không đạt được thoả thuận nâng trần nợ công kịp trước hạn chót ngày 1/6 có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, thị trường còn lo ngại tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, có thể yếu hơn kỳ vọng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô trong thời gian tới. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất và sử dụng nhiên liệu lớn thứ hai thế giới.

Trong tuần trước, bất chấp các thông tin tiêu cực, giá dầu thô thế giới đã tăng gần 2%, đánh dấu tuần đầu tiên tăng giá trở lại sau mạch giảm giá kéo dài 4 tuần liên tiếp.

Hiện thị trường cũng đang tập trung quan sát tác động của việc liên minh OPEC+ tăng cường cắt giảm sản lượng kể từ đầu tháng này đến nguồn cung dầu thô trên toàn cầu. Tập đoàn JP Morgan cho biết tổng lượng xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu của liên minh OPEC+ hiện đã giảm 1,7 triệu thùng/ngày, mức giảm này tương đương hơn 1% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. JP Morgan cũng cho biết lượng dầu thô xuất khẩu của Nga cũng có thể sẽ bắt đầu giảm xuống kể từ cuối tháng 5.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đã cảnh bảo thị trường có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trong nửa cuối năm nay, mức thiếu hụt ước tính có thể lên đến 2 triệu thùng/ngày.  

Trong tuần trước, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Hoa Kỳ trong tuần này đã giảm tới 11 giàn, còn 575 giàn khoan. Đây là mức giảm theo tuần cao nhất kể từ hồi tháng 9/2021. Điều này sẽ khiến sản lượng khai thác dầu tại Hoa Kỳ giảm xuống trong thời gian tới; trong khi đó, thị trường đang dần bước vào mùa Hè - mùa cao điểm tiêu thụ nhiên liệu.

Tường Vy