Giá cước vận chuyển container khu vực châu Á giảm nhẹ

Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường hàng hoá S&P Global Commodity Insights cho thấy mức giá cước vận chuyển container trên tuyến từ Đông Nam Á – Bắc Mỹ đã giảm nhẹ trong tuần vừa qua do nhu cầu từ Trung Quốc vẫn ở mức yếu.
tàu container
Giá cước vận chuyển container trên tuyến từ Đông Nam Á – Bắc Mỹ đã giảm nhẹ trong tuần vừa qua do nhu cầu từ Trung Quốc vẫn ở mức yếu (Ảnh: The Business Times)

Cụ thể, giá cước vận chuyển container (đã bao gồm các loại phụ phí) trên tuyến từ Indonesia đi Bờ Đông Hoa Kỳ đạt 13.600 USD/FEU (1 container 40 feet), giảm 400 USD so với mức giá cách đây 1 tuần; và trên tuyến đến Bờ Tây Hoà Kỳ đạt 10.100 USD/FEU, giảm mạnh tới 3.200 USD/FEU so với cách đây 1 tuần.

Hãng S&P Global Commodity Insights dẫn lời một hãng giao nhận hàng hoá có trụ sở tại Indonesia cho biết việc Trung Quốc vẫn tiếp tục phong toả nhiều khu vực khiến hoạt động sản xuất bị hạn chế khiến nhu cầu chuyên chở giảm xuống, gây tác động tiêu cực lên giá cước vận chuyển container tại khu vực Đông Nam Á. Công ty này dự báo tình trạng ảm đạm này còn kéo dài cho đến ít nhất tháng 6 tới đây và cho biết hiện các hãng tàu đang còn dư chỗ để nhận các đơn hàng đi từ Đông Nam Á cho đến ít nhất cuối tháng 5 này.

Dữ liệu cho thấy giá cước vận chuyển từ cảng Singapore đến khu vực Bờ Đông Hoà Kỳ đạt 12.000 USD/FEU và đến khu vực Bờ Tây Hoa Kỳ đạt 10.125 USD/FEU. Tuy nhiên, hãng S&P Global Commodity Insights cũng cho biết có một số lô hàng chuyển đi từ Singapore đến một số cảng nhất định tại Hoa Kỳ có giá cước lên đến 15.000 USD/FEU.

Tại khu vực Nam Á, mức giá cước vận chuyển từ Bangladesh đến Bờ Đông Hoa Kỳ trong tuần vừa qua dao động từ 16.000 – 22.000 USD/FEU. Hãng S&P Global Commodity Insights dẫn lời một doanh nghiệp logistics tại Bangladesh cho biết “Dựa trên yêu cầu của các hãng vận chuyện, chúng tôi đang phải trả cước phí từ 16.000 – 22.000 USD/FEU. Mức giá này cao hơn đáng kể so với mức giá áp dụng cho các hãng logisitcs khác tại Ấn Độ. Tuy nhiên, tình hình bốc dỡ tại cảng Dhaka (Bangladesh) lại tốt hơn nhiều so với các cảng khác tại Ấn Độ”.

Thị trường hiện tiếp tục quan sát chặt chẽ diễn biến kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Thành phố Thượng Hải, nơi có cảng container lớn nhất thế giới, vừa mới cho biết sẽ cho phép dần mở lại các cửa hàng, doanh nghiệp kể từ ngày 16/5 tới đây sau gần 7 tuần phong toả chặt chẽ toàn thành phố.

Tuy nhiên, giới chức thành phố Thượng Hải vẫn chưa công bố chi tiết lộ trình nới lỏng các biện pháp phong toả. Giới quan sát cũng nhận định sẽ mất nhiều thời gian để các hoạt động sản xuất tại Thượng Hải nói riêng, tại Trung Quốc nói chung phục hồi lại sau thời gian dài bị áp đặt các biện pháp phong toả.

Duy Quang