FED có thể tạm ngưng tăng lãi suất trong tháng 6 nhưng chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ khó sớm dừng lại

Một số thành viên Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) hiện đề xuất có thể tạm ngừng tăng lãi suất trong tháng 6 nhưng nhấn mạnh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ chưa dừng hẳn.

Bà Lorie Logan, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) chi nhánh Dallas, vừa cho biết bà chưa sẵn sàng dừng hẳn quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của FED và lạm phát lõi tại Hoa Kỳ vẫn đang tăng. Đồng thời, bà Lorie Logan đề xuất phương án FED tạm thời dừng tăng lãi suất trong tháng sau.

Chủ tịch FED chi nhánh Atlanta ông Raphael Bostic cũng cho biết việc FED không tăng lãi suất trong tháng 6 không đồng nghĩa quá trình siết chặt chính sách tiền tệ của FED đã hoàn tất.

"Thế giới còn rất nhiều điều bất ổn. Chúng tôi phải xem mọi thứ diễn ra như thế nào, tìm ra đâu là tín hiệu thực sự, đâu là yếu tố gây nhiễu. Đây là vấn đề cần đánh giá lại hàng tuần", Chủ tịch FED chi nhánh Atlanta giải thích.

Cuối tuần trước, Thống đốc FED bà Michelle Bowman cho biết các dữ liệu lạm phát hiện nay chưa đủ tốt để bà tin rằng lạm phát tại Hoa Kỳ đang giảm xuống.

FED tăng lãi suất
Sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp, mức lãi suất cơ bản tại Hoa Kỳ hiện ở mức cao nhất kể từ tháng 8/2007 - thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra. (Nguồn: CNBC)

Những ý kiến này được đưa ra sau khi FED tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp vào đầu tháng này, đưa lãi suất cơ bản tại Hoa Kỳ lên khoảng 5% - 5,25%, gần bằng với mức lãi suất trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007. Cơ quan này đang trong quá trình siết chặt chính sách tiền tệ nhanh và mạnh nhất chưa từng có tiền lệ nhằm kiềm chế lạm phát tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, lạm phát tại Hoa Kỳ hiện vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của FED. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 vừa qua của Hoa Kỳ tăng 4,9% và chỉ số CPI lõi (đã loại bỏ giá thực phẩm và giá năng lượng) tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ đang ở mức thấp nhất nhiều thập kỷ, đạt 3,4%. Đáng chú ý, các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ đang chấp nhận trả mức lương cao hơn cho người lao động. Điều này khiến cuộc chiến chống lạm phát của FED trở nên khó khăn hơn.

Sau đợt tăng lãi suất vừa rồi, FED đã cho biết có thể tạm dừng việc tăng lãi suất để có thời gian đánh giá tình hình kinh tế, lạm phát và các điều kiện trên thị trường tài chính trong thời gian tới để xác định mức độ phù hợp của các chính sách tiền tệ. FED nhấn mạnh sẽ đánh giá thận trọng chính sách tiền tệ theo từng phiên họp.

Ông Philip Jefferson – thành viên Hội đồng Thống đốc FED nhận định các tác động đầy đủ của việc thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn chưa thể hiện hết trong nền kinh tế.

Các quan điểm này cho thấy sự thận trọng của giới chức FED trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng những biến động gần đẩy của ngành ngân hàng Hoa Kỳ và bế tắc đàm phán trần nợ công sẽ kéo tụt nền kinh tế nước này. Trong đó, lãi suất tăng cao với mức độ nhanh được xem là nguyên nhân trực tiếp khiến 3 ngân hàng khu vực (regional bank) quy mô lớn tại Hoa Kỳ phá sản chỉ trong 2 tháng qua, kéo theo đó là những rủi ro trong hệ thống ngân hàng nước này. Tăng trưởng GDP quý 1/2023 của Hoa Kỳ chỉ đạt 1,1% khi các nguồn tín dụng bị siết chặt.

Giới quan sát đánh giá ngay cả khi không tăng lãi suất trong tháng 6, FED vẫn có thể ra tín hiệu thắt chặt thêm chính sách tiền tệ nếu cần thiết. Trong báo cáo hồi tháng 3, FED dự kiến đỉnh lãi suất của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ lần này là 5,1%. Sau lần tăng lãi suất thứ 10 thì mặt bằng lãi suất hiện nay đã chạm mức trên. Do đó, nếu FED nâng dự báo lãi suất thì đây sẽ là tín hiệu cho thấy cơ quan này sẽ tiếp tục tăng lãi suất từ tháng 7.

Thị trường hiện vẫn nghiêng về việc FED nâng lãi trong cuộc họp giữa tháng sau. Chủ tịch FED Jerome Powell có thể sẽ cung cấp thêm một số tín hiệu chính sách trong một buổi hội thảo của FED tại Washington (Hoa Kỳ) hôm 19/5.

Quỳnh Trang